Tìm kiếm "bao chửa"

  • Trách duyên lại giận trăng già

    Trách duyên lại giận trăng già
    Xe tơ lầm lỗi hóa ra chỉ mành
    Biết ai than thở sự tình
    Chẳng qua mình lại biết mình mà thôi
    Lấy chồng gặp phải kẻ tồi
    Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay
    Cả ngày chỉ rượu sưa say
    Khi nay thuốc phiện khi nay tài bàn
    Nói ra mang tiếng phũ phàng
    Nín đi thì não can tràng xiết bao
    Cũng thì phận gái má đào
    Người thì gặp được anh hào đảm đang
    Mình thì cũng dự phấn hương
    Gặp nơi lêu lổng chẳng thương chút nào

  • Vè Thánh Gióng

    Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương
    Ân sai hăm tám tướng cường ngũ nhung
    Xâm cương cậy thế khỏe hùng
    Kéo sang đóng chặt một vùng Vũ Ninh
    Trời cho thánh tướng giáng sinh
    Giáng về Phù Đổng ẩn hình ai hay
    Mới lên ba tuổi thơ ngây
    Thấy vua cầu tướng ngày rày ra quân

  • Một giờ ra ngõ ngó trông

    Một giờ ra ngõ ngó trông
    Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
    Hai giờ ra đứng đầu làng
    Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
    Ba giờ giả chước đi chơi
    Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
    Bốn giờ gió ủ mây che
    Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
    Năm giờ dời gót về nhà
    Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
    Sáu giờ đèn hạt lưu ly
    Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
    Bảy giờ dọn dẹp trong giường
    Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
    Tám giờ tim lửng, dầu hao
    Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
    Chín giờ nghĩ giận phận mình
    Trách răng căn số của mình mần ri
    Mười giờ còn biết nói chi
    Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
    Mười một giờ mây lạc trăng chênh
    Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
    Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
    Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai.

  • Duyên ta là ngãi tình cờ

    Duyên ta là ngãi tình cờ
    Bấy lâu luống những ngẩn ngơ chờ chàng
    Gặp nhau đây đá thử vàng
    Miếng trầu thết đãi dạ mang chữ tình
    Tương tư buồn bực trong mình
    Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười
    Quên sầu thiếp gượng làm tươi
    Đồ huê nguyệt sợ miệng cười thế gian
    Trốn cha trốn mẹ theo chàng
    Vì chàng nên thiếp lạc ngàn lên đây
    Đến đây thiếp ở lại đây
    Bao giờ quế mọc xanh cây mới về
    Đã đành nên thiếp nên thê
    Nên khăn nên gối không vê cũng tròn
    Non mòn nhưng nghĩa không mòn…

  • Tài nguyên than mỏ nước Nam

    Tài nguyên than mỏ nước Nam
    Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
    Chỉ vì đói rách phải đi
    Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
    Một nghìn chín trăm ba ba
    Là năm Quý Dậu con gà ác thay
    Kể dời phu mỏ Hòn Gai
    Công ty than của chủ Tây sang làm
    Chiêu phu mộ Khách, An Nam
    Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
    Than ra ở các mỏ này
    Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
    Bán than cho các nước ngoài
    Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
    Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
    Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
    Làm ra máy trục, máy sàng
    Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
    Va-gông, than chở về ga
    La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
    Để cho xe hỏa dắt dồn
    Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
    Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
    Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
    Cửa Ông là Cẩm Phả po
    Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
    Ngoại giao các nước thông thương
    Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
    Tây Bay coi sổ la voa
    Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
    Một đường đi thẳng Hà Lầm
    Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về

  • Anh đừng tư lự, thất tình

    Anh đừng tư lự, thất tình
    Rồi đây trúc cũng hiệp bình với mai
    Anh đừng than ngắn thở dài
    Nào ai đã nỡ bỏ ai nên phiền
    Nói ra về lúc Vân Tiên
    Chàng mà xa thiếp, thiếp chịu phiền sáu năm
    Sương sa lụy nhỏ đầm đầm
    Đặt mình xuống chiếu, bụng nằm chiêm bao
    Cũng vì nhơn nghĩa anh trao
    Cho nên nước mắt nhỏ trào như mưa

  • Kể từ đồn Nhứt kể vô

    Kể từ đồn Nhứt kể vô,
    Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô, xuống Hàn
    Hà Thân, Quán Cái, Mân Quang
    Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra
    Ngó lên chợ Tổng bao xa
    Bước qua Phú Thượng, Ðại La, Cồn Dầu
    Cẩm Sa, chợ Vải, Câu Lâu
    Ngó lên đường cái, thấy cầu Giáp Năm
    Bây chừ, thiếp viếng, chàng thăm
    Ở cho trọn nghĩa, cắn tăm nằm chờ.

