Tìm kiếm "dòng nước"

  • Công em gánh đá tạc bia

    Công em gánh đá tạc bia
    Công em trò chuyện sớm khuya với chàng
    Bây giờ bác mẹ bàn ngang
    Công em trò chuyện với chàng mất không
    Ai ngờ chuối trổ mùa đông
    Biết rằng có chắc hay không mà chờ
    Chờ anh chờ ngẩn, chờ ngơ
    Chờ hết mùa mận, mùa mơ, mùa hồng
    Cắm sào em đợi nước trong
    Nước nguồn chảy xuống còn mong nỗi gì

  • Cái cò đi đón cơn mưa

    Cái cò đi đón cơn mưa
    Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
    Cò về thăm quán cùng quê
    Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.

    Dị bản

    • Cái cò đi đón cơn mưa,
      Tối tăm mờ mịt ai đưa cò về.
      Cò về đến gốc cây đề,
      Giương cung anh bắn, cò về làm chi.
      Cò về thăm bá, thăm dì,
      Thăm cô xứ Bắc, thăm dì xứ Đông.

    Video

  • Tình cờ ta gặp nhau đây

    Tình cờ ta gặp nhau đây
    Quả cau ta bổ, chia tay mời chào
    Ðôi ta kết nghĩa tương giao
    Nào là quả mận, quả đào đong đưa
    Bùi ngùi quả ấu, quả dừa
    Xanh xanh quả mướp, quả dưa, quả bầu
    Hạt tiêu cay đắng dãi dầu
    Ớt kia cay đắng ra màu xót xa
    Mặt kia mà tưới nước hoa
    Ai đem mướp đắng mà hòa mạt cưa
    Thủy chung cho bác mẹ ưa
    Ðừng như đu đủ nắng mưa dãi dầu
    Yêu nhau đá bắc nên cầu
    Bồ quân lúc chín ra màu tốt tươi
    Hẹn chàng cho đủ mười mươi
    Thì chàng kết tóc ở đời với em

  • Từ ngày em về nhà này

    Từ ngày em về nhà này
    Tưởng ngày một khá, hóa ngày một hư
    Đi chợ ăn những quà trừ
    Đi tắm mất váy khư khư chạy về
    Nấu cơm trên sống dưới khê
    Đủ cả tứ bề như thể cháo hoa
    Bữa ăn nồi bảy nồi ba
    Quanh năm ngày tháng chẳng ra đồng nào
    Rửa bát ngủ gật cầu ao
    Ngủ trưa chồng gọi kêu sao nhức đầu
    Ăn nói cảu nhảu càu nhàu
    Sai em rinh nước đổ vào tàu khoai
    Việc ăn em chẳng kém ai
    Hễ mó đến gánh thì vai sứt hờ
    Việc làm chểnh mảng thờ ơ
    Lại thêm một chút làm thơ với chồng.

  • Sáu cô đi chợ một xuồng

    Sáu cô đi chợ một xuồng
    Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô
    Phải chi tôi có lúa bồ
    Tôi xin cưới hết sáu cô một lần
    Cô hai mua tảo bán tần
    Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già
    Cô tư nấu nước pha trà
    Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong
    Cô sáu trải chiếu, giăng mùng
    Cô bảy san sẻ tình chung với mình
    Phải chi cả sáu cô thuận tình
    Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui

    Dị bản

    • Lang thang một dãy sáu cô
      Cưới cô chính giữa mích lòng năm cô
      Phải chi tôi có lúa bồ
      Tôi ra tôi cưới sáu cô một lần
      Cô hai mua tảo bán tần
      Cô ba xách nước dưỡng nuôi mẹ già
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm phân nước pha trà uống chung
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Cô bảy là nghĩa tình chung với mình
      Cô bảy phân hết sự tình
      Trai năm thê bảy thiếp vợ của mình rất đông

    • Ai bì anh có tiền bồ
      Anh đi anh lấy sáu cô một lần
      Cô hai buôn tảo bán tần
      Cô ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm sắc thuốc, mẹ già cô trông
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Một mình cô bảy nằm chung với chồng.

