Tìm kiếm "SÔNG HỒNG"

Chú thích

  1. Phú Thọ
    Một tỉnh miền núi, trung du thuộc vùng Đông Bắc nước ta, giáp với các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Sơn La; có tỉnh lỵ là thành phố Việt Trì. Phú Thọ được coi là vùng đất tổ, tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nhà nước Văn Lang, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay. Đây là vùng đất có nhiều lễ hội, đáng kể nhất là lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương.

    Cảnh đẹp đầm Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ)

    Cảnh đẹp đầm Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ)

  2. Kẻ Ngọ
    Địa danh cũ nay thuộc xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
  3. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  4. Ba làng Trà Lũ
    Ba làng Trà Trung, Trà Bắc và Trà Đoài (ba thôn Trung, Bắc, Nam) thuộc huyện Giao Thủy, xã Xuân Trường, trấn Nam Định, nay là xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là nơi nghĩa quân của Phan Bá Vành rút về cố thủ khi bị quân triều đình đàn áp.
  5. Đương
    Đang (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Sông Cầu
    Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

  7. Củ đậu
    Một loại cây dây leo cho củ to, bột, nhiều nước, vị ngọt, thường được ăn sống, đôi khi được chấm muối hoặc với nước chanh và ớt bột. Người ta cũng nấu củ đậu dưới dạng xúp, món xào. Miền Trung và miền Nam gọi củ đậu là sắn dây hoặc sắn nước.

    Củ đậu

    Củ đậu

  8. Phường Lụa
    Địa danh trước thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phường Lụa nổi tiếng bánh tráng và sắn.

    Sắn Phường Lụa

    Sắn Phường Lụa

  9. Tuy Hòa
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Tại đây có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những dòng sông uốn lượn quanh dãy Trường Sơn, tạo nên nhiều đầm, phá, vịnh, vũng tuyệt đẹp.

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

  10. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  11. Hòa Đa
    Tên một thôn nay thuộc địa phận xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có món bánh tráng Hòa Đa mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua và ít bị dính khi nhúng nước để cuốn thức ăn, là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Bánh tráng Hòa Đa

    Bánh tráng Hòa Đa

  12. Cá duồng
    Một loại cá thuộc họ cá chép, mình mềm, có vảy tròn nhỏ phủ toàn thân, đầu không vảy. Có duồng cho thịt ngọt nhưng nhiều xương.

    Cá duồng

    Cá duồng

  13. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  14. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Xôi rền
    Xôi dẻo, ngon, do được nấu kĩ.
  16. Phèn chua
    Một loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Người ta dùng phèn chua để đánh nước cho trong hoặc làm thuốc giữ màu trong quá trình nhuộm vải.

    Phèn chua

    Phèn chua

  17. Đọi đèn
    Cái bát đựng dầu lạc hay thầu dầu để thắp đèn ngày xưa. Đọi đèn thường là thứ bát nông để cho khỏi phải đổ nhiều dầu, mà bấc cũng dễ hút dầu, thắp cho đỡ tốn.
  18. Chết đuối đọi đèn
    Câu này thường được dùng để nói về sự thất bại, thua lỗ, sa sút, vì một việc rất tầm thường, nhỏ nhặt, cũng như chết đuối trong cái đọi đèn.
  19. Hàm Rồng
    Tên một ngọn núi nằm trong dãy Ngũ Hoa Phong nằm bên bờ sông Mã, có dáng như đầu rồng. Tên Hàm Rồng cũng được đặt cho một cây cầu ở khu vực này, đồng thời là tên của một phường thuộc thành phố Thanh Hóa hiện nay.
  20. Đồn
    Chỗ trú đóng của quan chức nhà nước.
  21. Quan phủ
    Tên thường gọi cho chức tuần phủ. Ở nước ta, tuần phủ có từ thời nhà Nguyễn, học theo phép quan chế của nhà Thanh. Tuần phủ ở Việt Nam cũng là người đứng đầu một tỉnh nhỏ, khác với tổng đốc là quan kiêm quản vài tỉnh hoặc đứng đầu một tỉnh lớn.
  22. Thuế đò
    Một loại phí đường sông do quan chức địa phương yêu cầu các chủ đò phải nộp khi có việc phải đi qua đoạn sông đó
  23. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).
  24. Sông Vệ
    Một con sông ở tỉnh Quảng Ngãi, bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc huyện Ba Tơ, chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, xuyên qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, qua giáp ranh giữa Mộ Đức và Tư Nghĩa, rồi đổ ra biển Đông tại cửa Lở. Sông Vệ cũng là tên một thị trấn thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

    Sông Vệ nhìn từ trên không

    Sông Vệ nhìn từ trên không

  25. Chợ Gò
    Tức chợ Quán Lát, một cái chợ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
  26. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Thi Phổ
    Tên một làng nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nghề làm mạch nha truyền thống nổi tiếng cả nước.
  28. Dắt Dây
    Tên một nhánh sông thuộc hệ thống sông Thi Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  29. Đồng Cát
    Tên chợ trung tâm của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
  30. Lò Thổi
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là vùng rừng núi. Có người cho rằng, vùng này có tên gọi như vậy vì từng là nơi nghĩa quân của Nguyễn Tự Tân (thuộc phong trào Cần Vương) khai thác và nấu quặng sắt để rèn đúc vũ khí.
  31. Tú Sơn
    Một địa danh nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trước là khu đồng rộng.
  32. Quán Sạn
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quán Sạn, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  33. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  34. Chợ Huyện
    Tức chợ Thu Xà, thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Xem chú thích Thu Xà.
  35. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  36. Sông Trà Câu
    Một con sông thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông dài 40km, bắt nguồn từ vùng Hồng Thuyền, Vực Liêm (phía Nam đèo Đá Chát) chảy xuyên qua huyện Đức Phổ để ra cửa biển Mỹ Á.
  37. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  38. Một số nguồn có thêm hai câu sau đây ở đầu bài:

    Kéo nhau qua cửa Hùng Quan
    Chim muôn tiếng hát, hoa ngàn hương đưa.

    Cửa Hùng Quan chính là cửa ải Hải Vân, ngăn giữa Huế và Đà Nẵng, không liên quan đến Quảng Ngãi. Vì vậy chúng tôi đặt dấu chấm hỏi ở đây.

  39. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  40. Người Thượng
    "Thượng" có nghĩa là ở trên, "người Thượng" là người ở miền cao hay miền núi, một cách gọi đặc trưng để chỉ những sắc dân sinh sống tại Tây Nguyên, còn gọi là miền Thượng.
  41. Người Kinh
    Cũng gọi là người Việt, một dân tộc hình thành tại khu vực địa lí ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Đây là nhóm dân tộc chính, chiếm khoảng 86,2% dân số nước ta.
  42. Phát chẩn
    Phân phát tiền, gạo,... để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
  43. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  44. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  45. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào