Đường đi mặt biển chân trời
Biết đâu mà hẹn thiệt lời với em?
Tìm kiếm "mặt trời"
-
-
Tội trời đã có người mang
Tội trời đã có người mang
Ước gì ta lấy được chàng chàng ơi
Bây giờ ba ngả bốn nơi
Thiếp chàng muốn lấy thiếp tôi bên này
Thiếp tôi bên này trong then ngoài khóa
Thiếp chàng bên ấy có thỏa hay không
Trách đường dây thép không thông
Gửi thư thư biệt gửi lời lời bay
Nhạn ơi trăm sự nhờ mày
Ngậm thư mang tới tận tay cho chàng
Chẳng may chim nhạn lạc đàn
Chim trời bay mất để chàng nhớ mong. -
Nói ra dạ giữ lấy lời
-
Nghe anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
– Nghe anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Từ mặt đất lên trời mấy trăm ngàn thước?
Từ mặt nước đo xuống âm phủ, mấy trăm dặm đường?
Em kể chuyện từ đời Tống đến đời Đường
Ông vua Đường có cuốn sách Minh Tâm
Một cuốn có mấy chục tờ?
Một tờ có mấy chục chữ?
Anh đứng làm trai quân tử tỏ lại em tường
Trăm năm kết nghĩa cang thường với anh.
– Nghe em hỏi tức, anh đáp phứt cho rồi
Từ mặt đất lên đến trời ba trăm ngàn thước
Từ mặt nước đo xuống âm phủ ba trăm dặm đường
Anh kể chuyện từ đời Tống cho đến đời Đường
Ông vua Đường có cuốn sách Minh Tâm
Một cuốn có ba trăm tờ
Một tờ có ba trăm chữ
Anh đứng làm trai quân tử tỏ lại cho em tường
Trăm năm gá nghĩa cang thường hay chưa? -
Vè lính mộ
Tai nghe nhà nước mộ dân,
những lo những sợ chín mười phần em ôi.
Anh đi ra mặt biển chưn trời,
ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
Xót em vò võ một mình,
anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
Ví dầu anh có mần răng,
nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
Tư bề sóng bể như sơn,
đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
Làm thịt con heo quy tế tại đình,
rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
tối tăm mù mịt như rồng với mây.
Hai bên những lính cùng Tây,
quân gia kéo tới chở đầy tàu binh… -
Trăng lên vừa tới mái hiên
Trăng lên vừa tới mái hiên
Thiếp thảm chàng phiền, có nhớ hay quên
Làm người phụ bạc sao nên
Trông xuống hổ đất, ngó lên thẹn trời
Nói ra dạ giữ lấy lời
Lênh đênh mặt biển chân trời quản bao -
Bây giờ gặp phải hội này
-
Vào tầng cũng lắm thằng Tây
Vào tầng cũng lắm thằng Tây
Thằng kia mũ trắng, thằng đây mũ vàng
Đường goòng bắc dọc bắc ngang
Nào hầm lò, nào xe cộ linh tinh
Trôg lên núi lửa cháy bừng bừng
Mìn nổ đùng đùng, đá chuyển vang vang
Đường tầng như thể bậc thang
Trèo đèo, xuống dốc, ngổn ngang tơi bời
Trông lên những núi cùng trời
Ngoảnh mặt kẻ trước người sau giật mình
Mênh mông ngao ngán một màu
Đường xa cách mấy lần tàu ai ơi. -
Vè các lái (hát ra)
Tiếng đồn các lái Đồng Nai
Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền
Tháng ba củi lửa huyên thuyên
Tháng tư dọn thuyền quay lại lộn ra
Sài Gòn, Rạch Giá bao xa
Lần theo tăm cá xa nhà đã lâu
Một trăm ông lái làu làu
Đi qua Giáp Nước, Vũng Tàu phải ghê
Kỳ Vân có bãi lưới rê
Non cao biển thẳm ủ ê tấc lòng
Khúc nôi lụy nhỏ đằm đằm
Xích Ram đã khỏi, Bãi Dầm đã qua
Hồ Tràm, Hồ Đắng de ra
Thân Trong nằm trước, Mũi Bà nằm trong … -
Trời sinh con mắt là gương
Dị bản
Trời sanh con mắt là gương
Người ghét ngó ít, người thương ngó hoài
-
Đời xưa cho chí đời nay
-
Người khôn con mắt dịu hiền
Người khôn con mắt dịu hiền
Người dại con mắt láo liên nhìn trời -
Ai làm quên cá dưới ao
Ai làm quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát quên sao trên trời -
Đố anh chi sắc hơn dao
– Đố anh chi sắc hơn dao
Chi sâu hơn bể, chi cao hơn trời
– Em ơi mắt sắc hơn dao
Bụng sâu hơn bể, trán cao hơn trời -
Của trời trời lại lấy đi
Của trời trời lại lấy đi
Giương hai con mắt làm chi được trời -
Thất tình nước mắt như mưa
Thất tình nước mắt như mưa
Thấu trời, thấu đất nhưng chưa thấu lòng. -
Khen ai nho nhỏ mắt tỏ như gương
-
Rậm râu, sâu mắt thật là già
-
Ai ơi! Đừng rơi nước mắt ớt
Dị bản
Anh đừng rơi nước mắt ớt
Anh đừng rớt nước mắt gừng
Đôi ta chẳng đặng thì đừng
Nhân duyên ông trời định nửa chừng thôi nhau
-
Được mùa chê gạo vô hơi
Được mùa chê gạo vô hơi
Mất mùa ăn cám trời ơi hỡi trời
Chú thích
-
- Quản
- E ngại (từ cổ).