  • Nhà anh phúc thọ đời đời

    Nhà anh phúc thọ đời đời
    Cha mẹ sinh hạ chín mười con trai
    Cũng đều có đức có tài
    Ai ai cũng xứng một đời tài hoa
    Anh Cả thì đỗ thám hoa
    Anh Hai tiến sĩ anh ba tú tài
    Anh Tư là quan tỉnh Đoài
    Anh Năm dẹp giặc tỉnh ngoài tỉnh trong
    Anh Sáu tổng đốc xứ Đông
    Anh Bảy án sát ở trong Ninh Bình
    Anh Tám tuần phủ Bắc Ninh
    Anh Chín tri phủ Quảng Bình gần xa
    Anh là em Út trong nhà
    Anh đi kén vợ đường xa nước người
    Thấy em đẹp nói đẹp cười
    Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng
    Vậy nên anh gửi thơ sang
    Bởi lòng anh quyết lấy nàng mà thôi

  • Coi tàu bay tại Lầu Đèn

    Đời xưa chí những đời nay
    Đời này mới thấy tàu bay nửa lừng
    Nguồn đào hải khẩu tứ tung
    Từ Hàn chí Phố rùng rùng đi coi
    Quan gia chầu chực hẳn hòi
    Sức bàn sức ghế lại đòi đến dân
    Khắp nơi cờ đóng rần rần
    Sức rơm un khói cực dân ba bốn ngày
    Ai ai cũng sức tàu bay
    Dân canh, lính gác tự ngày chí đêm
    Kẻ bán rượu, người bán nem
    Kẻ lận bạc giác người đem bạc đồng
    Đàn bà chí những đàn ông
    Bà già con nít cũng bồng ra đi
    Mười giờ tàu lại một khi
    đánh, lính ví ra gì nữa đâu

  • Vè Tà Lơn

    Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
    Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
    Ngó dưới sông thấy cá mập lội nghinh ngang
    Nhìn dưới suối thấy sấu nằm hơn trăm khúc
    Con tới đây là nguồn cao nước đục
    Loài thú cầm nhiều thứ gớm ghê
    Gấu chằn tinh lai vãng dựa bên hè
    Còn gấu ngựa tới lui khít vách
    Ra một đỗi xa ngoài mé rạch
    Thấy beo nằm đếm biết mấy ngàn
    Ngó lên bờ thấy cọp dọc ngang
    Lần tay tính biết bao nhiêu chục
    Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
    Lũ heo rừng trừng giỡn bất loạn thiên

  • Tài trai đâu đáng tài trai

    Tài trai đâu đáng tài trai
    Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
    Canh trước tướng hãy còn tiền
    Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
    Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
    Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
    Còn tiền đánh cái cũng hay
    Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
    Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
    Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba

  • Cơ khổ cho đứa giữ trâu

    Cơ khổ cho đứa giữ trâu
    Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
    Hai hàng nước mắt nhỏ sa
    Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
    Tinh sương thức dậy mở trâu
    Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
    Thân tôi đi sớm về trưa
    Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
    Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
    Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm

  • Trên trời có vẩy tê tê

    Trên trời có vẩy tê tê
    Một ông bảy vợ, chẳng chê vợ nào.
    Một vợ tát nước bờ ao
    Phải trận mưa rào, đứng nép bụi tre
    Một vợ thì đi buôn bè
    Cơn sóng, cơn gió nó đè xuống sông.
    Một vợ thì đi buôn bông
    Chẳng may, cơn táp nó giông lên trời.
    Một vợ thì đi buôn vôi
    Không may phải nước vôi sôi ầm ầm.
    Một vợ thì đi buôn mâm
    Không may mâm thủng lại nằm ăn toi.
    Một vợ thì đi buôn nồi
    Không may nồi méo, một nồi hai vung.
    Một vợ thì đi buôn hồng
    Không may hồng bẹp, một đồng ba đôi.
    Than rằng: Đất hỡi trời ơi!
    Trời cho bảy vợ như tôi làm gì!

