Tìm kiếm "lẻ bóng"

  • Tiếng đồn chàng hay chữ

    – Tiếng đồn chàng hay chữ
    Tài ngang tú cử
    Lại đây em hỏi thử đôi câu:
    Ngọt ngay nước chảy dưới cầu
    Gọi cầu Nước Mặn bởi đâu hỡi chàng?
    – Thật thà là thói hồng nhan
    Ăn xuôi nói ngược thế gian lạ gì,
    Mặn chằng nước vũng Đề Gi
    Gọi đầm Nước Ngọt lẽ gì hỡi em?

  • Thương nhau vì nết chẳng hết chi người

    Thương nhau vì nết chẳng hết chi người
    Anh không tin dạ, anh sợ đổi dời
    Em xin cắt tóc thề có đất trời chứng minh
    – Nghe em phân cạn, vô hạn thương tâm
    Vợ chồng nghĩa nặng tình thâm
    Em thề không thuyền khác ôm cầm
    Anh nhìn mái tóc phải tuôn dầm lệ châu!

  • Gặp anh hùng xin hỏi anh hùng

    – Gặp anh hùng xin hỏi anh hùng
    Cầu chi đi mười hai tháng phân cho cùng thiếp nghe?
    – Kim Liên, Thủy Tú, Vĩnh Điện cho chí Câu Lâu
    Quảng Nam ta có mấy cái cầu dài thay!
    Chỉ đi chưa tới nửa ngày
    Lẽ mô có lẽ đi rày một năm?
    Bạn hỏi ta, nghĩ lại cũng nhằm
    Cầu chi đi mười hai tháng? Có cầu Giáp Năm đó bạn tề!

  • Mời chư vị giai nhân tài tử

    Mời chư vị giai nhân tài tử
    Tới đây nghe tôi thử pháo tre
    Của bán ra không phải nói khoe
    Thời thực vật sắm vừa túc dụng
    Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
    Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
    Có pháo mới văn minh xuân nhựt
    Dưới con cháu cũng vui cũng ức
    Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
    Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
    Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
    Coi như lễ Tết Tây trong dã
    Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
    Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
    Phí của nọ vui tình không tiếc
    Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
    Luật vui xuân ai cũng nên dùng
    Có pháo mới đùng đùng là thú
    Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
    Đều xúm lại hàng này
    Mua pháo nầy về đốt
    Vốn tôi không nói tốt
    Hay thiệt tình có một mình tôi
    Nhiều người bán xảo làm mồi
    Đốt đây khá về rồi dại dở
    Có kẻ làm kêu cũng đỡ
    Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
    Của bán ra là biết bao nhiêu
    Một mình vấn nên kêu đều đặn
    Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
    Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
    Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
    Như đại bác vang gầm trời đất
    Hễ đốt thì xác tan bay mất
    Không khi nào gió phất ngún hừng
    Của tôi làm, tôi đã biết chừng
    Xin quý chức mua đừng có ngại
    Để đốt thử vài trái
    Nghe có phải hay không
    Đang buổi chợ mua đông
    Tôi cũng trông bán đắt
    Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
    Xin bà con mua hắt tôi về
    Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
    Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng…

  • Chơi thuyền

    Cái mốt, cái mai
    Con trai, con hến
    Con nhện chăng tơ
    Quả mơ, quả mận
    Cái cận, lên bàn đôi
    Đôi chúng tôi
    Đôi chúng nó
    Đôi con chó
    Đôi con mèo
    Hai chèo ba
    Ba đi xa
    Ba về gần
    Ba luống cần
    Một lên tư
    Tư củ từ
    Tư củ tỏi
    Hai hỏi năm
    Năm em nằm
    Năm lên sáu
    Sáu lẻ tư
    Tư lên bảy
    Bảy lẻ ba
    Ba lên tám
    Tám lẻ đôi
    Đôi lên chín
    Chín lẻ một
    Mốt lên mười
    Chuyền chuyền một, một đôi…

  • Thân em thái thể đồng tiền

    – Thân em thái thể đồng tiền
    Lớn thời ăn sáu nhỏ nguyền ăn ba
    Chữ đề thông bửu quốc gia
    Dân yêu quan chuộng nghĩ đà sướng chưa?
    – Thân anh thái thể chuối già
    Ăn sáu anh cũng xỏ, ăn ba không từ
    Đi ra mua bán đời chừ
    Đồng sứt đồng mẻ anh không từ đồng mô
    Nói ra thì sợ mất lòng cô
    Chứ đường ngay tôi xỏ thẳng, lẽ mô cô giận hờn

  • Con gái đương thời

    Con gái đương thời
    Phải nơi thì đặt
    Cái áo em mặc
    Giăng mắc hoa hồng
    Trong yếm đại hồng
    Chuỗi xe con toán
    Cái quai dâu chạm
    Em đội lên đầu
    Cái nhôi gắp dâu
    Quấn vào đỏ chói
    Cái miệng em nói
    Có hai đồng tiền
    Như cánh hoa sen
    Giữa ngày mới nở
    Mẹ em đi chợ
    Có gánh có gồng
    Anh đứng anh trông
    Má hồng đỏ thắm
    Anh đứng anh ngắm
    Đẹp đẽ làm sao
    Con cái nhà nao
    Chân đi đẹp đẽ
    Anh có vợ rồi
    Không lẽ anh sêu.