-
- Thước
- Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
-
- Âm phủ
- Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
-
- Dặm
- Đơn vị đo chiều dài được dùng ở Việt Nam và Trung Quốc ngày trước. Một dặm dài 400-600 m (tùy theo nguồn).
-
- Tống
- Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
-
- Đường
- Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...
-
- Minh Tâm Bửu Giám
- Nghĩa tiếng Việt là "gương báu sáng lòng," một cuốn sách gồm các câu nói của các bậc danh nho, hiền triết Trung Hoa từ cổ đại đến đời Tống, được chia làm 20 thiên. Trong thời kì Nho giáo trước đây, Minh Tâm Bửu Giám được xem là cuốn sách "gối đầu giường" của các nhà nho.
-
- Cương thường
- Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).
Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Lính mộ
- Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.
-
- Phên
- Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.
-
- Mần răng
- Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Vạn tử nhất sinh
- Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Quy tế
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Diên
- Tiệc rượu (từ Hán Việt).
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Goòng
- Xe nhỏ có bốn bánh sắt chuyển trên đường ray để chở than, quặng, đất (từ tiếng Pháp wagon).
-
- Lái
- Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
-
- Đồng Nai
- Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
-
- Sài Gòn
- Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.
-
- Rạch Giá
- Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
-
- Giáp Nước
- Nơi hai dòng hải lưu gặp nhau ở ngoài khơi Vũng Tàu.
-
- Vũng Tàu
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Tại đây nổi tiếng với ngành nghề du lịch biển với nhiều bãi biển lí tưởng, đồng thời có các danh lam thắng cảnh như Chùa Thích Ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh, Núi Nhỏ, Núi Lớn...
-
- Mũi Kỳ Vân
- Còn gọi là Thuỳ Vân, một mũi đất nhô ra biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mũi đất này có độ cao chừng 327m, là đích nhắm của lái buôn ghe thuyền ngày xưa khi đi qua khu vực này.
-
- Khúc nôi
- Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
-
- Xích Ram
- Một địa danh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày nay đọc trại thành Xích Lam. Theo Gia Định thành thông chí: [Sông Xích Ram] Ở về phía đông bắc cách trấn 209 dặm, có cầu ván bắc ngang. Sông dài 173 tầm, là nơi đường bộ đi ngang qua, nước sâu 5 thước ta. Phía hạ lưu của cầu chuyển quanh vào nam 3 dặm là cảng biển Xích Ram, khi thủy triều lên sâu 10 thước ta, rộng 33 trượng rưỡi, cảng dời đổi, thông kẹt bất thường...
-
- Bãi Dầm
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Dầm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Hồ Tràm
- Một dải bờ biển dài nằm giữa Long Hải và Bình Châu, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một bãi biển đẹp và còn hoang sơ, hiện nay đang được khai thác tiềm năng du lịch.
Theo Gia Định thành thông chí: [Hải Động Hồ] Tục gọi là Hồ Tràm, cách trấn về phía đông bắc 227 dặm rưỡi. Nơi đây, động cát nối liền, cỏ cây xanh tốt, trong có hồ lớn xanh trong, nước đều ngọt cả, không khi nào khô, mọi người đều nhờ nước ấy.
-
- Hồ Đắng
- Tên một làng chài nhỏ (hiện chỉ có trên dưới hai mươi hộ dân) thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngư dân ở đây sống bằng nghề chài lưới và đánh bắt ven bờ; cuộc sống cho đến nay vẫn còn gần như hoang sơ và tạm bợ.
-
- Thân Trong
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thân Trong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Mũi Bà Kiệm
- Một mũi đất nhô ra biển thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nằm giữa hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.
-
- Ngó
- Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Mõ
- Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.