Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn
Anh mua gấm lát đàng, mua vàng lát ngõ
Chiếu bông, chiếu hoa trải ra sáng rõ
Mâm sơn, bát sứ, đũa ngự, chén ngà
Nhà ngói chín tòa phần anh liệu trăm cái
Trai như chàng trai đà xứng rể
Gái như nàng xứng điệu xuân nương
Voi bốn ngà anh chầu chực bốn phương
Họ anh đi bảy vạn, tiền anh tương chín ngàn
Cha mẹ em thách của em đừng khoe khoang
Tìm kiếm "sự tích"
-
-
Đi đâu mà chẳng biết ta
Đi đâu mà chẳng biết ta
Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm rau húng rau mùi
Thìa là cải cúc đủ mùi hành hoa
Mồng tơi mướp đắng ớt cà
Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên
Anh giúp em đôi quang tám dẻ cho bền
Mượn người lịch sự gánh lên kinh kì
Gánh lên chợ Mới một khi
Mong cho đến chợ anh thì nghỉ chân!Dị bản
Đi đâu mà chẳng biết ta
Ta ở xóm Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm rau húng rau mùi
Thìa là cải cúc đủ mùi hành hoa
Mồng tơi mướp đắng ớt cà
Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên
Giúp em đôi quang tám dẻ cho bền
Mượn người lịch sự gánh lên chợ trời
Gánh đi lòng những bồi hồi
Mong cho đến chợ còn ngồi nghỉ ngơi!
-
Triều đình còn chuộng thi thư
Triều đình còn chuộng thi thư
Khuyên anh đèn sách sớm trưa học hành
May nhờ phận có công danh
Mà anh phú quý, ấy mình vẻ vang
Khuyên đừng trai gái loang toàng
Khuyên đừng chè rượu nữa mang tiếng người
Cũng đừng cờ bạc đua chơi
Sao cho sự nghiệp ra người trượng phu
Làm sao nên tiếng danh nho
Thần trung tử hiếu để cho vang lừng. -
Tội trời đã có người mang
Tội trời đã có người mang
Ước gì ta lấy được chàng chàng ơi
Bây giờ ba ngả bốn nơi
Thiếp chàng muốn lấy thiếp tôi bên này
Thiếp tôi bên này trong then ngoài khóa
Thiếp chàng bên ấy có thỏa hay không
Trách đường dây thép không thông
Gửi thư thư biệt gửi lời lời bay
Nhạn ơi trăm sự nhờ mày
Ngậm thư mang tới tận tay cho chàng
Chẳng may chim nhạn lạc đàn
Chim trời bay mất để chàng nhớ mong. -
Mẹ mong con đẹp lứa đôi
Mẹ mong con đẹp lứa đôi
Con xin được tỏ đôi lời đục trong
Lấy nhau lòng hiểu được lòng
Tình kia mới được đượm nồng dài lâu
Vì chưng mẹ trót nhận trầu
Bắt con ngậm miệng cúi đầu vâng theo
Lấy người chẳng biết chẳng yêu
Sống sao cho mãn bóng chiều trăm năm
Dù nay muốn dứt tơ tằm
Mẹ thương thì sự lỡ lầm đã qua -
Tay anh cầm bút ngọc hoà châu
Tay anh cầm bút ngọc hoà châu
Đề vô trong áo bậu bốn câu ân tình
Một câu phân với nữ trinh
Ơn cha nghĩa mẹ cho trọn tình hiếu trung
Hai câu ta phân với anh hùng
Đào sâu cuốc chín ăn chung ở đời
Ba câu anh nói, em phải nghe lời
Đừng nghe lời thế sự đổi dời duyên ta
Bốn câu nuôi chút mẹ già
Tình chồng nghĩa vợ, mẹ với cha đền bồi. -
Chuối chi đã chuối lại cau
-
Nhà em không hiếm chi hoa
Nhà em không hiếm chi hoa
Chanh chua, chuối chát, cải cà nhiều hung
Cây lê, cây lựu, cây tùng
Ba bốn cây đứng đó tứ tung một vườn
Sau hè có đám hành hương
Trong nhà có mấy cái rương đựng đồ
Đựng thời chén sứ, dĩa, tô
Gạo lúa nhe giã trắng nấu nồi đồng mắt cua
Bữa ăn chả lụa, nem chua
Đũa mun bịt bạc, có thua chỗ nào? -
Ước gì anh lấy được nàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh thu xếp họ hàng đón dâu
Ông sấm ông sét đi đầu
Thiên Lôi, La Sát đứng hầu hai bên
Cầu vồng, mống cái bày lên
Hai họ ăn uống, có tiên ngồi kề
Trăng vàng sao bạc bốn bề
Kỳ lân, sư tử đưa về tận nơi
Sắm xe sắm ngựa nàng chơi
Ngựa thời bằng gió, xe thời bằng mây
Nàng thời má đỏ hây hây
Ước gì anh được đón ngay nàng về -
Thân thiếp như cánh hoa đào
Thân thiếp như cánh hoa đào
Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng
Bây giờ nhuỵ rữa hoa tàn
Vườn xuân nó kém, sao chàng lại chê?
