Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
Ngẫm xem con tạo xoay vần
Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
Bỗng giật mình sực thức cơn mê
Học, thương, xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
Chưa học bò vội chạy đua theo
Khi lên như gió thổi diều
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
Cách hoạt động người mình còn dại
Sức oai quyền ép lại càng mau
Tội nguyên đổ đám nho lưu
Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên …
Tìm kiếm "Bà Tơ"
-
-
Vè ăn thịt chó
Nghe vẻ, nghe ve
Nghe vè thịt chó
Anh nào chịu khó
Thì đi mua tương
Cái việc tầm thường
Ai ai cũng biết
Muốn cho tươm tất
Đậu phộng, đậu nành
Củ sả, củ hành
Mua ba tiền bún
Một tiền rau húng … -
Nem chợ Sãi
Nem chợ Sãi,
Vải La Vang
Khoai Quán Ngang,
Dầu tràm Đại Nại
Mai phường Trúc
Nước độc Kim Giao
Gạo Phước Điền
Chiêng Sắc Tứ
Khoai từ Trà Bát
Quạt chợ Sòng
Cá bống Bích La
Gà Trà Lộc
Môn độn An Đôn
Tôm đồng Mai Lĩnh
Bánh ít Đạo Đầu
Trầu nguồn Khe Gió
Cỗ Trung Đơn
Thơm Bồ Bản
Nghệ vàng An Lộng
Xôi thống Hải Thành
Gạch Trí Bưu
Lựu Triệu Phước
…
Tối ăn khoai
Mai ăn sắn
Nắng Đông Hà
Đàn bà Hội Yên -
Đêm qua trăng sáng mập mờ
Đêm qua trăng sáng mập mờ
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
Vào vườn trẩy quả cau xanh
Bổ ra làm sáu trình anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi tàu
Ở giữa đệm quế, đôi đầu thơm cay
Mời anh xơi miếng trầu này
Dù mặn dù nhạt, dù cay dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
Cầm lược lại nhớ tới gương
Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhauDị bản
Sáng trăng, sáng tỏ mập mờ,
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
Vô vườn bẻ trái cau xanh
Bửa làm sáu miếng mời anh ăn trầu
Trầu em trầu thảm trầu sầu,
Ở giữa thì quế, hai đầu sâm nhungSớm mai gánh nước mờ mờ
Đi qua ngõ giữa tình cờ gặp anh
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
Trầu nầy ăn thật là cay
Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng
Dù chẳng nên vợ nên chồng
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
Cầm lược thì nhớ tới gương
Cầm trầu nhớ túi, nằm giường nhớ nhau
-
Trời xanh đất đỏ mây vàng
Trời xanh đất đỏ mây vàng
Anh đi thơ thẩn gặp nàng thẩn thơ
Bấy lâu loan đợi phượng chờ
Loan sầu phượng ủ biết cơ hội nào
Mong chờ rồng cá kết giao
Thề nguyền đông liễu tây đào phòng chung
Bây giờ kể đã mấy đông
Thuyền quyên sầu một, anh hùng sầu hai
Còn non còn nước còn dài
Còn về còn nhớ tới người hôm nay
Tìm rồng mà lại gặp mây
Sầu riêng năm ngoái năm nay hãy còn
Biết nhau ba bảy năm tròn
Như sông một dải ai còn dám hay
Lại đây em hỏi câu này:
Phượng hoàng đứng đấy, nào cây ngô đồng?
