Tìm kiếm "cầu duyên"

Chú thích

  1. Cầu ván
    Cầu được lát bằng những tấm ván nằm ngang. Đây là một loại cầu rất thường gặp ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, cùng với cầu khỉ, cầu dừa và cầu tre.

    Cầu ván

    Cầu ván

  2. Cầm
    Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
  3. Nhà dây thép
    Bưu điện. Gửi điện tín được gọi là "đánh dây thép." Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, hiện nay ít được dùng.
  4. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  5. Đây là ba nghề bị coi là hèn hạ ngày trước.
  6. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  7. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Săn sắt
    Còn gọi là cá thia lia hoăc cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân hình rất nhỏ nhưng rất phàm ăn.

    Cá cờ

    Cá cờ

  9. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  11. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  12. Nồi gọ
    Chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
  13. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  14. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Ân oai
    Nói về người có quyền, có ân mà lại có oai nghi, người ta cảm mà lại sợ (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  17. Cô hồn
    Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.

    Một mâm cúng cô hồn

    Một mâm cúng cô hồn

  18. Cầu Nôm
    Tên một cái chợ ở đầu làng Nôm, xưa thuộc phủ Thuận Yên, trấn Kinh Bắc, nay thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Làng có một cây cầu đá đã 200 tuổi, bắc qua sông Nguyệt Đức, tên là cầu Nôm, có lẽ là nguồn gốc của tên chợ, rồi tên làng. Dân làng ngày xưa có nghề buôn đồng nát.

    Cầu Nôm

    Cầu Nôm

  19. Nỏ mồm
    Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
  20. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  21. Câu quăng
    Cách câu cá dùng cần dài, mồi thường lớn (ếch, nhái), khi thả câu thì quăng thật xa bờ.
  22. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tam Quăng.
  23. Rinh
    Bê (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.

    Cái vò

    Cái vò

  25. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  26. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  27. Cá cựu
    Cá sống lâu năm trong vùng đất ngập nước hoặc ở lâu trong đìa liên tiếp mấy năm không tát.
  28. Rồng mây
    Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
  29. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  30. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  31. La Sát
    Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
  32. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  33. Kỳ lân
    Một trong tứ linh, trong văn hóa của một số nước Đông Á. Lân có thể đi trên cỏ mà không làm hư hại cỏ, không làm tổn hại các sinh vật nhỏ bé sống trên đó. Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, và sừng là biểu hiện của từ tâm vì không húc ai bao giờ.

    Tượng kỳ lân

    Tượng kỳ lân

  34. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  35. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).