Chàng cho đôi chữ thiếp về
Dầu chàng năm thiếp, mười thê, mặc chàng
Lắm quân quan nhộn nhà hàng
Lắm nơi lịch sự hơn chàng, chàng ơi!
Chàng ngồi chàng nghĩ mà coi
Sao chàng chẳng nghĩ những hồi ngày xưa … -
Ai về Phú Lộc gửi lời
Ai về Phú Lộc gửi lời
Thư này một bức nhắn người tri âm
Mối tơ chín khúc ruột tằm
Khi tháng tháng đợi khi năm năm chờ
Vì tình ai lẽ làm lơ
Cắm sào quyết chí đợi chờ bến xuân
Ước sao chỉ Tấn tơ Tần
“Sắc cầm hòa hợp” lựa vần “quan thư”
Đôi bên ý hiệp lòng ưa
Đắp đền công thiếp lại vừa lòng anh
Thiếp thời tần tảo cửi canh
Chàng thời nấu sử sôi kinh kịp thì
Một mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi có đề tên anh -
Quảng Nam là xứ tỉnh ta
Quảng Nam là xứ tỉnh ta
Trong là Quảng Ngãi, ngoài là Thừa Thiên
Phía đông là biển sát miền
Phía tây có núi, gần miền Ai Lao
Đà Nẵng tàu lớn ra vào
Hội An là phố đông người bán buôn
Sông xanh một dải Thu Bồn
Sông từ chợ Củi đến nguồn Ô Gia
Tỉnh thành đóng tại La Qua
Hội An toà sứ vốn là việc quan
Bốn phủ, bốn huyện mọi đàng
Quan viên cai trị luận bàn việc dân
Đá than thì ở Nông Sơn
Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè
Thanh Châu buôn bán nghề ghe
Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hoà
Phú Bông dệt lụa, dệt sa
Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng
Ngà voi, tê giác, gỗ rừng
Trân châu hải vị chẳng từng thiếu chi
Tỉnh ta giàu nhất Trung kỳ
Nên ta phải học lấy nghề tự sinh… -
Tài trai đâu đáng tài trai
Tài trai đâu đáng tài trai
Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
Canh trước tướng hãy còn tiền
Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
Còn tiền đánh cái cũng hay
Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba … -
Vè mụ nhác
Ve vẻ vè ve
Nghe vè mụ nhác
Không lo sương nác
Chỉ biết ngồi ăn
Ăn rồi lại ngủ
Ngủ rồi lại ngồi
Nước chảy bòng trôi
Mỗi ngày qua bữa
Luộc rau nhác rửa
Uống nước nhác hâm … -
Canh khuya em thức dậy, em lau nĩa rửa dĩa, dọn bàn
Canh khuya em thức dậy, em lau nĩa rửa dĩa, dọn bàn,
Tay em san rượu chát, miệng em hát một đôi câu.
Trên lầu kia tiếng chuông đánh rộ,
Dưới nhà việc trống đổ tàn canh.
Em đây lịch sự chi đó mà đi đâu năm bảy người giành?
Giả như con cá kia ở chợ, dạ ai đành nấy muaDị bản
Canh khuya em thức dậy
Em lau đĩa, dọn bàn
Tay em san rượu chát
Miệng em hát đôi câu
Trên lầu kia tiếng chuông đánh rộ
Dưới nhà việc trống đổ tàn canh
Em đây năm bảy người giành
Như cá ở chợ, dạ ai đành nấy mua.Chiều chiều rửa dĩa lau bàn
Tay sang rượu chát
Miệng hát đôi câu
Trống trên lầu vội đổ
Trống ngoài chợ tan canh
Lịch sử làm chi ba bảy người giành
Tợ như con cá rô ở giữa chợ
Ai đành nấy mua!