Thuyền quyên sớm biết anh hùng
Liễu tây vắng vẻ đào đông đợi chờ
Ra vào mấy lúc ngẩn ngơ
Nghĩ gần sao lại bây giờ nên xa
Mong cho bướm ở gần hoa
Muốn cho sum họp một nhà trúc mai -
Nhà anh thật khó, không giàu
Nhà anh thật khó, không giàu
Có lời trước, kẻo sau phàn nàn
Nhà anh chỉ có một gian
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
Nồi đất anh treo tứ phương
Chổi cùn, chiếu rách đầy giường em ơi
Không tin, em về mà coi
Chả rồi em bảo là người nói ngoa
Nhà anh có một vườn hoa
Bốn cây cứt lợn xinh đà nên xinh
Trong nhà sập gụ mới tinh
Niễng chui vào bếp, gập ghềnh ba chân
Em lấy anh sung sướng nhất trên trần!Dị bản
Anh đây thật khó, không giàu,
Anh xin nói trước, kẻo sau phàn nàn
Nhà anh chỉ có một gian,
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
Trời làm một trận mưa tuôn,
Nửa bếp cũng đổ, nửa buồng cũng xiêu.
-
Vè bài cào
Đêm nằm ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
Ngồi buồn tôi đặt cái thơ bài cào
Anh em quí vị đồng bào
Già trẻ, lớn nhỏ, nghèo giàu đều hay
Cờ bạc nhiều nỗi khổ gay,
Kề vai, cọ vế: anh Hai, anh Mười…
Tới đây chẳng thiếu chi người,
Thuở giò chọn lựa, chần chừ chờ anh
Dòm lên mấy cái trách trên giàn
Té nghiêng, té ngửa thấy càng éo le … -
Vè chợ
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ
Đi giáp một vòng
Hàng hóa mênh mông
Kêu bằng Chợ Lớn
Thiên hạ phát ớn
Là chợ Bình Đông
Ấm bụng no lòng
Kêu bằng Chợ Gạo
Thiệt là huyên náo
Là chợ Bến Thành
Xúm nhau giựt giành
Là chợ Bến Tranh
Ăn ở hiền lành
Đi chợ Thủ Đức … -
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo
Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
Trên đầu chấy rận như sung
Rốn lồi quả quít, má hồng trôn niêu
Cô tưởng mình cô ái ố mỹ miều
Chồng con chả lấy, để liều thân ru
Hai nách cô thơm như ổ chuột chù
Mắt như gián nhấm, lại gù lưng tôm
Trứng rận bằng quả nhãn lồng
Miệng cười tủm tỉm như sông Ngân Hà … -
Làng ta phong cảnh hữu tình
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng già trẻ gái trai đua nghề
Mặt trời lặn mới ra về
Ngày ngày, tháng tháng, nghiệp nghề truân chuyên
Dưới dân họ, trên quan viên
Công bình giữ mực cầm quyền thẳng ngay
Bây giờ gặp hội chẳng may
Khi thời hạn hán, khi hay mưa dầm
Khi thời gió bão ầm ầm
Đồng điền thóc lúa mười phần được ba
Lấy gì cung ứng can qua
Lấy gì lo việc trong nhà cho đương
Lấy gì sưu thuế phép thường
Lấy gì hỗ trợ cho đường làm ăn
Trời làm khổ cực hại dân
Vì mùa mất mát trăm phần lao đao -
Chuồn chuồn đánh giặc
Chuồn chuồn đánh giặc
Voi đậu bờ rào
Rộng nhất thì ao
Hẹp hòi thì biển
Đẹp nhất thì khỉ
Xấu xa thì tiên
Bong bóng thì chìm
Gỗ lim thì nổi
Đào ao bằng chổi
Quét nhà bằng mai
Tròn thì bồ đài
Méo thì miệng thúng … -
Tiếng đồn anh hay chữ
– Tiếng đồn anh hay chữ
Lại đây em hỏi thử
Đôi câu lịch sử Khánh Hòa
Từ ngày Tây cướp nước ta
Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa,
Anh hãy nói ra cho em tường?
– Nghe lời em hỏi mà thương
Thương người nghĩa kiệt, tơ vương vấn lòng
Vì thù non sông
Thề không đội trời chung với giặc
Từ Nam chí Bắc
Thiếu chi trang dạ sắt, gan đồng … -
Chim gì kêu suốt mùa hè
Chim gì kêu suốt mùa hè,
Nó kêu “nước nước” ven đê, ven đường?
