Anh sắm cho em một cái khăn cha chả là đỏ
Một cái áo vải nhỏ thôi lại cổ kiềng
Răng đến chừ em lại có tình riêng
Anh đón đường kiệt lộ đòi lại liền áo khăn
– Trà Ô Long em phong giấy lại
Rượu Kim Cúc anh uống em đậy em dằn
Thịt heo rừng bóp tái, thịt heo nái xào lăn
Anh đi lên anh uống, anh đi xuống anh ăn
Bao nhiêu lọn tóc, áo khăn em khấu trừ!
Tìm kiếm "bao chừng"
-
-
Thanh nhàn kể chuyện thuốc lào
Thanh nhàn kể chuyện thuốc lào
Kể từ gieo hạt biết nào công phu
Khi cất gánh, lúc lu bù
Phân tro, cỏ giã, sắm lo mọi bề
Sau rồi hái cái đưa về
Kẻ rọc, người cuộn tứ bề xôn xao
Định ngày hẹn thợ lao đao
Chè trưa, rượu sớm biết bao nhiêu tiền
Hoặc hồ rũ, hoặc nguyên mền
Khi nào đóng bánh mới yên trong mình -
Bước sang tháng sáu giá chân
Bước sang tháng sáu giá chân
Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
Con chuột kéo cày lồi lồi
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong
Vườn rộng thì thả rau rong
Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa
Đàn bò đi tắm đến trưa
Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
Voi kia nằm dưới gậm giường
Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn … -
Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
Kiếp khổ nghèo ai chả như ai
Còi tầm chiều, tối, ban mai
Búa rìu, đèn đất khoác vai vào lò
Tìm cái sống hơn lo cái chết
Sập hầm lò hết kiếp ngựa trâu
Chui vào lò giếng sâu sâu
Chui sang lò chợ trông nhau dặn dò
Đã đeo cái thẻ phu lò
Khéo chui thì thoát, khéo bò thì lên
Khói cửa lò người đen như cháy
Mình đầu trần nhễ nhại mồ hôi
Đời người đến thế thì thôi
Bát cơm mấy bát mồ hôi cho vừa
Mong đất nước bao giờ đổi mới
Dân Nam mình thoát khỏi cùm gông
Hai mươi nhăm triệu tiên rồng
Chen vai gánh vác non sông mới là. -
Em thấy anh tương tư bệnh chắc
Em thấy anh tương tư bệnh chắc,
em rước ông thầy thuốc Bắc,
em sắc hai chục chén còn lại một phân,
bỏ thêm một lát gừng sống,
một đống gừng lùi,
một nùi chuối hột,
một hộp đương quy,
một ky trái táo,
năm sáu chục trái cà na,
thần sa một lượng,
khoai sượng một chục,
măng cụt một trăm,
rau răm một đám,
cám một bao,
con gái lao rao mười hai đứa,
sứa lửa vài trăm,
lại thêm huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm.
Uống ba thang mà anh không mạnh,
thì em đào hầm chôn luôn! -
Hùm chết để da, người ta chết để tiếng
Hùm chết để da, người ta chết để tiếng
Dị bản
Báo chết để da, người ta chết để tiếng
-
Vuông vuông cửa đóng hai đầu
-
Không ăn thì bị đói
-
Không cánh mà bay mới lạ đời
-
Tam Giang rộng lắm ai ơi
Tam Giang rộng lắm ai ơi
Có ai về Sịa với tôi thì về
Đất Sịa có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm ănDị bản
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranhAnh có về Kinh Bắc quê em
Mà nghe quan họ, mà xem làng nghề
Quê em có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề cửi canhHỡi cô thắt dải bao xanh
Có về kẻ Bưởi với anh thì về
Làng anh có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề can seo
-
Tà tà bóng ngả trăng nghiêng
Dị bản
Tà tà bóng ngả trăng nghiêng
Bao nhiêu vui về bạn, bấy nhiêu phiền về ta
-
Tay cầm cuốn sách bìa vàng
Dị bản
Tay cầm cuốn sách bìa vàng
Sách bao nhiêu chữ dạ anh thương nàng bấy nhiêu
-
Anh xa em chưa đầy một tháng
Anh xa em chưa đầy một tháng
Nước mắt lai láng hết hăm tám đêm ngày
Răng chừ nước ráo Đồng Nai
Sông Gianh hết chảy, mới phai lời nguyềnDị bản
Anh xa em một tháng
Nước mắt em lai láng hai mươi tám đêm ngày
Khi nào gió đánh tan mây
Sông Lam hết nước em đây đỡ buồn.Anh xa em chưa đầy một tháng
Nước mắt lai láng, hết hăm tám đêm ngày
Chừng nào cạn lạch Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời thềAnh xa em chưa đầy một tháng
Nước mắt lai láng hai tám đêm ngày
Bao giờ cạn rạch Thầy Cai
Nát chùa Phước Hậu em mới sai lời nguyền.