-
Gió đưa cành mận, gió lận cành đào
Gió đưa cành mận, gió lận cành đào
Vì em anh phải ra vào tối tăm.
Tối tăm thì mặc tối tăm,
Chờ cho bác mẹ đi nằm sẽ hay.
Cầm tay, anh nắm cổ tay,
Em đừng hô hoán, sự này ra to. -
Ngồi tựa vườn đào
Ngồi tựa vườn đào
Thấy người thục nữ ra vào
Lòng những vấn vương
Gió lạnh đêm trường
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường
Cô để đó chờ ai?
So chữ sắc tài
Yêu nhau chớ để cho người trăng gió hái hoa
Nguyện với trăng già
Tơ hồng kết lại một nhà đầm ấm yên vui
Ngồi tựa vườn đào
Thấy người tri kỷ ra vào
Em những ngẩn ngơ
Tháng đợi năm chờ
Nỗi niềm tâm sự bây giờ biết ngỏ cùng aiDị bản
-
Nhà tôi mượn lấy trời che
Nhà tôi mượn lấy trời che
Mua tranh lợp hè, thiếu trước hụt sau
Tiền của ở tại nhà giàu
Mắm muối ngoài chợ, củi rau ngoài đường
Nằm thời lấy đất làm giường
Lấy trời làm chiếu, lấy sương làm mền
Xâu làng bắt xuống trì lên
Trầy da tróc thịt, cái tên còn hoài
Không tiền tạm đỡ dĩa khoai
Bữa mô kiếm có thì vài miếng cơm
Ăn rồi ngủ thẳng đầu hôm
Canh hai thức dậy văn Nôm sử Kiều -
Đồn em hay truyện Thúy Kiều
Đồn em hay truyện Thúy Kiều
Lại đây mà giảng mấy điều cho minh
Vì đâu Kiều gặp Kim sinh?
Vì đâu Kiều phải bán mình chuộc cha?
Vì đâu Kiều phải đi xa?
Vì đâu Kiều phải vào nhà lầu xanh?
Hoa trôi bèo dạt đã đành
Vì đâu mắc phải Sở Khanh nói lừa?
Vì đâu kết tóc xe tơ?
Vì đâu Kiều phải lên chùa làm sư?
Vì đâu Kiều gặp họ Từ?
Báo ân báo oán trả thù sạch không?
Vì đâu Kiều bị mất chồng?
Vì đâu Kiều phải xuống sông Tiền Đường?
Bao nhiêu nghĩa thảm, tình thương
Em ơi giảng hết mọi đường anh nghe … -
Có đêm ra đứng đàng tây
Có đêm ra đứng đàng tây
Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
Có đêm ra đứng vườn hoa
Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
Có đêm thơ thẩn một mình
Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
Thương chàng lắm lắm không nguôi
Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
Sư ông nhớ Bụt mõ rày nhớ chuông
Nhớ chàng vì nợ vì duyên
Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.Dị bản
Đêm đêm ra đứng vườn hoa
Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
Đêm đêm ra đứng một mình
Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
Thương nàng lắm lắm nàng ôi
Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
Bao giờ nên vợ nên chồng
Như chim về tổ như rồng gặp mây
Video
Chú thích
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ngự
- Từ dùng để chỉ những vật hay việc thuộc về hoàng cung. Về sau hiểu rộng ra, những vật quý đôi khi cũng gọi là ngự.
-
- Xuân nương
- Người con gái trẻ trung, xinh đẹp (từ Hán Việt).
-
- Yên Lãng
- Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.
-
- Rau húng
- Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.
Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.
-
- Ngò
- Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.
-
- Thì là
- Có nơi gọi là cây thìa là, một loại cây gia vị rất phổ biến ở nước ta, đặc biệt là ở các vùng phía Bắc, nơi thì là được xem là gia vị không thể thiếu khi nấu các món canh cá nhất là các loài cá da trơn và có mùi tanh đậm. Hạt thì là cũng được dùng làm thuốc và chưng cất tinh dầu.
-
- Cải cúc
- Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.
-
- Mồng tơi
- Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.
-
- Mướp đắng
- Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.
-
- Bí
- Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).