Chim gì kêu chẳng ai thương,
Kêu ra người mắng tìm đường bay xa?
Chim gì kêu giữa tháng ba,
Giục chùm vải chín là đà bên sông?
Chim gì nhảy nhót trên đồng,
Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày?
Chim gì làm tổ trên cây,
Chim gì sẵn đó đẻ ngay tức thì,
Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi?
Chim gì mà lượn trên giời,
Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn?
Chim gì bé tị lăn tăn,
Làm tổ cây ngáinhện chăng ven đường?
Chim gì đuôi, cánh màu vàng,
Véo von cho cả xóm làng đều thân?
Chim gì bay ra ầm ầm?
Chim gì ăn tối âm thầm đó ai?
Chim gì hót đủ trăm bài?
Chim gì mặt nguyệt xòe dài lông đuôi?
Chim gì chả thấy ai nuôi,
Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền?Là những loại chim gì?Chim cuốc kêu suốt mùa hè,
Nó kêu “nước, nước” ven đê ven đường.
Chim quạ kêu chẳng ai thương,
Kêu ra người mắng, tìm đường bay xa.
Tu hú kêu vào tháng ba,
Giục chùm vải chín là đà ven sông.
Sáo sậu nhảy nhót trên đồng,
Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày.
Bồ các làm tổ trên cây,
Tu hú đẻ đó liền ngay tức thì.
Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi.
Diều hâu mà lượn trên giời,
Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn.
Chim sâu bé tị lăn tăn,
Làm tổ cây ngái nhện chăng ven đường.
Hoàng anh đuôi cánh màu vàng,
Véo von cho cả xóm làng đều thân.
Én, mòng bay lượn ầm ầm,
Chim vạc ăn tối âm thầm đó ai.
Chim khướu hót đủ trăm bài,
Chim công mặt nguyệt xòe dài lông đuôi.
Chim hạc chẳng thấy ai nuôi
Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền. -
Cái cò là cái cò kì
Cái cò là cái cò kì
Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
Đêm nằm thì ngáy o o
Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
Hàng bánh hàng bún bày ra
Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
Ăn rồi cắp đít ra về
Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
Chả này bà bán làm sao?
Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
Nói dối rằng mua cho chồng
Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
Đem tiền đi bói ông thầy
Bói ra quẻ này những chả cùng nem
Cô nàng nói dối đã quen
Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?Dị bản
Con cò là con cò kì
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
Về sau lấy cháu ông đồ
Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
Một bồ thì để phần làng
Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.
-
Bồng bống bông
Bồng bống bông,
Màn Đổng Tử, gối Ôn Công,
Lớn lên em phải ra công học hành,
Làm trai gắng lấy chữ danh,
Thi thư nếp cũ, trâm anh dấu nhà.
Hỡi ha ha,
Chị nay chút phận đàn bà,
Tam tòng tứ đức, phận là nữ nhi.
Mong em khôn lớn kịp thì,
Năm xe lầu thuộc, sáu nghề tinh thông.
Bồng bống bông,
Anh tài ra sức vẫy vùng,
Nữ nhi lại cũng bạn cùng bút nghiên.
