Tìm kiếm "trăng thu"

Chú thích

  1. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  2. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  3. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  4. Sưa
    Còn được gọi là huỳnh đàn, trắc thối, một loại cây thân cao, tán rộng, dẻo dai, chống chịu gió bão tốt, cho gỗ quý. Gỗ sưa chắc, thơm và nặng hơn gỗ bình thường, đặc biệt có vân gỗ rất đẹp nên rất được ưa chuộng để làm những đồ mĩ nghệ có ý nghĩa phong thủy, tâm linh. Cây sưa cũng được trồng lấy bóng mát.

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

  5. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  6. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  7. Đền Quán Thánh
    Một ngôi đền nằm bên cạnh hồ Tây, trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa. Đền được xây dựng vào thời Lý Thái Tổ, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, nên cũng gọi là đền Trấn Vũ hoặc đền Trấn Võ.

    Đền Quán Thánh

    Đền Quán Thánh

  8. Hồ Hoàn Kiếm
    Còn gọi là hồ Gươm, hồ Hoàn Gươm, Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hữu Vọng, một hồ nước ngọt tự nhiên thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm (trả gươm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần.

    Hồ Gươm xưa

    Hồ Gươm xưa

  9. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  10. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  11. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  12. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  13. nghĩa là "sao, thế nào" (từ Hán Việt). Câu này có thể hiểu nôm na là quê quán ở vùng nào, thành phố nào.
  14. Bình Dương
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có tỉnh lị là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai lập thành tam giác kinh tế mũi nhọn của miền Nam.

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

  15. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Thúc bá
    Chú bác (từ Hán Việt).
  17. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  18. Kinh thương mãi mại
    Phát triển gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán (kinh: gầy dựng phát triển; thương: việc buôn bán; mãi: mua; mại: bán).
  19. Nông tang
    Làm ruộng (nông) và trồng dâu tằm (tang).
  20. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  21. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  22. Xì phé
    Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.

    Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.

    Xì phé

    Xì phé

  23. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  24. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  25. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  26. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  27. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  29. Nguyễn Thân
    (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
  30. Mãi quốc
    Bán nước (từ Hán Việt).
  31. Chừng mô
    Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
  32. Sơn băng thủy kiệt
    Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
  33. Ô Loan
    Một đầm nước lợ thuộc tỉnh Phú Yên, dưới chân đèo Quán Cau, lấy nước từ sông Cái và một số sông nhỏ khác. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  34. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  35. Long Thủy
    Tên cũ là Mỹ Á, một ngôi làng trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nằm sát biển, nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thủy rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn. Tại đây có bãi biển Long Thủy, nhìn ra xa là cụm Hòn Chùa, Hòn ThanHòn Dứa.
  36. Có bản chép: anh.
  37. Lá trầu lương
    Lá trầu nằm ở sát gốc, mọc ra từ thân chính của dây trầu. Lá trầu lương dày, xanh thẫm, chỉ dùng để làm thuốc, không dùng để ăn.
  38. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  39. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  40. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  41. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  42. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  43. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  44. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  45. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  46. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  47. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  48. Có bản chép: Hoa.
  49. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  50. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  51. Căn phần
    Căn duyên, số kiếp (từ Hán Việt).
  52. Bất tuân giáo hóa
    Không nghe lời dạy bảo.
  53. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  54. Vùa
    Một loại đồ đựng bằng sành hoặc đất nung. Ở một số địa phương Nam Bộ, người ta cũng gọi cái gáo (dừa) múc nước là vùa.

    Từ này cũng được phát âm thành dùa.

  55. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  56. Lồng mốt, lồng hai
    Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

  57. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  58. Đậu rồng
    Còn gọi là đậu khế, hay đậu xương rồng, hoặc đậu cánh, thuộc loại thân thảo leo, nếu được dựng giàn, đậu rồng có thể bò lan trên 3m. Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, giàu dinh dưỡng lại rất dễ trồng.

    Đậu rồng

    Đậu rồng

  59. Đu đủ
    Loại cây ăn quả rất thường gặp ở Việt Nam. Quả đu đủ có thể ăn xanh (làm nộm, hầm, hoặc làm mắm) hoặc ăn chín.

    Cây và quả đu đủ, từ quyển Medicinal-Plants (1887) của Koehler

    Cây và quả đu đủ, từ quyển Medicinal-Plants (1887) của Koehler

  60. Chuối chát
    Chuối hột lúc còn non, thường được dùng trong các món trộn hoặc rau sống.

    Chuối chát

    Chuối chát

  61. Khóm
    Loại cây có họ hàng với dứa, ở mép lá có răng như gai nhọn, khi chín quả không có màu vàng như dứa. Ở một số vùng người ta cũng gọi chung khóm và dứa là một.
  62. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  63. Cà dái dê
    Còn có tên là cà tím, quả mọng nhiều cùi thịt, chứa nhiều hạt nhỏ và mềm, được dùng để chế biến thức ăn trong nhiều nền ẩm thực Á, Âu. Tên cà tím và cà dái dê đều không thực chính xác vì có nhiều quả cà tím không mang màu tím, hay không có hình thù như dái dê.

    Cà tím

    Cà tím

  64. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  65. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  66. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  67. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  68. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  69. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  70. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  71. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  72. Đường thắng
    Cũng gọi là kẹo đắng hoặc nước hàng, ở miền Trung gọi là đường rim, loại đường được tạo thành bằng cách cho đường hoa mơ hoặc đường đỏ được vào nồi, đun cho tan chảy, cho thêm một chút nước đun cho quánh lại. Đường rim có thể được cô thành cục, dùng để kho thịt, cá nhằm tạo màu hoặc làm gia vị.

    Thắng đường

    Thắng đường

  73. Tiềm
    Đồ đựng bằng sành sứ giống như cái nồi nhỏ, có nắp, dùng đựng cơm, thức ăn.

    Cái tiềm sứ

    Cái tiềm sứ

  74. Thuốc rê
    Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.

    Thuốc rê

    Thuốc rê

  75. Giấy quyến
    Loại giấy rất mỏng dùng để quấn thuốc lá hút.
  76. Liễn
    Đồ bằng sành hoặc sứ dùng để đựng đồ ăn thức uống, thường có nắp đậy.

    Liễn sứ thời nhà Lê

    Liễn sứ thời nhà Lê

  77. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  78. Cau lửa
    Một giống cau cho quả có màu đỏ.

    Cau lửa

    Cau lửa

  79. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  80. Lộ phí
    Tiền đi đường (từ Hán Việt).
  81. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  82. Đường phèn
    Loại đường làm từ mía (như đường cát bình thường) nhưng công đoạn chế biến phức tạp hơn. Người ta làm đường phèn bằng cách nấu sôi đường cát với trứng gà và nước vôi, hớt bọt rồi thả những cái đũa có buộc các búi chỉ vào, để khô thành những cục đường kết tinh trong suốt gọi là đường phèn. Đường phèn có vị thanh và dịu hơn đường cát. Vì nhìn giống đá băng nên đường phèn còn có tên là băng đường.

    Đường phèn

    Đường phèn

  83. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  84. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  85. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".