Tìm kiếm "quả báo"

  • Chợ nào chợ chẳng có quà

    Chợ nào chợ chẳng có quà
    Người nào chả biết một và bốn câu
    Ở đâu đất đỏ như nâu
    Sao cô không hát vài câu huê tình
    Hỏi cô cô cứ làm thinh
    Để ta hát mãi một mình sao đang
    – Giã ơn quân tử nghìn vàng
    Buông ra cho khách hồng nhan được nhờ
    Cớ gì mà nắm giữa đường
    Nợ chàng không nợ vay chàng không vay
    Em van chớ nắm cổ tay
    Buông ra em nói lời này thở than
    Xin chàng chớ vội nắm ngang
    Xa xôi cách mấy dặm đàng cũng nên
    Tơ hồng chỉ thắm là duyên
    Bao giờ em thuận thì nên bấy giờ

  • Đêm qua lốp đốp mưa rào

    Đêm qua lốp đốp mưa rào
    Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
    Đôi bên bác mẹ thì già
    Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
    Mùa hè cho chí mùa đông
    Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi
    Hết gạo em lại gánh đi
    Hỏi thăm chàng học trọ thì nơi nao
    Hỏi thăm phải ngõ mà vào
    Vai đặt gánh gạo, miệng chào: Kìa anh

  • Vè Lụt Bất Quá

    Thuở vua Tự Đức trị vì
    Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
    Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
    Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
    Tuy loài hải thủy sơn man
    Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
    Cớ sao vận hội bất kỳ
    Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
    Tai trời khắp xuống chúng dân
    Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
    Nắng cho năm bảy tháng trời
    Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
    Tháng ba bị háp đã xong
    Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô

  • Vè gái hư

    Ai ơi lẳng lặng mà nghe
    Người xưa để lại bài vè gái hư
    Nấu cơm bữa thiếu bữa dư
    Bữa sống bữa khét bữa như cháo bồi
    Đụng đâu cũng lết vào ngồi
    Lấm lem vạt áo như nùi giẻ lau
    Quần thì ống thấp ống cao
    Đầu bù tóc rối tào lao suốt ngày
    Ngồi lê đôi mách thật tài
    Sáng thì đôi chối chiều thì phân bua
    Tính tình quạu quọ câu mâu
    Gặp trai cọ vế ngoẹo đầu múa may
    Người thì lúc lắc lúc lay
    Hở hang mất nết nhướng mày vảnh môi

  • Vè Ba Đình chống Pháp

    Cơ trời đất vần xoay chính khí,
    Đấng nam nhi phỉ chí tang bồng,
    Làm cho tỏ mặt anh hùng,
    Giang sơn để mất, trong lòng sao nguôi?
    Nước nhà Tây đã chiếm rồi,
    Chư quân chư tướng ắt thời theo ta.
    Kéo quân về đất Thanh Hoa,
    Tìm nơi hiểm yếu để ta lập đồn.
    Quân truyền điểm được hai vàn
    Đinh công Đại tướng có gan chăng là.
    Đánh Tây Nhâm Ngọ tháng Ba
    Năm mươi khẩu súng cùng là lá lê
    Đạn thời cướp được năm xe,
    Tháng một Bính Tuất kéo về huyện Nga
    Thần công khí giới đem ra,
    Khoa sơn đại bác cho ta tức thì

  • Mười giờ quan đã ăn xong

    Mười giờ quan đã ăn xong
    Cậu bồi cậu bếp đi rong phố phường
    Hầu bao rủng rỉnh bạc vàng
    Đồng hồ quả quýt, nhẫn vàng đeo tay
    Lược ngà, khăn nhiễu, giày Tây
    Che ô lục soạn, thắt dây lưng điều
    Các cô trông thấy mĩ miều
    Ngỡ được chúng thấy, chạy theo chuyện trò
    Chuyện rồi chuyện nhỏ chuyện to
    Đến tháng lĩnh bạc, cậu cho mấy hào

  • Biết ai than thở sự tình

    Biết ai than thở sự tình
    Chẳng qua mình lại biết mình mà thôi
    Lấy chồng gặp phải kẻ tồi
    Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay
    Cả ngày chỉ rượu sưa say
    Khi nay thuốc phiện khi nay tài bàn
    Nói ra mang tiếng phũ phàng
    Nín đi thì não can tràng xiết bao
    Cũng thì phận gái má đào
    Người thì gặp được anh hào đảm đang
    Mình thì cũng dự phấn hương
    Gặp nơi lêu lổng chẳng thương chút nào

  • Vè bình dân học vụ

    Lẳng lặng mà nghe
    Cài vè học vụ
    Đồng bào mù chữ
    Ở khắp mọi nơi
    Chiếm chín phần mười
    Toàn dân đất Việt
    Muôn bề chịu thiệt
    Chịu đui, chịu điếc
    Đời sống vùi dập
    Trong vòng nô lệ
    Hơi đâu mà kể
    Những sự đã qua
    Chính phủ Cộng hòa
    Ngày nay khác hẳn
    Đêm ngày lo lắng
    Đến việc học hành
    Mấy triệu dân lành
    Còn đương tăm tối
    Bị đời hất hủi
    Khổ nhục đáng thương
    Ngơ ngác trên đường
    Như mù không thấy
    Những điều như vậy
    Không thể bỏ qua

  • Lỗ mũi mười tám gánh lông

    Lỗ mũi mười tám gánh lông,
    Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
    Đêm nằm thì ngáy o o,
    Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
    Đi chợ thì hay ăn quà,
    Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
    Trên đầu những rác cùng rơm,
    Chồng yêu chồng bảo hoa thơm giắt đầu.

