Ai ơi đừng lấy thợ câu
Cái tay thì thối, cái đầu thì hôi
Chiều chiều xách giỏ mua nồi
Mua thì không có, em ngồi em lo
Chạy lên trên xóm dưới đò
Làng đơm không có, làng mò cũng không
Ở nhà, chồng đứng chồng trông
Em ngồi em khóc, ơi chồng chồng ơi!
Tìm kiếm "dầu em"
-
-
Bèo kia ai thả mà trôi
-
Đường trường cách trở ngàn xa
Đường trường cách trở ngàn xa
Lấy ai tin tức để mà hỏi han
Một mình em giữ phòng loan
Trăng thu, nguyệt tỏ, giãi gan héo dầu
Trách ai cắt bỏ nhịp cầu
Để cho lòng thiếp thảm sầu đắng cay
Đố ai giải được lòng này
Có ai cởi mối sầu này cho không
Mỗi ngày đứng cửa dõi trông
Trách ai chín hẹn những không cả mười -
Chân đạp đất, ngàn năm không hở
Chân đạp đất, ngàn năm không hở,
Đầu đội trời biết thuở nào nguôi.
Anh thương em nước mắt sụt sùi,
Khăn lau không ráo, vạt áo chùi không khô. -
Bánh bò bột nếp
-
Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
Dầu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành
Giặc Lang Sa đánh tới châu thành
Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng không đành bỏ emDị bản
-
Đứng xa xa cách ba lần miếu
-
Người về bỏ bạn sao đành
Người về bỏ bạn sao đành
Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng
Người về bỏ vắng phòng không
Người về em vẫn nay trông mai chờ
Người về ra ngẩn vào ngơ
Đêm năm canh em vẫn đợi chờ sầu âu
Người về cởi áo cho nhau
Người về cởi áo gối đầu lấy hơi
Người về đằng đẵng xa xôi
Xin người nghỉ lại với tôi bên này -
Ai lên tôi gửi lại lời
-
Cơm nước đã ngơi
-
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng
Đến đây trời khiến đem lòng thương em
Nhớ em tưởng bóng ngày đêm
Nhớ răng em trắng má em đỏ hồng
Nhớ em vắng vẻ cô phòng
Một mình vò võ đêm đông lạnh lùng
Nhớ em lụy nhỏ ròng ròng
Xe duyên chửa đặng đau lòng trời ơi
Chỉ còn đêm nữa mà thôi
Giã từ em ở lại, anh hồi cố hương. -
Sông Mơ, sông Mận, sông Ðào
Sông Mơ, sông Mận, sông Ðào
Ba ngọn sông ấy chảy vào sông Si
Em yêu anh bụng đã phát phì
Thuốc thang đâu khỏi anh thì chửa thôi
Yêu anh dễ đứng khó ngồi -
Một đàn cò trắng bay qua
Một đàn cò trắng bay qua
Biết mặt mà chẳng biết nhà làm quen
Nhà chàng được mấy anh em
Cho tôi biết tuổi biết tên tôi chào
Mẹ thầy là người làm sao
Tôi trông thấy mặt tôi chào cho mau
Miệng thời chào mẹ đi đâu
Tay thời mở túi đưa trầu mẹ ăn
Tôi ra Tấn mới gặp Tần
Đôi ta hồ dễ mấy lần gặp nhau
Đâu người đón trước ngăn sau
Thì ta cũng nói với nhau một lời -
Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển bắc
Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển bắc
Giọt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên
Em muốn làm lơ đi mà ngủ, ngủ cũng không yên
Sợ mưa già nước ngập, biết tựa con thuyền vào đâuDị bản
Sóng sầm sịch ì ầm ngoài biển Bắc,
Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên.
Muốn làm lơ đi mà ngủ cho yên,
Sợ mưa già nước ngập, biết dựa con thuyền vào đâu?
