Giời làm sóng lở cát bay
Cho tớ bỏ thày cho mẹ bỏ con
Cửa nhà trôi mất chẳng còn
Vợ chồng cõng bế đàn con lên chùa
Năm nay nạn nước ơn vua
Quan trên phát chẩn ở chùa Tây Phương
Giời làm một trận lỡ đường
Cho nên mới biết Tây Phương thế này
Giời làm sóng lở cát bay
Quan trên phát chẩn mỗi ngày hai ca
Đàn ông cho chí đàn bà
Rạng ngày hăm tám đi ra mà về
Quan tuần, quan án ngồi nghĩ cũng ghê
Thuê ngay hai chiếc thuyền về đình chung
Giàu cùng, khó lại chẳng cùng
Ai ơi còn cậy anh hùng làm chi
Sinh ra nước lụt làm gì
Giàu thì bán ruộng, khó thì bán con
Nghèo thì bán cả nồi cấn lẫn lon đựng cà
Có thì bán cửa bán nhà
Nghèo bán đứa bé lấy ba bẩy hào
Tìm kiếm "cung trăng"
-
-
Hôm qua tát nước đầu đình
Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin.
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai cậy cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh lại giúp cho.
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.Dị bản
Áo anh rách lỗ bàn sàng
Cậy nàng mua vải vá quàng cho anh
Vá rồi anh trả tiền công
Đến lúc lấy chồng anh giúp của cho:
Giúp cho một quả xôi vò,
Một con heo béo, một vò rượu tǎm.
Giúp cho chiếc chiếu nàng nằm,
Đôi áo nàng bận đôi vòng nàng đeo.
Giúp cho quan mốt tiền cheo,
Quan nǎm tiền cưới, lại đèo bông tai
Giúp cho một rổ lá gai
Một cân nghệ bột với hai tô mè
Giúp cho năm bảy lạng chè
Cái ấm sắc thuốc cái bồ đựng than
Giúp cho đứa nữa nuôi nàng
Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…Áo anh đã rách hai tay
Cậy nàng so chỉ và may cho cùng
Vá rồi anh trả tiền công
Mai mốt lấy chồng anh giúp của cho
Giúp cho quan mốt tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đeo mâm chè
Giúp cho nửa giạ hột mè
Nửa ang tiêu sọ, nửa ghè muối khô
Giúp cho cái ấm, cái ô
Cái niêu sắc thuốc, cái bồ đựng than
Anh giúp cho một đứa nuôi nàng
Lâu ngày chẵn tháng rồi chàng tới thăm…
Video
-
Vè cúp tóc
Cúp hè! Cúp hè!
Tay mặt cầm kéo
Tay trái cầm lược
Thủng thỉnh cho khéo
Bỏ cái ngu này
Bỏ cái dại này
Ăn ngay nói thẳng
Học mới từ đây
Cúp hè! Cúp hè!
Trên đường canh tân
Đừng ai ăn mặn
Đừng ai nói láo
Ngày nay ta cúp
Ngày mai ta cạo
Cúp hè! Cúp hè!
Mọi người cùng cúp
Cho sạch đầu tóc
Cho đẹp con người
Ai nấy thảnh thơi
Xóm làng trông cậy
Cúp hè! Cúp hè!
Ai đi đò dọc
Kẻ ngược người xuôi
Ai ngồi tàu suốt
Từ Bắc vô Nam
Lên ngàn xuống bể
Cúp hè! Cúp hè!
Từ sĩ đến nông
Từ công đến thương
Đi chài, dệt sợi
Trăm người như một
Bảo nhau cúp tóc
Cúp hè! Cúp hè! -
Lên bờ lại muốn xuống thuyền
Lên bờ lại muốn xuống thuyền,
Vì chưng chữ ngãi chữ duyên buộc rồi.
Buộc vào thành cánh hoa hồi,
Khi lên khi xuống hai người cùng khiêng.
Buộc vào tấm lưới sợi giềng,
Khi khơi khi lộng chỉ riêng ta mình.
Chữ duyên chữ ngãi chữ tình,
Cả ba chữ ấy là in hình trong gương.
Lắng nghe nàng nói cũng tình,
Trông nàng bẻ lái càng xinh con thuyền.