  • Tình chồng vợ anh không tưởng tới

    Tình chồng vợ anh không tưởng tới
    Nghĩa sinh thành anh chẳng kể chi
    Sao anh bất thức bất tri
    Anh đi lính mộ được gì đâu na
    Anh nghe em hỏi đây mà
    Ai sinh ai đẻ anh ra thành người
    Sao anh không sợ người cười
    Cái nòi lính mộ mấy đời sướng thân
    Hỏi anh anh phải phân trần
    Cha già mẹ yếu đỡ đần cậy ai?
    Tình non nghĩa nước bao ngày
    Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương

  • Kể từ cất gánh đi buôn

    Kể từ cất gánh đi buôn
    Lúa còn ba cót, bạc còn ba trăm
    Khoai lang khô, đỗ phộng đầy thùng
    Chàng giao cho thiếp, giữ cùng thiếp ăn
    Bây giờ cót ngã, bồ lăn
    Khoai lang khô cũng hết, thùng văng ra ngoài
    Bởi vì cứ mảng theo trai
    Bao nhiêu tiền của ăn xài hết trơn

  • Nhà anh thật khó, không giàu

    Nhà anh thật khó, không giàu
    Có lời trước, kẻo sau phàn nàn
    Nhà anh chỉ có một gian
    Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
    Nồi đất anh treo tứ phương
    Chổi cùn, chiếu rách đầy giường em ơi
    Không tin, em về mà coi
    Chả rồi em bảo là người nói ngoa
    Nhà anh có một vườn hoa
    Bốn cây cứt lợn xinh đà nên xinh
    Trong nhà sập gụ mới tinh
    Niễng chui vào bếp, gập ghềnh ba chân
    Em lấy anh sung sướng nhất trên trần!

    Dị bản

    • Anh đây thật khó, không giàu,
      Anh xin nói trước, kẻo sau phàn nàn
      Nhà anh chỉ có một gian,
      Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
      Trời làm một trận mưa tuôn,
      Nửa bếp cũng đổ, nửa buồng cũng xiêu.

  • Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?

    Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
    Cái gì sáng tỏ hơn sao trên trời?
    Cái gì em trải anh ngồi?
    Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào?
    Cái gì mà sắc hơn dao?
    Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
    Cái gì trong trắng ngoài xanh?
    Cái gì soi tỏ mặt anh, mặt nàng?
    Cái gì xanh, đỏ, trắng, vàng?
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư?
    Cái gì năm đợi tháng chờ?
    Cái gì em đội phất phơ trên đầu?
    Cái gì sắc hơn dao cau?
    Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?
    Một quan là mấy trăm đồng?
    Một mối tơ hồng là mấy trăm dây?
    Một cây là mấy trăm cành?
    Một cành là mấy trăm hoa?
    Em ngồi em giảng cho ra,
    Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em
    – Đất thì thấp, trời thì cao
    Ngọn đèn sáng tỏ hơn sao trên trời
    Chiếu hoa em trải anh ngồi
    Khi buồn thơ thẩn ra chơi vườn đào
    Con mắt em sắc hơn dao
    Trứng gà phơn phớt lòng đào hỡi anh
    Cau non trong trắng ngoài xanh
    Gương tàu soi tỏ mặt anh, mặt nàng
    Chỉ ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, tím, vàng
    Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư
    Đôi ta năm đợi, tháng chờ
    Cái khăn em đội phất phơ trên đầu
    Con mắt anh liếc sắc hơn dao cau
    Cau non tiện chũm cho nhau ăn cùng
    Một quan là sáu trăm đồng
    Một mối tơ hồng là sáu trăm dây
    Một cây là sáu trăm cành
    Một cành là sáu trăm hoa
    Thưa anh em đã giải ra
    Mong anh kết nghĩa giao hòa cùng em!