Cõi đời là cuộc đua chen,
Anh hùng cũng thể, thuyền quyên cũng là. -
Nhờ ai cho gà đỏ đuôi
Nhờ ai cho gà đỏ đuôi
Nhờ ai mà được cưỡi voi, ngồi thuyền
Nhờ ai có bạc, có tiền
Nhờ ai mà có nàng tiên đứng hầu
Nhờ ai có ruộng, có trâu
Nhờ ai mà có mâm thau, đũa ngà
Nhờ ai có lụa, có là
Vợ gọi bằng bà, con gọi cậu, cô
Đến khi giặc Pháp tràn vô
Quan nhỏ tếch mất, quan to chạy dài
Ai ơi, có thế chăng ai? -
Vè cây
Vo vỏ vò vo
Cây nhỏ cây to
Cây cò đậu
Cây sáo sậu trèo
Cây rắn leo
Cây mèo nhảy
Cây gãy cành
Cây xanh lá
Cây xây rạ
Cây chồng rơm
Cây đơm quả
Cây xả hương
Cây bám tường
Cây cắm đất
Ta ngồi ta nói thật … -
Vè các lái (hát ra)
Tiếng đồn các lái Đồng Nai
Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền
Tháng ba củi lửa huyên thuyên
Tháng tư dọn thuyền quay lại lộn ra
Sài Gòn, Rạch Giá bao xa
Lần theo tăm cá xa nhà đã lâu
Một trăm ông lái làu làu
Đi qua Giáp Nước, Vũng Tàu phải ghê
Kỳ Vân có bãi lưới rê
Non cao biển thẳm ủ ê tấc lòng
Khúc nôi lụy nhỏ đằm đằm
Xích Ram đã khỏi, Bãi Dầm đã qua
Hồ Tràm, Hồ Đắng de ra
Thân Trong nằm trước, Mũi Bà nằm trong … -
Vè trách vua Tự Đức hai lòng
Trách vua Tự Đức hai lòng
Đi về bên đạo, bỏ công bên đời
Mần quan ra rồi
Vượt lòng không cạn
Tây sang buôn bán
Viện lấy giữ nhà
Ai biết sự là
Tây sang cướp nước
Khi mới sang, đánh được
Răng không đánh đi cho … -
Vè lo lót
Sáp vàng hai bánh
Yến huyết một cân
Mứt bí, mứt gừng
Trà Tàu, trà Huế
Mứt chanh, mứt khế
Cam rim, hồng rim
Đường phổi, đường đá
Tôm khô, vi cá
Đồm độp, gân nai
Bột báng, bột khoai
Dầu thông, mắm muối …
Chú thích
-
- Phong trào Duy tân
- Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.
Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).
Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).
-
- Thân sĩ
- Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
-
- Ái quốc
- Yêu nước (từ Hán Việt).
-
- Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
- Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.
Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.
-
- Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
-
- Tội nguyên
- Người đứng đầu chịu tội.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Lạc
- Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.
-
- Đậu nành
- Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...
-
- Sả
- Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.
-
- Rau húng
- Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.
Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.
-
- Sãi
- Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
-
- La Vang
- Địa danh nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ cây lá vằng (một loại cây có thể nấu làm nước uống), hoặc chỉ tiếng kêu la của người dân để xua đuổi thú dữ. Theo truyền thuyết của người Công giáo, dưới thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn, Ðức Mẹ đã hiện ra tại đây. Vì thế, La Vang hiện nay được xem là một thánh địa Công giáo, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương.
-
- Quán Ngang
- Một địa danh thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
-
- Dầu tràm
- Loại dầu được chiết xuất từ lá của cây tràm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn…
-
- Đại Nại
- Tên một làng cũ thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay làng đã được sáp nhập với làng An Thái và làng Ba Khê thành một làng lớn là Đại An Khê.
-
- Phường Trúc
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phường Trúc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Kim Giao
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
-
- Phước Điền
- Địa danh nay thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
-
- Chùa Tịnh Quang
- Còn có tên là chùa Sắc Tứ, một ngôi chùa ở vùng núi phía tây nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, là biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.
-
- Trà Bát
- Địa danh nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- Chợ Sòng
- Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
-
- Bích La
- Địa danh nay là một làng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ Đông của sông Thạch Hãn. Đây là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, nơi được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt."
-
- Trà Lộc
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Làng có trằm (bàu nước) Trà Lộc, nay là một khu du lịch sinh thái có tiếng trong vùng.
-
- An Đôn
- Địa danh nay là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
-
- Mai Lĩnh
- Địa danh nay là một quận thuộc tỉnh Quảng Trị.
