Tìm kiếm "đốc kiếm"

Chú thích

  1. Lang
    Chó sói. Theo Thiều Chửu: Tính tàn ác như hổ, cho nên gọi các kẻ tàn bạo là lang hổ 狼虎.
  2. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  3. Me
    Con bê (phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
  4. Cà độc dược
    Một loại cà có độc tính cao, dùng làm một vị thuốc Đông y, có tác dụng ngừa suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật, phong thấp đau nhức... Tuy nhiên, dùng cà độc dược quá liều lượng có thể gây hiện tượng ngộ độc, hôn mê, thậm chí tử vong.

    Cà độc dược

    Cà độc dược

  5. Mọc lông trong bụng
    Lòng dạ độc ác, thâm hiểm.
  6. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  7. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  8. Bâu
    Cổ áo.
  9. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  10. Nhà Neo
    Một địa danh ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Có tên như vậy vì trước đây khi xây lăng Thoại Ngọc Hầu, người ta vận chuyển đá bằng ghe chèo từ Biên Hòa qua nhiều sông rạch rồi rẽ vào kênh Vĩnh Tế về Núi Sam. Chỗ ghe neo lại để lên đá được gọi là Nhà Neo.
  11. Mồng đốc
    Âm vật, một cơ quan sinh dục nữ. Tục còn gọi là hột (hay hạt) le, cái thè le, hoặc hạt chay.
  12. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  13. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  14. Đua bò
    Một lễ hội của người Khmer tại Châu Đốc, An Giang, được tổ chức vào dịp tháng 10 âm lịch hằng năm. Sân đua bò là một thửa ruộng ngập nước, khán giả ngồi quanh xem giống như sân bóng đá thu nhỏ. Mỗi nài điều khiển một cặp bò, mỗi lần đua gồm hai cặp, cặp bò thắng sẽ tiếp tục được vào vòng sau.

    Đua bò Châu Đốc

    Đua bò Châu Đốc

  15. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  16. Nam vận
    Vận mệnh của nước Nam.
  17. Đề đốc
    Chức quan võ thời phong kiến, quản lí một đạo binh.
  18. Chưởng cơ
    Một chức quan võ thời nhà Nguyễn, cai quản 500 quân.
  19. Tán tương quân vụ
    Gọi tắt là tán tương, một chức võ quan dưới triều Nguyễn. Lãnh tụ Cần Vương Nguyễn Thiện Thuật từng giữa chức quan này, nên nhân dân cũng gọi ông là Tán Thuật.
  20. Tán lý quân vụ
    Gọi tắt là tán lý, một chức quan văn giúp việc quan võ khi dẹp giặc dưới triều Nguyễn.
  21. Bàn độc
    Bàn thờ. Từ này vốn là bàn đọc, dần dần đọc trại ra thành bàn độc.
  22. Chó nhảy bàn độc
    “Vắng nhà hoặc cơn loạn-ly, trật-tự đảo-lộn, ai muốn làm chi thì làm” (Việt Nam tự điển). Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, câu này chỉ những kẻ bất tài vô dụng nhưng gặp vận may mà có được địa vị cao.
  23. Chùa Già
    Ngôi chùa của làng kẻ Già nay thuộc xã Thạch Kênh, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
  24. Chùa Dọc
    Ngôi chùa thuộc xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  25. Đang yên đang lành đọc canh phải tội
    Đang yên đang lành vô sự, đón thầy đón sư về tụng kinh (canh) thì lại hóa phải tội với Thần, Phật, và tốn nhiều tiền. Nghĩa bóng: Tự dưng mua việc, hóa lôi thôi vào mình.
  26. Voọc
    Cũng phát âm thành vọc hoặc dộc, tên chung của một số loài khỉ lớn. Ở nước ta có voọc chân xám, chân đen, chân nâu…

    Voọc chà vá chân xám

    Voọc chà vá chân xám

  27. Đô đốc
    Tên một chức quan chuyên trách về quân sự trong thời phong kiến. Tùy theo từng thời kì mà chức đô đốc có những quyền hạn khác nhau, nhưng đều là cấp cao (ví dụ đứng đầu bên võ).
  28. Bài ca dao này ra đời vào khoảng những năm 1940, khi quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Bắc Kỳ với sự đồng ý của chính phủ Pháp, khi ấy đã đầu hàng Đức Quốc Xã. Dưới sự cai trị của Nhật, từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra trên toàn miền Bắc làm ước tính 2 triệu người chết. Đây là tiền đề cho cuộc cách mạng tháng Tám 1945.

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

  29. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).