Mong cho hương lửa bén duyên,
Để anh phỉ nguyện ước nguyền bấy lâu -
Vè nói láo
Tiếng đồn quả thiệt chẳng sai
Có người nói láo không ai dám bì
Lội ngang qua biển một khi
Thấy tàu đương chạy tôi ghì ngừng như không
Lên rừng tôi vác đá hàn sông
Gặp cọp tôi bồng về để nuôi chơi
Nhà tôi có trồng một bụi cải trời
Lá bằng cái sịa kinh thời tôi quá kinh
Dưa gang của tôi cái hột bằng cái chình
Sức tôi một mình ăn hết nồi ba
Tôi trồng chơi có một dây khổ qua
Nó ra một trái tôi xách mà năm ky … -
Vè chợ
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ
Đi giáp một vòng
Hàng hóa mênh mông
Kêu bằng Chợ Lớn
Thiên hạ phát ớn
Là chợ Bình Đông
Ấm bụng no lòng
Kêu bằng Chợ Gạo
Thiệt là huyên náo
Là chợ Bến Thành
Xúm nhau giựt giành
Là chợ Bến Tranh
Ăn ở hiền lành
Đi chợ Thủ Đức … -
Trai nam nhi lược ngà búi tóc
Trai nam nhi lược ngà búi tóc
Dây lưng thì nhuộm sắc hoa hiên
Vui chơi xe lọ, ống tiêm
Cái khay trắc khảm, ngọn đèn mờ xanh
Có phen vui thú lều tranh
Gối đầu bằng gạch, che manh chiếu buồm
Chiếu bắt khom để mà che gió
Thế rồi mang xe lọ giăng ra
Nạo kì đến sái mười ba
Quan tướng hút đỡ để mà cầm hơi
Trông người như cái ma trơi
Tóc xù cổ ngẵng, nằm phơi xương sườn
Hết thuốc chúng bạn hết thương
Vợ con cũng mất với nường phù dung! -
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Dấn thân vào những chỗ hang sâu
Quanh năm cơm nắm nước bầu
Trời xanh mây biếc trên đầu biết chi
Dưới lò giếng lần đi từng bước
Đào khoét ra mới được đồng công
Suốt ngày cặm cụi lao lung
Than già, đá rắn cũng không quản gì
Tay cầm cuốc, mặt thì cúi gập
Lưng gò vào như gấp làm đôi
Loanh quanh xoay xở hết hơi
Tấm thân như hãm vào nơi ngục tù
Mãi đến lúc sương mù ngả bóng
Mới là giờ vội vã trèo lên
Trong ra non nước hai bên
Biết mình còn sống ở trên cõi trần. -
Làng ta phong cảnh hữu tình
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng già trẻ gái trai đua nghề
Mặt trời lặn mới ra về
Ngày ngày, tháng tháng, nghiệp nghề truân chuyên
Dưới dân họ, trên quan viên
Công bình giữ mực cầm quyền thẳng ngay
Bây giờ gặp hội chẳng may
Khi thời hạn hán, khi hay mưa dầm
Khi thời gió bão ầm ầm
Đồng điền thóc lúa mười phần được ba
Lấy gì cung ứng can qua
Lấy gì lo việc trong nhà cho đương
Lấy gì sưu thuế phép thường
Lấy gì hỗ trợ cho đường làm ăn
Trời làm khổ cực hại dân
Vì mùa mất mát trăm phần lao đao -
Kể từ ngày xa cách người thương
Kể từ ngày xa cách người thương
Về nhà đài sen nối sáp, đọc mấy chương phong tình
Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa gã Kim sinh
Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy nghĩ tội cho tình biết chừng mô
Đọc tới lúc Hạnh Nguyên phụng chỉ cống Hồ
Để cho Mai Lương Ngọc ra vô ưu phiền
Hạ Nghinh Xuân còn ở bên nước Yên
Mà Tề Vương phế chánh trao quyền cho Yến Anh
Đọc tới lớp Ngọc Kỳ Lân bỏ hội công danh
Cũng vì Kim Hồ Điệp tử sanh không nài
Đã mấy phen lâm cảnh trần ai
Cho hay chữ tình làm lụy anh tài biết bao nhiêu
Huống chi chàng chừ nỡ phụ người yêu
Dầu có tan vàng nát ngọc cũng đành xiêu với tình. -
Vè loài vật
Ve vẻ vè ve
Cái vè loài vật
Trên lưng cõng gạch
Là họ nhà cua
Nghiến răng gọi mưa
Đúng là cụ cóc
Thích ngồi cắn chắt
Chuột nhắt, chuột đàn
Đan lưới dọc ngang
Anh em nhà nhện
Gọi kiểu tóc bện