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Tôi cưới bà từ thuở mười lăm

    Tôi cưới bà từ thuở mười lăm
    Vợ chồng hủ hỉ ăn nằm với nhau
    Nhớ hồi nào bà ốm bà đau
    Tôi lo thang thuốc cho bà mau chóng lành
    Bây giờ bà béo nước bà ngọt canh
    Bà quên đi cái nghĩa ba sinh thuở nào
    Tôi nói ra chẳng phải tính công lao
    Tôi nuôi bà mập ú cặp nhũ bà tròn inh
    Bây giờ bà bạc nghĩa bạc tình
    Để tôi ngậm đắng cũng chịu đành vậy thôi
    Gia tài chẳng có là bao
    Chỉ có cái cối giã gạo của tôi với bà
    Mai này lỡ có ra tòa
    Bà rinh cái cối tôi na cái chày
    Đêm về ngẫm nghĩ gác tay
    Cái cối bà lạnh lẽo mới sang mượn cái chày của tôi.

  • Tháng giêng thì lúa xanh già

    Tháng giêng thì lúa xanh già
    Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
    Tháng tư cuốc đất trồng lang
    Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
    Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
    Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
    Gặt về đạp lúa phơi rơm
    Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
    Lúa khô giê sạch cất ngay
    Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
    Mùa đông mưa bão nhiều lần
    Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
    Tháng mười cày cấy mưa to
    Trông trời, trông đất cầu cho được mùa

  • Anh sắm cho em một cái khăn cha chả là đỏ

    Anh sắm cho em một cái khăn cha chả là đỏ
    Một cái áo vải nhỏ thôi lại cổ kiềng
    Răng đến chừ em lại có tình riêng
    Anh đón đường kiệt lộ đòi lại liền áo khăn
    – Trà Ô Long em phong giấy lại
    Rượu Kim Cúc anh uống em đậy em dằn
    Thịt heo rừng bóp tái, thịt heo nái xào lăn
    Anh đi lên anh uống, anh đi xuống anh ăn
    Bao nhiêu lọn tóc, áo khăn em khấu trừ!

  • Thanh nhàn kể chuyện thuốc lào

    Thanh nhàn kể chuyện thuốc lào
    Kể từ gieo hạt biết nào công phu
    Khi cất gánh, lúc lu bù
    Phân tro, cỏ giã, sắm lo mọi bề
    Sau rồi hái cái đưa về
    Kẻ rọc, người cuộn tứ bề xôn xao
    Định ngày hẹn thợ lao đao
    Chè trưa, rượu sớm biết bao nhiêu tiền
    Hoặc hồ rũ, hoặc nguyên mền
    Khi nào đóng bánh mới yên trong mình

  • Vè đội Cấn

    Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
    Nước Nam mình phút dậy can qua
    Thái Nguyên nay có một tòa
    Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
    Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
    Ông Đội ra đi trước cầm binh
    Rủ nhau lập tiểu triều đình
    Những là cai đội khố xanh bằng lòng
    Duy phó quản bất tòng quân lệnh
    Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
    Sai người mở cửa nhà pha
    Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
    Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
    Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
    Rồi ra làm lễ tế trời
    Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang

  • Chợ nào chợ chẳng có quà

    Chợ nào chợ chẳng có quà
    Người nào chả biết một và bốn câu
    Ở đâu đất đỏ như nâu
    Sao cô không hát vài câu huê tình
    Hỏi cô cô cứ làm thinh
    Để ta hát mãi một mình sao đang
    – Giã ơn quân tử nghìn vàng
    Buông ra cho khách hồng nhan được nhờ
    Cớ gì mà nắm giữa đường
    Nợ chàng không nợ vay chàng không vay
    Em van chớ nắm cổ tay
    Buông ra em nói lời này thở than
    Xin chàng chớ vội nắm ngang
    Xa xôi cách mấy dặm đàng cũng nên
    Tơ hồng chỉ thắm là duyên
    Bao giờ em thuận thì nên bấy giờ

  • Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

    Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
    Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè
    Nhớ hồi lên ngựa xuống xe
    Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non
    Cá mòi, cá nục y con
    Thịt heo y khúc lòng còn ước mơ
    Nhớ khi rau muống bò bờ
    Nhớ khi con nhện giăng tơ mới vào
    Nhớ lê, nhớ lựu, nhớ đào
    Đêm nằm tơ tưởng, chiêm bao mơ màng
    Trông đò chẳng thấy đò sang
    Cầm giằng quên gặt, nhớ đến nghĩa nàng, nàng ơi!