-
- Đậu ván
- Một loài cây họ đậu, được trồng nhiều ở nước ta để lấy hạt làm thức ăn. Quả đậu ván còn xanh được dùng tương tự đậu cô ve để xào hoặc luộc. Hạt đậu ván già thường dùng để nấu chè gọi là chè đậu ván. Ở một số vùng quê, lá đậu ván được dùng để nhuộm màu bánh chưng.
-
- Chợ Mới
- Theo Đại Nam nhất thống chí, đến thế kỷ 19, Thăng Long có thêm chợ Mới ở vào quãng phố Hàng Chiếu, cùng với chợ Đông Thành (quãng phố Hàng Vải - hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), và chợ Yên Thái (Bưởi).
-
- Loang toàng
- Như luông tuồng. Lung tung, bừa bãi, không biết giữ gìn.
-
- Trượng phu
- Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
-
- Danh nho
- Nhà nho có tiếng tăm.
-
- Thần trung tử hiếu
- Bề tôi thì trung, con thì hiếu (chữ Hán).
-
- Vì chưng
- Bởi vì (từ cổ).
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Mãn
- Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Châu
- Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).
Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương
(Truyện Kiều)
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chuối cau
- Loại chuối quả nhỏ và mập (trông giống quả cau), khi chín vỏ vàng, thịt thơm và hơi nhão.
-
- Cá bò
- Tên chung của một số loài cá biển như cá bò hòm, cá bò giáp, cá bò gai, cá bò da đá... Những loại cá này đều có thân hình to bản, da dày cứng, nhưng thịt rất thơm ngon.
-
- Rắn hổ
- Tên chung của một số loài rắn độc. Ở Việt Nam, họ rắn hổ gồm 9 loài: rắn cạp nia thường, rắn cạp nia nam, rắn cạp nia bắc, rắn cạp nong, rắn hổ mang, đẻn gai, rắn hổ chúa, rắn hổ mang xiêm.
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Hành hương
- Một tên khác của hẹ tây, cũng có tên là hành ta hay hành tím.
-
- Lúa nhe
- Thứ lúa cổ truyền, thân mảnh, ít hạt nhưng giã trắng nấu trong nồi đất, rất dẻo và thơm. Thứ lúa này mỗi gia đình chỉ cấy một ít, dùng vào việc cúng cơm mới.
-
- Đồng điếu
- Còn gọi là đồng đỏ, đồng mắt cua hoặc đồng thanh, là hợp kim của đồng (thường là với thiếc), trong đó tỉ lệ đồng nguyên chất rất cao (97%).
-
- Mun
- Loài cây thân gỗ, ưa sáng, mọc chậm, sống lâu. Lõi gỗ mun khi khô có màu đen bóng, cứng và bền nên khó gia công, thường dùng làm đồ gỗ quý, thủ công mĩ nghệ cao cấp. Quả và lá dùng để nhuộm đen lụa quý. Hiện mun đang trên đà tuyệt chủng do tình trạng khai thác bừa bãi.
-
- Thiên Lôi
- Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
-
- La Sát
- Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
-
- Mống
- Cầu vồng (phương ngữ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Thê thiếp
- Thê là vợ cả, thiếp là vợ lẽ. Thê thiếp chỉ vợ nói chung.
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Sắt cầm
- Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ
(Truyện Kiều)
-
- Quan thư
- Bài thơ mở đầu Kinh Thi. Thật ra những bài thơ trong Kinh Thi đều không có tiêu đề, người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu.” Bốn câu đầu của bài như sau:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu
-
- Hiệp
- Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Tảo tần
- Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
-
- Thì
- Thời, lúc.
-
- Chúa
- Chủ, vua.
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Quảng Ngãi
- Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.
-
- Phủ Thừa Thiên
- Tên một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương thời nhà Nguyễn, bắt đầu dưới triều Minh Mạng, nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế với thủ phủ là thành phố Huế.
-
- Ai Lao
- Tên gọi cũ của nước Lào.
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Hội An
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
-
- Sông Thu Bồn
- Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.
-
- Sông Chợ Củi
- Sông thuộc đoạn hạ lưu của dòng Thu Bồn, từ xã Điện Phong, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ở về phía cuối Gò Nổi, băng qua cầu Mống (cầu Câu Lâu) ngang qua dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay là xã Điện Phương (huyện Điện Bàn). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi được đổi tên thành Sài Thị giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ.