  • Canh một dọn cửa dọn nhà

    Canh một dọn cửa dọn nhà
    Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
    Canh tư bước sang canh năm
    Chiềng anh dậy học còn nằm làm chi
    Một mai chúa mở khoa thi
    Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh
    Bõ công cha mẹ sắm sanh
    Tiền lưng gạo bị cho anh về trường
    Nghi vệ đóng hai bên đường
    Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau
    Kẻ chiêng người trống đua nhau
    Tiếng khoan tiếng nhịp tiếng mau rộn ràng
    Rước vinh quy về nhà bái tổ
    Ngả trâu bò làm lễ tế thần
    Để cho bảy huyện nhân dân
    No say được đội hoàng ân từ rày

  • Con dâu tôi dại lại khờ

    Con dâu tôi dại lại khờ
    Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần
    Nấu canh như thể xà bần
    Bữa mặn bữa lạt, không lần nào ngon
    Làm bánh, nắn cục nắn hòn
    Bỏ vô mà hấp chẳng còn chút nhưn
    May áo rồi lại may quần
    Tra khuy lộn ngược sau lưng vá quàng
    Đi chợ phải thói ăn hàng
    Mua ba đồng mắm chợ tan mới về
    Về nhà rồi đi ngồi lê
    Cửa nhà dơ dáy chắng hề quét lau
    Nuôi heo sợ tốn cám rau
    Tới mùa gặt hái giả đau ở nhà!

    Dị bản

    • Con nhà ai nho nhỏ lại khờ
      Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần

  • Súc sắc, súc sẻ

    Súc sắc, súc sẻ
    Nhà nào còn đèn, còn lửa
    Mở cửa cho anh em chúng tôi vào
    Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp
    Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu
    Bước ra đằng sau, thấy nhà ngói lợp
    Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm
    Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ
    Vợ ông sinh đẻ những con tốt lành
    Những con như tranh, những con như vẽ

  • Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng

    – Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng
    Đường ra kinh xa đã quá xa
    Anh ra làm chi mỗi tháng mỗi ra?
    Anh ra một bữa cực ta ba, bốn ngày
    – Tam Kỳ, Đại Lộc, Phú Yên, Khánh Hòa
    Chốn kinh kì là chốn nhạc gia qua ở thường
    Không đi thì ổng nhớ bả thương
    Còn phận anh là rể xa đường quản chi
    Đi thời phải sắm lễ nghi
    Có lần ổng trả có kì ổng ăn luôn
    Không đi cha ổng nghĩ, mẹ ổng buồn
    Ổng có ra thăm cháu em nhớ chống chiếc xuồng cho cha vô
    Cha vô năm ba bữa cha buồn
    Ổng có trở về nhạc mẫu, em nhớ chống chiếc xuồng cho ổng ra

    Dị bản

    • Đường Quảng Nam rộng đà quá rộng
      Nẻo Bắc Kỳ xa đã quá xa
      Anh làm chi mỗi tháng mỗi ra
      Cho em chịu khổn cả ba bốn ngày

    • – Chàng ra làm chi mà mỗi tháng mỗi ra
      Chàng ra một bận thì thiếp khổ ba bốn ngày
      – Anh ở trong nớ anh mới ra
      Cha mẹ em có nhắn biểu ông bà em vô chơi.

  • Vè đội Cấn

    Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
    Nước Nam mình phút dậy can qua
    Thái Nguyên nay có một tòa
    Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
    Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
    Ông Đội ra đi trước cầm binh
    Rủ nhau lập tiểu triều đình
    Những là cai đội khố xanh bằng lòng
    Duy phó quản bất tòng quân lệnh
    Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
    Sai người mở cửa nhà pha
    Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
    Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
    Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
    Rồi ra làm lễ tế trời
    Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang

  • Hỡi em ơi, nay chừ em đặng chốn cửa quyền

    Hỡi em ơi, nay chừ em đặng chốn cửa quyền
    Cửa cao, rào kín, nên em bỏ lời nguyền em đi
    Em ơi, đặng chốn giàu sang,
    Thấy anh đây hái củi nương hoang cũng không chào
    Hỡi em ơi, không chào nỏ mất đi mô!
    Chào rồi ruột héo gan khô từng ngày.
    Tôi tới nơi đây, chào lê, chào lựu,
    Tôi chào kẻ cựu người tân,
    Kẻ xa tôi chào trước, người gần tôi chào sau.
    Em ơi, đừng phụ khó tham giàu,
    Phụ bần, tham phú, mai sau có trời!