-
- Đạo Đầu
- Địa danh nay là một thôn thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- Trầu nguồn
- Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
-
- Khe Gió
- Địa danh thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khe Gió vốn là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng đông, tạo nên một địa hình lòng máng hút gió từ sông Hiếu đổ về. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh.
-
- Trung Đơn
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
-
- Dứa
- Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.
-
- Bồ Bản
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- An Lộng
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- Xôi thống
- Một loại xôi đặc sản ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xôi làm từ loại nếp rất thơm, khi ăn có vị ngọt.
-
- Hải Thành
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, hiện nay Hải Thành còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...
-
- Trí Bưu
- Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
-
- Triệu Phước
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- Đông Hà
- Địa danh nay là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị.
-
- Hội Yên
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Quế
- Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.
-
- Bửa
- Bổ (phương ngữ miền Trung).
-
- Nhân sâm
- Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Ngô đồng
- Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
(Tì bà - Bích Khê).
-
- Trúc mai
- Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông
(Truyện Kiều)
-
- Cứt lợn
- Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...
-
- Sập
- Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.
-
- Niễng
- Có nơi gọi là mễ, đà, dụng cụ dùng để kê sập, kê phản.
-
- Bài cào
- Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
-
- Đồng bào
- Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
-
- Trách
- Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
-
- Mơi
- Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chợ Lớn
- Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.
-
- Chợ Bình Đông
- Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).
-
- Chợ Gạo
- Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
-
- Chợ Bến Thành
- Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.
-
- Chợ Bến Tranh
- Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
-
- Thủ Đức
- Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Giần
- Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
-
- Nhót
- Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.
-
- Cù nèo
- Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
-
- Bồ cào
- Đồ vật nhà nông có cán dài (thường bằng tre), một đầu có nhiều răng thưa, dùng để làm tơi đất, dọn cỏ, hoặc cào phơi nông sản. Động tác sử dụng bồ cào gọi là cào.
-
- Hắc lào
- Một loại bệnh ngoài da do nấm. Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, vùng có nấm thường tròn như đồng tiền; vùng da bị tổn thương ngứa ngáy rất khó chịu.
-
- Sung
- Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.
-
- Trôn
- Mông, đít, đáy (thô tục).
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Ru
- Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
-
- Chuột chù
- Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.
-
- Nhấm
- Gặm (thường dùng cho các loại sâu bọ, chuột, gián...)
-
- Nhãn lồng
- Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Giang khúc
- Khúc sông quanh co.
-
- Con long
- Con rồng.
-
- Vụ năm
- Vụ lúa chiêm, gieo cấy vào cuối tháng mười âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng năm âm lịch.
-
- Vụ mười
- Vụ lúa mùa, gieo cấy vào cuối tháng năm âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng mười âm lịch.
-
- Truân chuyên
- Vất vả. Từ này có gốc từ từ Hán Việt truân chiên 迍邅 nghĩa là "Vướng víu, chật vật không bước lên được" (theo Thiều Chửu).
-
- Dân họ
- Dân chúng.
-
- Quan viên
- Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
-
- Mực
- Mẫu mực, khuôn phép.
-
- Hội
- Lúc.
-
- Đồng điền
- Đồng ruộng.
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Đương
- Trọn vẹn, đầy đủ.
-
- Sưu thuế
- Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
-
- Phép thường
- Quy định thông thường.
-
- Hỗ trợ
- Giúp đỡ lẫn nhau. Từ Hán Việt này được cấu thành từ hai chữ hỗ (lẫn nhau) và trợ (giúp đỡ). Hiện nay hỗ trợ thường được dùng với nghĩa "giúp đỡ" từ một phía (ví dụ: hỗ trợ học sinh học tập). Đây là một cách dùng sai.
-
- Lao đao
- Vất vả khó khăn từ nhiều phía.
-
- Mai
- Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.
-
- Bồ đài
- Đồ dùng để múc nước, làm bằng mo cau gập và nẹp lại.