-
- Ô Gia
- Tên một làng nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
-
- La Qua
- Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
-
- Tòa sứ
- Nơi ở và làm việc của một cơ quan ngoại giao ở nước khác.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Quan viên
- Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
-
- Nông Sơn
- Tên một huyện của tỉnh Quảng Nam, trước đây là phía Tây của tỉnh Quế Sơn. Tại đây có mỏ than Nông Sơn, thuộc địa bàn xã Quế Trung.
-
- Bồng Miêu
- Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.
-
- Quế Sơn
- Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.
Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.
-
- Thanh Châu
- Tên một làng nay thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
-
- Ghe
- Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.
-
- Thanh Hà
- Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.
-
- Che
- Dụng cụ để ép mía lấy nước đường nấu thành đường tán tại các lò mía đường. Trước đây che mía được người hoặc trâu kéo, sau này thì có nơi dùng máy móc. Theo tác giả Hoàng Sơn: “Ông che” là hai súc gỗ lớn hình trụ tròn, bên giữa mỗi súc gỗ là trục quay được cố định một đầu để có thể tự đứng thẳng. Hai súc gỗ này được người ta đẽo rãnh răng cưa và khớp nhau như bánh nhông. Trên đỉnh một “ông che” được gắn một đoạn tre để nối ra ngoài. Đoạn tre này khi được buộc vào lưng trâu sẽ đóng vai trò như một thanh truyền lực. Chỉ cần đánh trâu đi vòng tròn, cả hai “ông che” sẽ quay đều và có thể nghiền nát bất cứ thứ gì lọt vào rãnh răng đó. Do vậy, ngày xưa người trực tiếp cho mía vào “máy” phải là người có kinh nghiệm nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Bà Lệ tiếp lời: “Đến mùa làm đường, “ông che” được dựng ngay giữa bãi mía, bên trong một căn chòi gọi là chòi đạp. Khi cho mía vào “ông che”, nước mía sẽ chảy xuống một cái thùng đặt bên dưới sau đó được chuyển sang bếp nấu với những chiếc chảo gang đã nóng. Trung bình mỗi bận, nấu được khoảng 60 lít mật.”
-
- Đa Hòa
- Tên một tổng thuộc phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn, nay thuộc huyện Điện Bàn.
-
- Phú Bông
- Tên một làng nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- Sa
- Vải dệt bằng tơ tằm, rất mỏng và thoáng.
-
- Kim Bồng
- Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).
-
- Ba kỳ
- Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).
-
- Tổ tôm
- Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.
-
- Xóc đĩa
- Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Lọ hồ
- Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
-
- Cái
- Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
-
- Sương nác
- Gánh nước (phương ngữ một số nơi ở Trung Bộ).
-
- Rượu chát
- Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
-
- Nhà việc
- Từ cũ, chỉ nơi làm việc của chính quyền địa phương (ban hội tề) tại một làng thời triều Nguyễn và thời Pháp thuộc ở miền Nam nước ta.
-
- Tợ
- Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Thục nữ
- Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
-
- Tơ hồng
- Xem chú thích Nguyệt Lão.
-
- Tri kỉ
- Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
-
- Bõ công
- Đáng công.
-
- Cỏ tranh
- Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.
-
- Hè
- Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
-
- Xâu
- Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
-
- Trì
- Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Truyện Kiều
- Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.
Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...
-
- Minh
- Sáng suốt (từ Hán Việt).
-
- Thúy Kiều
- Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
-
- Kim Trọng
- Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
-
- Lầu xanh
- Từ chữ thanh lâu, chỉ nhà thổ, nơi gái điếm hành nghề. Ở Trung Hoa ngày trước, nhà thổ thường sơn màu xanh nên gọi như vậy.
-
- Sở Khanh
- Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Từ Hải
- Nhân vật trong Truyện Kiều, cũng là một tướng cướp có thật trong lịch sử. Dưới triều đình phong kiến, Từ Hải là kẻ phiến loạn, mang tội bất trung. Từ Hải gặp Thúy Kiều trong lầu xanh và chuộc Kiều ra, giúp Kiều báo ân báo oán. Về sau Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều, quy hàng triều đình, chẳng ngờ mắc mưu và bị giết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả cái chết của Từ Hải là chết đứng giữa trận tiền:
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời
-
- Tiền Đường
- Sông Tiền Đường, còn có tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra vịnh Hàng Châu. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa bàn của nước Việt cổ trong lịch sử Trung Hoa, là nơi phát nguyên của văn hóa Việt bên Trung Hoa. Về cơ bản, con sông này chảy theo hướng tây nam-đông bắc.
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Mõ
- Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.