-
Con quạ bay xa, bay qua vườn hoa kêu chua chát
-
Trên vườn rau cải, dưới lại rau cần
-
Hôm qua ta ngồi lưng đèo
Hôm qua ta ngồi lưng đèo
Chàng ơi có thấy suối reo quanh mình
Xin chàng hãy nhìn cho tinh
Bao người nhộn nhịp sân đình làng kia
Vì đâu ta phải chia lìa
Vì đâu ta phải ra đi ngoài rừng
Chỉ vì chỉ rối đứt tung
Em phải lấy cái thằng chồng, em đã từng chê -
Ngó ra đằng sau, thấy hai lu nước
-
Đường đi cát nhỏ cỏ mòn
-
Vè lính mộ
Tai nghe nhà nước mộ dân,
những lo những sợ chín mười phần em ôi.
Anh đi ra mặt biển chưn trời,
ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
Xót em vò võ một mình,
anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
Ví dầu anh có mần răng,
nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
Tư bề sóng bể như sơn,
đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
Làm thịt con heo quy tế tại đình,
rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
tối tăm mù mịt như rồng với mây.
Hai bên những lính cùng Tây,
quân gia kéo tới chở đầy tàu binh…
Chú thích
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Phòng loan
- Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài
(Truyện Kiều)
-
- Bánh bò
- Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...
-
- Bánh quai vạc
- Một loại bánh mặn làm từ bột mì có hình dáng giống quai vạc, nhân tôm, thịt, trứng... Khi chế biến, bánh được gấp lại thành hình bán nguyệt và ép mí bánh; khi chín, viền bánh dợn sóng. Tùy theo từng vùng miền, bánh này còn có tên là bánh gối hoặc bánh xếp.
-
- Nhưn
- Nhân (cách phát âm của người Nam Bộ).
-
- Bánh tét
- Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.
-
- Mướp đắng
- Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.
-
- Chanh giấy
- Loại chanh có vỏ mỏng, nhiều nước.
-
- Cam sành
- Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Châu thành
- Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
-
- Làm mai
- Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Ví dầu
- Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
-
- Sở cầu như ý
- Được như mong muốn. Cụm từ này thường được dùng khi cầu xin với thần Phật. Cũng đọc là như ý sở cầu.
-
- Châu Trần
- Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.
Thật là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
(Truyện Kiều)
-
- Cổ lệ
- Hát lên để mừng, mở đầu cuộc vui.
-
- Giọng sổng
- Phần thứ hai trong bốn phần của một cuộc hát ghẹo Vĩnh Phúc. Các bài giọng sổng trước hết nói về thời tiết, thiên nhiên, rồi đi đến chuyện chính là nỗi niềm tâm sự.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Cô phòng
- Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.
Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
Độc túc cô phòng lệ như vũ.
(Ô dạ đề - Lí Bạch)Tản Đà dịch:
Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.
-
- Chửa
- Chưa (từ cổ, phương ngữ).
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Thầy
- Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Quạ
- Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.
-
- Nhạn
- Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥 chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
-
- Rau cần
- Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.
-
- Mơ
- Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Mận
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đa
- Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”
-
- Giếng khơi
- Giếng sâu.
-
- Kỷ trà
- Bàn nhỏ bằng gỗ, thấp, thường được chạm trổ tinh vi. Người xưa khi uống trà thường đặt tách và ấm trà lên trên kỷ.
-
- Gầy
- Gây ra (nghĩa tích cực), tạo dựng, vun vén để đạt được một thành quả nào đó.
-
- Thế thường
- Thói thường ở đời.
-
- Phu thê
- Vợ chồng (từ Hán Việt).
Có âm dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.
(Cung oán ngâm khúc)
-
- Nhân ngãi
- Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
-
- Lính mộ
- Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.
-
- Phên
- Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.
-
- Mần răng
- Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Vạn tử nhất sinh
- Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Quy tế
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Diên
- Tiệc rượu (từ Hán Việt).