  • Đầu đường có một dây leo

    Đầu đường có một dây leo
    Trông cậy sậy nhỏ, ra điều mỉa mai
    Rằng: “Sao bé thấp lạ đời,
    Trông em, anh cũng nực cười lắm thay”
    Nghe lời, sậy mới đáp ngay,
    Rằng: “Mày không nghĩ phận mày xem sao,
    Nhờ ai mày mới được cao?
    Những như thân ấy, còn bao giờ mà?
    Ta đây dù thấp là đà,
    Tự ta ta mọc, chẳng nhờ cậy ai”

  • Cưới nàng anh toan dẫn voi

    Cưới nàng anh toan dẫn voi
    Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
    Dẫn trâu sợ họ máu hàn
    Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
    Miễn là có thú bốn chân
    Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng
    Chàng dẫn thế em lấy làm sang
    Nỡ nào em lại phá ngang như là…
    Người ta thách lợn thách gà
    Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
    Củ to thì để mời làng
    Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi
    Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
    Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà
    Bao nhiêu củ rím, củ hà
    Để cho con lợn, con gà nó ăn…

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Chỉ mành
    Sợi chỉ mỏng manh. Từ này thường dùng để chỉ những sự vật, sự việc không chắc chắn.
  3. Tài bàn
    Một trò chơi dân gian có xuất xứ từ Trung Quốc. Cách chơi tài bàn tương tự như chơi tổ tôm, tuy nhiên chỉ chơi ba người, khác với tổ tôm chơi năm người.
  4. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  5. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  6. Thương
    Còn gọi là Ân, hay Ân Thương, một triều đại trong lịch sử Trung Quốc (khoảng 1766-1122 trước Công nguyên), cai trị cả một vùng đồng bằng rộng lớn phía Bắc Trung Quốc thời bấy giờ. Vua thứ 30 của nhà Thương là Trụ Vương khét tiếng tàn bạo, bị bộ tộc Chu nổi dậy giết chết, lập nên nhà Chu. Nhà Chu không tận diệt hậu duệ nhà Thương, thậm chí còn phong đất nhưng nhà Thương từ đó tự suy dần và diệt vong.
  7. Ngũ nhung
    Năm món đồ binh khí thời xưa: cung, nỏ, giáo, mác, kích.
  8. Xâm cương
    Xâm lấn biên cương, bờ cõi.
  9. Vũ Ninh
    Tên một ngọn núi ở tỉnh Bắc Ninh, theo sự tích là quê của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương). Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử), là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra thời vua Hùng thứ 6 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, do mẹ ông ướm chân vào một vết chân lớn trên đất về mang thai. Tuy lên ba nhưng Gióng không biết nói cười, đi đứng. Đến khi giặc Ân kéo đến bờ cõi, Gióng bỗng dưng cất tiếng gọi mẹ nhờ mời sứ giả của vua vào, đưa yêu sách đòi áo giáp, roi và ngựa sắt để đánh giặc. Chỉ trong mấy hôm, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ cao lớn, cưỡi ngựa sắt vua ban đánh giặc Ân tan tác. Đuổi đám tàn quân đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), Gióng cởi áo giáp, thả dao, cùng ngựa bay về trời.
  10. Phù Đổng
    Tên một ngôi làng theo truyền thuyết là quê hương của Thánh Gióng, nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
  11. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  12. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  13. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  14. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  15. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  17. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  20. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  21. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  23. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  24. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  25. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  26. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  27. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  28. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  29. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  30. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  31. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  32. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  33. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  34. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  35. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  36. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  37. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  38. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  39. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  40. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  41. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  42. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  43. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  44. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  45. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  46. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  47. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  48. La voa
    Sổ nhật trình.
  49. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  50. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  51. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  52. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  53. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  54. Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga đã thủ tiết chờ đợi Vân Tiên cả thảy sáu năm.
  55. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  56. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  57. Đồn Nhứt
    Tên một cái chòi canh trên đèo Hải Vân, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, có tường bao bọc xung quanh, trong đó có một tháp canh rất cao. Khi quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Pháp đưa quân chiếm giữ khu vực này và gọi là "Đồn Nhứt." Hiện ở đây vẫn còn di tích tháp canh này.