-
- Thúng
- Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.
-
- Khánh Hòa
- Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Đê
- Một lũy đất nhân tạo hay tự nhiên kéo dài dọc theo các bờ sông hoặc bờ biển để ngăn lũ lụt.
-
- Vải
- Tên Hán Việt là lệ chi, một loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới. Quả có lớp vỏ màu đỏ, sần sùi dễ bóc, bên trong là lớp cùi thịt màu trắng mờ, ăn rất ngọt. Quả được thu hoạch vào mùa hè.
-
- Giời
- Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
-
- Ngái
- Một loại cây thuộc họ dâu tằm, có tên khác là sung ngái, dã vô hoa. Theo kinh nghiệm dân gian, tất cả các bộ phận của cây ngái đều có tác dụng chữa bệnh.
-
- Mặt nguyệt
- Một loại họa tiết cổ gồm một hình dĩa tròn tựa trên mấy cụm mây, thường xuất hiện trên mái đình, chùa. Họa tiết này thường kèm theo hình hai con rồng.
-
- Quạ
- Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.
-
- Tu hú
- Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.
-
- Sáo sậu
- Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.
-
- Ác là
- Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.
-
- Diều hâu
- Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.
-
- Chim sâu
- Tên chung của một số loài chim nhỏ như chim sẻ, thường ăn mật hoa, quả mọng, nhện và sâu bọ.
-
- Hoàng anh
- Còn gọi là chim vàng anh hay hoàng oanh, là loài chim di cư nhỏ, ăn côn trùng và quả cây. Hoàng anh trống nổi bật với bộ lông vàng và đen, hoàng anh mái có bộ lông vàng ánh xanh lục.
-
- Én
- Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.
-
- Hải âu
- Còn gọi là chim mòng hay mòng biển. Là loài chim có kích thước từ trung bình tới lớn, thường có màu xám hay trắng, với các đốm đen trên đầu hay cánh, mỏ dài khỏe, chân có màng bơi. Người đi biển có thể xem chim hải âu bay để dự đoán thời tiết.
-
- Khướu
- Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.
-
- Công
- Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.
-
- Hạc
- Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.
Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng
(Nhị thập tứ hiếu)
-
- Đổng Tử
- Tức Đổng Trọng Thư (179 TCN - 117 TCN) một học giả đời Tây Hán bên Trung Quốc. Ông từ nhỏ đã nổi tiếng chăm chỉ học tập, từng ba năm liên tục buông màn để đọc sách, mắt không liếc ra ngoài. Ông có công đưa đạo Nho trở thành hệ tư tưởng học thuật thống trị ở Trung Quốc.
-
- Ôn Công
- Tên hiệu Tư Mã Quang, một viên thừa tướng đời Tống, bên Trung Quốc, nổi tiếng ham đọc sách. Điển tích kể lại khi đọc sách, Ôn Công chọn dựa mình vào gối tròn để khi ngủ gục, gối lăn, lại tỉnh dậy đọc. Từ đó, "gối Ôn Công" thường là được dùng chỉ về nết học hành chăm chỉ.
-
- Trâm anh
- Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
-
- Tam tòng
- Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:
Tại gia tòng phụ: khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.
-
- Tứ đức
- Cùng với "tam tòng", là những quy định xuất phát từ Nho giáo mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Tứ đức bao gồm:
- Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo.
- Dung: Dáng người phải gọn gàng, dễ coi
- Ngôn: Ăn nói phải dịu dàng, khoan thai, mềm mỏng
- Hạnh: Tính nết phải hiền thảo, nết na, chín chắn.
-
- Nữ nhi
- Con gái nói chung.
-
- Ngũ Kinh
- Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:
1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Đồng thau
- Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.
-
- Tếch
- Bỏ đi, chuồn đi.
-
- Lái
- Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
-
- Đồng Nai
- Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
-
- Sài Gòn
- Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.