Vợ chồng nhà sam … -
Trách phận (Nẫu ca)
Thân trách thân, thân sao lận đận
Mình trách mình số phận hẩm hiu
Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.Video
-
Coi tàu bay tại Lầu Đèn
Đời xưa chí những đời nay
Đời này mới thấy tàu bay nửa lừng
Nguồn đào hải khẩu tứ tung
Từ Hàn chí Phố rùng rùng đi coi
Quan gia chầu chực hẳn hòi
Sức bàn sức ghế lại đòi đến dân
Khắp nơi cờ đóng rần rần
Sức rơm un khói cực dân ba bốn ngày
Ai ai cũng sức tàu bay
Dân canh, lính gác tự ngày chí đêm
Kẻ bán rượu, người bán nem
Kẻ lận bạc giác người đem bạc đồng
Đàn bà chí những đàn ông
Bà già con nít cũng bồng ra đi
Mười giờ tàu lại một khi
Cò đánh, lính ví ra gì nữa đâu … -
Vè bình dân học vụ
Lẳng lặng mà nghe
Cài vè học vụ
Đồng bào mù chữ
Ở khắp mọi nơi
Chiếm chín phần mười
Toàn dân đất Việt
Muôn bề chịu thiệt
Chịu đui, chịu điếc
Đời sống vùi dập
Trong vòng nô lệ
Hơi đâu mà kể
Những sự đã qua
Chính phủ Cộng hòa
Ngày nay khác hẳn
Đêm ngày lo lắng
Đến việc học hành
Mấy triệu dân lành
Còn đương tăm tối
Bị đời hất hủi
Khổ nhục đáng thương
Ngơ ngác trên đường
Như mù không thấy
Những điều như vậy
Không thể bỏ qua … -
Nhà em ở cạnh cầu ao
Nhà em ở cạnh cầu ao
Chàng đi xuôi ngược, chàng vào nghỉ chân
Chàng ngồi chàng nghỉ ngoài sân
Cơm thì nhỡ bữa, canh cần nấu suông
Rau cải chưa rắc, rau muống chưa leo
Cơm em mới có lưng niêu
Lửa em tắt mất từ chiều hôm qua
Ngược lên bãi Phú thì xa
Xuôi về bãi Mộc trồng cà lấy dưa … -
Vè ăn thịt chó
Nghe vẻ, nghe ve
Nghe vè thịt chó
Anh nào chịu khó
Thì đi mua tương
Cái việc tầm thường
Ai ai cũng biết
Muốn cho tươm tất
Đậu phộng, đậu nành
Củ sả, củ hành
Mua ba tiền bún
Một tiền rau húng … -
Hoa phi đào phi cúc
Hoa phi đào phi cúc
Sắc phi lục phi hồng
Trơ như đá vững như đồng
Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao
Mỉa mai cụm liễu cửa đào
Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu
Bốn mùa đông hạ xuân thu
Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi
Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
Sắc hay vương vấn mấy người tài danh
Có bông, có cuống, không cành
Ở trong có nụ, bốn vành có tua
Nhà dân cho chí nhà vua
Ai ai có của cũng mua để dành
Tử tôn do thử nhi sanh
Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi -
Vè con gái làng Sấu
Con gái làng Sấu
Hay cấu hay cào
Cấu ra bờ rào
Cấu vào chuồng lợn
Nào ai có tợn
Lấy gái làng này?
Nó vác cả cày
Ra đồng nó cấu
Nó vác cả đấu
Ra đồng nó đong
Nó vác cả nong
Ra đồng nó quạt
Nó vác cả tháp
Ra đồng nó xây
Nó gói cả mây
Bỏ trong giỏ nó
Nó thắt khăn đỏ
Nó múa gươm thần … -
Năm ngoái anh mới sang Tây
Năm ngoái anh mới sang Tây
Đồn rằng buôn bán năm nay phát tài
Lòng anh muốn lấy vợ hai
Rằng: “Nhà có thuận, nay mai nó về?
Rồi ra một quán đôi quê
Tôi muốn nó về làm bạn sớm hôm
Trước là sinh tử sinh tôn
Sau nữa thờ phụng công môn ông bà
Trước con nhà sau ra con nó,
Xin nhà rồi chớ có ghen tuông
Chợ rộng thì lắm gái buôn,
Sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra
Lòng anh ăn ở thật thà
Coi nó mười tám, coi nhà hai mươi
Lòng anh chẳng có như người,
Có mới nới cũ, tội trời ai mang
Lòng anh ăn ở bằng ngang
Nó giàu bằng mấy cũng nàng thứ hai”.
– “Thôi thôi, tôi biết anh rồi,
Bụng anh nông nổi giếng khơi không bằng!