    Di tích đồn Nhất

    Di tích đồn Nhứt

  58. Liên Chiểu
    Tên một quận, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Đèo Hải Vân thuộc quận này.
  59. Thủy Tú
    Tên một ngôi làng thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng hiện nay.
  60. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  61. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  62. Hà Thân
    Tên một xã ở bên kia sông Hàn, nay thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
  63. Quán Cái
    Còn gọi là Quảng Cái, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, nơi có chợ Quán Cái và nghề chạm khắc đá nổi tiếng.
  64. Mân Quang
    Tên gốc là Mân Quan, nay thuộc phường Thọ Quan, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  65. Miếu Bông
    Một địa danh nay thuộc quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
  66. Cẩm Lệ
    Tên một làng cổ từ thế kỉ 16, nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với "đặc sản" thuốc lá Cẩm Lệ.

    Thuốc lá Cẩm Lệ

    Thuốc lá Cẩm Lệ

  67. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  68. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  69. Chợ Tổng
    Gốc là chợ Củi, một ngôi chợ trù phú nằm gần bến sông và phủ lị Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào cuối thế kỉ 19. Sau cách mạng tháng Tám, chiến tranh bùng nổ, chợ vẫn hoạt động nhưng khách vãng lai thưa dần vì cơ quan hành chính dời về Vĩnh Điện. Đến năm 1948 giặc Pháp lập đồn Cầu Mống, nới rộng vòng đai bảo vệ, chợ Củi bị giải toả và chuyển về Ngã Tư Quốc lộ - tỉnh lộ đi Hội An gọi là chợ Tổng (Tổng An Nhơn) gần khu Văn Thánh. Chợ bấy giờ là nơi buôn bán của dân chúng các làng An Nhơn, Thanh Chiêm, Uất Lũy, Phước Kiều, An Quán (các xã Điện Minh, Điện Phương bây giờ). Hàng rau tươi từ Trung Phú gánh đến bán cũng như tôm cá do vạn ghe An Nhơn, Cầu Mống mua về từ cửa Đại. Đến năm 1954, đường thuỷ sông Thu Bồn thuận tiện cho việc đối lưu hàng hoá dưới biển trên nguồn, Cầu Mống có bến ghe tập trung tạo nên một khu chợ mới. Chợ Cầu Mống hình thành, Chợ Tổng dần vắng khách. Đến năm 1977 chợ Tổng bị giải tỏa.
  70. Phú Thượng
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
  71. Đại La
    Một địa danh nằm giữa phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang - Đà Nẵng).
  72. Cồn Dầu
    Một địa danh ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với giáo xứ Cồn Dầu.
  73. Cẩm Sa
    Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
  74. Chợ Vải
    Một ngôi chợ chuyên bán vải nổi tiếng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

    Chợ Vải ở Hội An

    Chợ Vải ở Hội An

  75. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  76. Giáp Năm
    Tên một cây cầu ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  77. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  78. Bất thức bất tri
    Không hiểu không biết (cụm từ Hán Việt).
  79. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  80. Na
    Trợ từ, thường đặt cuối câu hỏi, như hả, ha, a, ru... (phương ngữ Trung Bộ).
  81. Cót
    Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.

    Đan cót

    Đan cót

  82. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  83. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  84. Cứt lợn
    Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...

    Cây cứt lợn

    Cây cứt lợn

  85. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  86. Niễng
    Có nơi gọi là mễ, đà, dụng cụ dùng để kê sập, kê phản.
  87. Niễng bị hỏng, đã cho vào bếp làm củi đun, nên sập chỉ còn có ba chân, gập ghềnh.
  88. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  89. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  90. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  91. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  92. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  93. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  94. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  95. Nhũ
    Vú (từ Hán Việt).
  96. Na
    Mang theo, vác theo (phương ngữ, khẩu ngữ).
  97. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  98. , hay giê, hoạt động làm cho lúa sạch bằng cách đổ từ trên cao xuống cho gió cuốn đi những bụi rác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  99. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  100. Áo cổ kiềng
    Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
  101. Đường kiệt
    Đường hẻm nhỏ (phương ngữ Trung Bộ).
  102. Trà Ô Long
    Một loại trà ngon có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tùy vào thành phần và cách chế biến mà trà có nhiều hương vị rất khác nhau.

    Trà Ô Long

    Trà Ô Long

  103. Rượu cúc
    Tên Hán Việt là hoàng hoa tửu, một loại rượu chưng cất từ hoa cúc, được người xưa xem là rượu quý dành cho người biết hưởng thụ.

    Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
    Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

    (Cảm Tết - Tú Xương)

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

  104. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  105. Lá thuốc lào sau khi hái xuống được rọc sống lá bằng cái kìm tre. Việc này đòi hỏi sự khéo léo, nếu rọc không có kĩ thuật lá thuốc sẽ bị rách nát, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
  106. Sau khi rọc, lá thuốc được cuộn thành những cuốn thuốc dài 2,5-2,8 m, đường kính 20-25 cm. Cuộn lá thuốc thành cuốn cũng là một kĩ thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo để cuộn thuốc không quá mềm rỗng hoặc quá cứng. Nếu cuộn thuốc mềm thì không khí bên trong cuộn còn nhiều, dễ gây thối hoặc héo lá. Nếu cứng quá thì thuốc cũng dễ thối và lá thuốc không đủ độ “chín” khi thái.

    Cuộn thuốc lào thành cuốn

    Cuộn thuốc lào thành cuốn

  107. Theo tục lệ nhiều nơi, lúc chiều muộn, sau khi thái lá thuốc xong, chủ nhà phải mổ gà, trà rượu để đãi những người đến phụ, chứ không lấy tiền công.
  108. Hồ rũ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ rũ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  109. Nguyên mền
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nguyên mền, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  110. Tức 30/8/1917 dương lịch, ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do đội Cấn chỉ huy.
  111. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  112. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  113. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  114. Có bản chép: Rủ nhau.
  115. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  116. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  117. Theo lệnh của Đội Cấn, Đội Trường đã tiêu diệt Giám binh Noen, Ba Chén giết tên Phó quản Lạp và 7-8 binh sĩ chống đối.
  118. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  119. Thị thường
    Xem thường.
  120. Tài bồi
    Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
  121. Nam bang
    Bờ cõi nước Nam.
  122. Nghĩa quân sử dụng quân kì màu vàng đề bốn chữ "Nam binh phục quốc."
  123. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  124. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  125. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  126. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  127. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  128. Siêu
    Loại ấm có tay cầm, dùng để đun nước hay sắc thuốc.
  129. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  130. Tộ
    Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)

    Cá kho tộ

    Cá kho tộ

  131. Đường non
    Đường được tạo thành từ mía qua một giai đoạn gọi là nấu đường. Nước ép mía được đổ vào những chảo gang, đặt trên lò lửa. Thợ lò chờ nước đường được nấu đến “độ” thì múc ra thùng gỗ, dùng chày đánh nước đường cho sánh đặc lại rồi rót vào những cái bát to làm bằng nhôm, có phết một lớp dầu phộng (để dễ gỡ đường). Một lát sau đường nguội thì gỡ ra, xếp theo cặp, cho vào những chiếc rổ to gánh về phơi cho khô. Loại đường này gọi là đường bát hay đường tán.

    Đường non là nước đường nấu chưa tới "độ." Thợ lò múc một ít đường, đổ vào bẹ chuối và nghiêng cho đường tráng đều bẹ chuối là được. Khi đường non nguội thì sánh lại và có màu vàng, dẻo, vị ngọt thanh, rất thơm ngon.

  132. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  133. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  134. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  135. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  136. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  137. Vằng
    Một dụng cụ dùng để gặt lúa ở miền Trung, tương tự như cái liềm, nhưng đằng sau có thêm cái móc bằng một nhánh tre nạng để móc cây lúa nằm sâu dưới nước. Từ này cũng được phát âm thành giằng ở một số địa phương.
  138. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  139. Quốc cấm
    Bị pháp luật cấm.
  140. Máu hàn
    Cơ thể ở tạng lạnh, với những biểu hiện như: sợ rét, chân tay lạnh...
  141. Người máu hàn không nên ăn thịt trâu vì thịt trâu có tính lạnh.
  142. Phá ngang
    Cố ý làm ảnh hưởng, làm hỏng công việc đang làm của người khác.
  143. Khoai hà
    Khoai bị bệnh đốm đen, khi luộc không mềm, vị đắng không ăn được, còn gọi là khoai rím.