    Dị bản

    • Trên trời có vẩy tê tê
      Có ông bốn vợ chẳng chê vợ nào
      Một vợ rửa bát cầu ao
      Chẳng may gió cả dạt vào bụi tre
      Một vợ thì đi buôn bè
      Chẳng may gió cả nó đè xuống sông
      Một vợ thì đi buôn bông
      Chẳng may gió cả nó bồng lên mây
      Một vợ thì đi buôn cây
      Chẳng may gió cả cuốn bay lên trời.

  • Vè loài vật

    Ve vẻ vè ve
    Cái vè loài vật
    Trên lưng cõng gạch
    Là họ nhà cua
    Nghiến răng gọi mưa
    Đúng là cụ cóc
    Thích ngồi cắn chắt
    Chuột nhắt, chuột đàn
    Đan lưới dọc ngang
    Anh em nhà nhện
    Gọi kiểu tóc bện
    Vợ chồng nhà sam

  • Vè ở tù

    Chiều chiều vào khám
    Như công chúa vào lầu
    Bận áo không bâu
    Như mình mang thiết giáp
    Thầy chú đánh đạp
    Như thí võ Tràng An
    Quần áo lang thang
    Như mình mang giáp trụ
    Tuông bờ lướt bụi
    Như Khương Thượng tán binh

  • Vè lính mộ

    Tai nghe nhà nước mộ dân,
    những lo những sợ chín mười phần em ôi.
    Anh đi ra mặt biển chưn trời,
    ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
    Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
    nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
    Xót em vò võ một mình,
    anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
    Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
    thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
    Ví dầu anh có mần răng,
    nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
    Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
    trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
    Tư bề sóng bể như sơn,
    đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
    Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
    đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
    Làm thịt con heo quy tế tại đình,
    rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
    Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
    anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
    Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
    tối tăm mù mịt như rồng với mây.
    Hai bên những lính cùng Tây,
    quân gia kéo tới chở đầy tàu binh…

  • Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận

    – Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận
    Hỏi đó một lời cho tận nhơn tâm
    – Hễ gặp tri âm dẫu nói cả năm anh không mỏi,
    Vậy chớ con bạn mình muốn hỏi sự chi?
    – Hỏi anh một chuyện, em nguyện học đòi,
    Anh ôi, vậy chớ người Tây sao sướng hẳn hòi,
    An nam mình lại chịu thiệt thòi nắng mưa?
    – Người có vinh có nhục, cũng như nước có đục có trong,
    Bởi vì mình ít có đồng lòng,
    Không lo học giỏi cho ròng như Tây
    – À há? Thật họ hay, nên làm thầy mình chịu dở,
    Mình chẳng lo mình, mấy thuở được nên?
    – Phận em là gái còn phải trái xét nhằm,
    Huống gì nam tử cam tâm
    Nếu không lo học tập, hổ thầm phận trai.

  • Vè đội Cấn

    Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
    Nước Nam mình phút dậy can qua
    Thái Nguyên nay có một tòa
    Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
    Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
    Ông Đội ra đi trước cầm binh
    Rủ nhau lập tiểu triều đình
    Những là cai đội khố xanh bằng lòng
    Duy phó quản bất tòng quân lệnh
    Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
    Sai người mở cửa nhà pha
    Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
    Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
    Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
    Rồi ra làm lễ tế trời
    Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang

  • Bồng bồng đổ lộc ra hoa

    Bồng bồng đổ lộc ra hoa
    Một đàn vợ lính trẩy ra thăm chồng
    Trẩy ra có gánh có gồng
    Trẩy ra thăm chồng bảy bị còn ba
    “Nào ai nhắn nhủ mi ra?
    Mi ngồi mi kể con cà con kê
    Muốn tốt quảy bị mà về
    Việc quan anh chịu một bề cho xong”
    Xưa kia anh ở trong phòng
    Bây giờ anh đã vào trong hàng quyền

  • Quả gì lắm cạnh nhiều khe?