Bây giờ anh khéo khôn ngoan,
Sau anh tư túi, tôi làm chi anh?
Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư” -
Vè đi ở
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn
Nên thì tớ ở tớ ăn
Không nên tớ giã đầu quăn tớ về.
Tháng năm công việc ê hề
Thằng ở ra về, chủ phải cưỡi trâu.
Giã ơn chúng bạn chăn trâu,
Tớ về đồng bãi hái dâu, chăn tằm.
Tớ ở chưa được nửa năm,
Chủ nhà mắng tớ, tớ nằm không yên …
Chú thích
-
- Phát chẩn
- Phân phát tiền, gạo,... để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
-
- Chùa Tây Phương
- Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương ?
(Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Hào
- Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.
-
- Đình
- Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.
-
- Xôi vò
- Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.
-
- Rượu tăm
- Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
-
- Trằm
- Hoa tai. Cũng gọi là tằm.
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Sàng
- Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.
-
- Quàng
- (Làm việc gì) một cách vội vã, cốt cho xong để còn làm việc khác.
-
- Quả
- Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.
-
- Bận
- Mặc (quần áo).
-
- Gai
- Cũng gọi là cây lá gai, một loại cây thường mọc hoang hoặc được trồng quanh nhà, có lá dày hình trái tim, mặt hơi sần. Lá gai thường dùng để làm bánh ít, bánh gai hoặc làm vị thuốc dân gian.
-
- Vừng
- Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Giạ
- Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.
-
- Ang
- Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
-
- Ghè
- Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Bồ
- Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.
-
- Cúp
- Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
-
- Canh tân
- Cải cách theo lối mới.
-
- Hồi
- Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.
-
- Riềng
- Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phỉ nguyền
- Thỏa lòng mong ước.
-
- Sịa
- Đồ đan bằng tre, nứa, lòng nông, mắt thưa, nhỏ hơn cái nia, dùng để phơi hoặc sấy.
-
- Dưa gang
- Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.
-
- Chình
- Cái chĩnh nhỏ, dùng để đựng gạo hoặc mắm (phương ngữ).
-
- Nồi bảy, nồi ba
- Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
-
- Mướp đắng
- Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.
-
- Ki
- Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
-
- Mơi
- Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chợ Lớn
- Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.
-
- Chợ Bình Đông
- Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).
-
- Chợ Gạo
- Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
-
- Chợ Bến Thành
- Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.
-
- Chợ Bến Tranh
- Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
-
- Thủ Đức
- Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.
-
- Hoa hiên
- Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.
-
- Xe
- Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.
-
- Trắc
- Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...
-
- Sái
- Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.
Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.
-
- Ma trơi
- Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.
Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười
(Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)
-
- Nường
- Nàng (từ cũ).
-
- Phù dung
- Tên gọi khác của cây thuốc phiện. Chiết xuất của loại cây này dùng làm thuốc giảm đau rất tốt, đồng thời cũng là nguyên liệu để chế thuốc phiện. Vì thế người xưa gọi thuốc phiện là "nàng phù dung" hoặc "ả phù dung."
-
- Lò giếng
- Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
-
- Giang khúc
- Khúc sông quanh co.
-
- Con long
- Con rồng.
-
- Vụ năm
- Vụ lúa chiêm, gieo cấy vào cuối tháng mười âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng năm âm lịch.
-
- Vụ mười
- Vụ lúa mùa, gieo cấy vào cuối tháng năm âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng mười âm lịch.
-
- Truân chuyên
- Vất vả. Từ này có gốc từ từ Hán Việt truân chiên 迍邅 nghĩa là "Vướng víu, chật vật không bước lên được" (theo Thiều Chửu).
-
- Dân họ
- Dân chúng.
-
- Quan viên
- Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
-
- Mực
- Mẫu mực, khuôn phép.
-
- Hội
- Lúc.
-
- Đồng điền
- Đồng ruộng.
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Đương
- Trọn vẹn, đầy đủ.
-
- Sưu thuế
- Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
-
- Phép thường
- Quy định thông thường.
-
- Hỗ trợ
- Giúp đỡ lẫn nhau. Từ Hán Việt này được cấu thành từ hai chữ hỗ (lẫn nhau) và trợ (giúp đỡ). Hiện nay hỗ trợ thường được dùng với nghĩa "giúp đỡ" từ một phía (ví dụ: hỗ trợ học sinh học tập). Đây là một cách dùng sai.
-
- Lao đao
- Vất vả khó khăn từ nhiều phía.
-
- Truyện phong tình
- Truyện kể về tình cảm nam nữ, trước đây thường bị các nhà nho chỉ trích, phê phán.