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Vè chửi ăn cắp
Tổ cha nó
Cái thằng ăn cắp
Nó bắt con gà vàng khoan cổ
Con gà nổ khoan lông
Nó nấu nồi đồng
Nó nấu nồi đất,
Nó ăn lật đật
Nó trật xương quai
Nó lòi bản họng
Mà nó cứ tọng vô mồm
Cái mồm thối mồm tha
Mồm ma mồm quỷ
Mồm đĩ mồm chó
Tổ cha nó!Dị bản
Tổ cha mày
Cái đứa đen lòng xanh cật
Mặt sấp mo nang
Rình ngang rình ngửa
Bắt gà của bà
Ở nhà bà
Nó là gà xương gà thịt
Về nhà mày
Nó là thần nanh xanh, mỏ đỏ
Nó mổ mắt mày
Ở nhà bà
Nó là gà gấm gà hoa
Sang nhà mày
Nó là ác cầm ác thú
là cú là cáo
là báo là hổ
Vồ cả nhà mày
Giày cả nhà mày.
-
Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt bỏ ve
Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt bỏ ve
Ai kêu tôi đó, dạ có tôi đây
Bốn mùa bông cúc vần xoay
Để xem trời định duyên này về đâuDị bản
Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt đầy ve
Bao giờ mặt trời hết quay
Thì qua với bậu mới dứt dây cang thường
-
Bên Tây có chiếc tàu sang
Bên Tây có chiếc tàu sang
Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
Cho nên anh chịu âm thầm
Vai vác khẩu súng, tay cầm bình-toong
Ra đi sông cạn đá mòn
Ra đi thương nhớ vợ con ở nhà
Việc Tây anh phải trẩy xa
Khi ở Hà Nội khi ra Hải Phòng
Nói ra đau đớn trong lòng
Vợ con nào biết vân mòng là đâuDị bản
Bên Tây có chiếc tàu sang
Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
Cho nên anh chịu âm thầm
Vai vác khẩu súng, tay cầm bình-toong
Ra đi sông cạn đá mòn
Ra đi thương nhớ vợ con ở nhà
Việc Tây anh phải trẩy xa
Khi ở Hà Nội khi ra Hải Phòng
Nói ra đau đớn trong lòng
Vợ con nào biết Hải Phòng là đâu
Việc Tây như lửa trốc đầu
Cho nên anh dặn trước sau mọi lời
Chú thích
-
- Cha chả
- Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Áo cổ kiềng
- Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Đường kiệt
- Đường hẻm nhỏ (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Trà Ô Long
- Một loại trà ngon có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tùy vào thành phần và cách chế biến mà trà có nhiều hương vị rất khác nhau.
-
- Rượu cúc
- Tên Hán Việt là hoàng hoa tửu, một loại rượu chưng cất từ hoa cúc, được người xưa xem là rượu quý dành cho người biết hưởng thụ.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
(Cảm Tết - Tú Xương)
-
- Thuốc lào
- Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.
Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.
-
- Sau khi rọc, lá thuốc được cuộn thành những cuốn thuốc dài 2,5-2,8 m, đường kính 20-25 cm. Cuộn lá thuốc thành cuốn cũng là một kĩ thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo để cuộn thuốc không quá mềm rỗng hoặc quá cứng. Nếu cuộn thuốc mềm thì không khí bên trong cuộn còn nhiều, dễ gây thối hoặc héo lá. Nếu cứng quá thì thuốc cũng dễ thối và lá thuốc không đủ độ “chín” khi thái.
-
- Hồ rũ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ rũ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Nguyên mền
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nguyên mền, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Giá
- Lạnh buốt.
-
- Vãi
- Ném vung ra.
-
- Ngồng
- Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.
-
- Mông Dương
- Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Đèn đất
- Loại đèn của thợ mỏ ngày trước, được thắp sáng bằng phản ứng hóa học giữa đất đèn (acétylen) và nước.
-
- Lò giếng
- Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
-
- Lò chợ
- Nơi nhiều thợ mỏ cùng trực tiếp khai thác than trong mỏ.
-
- Thuốc bắc
- Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.
-
- Lùi
- Nướng bằng cách ủ (khoai, mía, bắp...) vào tro nóng cho chín.
-
- Chuối hột
- Một loại chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á, quả có nhiều hạt, là một trong những tổ tiên của các loại chuối hiện đại. Ở ta, chuối hột non (chuối chát) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngoài ra chuối hột còn được dùng làm vị thuốc.
-
- Ki
- Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
-
- Trám
- Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.
-
- Chu sa
- Thể bột được gọi là chu sa, thể cục gọi là thần sa, một loại khoáng thạch có màu đỏ (chu sa có nghĩa là cát đỏ) được dùng trong Đông y, có tác dụng an thần.
-
- Măng cụt
- Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.
-
- Rau răm
- Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.
-
- Sứa lửa
- Một loại sứa có màu hồng nhạt, trong xúc tu có nhiều tế bào gai chứa chất độc có thể gây nguy hiểm cho người nếu chạm phải.
-
- Huỳnh liên
- Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.
-
- Gáo vàng
- Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.
-
- Hoàng cầm
- Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...
-
- Thang thuốc
- Một gói gồm các vị thuốc có một tác dụng chung nào đó (trị bệnh, bồi bổ cơ thể...). Một thang thuốc thường chia sắc uống làm hai lần hoặc ba lần, tùy đơn kê của thầy thuốc.
-
- Chệch
- Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
-
- Phá Tam Giang
- Tên một cái phá nay thuộc địa phận của ba huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phá Tam Giang có khúc cạn khúc sâu bất thường nên việc đi lại rất khó khăn nguy hiểm.
Ngày nay phá Tam Giang là một hệ sinh thái rộng 52 km², cung cấp hàng nghìn tấn hải sản hàng năm, đồng thời cũng là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Huế.
-
- Sịa
- Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:
- Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
- Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
- Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.
-
- Đông Hồ
- Tên Nôm là làng Mái, một làng nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với nghề làm tranh in truyền thống trên giấy điệp. Để làm giấy điệp in tranh, người làng Đông Hồ giã nát lớp vỏ mỏng của một loại sò biển tên là điệp, trộn với hồ nấu từ bột gạo tẻ, gạo nếp hoặc bột sắn rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường tranh Đông Hồ chỉ dùng nhiều nhất 4 màu.
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
-
- Kinh Bắc
- Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...
Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họ và lễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
-
- Quan họ
- Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...
Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)
-
- Yên Thái
- Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
-
- Seo
- Một công đoạn trong quá trình làm giấy dó. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó.
-
- Tà
- Chếch hẳn về một phía (nói về mặt trời hay mặt trăng) khi ngày hoặc đêm đã quá muộn, đã sắp hết.
-
- Mảng
- Mải, mê mải (từ cũ).
-
- Sông Đồng Nai
- Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.
-
- Sông Gianh
- Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
-
- Chùa Thiên Mụ
- Còn gọi là chùa Linh Mụ, một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1601, nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, thành phố Huế.
-
- Chùa Phước Hậu
- Một ngôi chùa hiện ở ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên bờ sông Hậu. Chùa được dựng lên trên nền của một chiếc am tranh vào năm 1894 với tên là chùa Đông Hậu. Đến năm 1910 Phật tử địa phương đã thỉnh hòa thượng Hoằng Chỉnh ở chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) vào trụ trì và đổi tên là Phước Hậu. Chùa là tổ đình của Phật giáo dòng Lâm Tế.
-
- Tọng
- Nhồi nhét vào.
-
- Bánh canh
- Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.
-
- Bánh canh ngọt
- Loại chè được làm từ sợi bánh canh nấu với nước đường, thêm gừng cho thơm.
-
- Rượu bọt bỏ ve
- Cách gọi nước ngọt hoặc xá xị của người Nam Bộ ngày trước, theo Sơn Nam. Xem thêm ve.
-
- Lính tập
- Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.
-
- Bi đông
- Cũng gọi là bình toong, phiên âm từ gốc Pháp bidon, đồ đựng bằng kim loại hoặc nhựa, miệng nhỏ, thân to và hơi dẹt, có nắp đậy bằng cách vặn, dùng đựng nước uống hoặc nói chung các chất lỏng để mang đi.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Hải Phòng
- Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.
-
- Vân mòng
- Tăm hơi, tin tức. Tham khảo thêm.
-
- Trốc
- Nhổ, làm cho bị lật lên cả mảng, cả khối.