    Quả gì lắm cạnh nhiều khe?
    Quả gì nứt nẻ như đe thợ rào?
    Quả gì kẻ ước người ao?
    Quả gì tốt đẹp như sao trên trời?
    Quả gì ăn đủ năm mùi?
    Quả gì to lớn có người ở trong?
    Quả gì thích chữ chạm rồng?
    Quả gì cùi trắng nước trong hỡi nàng?
    Quả gì da nó vàng vàng?
    Quả gì lăn lóc ở đường cái đi?
    Quả gì da nó xù xì?
    Quả gì tháng bảy ta thì đem phơi?
    Quả gì nhiều ngón nàng ơi?
    Quả gì ta để hành ngơi trong nhà?
    Quả gì kính mẹ kính cha?
    Quả gì làm lễ cưới ta với nàng?

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”

Chú thích

  1. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  2. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  3. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  4. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  5. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  6. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  7. Chị của mẹ.
  8. Tương giao
    Giao thiệp, kết thân với nhau (từ cổ).
  9. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  10. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  11. Mạt cưa
    Vụn gỗ do cưa xẻ làm rơi ra.

    Mạt cưa

    Mạt cưa

  12. Bồ quân
    Cũng có nơi gọi là bù quân, mồng quân hoặc hồng quân, một loại cây bụi mọc hoang ở các vùng đồi núi, cho quả có hình dạng giống như quả nho, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sẫm (tím), ăn có vị chua ngọt. Do màu sắc của quả bồ quân mà trong dân gian có cách nói "má bồ quân," "da bồ quân..."

    Quả bồ quân

    Quả bồ quân

  13. Cơm khê
    Cơm nấu quá lửa, có mùi khét.
  14. Cháo hoa
    Cháo loãng, chỉ nấu bằng gạo, ninh nhừ cho đến khi hạt gạo nở bung hết cỡ.

    Cháo hoa

    Cháo hoa

  15. Nồi bảy, nồi ba
    Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
  16. Có bản chép: số thờ (số vai để thờ, không phải để gánh gồng, làm việc).
  17. Bài này có nhiều câu tương tự với bài "Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần."
  18. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  19. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  20. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  21. Thám hoa
    Học vị của người đỗ thứ ba trong khoa thi Đình thời phong kiến (sau Trạng nguyên và Bảng nhãn).
  22. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  23. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  24. Tổng đốc
    Chức quan đứng đầu bộ máy cai trị một tỉnh lớn hoặc vài tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, mang hàm tòng nhất phẩm hoặc chánh nhị phẩm.

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

  25. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  26. Án sát
    Chức quan đứng đầu ty Án sát, trông coi việc hình (luật lệ, xét xử) trong một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, thuộc hàng tam phẩm.
  27. Ninh Bình
    Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

    Cố đô Hoa Lư

    Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

  28. Tuần phủ
    Chức quan đứng đầu một tỉnh nhỏ dưới thời nhà Nguyễn.
  29. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  30. Tri phủ
    Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
  31. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  32. Răng vàng
    Trong quá trình nhuộm răng đen, bước đầu răng có màu cánh gián (hơi ánh màu vàng đất), nếu nhuộm tiếp thì mới có màu đen. Một số người không muốn nhuộm nữa, để màu vàng, nên gọi là răng vàng.
  33. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  34. Nửa lừng
    Nửa lưng chừng (phương ngữ Nam Bộ).
  35. Nguồn đào: ngọn suối; Hải khẩu: cửa biển. Nguồn đào hải khẩu: từ khắp mọi nơi.
  36. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  37. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  38. Sức
    Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.

    Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
    Nay sức.
    Lê Thăng

    (Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)

  39. Rần rần
    Đông đảo, ồn ào.
  40. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  41. Lận
    Nhét vào trong người (phương ngữ).
  42. Bạc giác
    Hào, bạc cắc, tiền lẻ nói chung (từ cũ).
  43. Cẩm
    Hay , chức danh cảnh sát trưởng thời nước ta bị Pháp đô hộ, nói gọn từ âm tiếng Pháp commissaire de police.

    Một sở cảnh sát (sở Cẩm) thời Pháp thuộc

    Một sở cảnh sát (sở Cẩm) thời Pháp thuộc

  44. Đuổi (theo). Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành .
  45. Hiểm địa
    Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
  46. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  47. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  48. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  49. Gấu ngựa
    Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.

    Gấu ngựa

    Gấu ngựa

  50. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  51. Báo đen
    Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
  52. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  53. Chồn
    Một họ động vật có vú thuộc bộ Ăn thịt, có loài sống trên cạn, có loài sống dưới nước (như rái cá). Xem thêm về các loài chồn có tại Việt Nam ở đây.