  • Từ khi em về làm dâu

    Từ khi em về làm dâu
    Thì anh dặn bảo trước sau mọi lời
    Mẹ già dữ lắm em ơi
    Nhịn ăn, nhịn mặc nhịn lời mẹ cha
    Nhịn cho nên cửa nên nhà
    Nên kèo nên cột nên xà tầm vông
    Nhịn cho nên vợ nên chồng
    Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà
    Đi chợ thì chớ ăn quà
    Về chợ thì chớ rề rà ở trưa
    Dù ai bảo đợi bảo chờ
    Thì em nói dối: con thơ em về

  • Cái cò là cái cò kì

    Cái cò là cái cò kì
    Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
    Đêm nằm thì ngáy o o
    Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
    Hàng bánh hàng bún bày ra
    Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
    Ăn rồi cắp đít ra về
    Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
    Chả này bà bán làm sao?
    Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
    Nói dối rằng mua cho chồng
    Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
    Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
    Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
    Đem tiền đi bói ông thầy
    Bói ra quẻ này những chả cùng nem
    Cô nàng nói dối đã quen
    Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?

    Dị bản

    • Con cò là con cò kì
      Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
      Về sau lấy cháu ông đồ
      Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
      Một bồ thì để phần làng
      Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.

  • Trách duyên lại giận trăng già

    Trách duyên lại giận trăng già
    Xe tơ lầm lỗi hóa ra chỉ mành
    Biết ai than thở sự tình
    Chẳng qua mình lại biết mình mà thôi
    Lấy chồng gặp phải kẻ tồi
    Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay
    Cả ngày chỉ rượu sưa say
    Khi nay thuốc phiện khi nay tài bàn
    Nói ra mang tiếng phũ phàng
    Nín đi thì não can tràng xiết bao
    Cũng thì phận gái má đào
    Người thì gặp được anh hào đảm đang
    Mình thì cũng dự phấn hương
    Gặp nơi lêu lổng chẳng thương chút nào

Chú thích

  1. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  2. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  3. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  4. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  5. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  7. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  8. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  9. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  10. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  11. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  12. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  13. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  14. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  15. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  16. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  17. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  18. Cháy háp
    Cháy một phần.
  19. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  20. Cháo bồi
    Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...

    Cháo bồi

    Cháo bồi

  21. Câu mâu
    Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
  22. Cơ trời đất
    Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
  23. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  24. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  25. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  26. Ý nhắc đến trận đánh năm Nhâm Ngọ (1882) của nghĩa quân của Đinh Công Tráng, trong đó nghĩa quân cướp được tới 50 khẩu súng.
  27. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  28. Thần công
    Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.

    Súng thần công

    Súng thần công

  29. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  30. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  31. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  32. Lục soạn
    Thứ lụa mỏng, trơn, xưa hay dùng.

    Quanh năm phong vận, áo hàng tầu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh
    Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng

    (Phú hỏng khoa Canh Tý - Tú Xương)

  33. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  34. Trùng phùng
    Gặp lại nhau (từ thường dùng trong văn chương).

    Trùng phùng dầu họa có khi
    Thân này thôi có còn gì mà mong

    (Truyện Kiều)

  35. Đồn Vàng
    Tên một cái đồn do Pháp lập ra ở huyện lị Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú, nay là phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
  36. Bảo Vệ
    Một làng nay là hai thôn Bảo Vệ Thượng và Bảo Vệ Hạ, thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Làng Bảo Vệ và làng Hùng Nhĩ xưa là cái nôi của hát ghẹo Phú Thọ (xem chi tiết ở chú thích Hùng Nhĩ).
  37. Tài bàn
    Một trò chơi dân gian có xuất xứ từ Trung Quốc. Cách chơi tài bàn tương tự như chơi tổ tôm, tuy nhiên chỉ chơi ba người, khác với tổ tôm chơi năm người.
  38. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  39. Bình dân học vụ
    Tên một phong trào do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau cách mạng tháng Tám để xóa nạn mù chữ (diệt giặc dốt), có sử dụng các câu văn vần mô tả bảng chữ cái cho dễ thuộc: I, tờ (t), có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang

    Từ "i tờ" về sau chỉ trình độ học vấn vỡ lòng.

    Bình dân học vụ

    Bình dân học vụ

  40. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
    Tên một nhà nước được Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập năm 1945, tồn tại cho đến sau 1976 thì sáp nhập với nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Xem thêm.

    Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

    Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

  41. Có bản chép: tơ hồng.
  42. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  43. Xà gồ
    Cũn gọi là đòn tay, thanh cứng (ngày xưa thường làm bằng gỗ hoặc tre) được đặt nằm ngang để đỡ các bộ phận bên trên của một công trình xây dựng (nhà cửa, đền chùa...).

    Xà gồ chạm hoa văn

    Xà gồ chạm hoa văn

  44. Tầm vông
    Một loài cây thuộc họ tre, có khả năng chịu khô hạn khá tốt, ưa ánh sáng dồi dào. Thân cây gần như đặc ruột và rất cứng, không gai, thường dùng trong xây dựng, sản xuất chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên tầm vông còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

    Bụi tầm vông

    Bụi tầm vông

  45. Có bản chép:

    Ăn rồi đau quặn đau quăn
    Chạy về cho kịp nằm lăn cả ngày.

  46. Có bản chép: Ông thầy nói dối đã quen.
  47. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  48. Chỉ mành
    Sợi chỉ mỏng manh. Từ này thường dùng để chỉ những sự vật, sự việc không chắc chắn.
  49. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)