-
- Thúy Kiều
- Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
-
- Kim Trọng
- Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
-
- Tây Sương Ký
- Tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), một vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307) ở Trung Quốc, có nội dung miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của một tiểu thư đài các là Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Tây Sương Ký có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng tác tiểu thuyết và kịch bản về đề tài tình yêu ở các đời sau, tuy nhiên trước đây các nhà nho thường xem nó là "dâm thư."
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Nhị Độ Mai
- Tên một truyện thơ Nôm của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện có nội dung kể về những biến cố xảy ra trong hai gia đình họ Mai và họ Trần do bị gian thần hãm hại. Về cuối truyện, gian thần bị trừng trị, hai họ hiển vinh, con trai nhà họ Mai là Lương Ngọc cưới con gái nhà họ Trần là Hạnh Nguyên.
Sau Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai là một tác phẩm được quần chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi.
Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
Sao em lại đứng với người đi xem?
Mấy lần tôi muốn gọi em
Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ
(Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)
-
- Hạ Nghinh Xuân
- Tên một nhân vật phản diện trong truyện dã sử Chung Vô Diệm, do hồ ly tinh biến hóa mà thành.
-
- Yên
- Tên một quốc gia chư hầu ở phía bắc của nhà Chu, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu tới Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ Chiến Quốc Yên là 1 trong số 7 bảy quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng tới chiến cuộc nhất, được sử sách liệt vào "thất hùng." Năm 222 TCN Yên bị nước Tần tiêu diệt. Một số danh sĩ nước Yên có thể kể đến: Tô Tần, Trương Nghi, Nhạc Nghị, Kinh Kha...
-
- Trần ai
- Chốn bụi bặm, chỉ đời sống thế tục.
-
- Anh tài
- Người có tài năng hơn người (từ Hán Việt).
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Cắn chắt
- Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).
Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
cười lia dăm hạt cốm
giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân
(Người không về - Hoàng Cầm)
-
- Sam
- Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."
-
- Nậu
- Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
-
- Phú Lễ
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
-
- Mũi Đại Lãnh
- Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.
-
- Mực nang
- Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.
-
- Cơ hàn
- Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
(Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Chu choa
- Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Nửa lừng
- Nửa lưng chừng (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Hội An
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
-
- Sức
- Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.
Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
Nay sức.
Lê Thăng
(Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)
-
- Rần rần
- Đông đảo, ồn ào.
-
- Tự
- Từ.
-
- Nem
- Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...
-
- Lận
- Nhét vào trong người (phương ngữ).
-
- Bạc giác
- Hào, bạc cắc, tiền lẻ nói chung (từ cũ).
-
- Cẩm
- Hay cò, chức danh cảnh sát trưởng thời nước ta bị Pháp đô hộ, nói gọn từ âm tiếng Pháp commissaire de police.
-
- Ví
- Đuổi (theo). Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành dí.
-
- Bình dân học vụ
- Tên một phong trào do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau cách mạng tháng Tám để xóa nạn mù chữ (diệt giặc dốt), có sử dụng các câu văn vần mô tả bảng chữ cái cho dễ thuộc: I, tờ (t), có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang
Từ "i tờ" về sau chỉ trình độ học vấn vỡ lòng.
-
- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
- Tên một nhà nước được Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập năm 1945, tồn tại cho đến sau 1976 thì sáp nhập với nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Xem thêm.
-
- Rau cần
- Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.
-
- Suông
- Thiếu hẳn nội dung quan trọng, gây nên sự nhạt nhẽo: Nấu canh suông (nấu canh chỉ có rau, không thịt cá), uống rượu suông (uống rượu không có thức nhắm)...
Ðêm suông vô số cái suông xuồng,
Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông!
(Đêm suông phủ Vĩnh - Tản Đà)
-
- Lạc
- Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.
-
- Đậu nành
- Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...
-
- Sả
- Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.
-
- Rau húng
- Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.
Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.
-
- Liễu
- Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Tử tôn do thử nhi sanh
- Con cháu từ chỗ ấy mà sinh ra.
-
- Đông Sấu
- Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
-
- Đấu
- Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
-
- Phát tài
- (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
-
- Sinh tử sinh tôn
- Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
-
- Công môn
- Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
-
- Tư túi
- Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
-
- Thúc sinh
- Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.
Khách du bỗng có một người
Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích Châu Thường
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri
-
- Hoạn Thư
- Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."
Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
-
- Đồi mồi
- Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.
-
- Giã
- Như từ giã. Chào để rời đi xa.
-
- Giã ơn
- Cảm tạ ơn.
Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
(Nhị Độ Mai)
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.