    Chồn vàng ở Việt Nam

    Chồn vàng ở Việt Nam

  54. Cáo
    Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.

    Cáo

    Cáo

  55. Lợn rừng
    Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...

    Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.

    Lợn rừng

    Lợn rừng

  56. Bất loạn thiên
    Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
  57. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  58. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  59. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  60. Lọ hồ
    Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
  61. Cái
    Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
  62. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  63. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  64. Chúa
    Chủ, vua.
  65. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  66. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  67. Tê tê
    Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.

    Con tê tê

    Con tê tê

    Mây vẩy tê tê

    Mây vẩy tê tê

  68. Cơn táp
    Cơn gió lốc.
  69. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  70. Sam
    Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."

    Đôi sam

    Đôi sam

  71. Câu này và câu dưới có bản chép:
    Chiều vào khám lớn
    Như thái tử vào lầu
  72. Bâu
    Cổ áo.
  73. Trong bài này có nghĩa là "áo giáp sắt."
  74. Trường An
    Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

    Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.

  75. Giáp trụ
    Từ chữ giáp 甲 áo dày, áo giáp, và trụ 冑 mũ đội ra trận để phòng tên đạn.
  76. Có bản chép: Như Kim Tòng kết tụi.
  77. Câu này và câu dưới có bản chép:

    Đi làm ngoài bụi
    Như thái tử đi săn

    Ngoài ra còn thêm hai câu:

    Cuốc vá lăng xăng
    Như Trương Phi thử võ
    Ngồi mà lượm cỏ
    Như Thái Thượng điểm binh

  78. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  79. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  80. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  81. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  82. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  83. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  84. Bể
    Biển (từ cũ).
  85. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  86. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  87. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  88. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  89. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  90. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  91. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  92. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  93. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  94. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  95. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  96. Tức 30/8/1917 dương lịch, ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do đội Cấn chỉ huy.
  97. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  98. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  99. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  100. Có bản chép: Rủ nhau.
  101. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  102. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  103. Theo lệnh của Đội Cấn, Đội Trường đã tiêu diệt Giám binh Noen, Ba Chén giết tên Phó quản Lạp và 7-8 binh sĩ chống đối.
  104. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  105. Thị thường
    Xem thường.
  106. Tài bồi
    Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
  107. Nam bang
    Bờ cõi nước Nam.
  108. Nghĩa quân sử dụng quân kì màu vàng đề bốn chữ "Nam binh phục quốc."
  109. Bồng bồng
    Loại cây thân cứng, mọc vươn thẳng, lá màu xanh đậm, nhỏ thon dài, ưa nơi đất ẩm, râm mát. Hoa bồng bồng ra từ búp ngọn rồi buông xuống thành từng chùm dài, màu trắng ngà, mùi thơm, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Lá bồng bồng cũng là một vị thuốc nam.

    Hoa bồng bồng

    Hoa bồng bồng

  110. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  111. Bị
    Đồ đựng, thường đan bằng cói hay tre, có quai xách.

    Bị cói

    Bị cói

  112. Có bản chép:

    Bồng bồng đổ lộc ra hoa
    Một đàn con gái hái hoa bồng bồng
    Trở ra lấy chồng
    Gánh gánh gồng gồng, bảy bị còn ba...

  113. Quyền
    Cách xưng hô với người có chức vụ ngày xưa (ông quyền, cậu quyền...).
  114. Đe
    Khối sắt hoặc thép dùng làm bệ để đặt kim loại lên trên mà đập bằng búa.
  115. Thợ rào
    Thợ rèn.
  116. Thích
    Dùng mũi nhọn châm vào vật gì để khắc, rồi bôi mực cho nổi hình lên.
  117. Chạm
    Khắc, đục lên bề mặt vật rắn (gỗ, đá, kim loại, v.v...) để tạo những đường nét, hình khối mang tính nghệ thuật.
  118. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  119. Hành ngơi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hành ngơi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  120. Thậm
    Rất, lắm.
  121. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  122. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  123. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).