-
- Rạch Giá
- Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
-
- Giáp Nước
- Nơi hai dòng hải lưu gặp nhau ở ngoài khơi Vũng Tàu.
-
- Vũng Tàu
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Tại đây nổi tiếng với ngành nghề du lịch biển với nhiều bãi biển lí tưởng, đồng thời có các danh lam thắng cảnh như Chùa Thích Ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh, Núi Nhỏ, Núi Lớn...
-
- Mũi Kỳ Vân
- Còn gọi là Thuỳ Vân, một mũi đất nhô ra biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mũi đất này có độ cao chừng 327m, là đích nhắm của lái buôn ghe thuyền ngày xưa khi đi qua khu vực này.
-
- Khúc nôi
- Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
-
- Xích Ram
- Một địa danh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày nay đọc trại thành Xích Lam. Theo Gia Định thành thông chí: [Sông Xích Ram] Ở về phía đông bắc cách trấn 209 dặm, có cầu ván bắc ngang. Sông dài 173 tầm, là nơi đường bộ đi ngang qua, nước sâu 5 thước ta. Phía hạ lưu của cầu chuyển quanh vào nam 3 dặm là cảng biển Xích Ram, khi thủy triều lên sâu 10 thước ta, rộng 33 trượng rưỡi, cảng dời đổi, thông kẹt bất thường...
-
- Bãi Dầm
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Dầm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Hồ Tràm
- Một dải bờ biển dài nằm giữa Long Hải và Bình Châu, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một bãi biển đẹp và còn hoang sơ, hiện nay đang được khai thác tiềm năng du lịch.
Theo Gia Định thành thông chí: [Hải Động Hồ] Tục gọi là Hồ Tràm, cách trấn về phía đông bắc 227 dặm rưỡi. Nơi đây, động cát nối liền, cỏ cây xanh tốt, trong có hồ lớn xanh trong, nước đều ngọt cả, không khi nào khô, mọi người đều nhờ nước ấy.
-
- Hồ Đắng
- Tên một làng chài nhỏ (hiện chỉ có trên dưới hai mươi hộ dân) thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngư dân ở đây sống bằng nghề chài lưới và đánh bắt ven bờ; cuộc sống cho đến nay vẫn còn gần như hoang sơ và tạm bợ.
-
- Thân Trong
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thân Trong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Mũi Bà Kiệm
- Một mũi đất nhô ra biển thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nằm giữa hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.
-
- Tự Đức
- (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Sáp vàng
- Tổ ong được nấu hoặc phơi cho chảy, rồi lọc, cô đặc thành bánh. Sáp ong từng được xem là sản vật quý hiếm, và nay vẫn được đánh giá cao vì giá trị dinh dưỡng và các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.
-
- Đường phổi
- Loại đường được nấu từ mật mía, được đúc thành bánh màu trắng hơi vàng, xốp và giòn, vị ngọt thanh. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Có tên gọi đường phổi là do hình dạng thỏi đường nhìn tựa lá phổi.
-
- Vi cá
- Vây cá mập, được xem là món ăn bổ dưỡng, quý hiếm, và rất đắt đỏ.
-
- Hải sâm
- Tên dân gian là đồn đột, đột ngậu, đồm độp, đỉa biển hay nhím biển, là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình thuôn dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Hải sâm được xem là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng trị bệnh.
-
- Báng
- Giống cây lâu năm thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là đoác, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng. Ở ta báng mọc nhiều ở các chân núi ẩm, chân núi đá vôi, rừng thứ sinh. Bột bên trong lõi cây có thể ăn hay làm đồ uống. Báng còn được trồng làm cảnh vì dáng đẹp. Rượu báng là một đặc sản của các vùng núi đá cao (Tây Bắc).
-
- Dầu thông
- Tinh dầu được chưng cất từ lá, cành non và quả của một số loài thông. Dầu thông có tác dụng tẩy uế, làm đẹp và trị một số bệnh ngoài da.