  • Vè ở tù

    Chiều chiều vào khám
    Như công chúa vào lầu
    Bận áo không bâu
    Như mình mang thiết giáp
    Thầy chú đánh đạp
    Như thí võ Tràng An
    Quần áo lang thang
    Như mình mang giáp trụ
    Tuông bờ lướt bụi
    Như Khương Thượng tán binh

  • Vè bài cào

    Đêm nằm ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
    Ngồi buồn tôi đặt cái thơ bài cào
    Anh em quí vị đồng bào
    Già trẻ, lớn nhỏ, nghèo giàu đều hay
    Cờ bạc nhiều nỗi khổ gay,
    Kề vai, cọ vế: anh Hai, anh Mười…
    Tới đây chẳng thiếu chi người,
    Thuở giò chọn lựa, chần chừ chờ anh
    Dòm lên mấy cái trách trên giàn
    Té nghiêng, té ngửa thấy càng éo le

  • Ba mươi súc miệng ăn chay

    Ba mươi súc miệng ăn chay
    Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài
    Lâm râm khấn vái Phật Trời
    Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng
    Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng
    Để cho trai gái dốc lòng đi tu
    Chùa này chẳng có Bụt ru
    Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen

  • Vè đánh Tây

    Tượng nghe:
    Nước có nguồn, cây có gốc
    Huống chi người có da, có tóc
    Mà sao không biết chúa, biết cha?
    Huống chi người có nóc có gia
    Mà sao không biết trung biết hiếu
    Hai vai nặng trĩu
    Gánh chi bằng gánh cang thường
    Một dạ trung lương
    Gồng chi bằng gồng xã tắc
    Bớ những người tai mắt
    Thử xem loại thú cầm:
    Trâu ngựa dòng điếc câm
    Còn biết đền ơn cho nhà chủ
    Muông gà loài gáy sủa
    Còn biết đáp nghĩa lại người nuôi

  • Ví dù theo lái xuống tàu

    Ví dù theo lái xuống tàu
    Thì em mới biết cá gầu có gai
    Con bơn, con nhệch là hai
    Con còng, con ghẹ, nó tài đào hang
    Kể rằng cá đuối bơi ngang
    Cái đuôi có điện ra đàng làm cao
    Lại tăm con cá đuối sao
    Nước lên cả nước gặp ngay cá ngần
    Biển sâu lại có chướng ngầm
    Cá ăn nó lượn ba lần nó ra
    Cá Ông thì ở bể xa
    Lưỡng long chầu nguyệt có ngà đôi bên
    Lần đầu xuống bến xuống thuyền
    Sao mà em biết nhãn tiền cá Ông
    Ví dù em có sang sông
    Thì em mới biết cá Ông chầu đền
    Kể từ mặt biển kể lên
    Chim, thu, nhụ, đé, vược hên nhất đời
    Cá he ngậm nước bao giờ
    Mà em dám nói đổ ngờ cá he
    Kể cả con cá mòi he
    Xương dăm vẫn mặc cứ le cho vào
    Kể từ con cá chuồn hoa
    Nó nhảy một cái qua ba lần thuyền
    Kể từ con cá đối đen
    Bắt được đi bán lấy tiền ăn chơi
    Dưới bể có cả đồi mồi
    Có con lợn bể nó bơi cả ngày
    Kể cả con cá mó tày
    Vàng xanh cả vẩy cả vây cũng mừng
    Kể cả con mực, con nhưng
    Cứ cầm cho chặt lưới thừng không buông
    Con mực nhuộm đục cả luồng
    Đón đuôi thả lưới mà buông đến cùng
    Cá mập bơi lội vẫy vùng
    Khoanh tay vược lộn ở vùng bể Đông
    Kể từ cá mú, cá song
    Cá nhung, cá cúng, cá hồng Áng Gai
    Cá sông kể cũng rất tài
    Cá mè, cá chép, ở khe ngọn nguồn
    Trở giời nó mới lượn lên
    Ví dù em ở đồng trên gần nguồn
    Thì em mới biết nguồn cơn
    Thì em mới biết cá rô, trê đồng
    Bây giờ em chưa có chồng
    Làm gì em biết thuộc lòng cá chim?

  • Mẹ mình khéo đẻ mình ra

    Mẹ mình khéo đẻ mình ra
    Đẻ mình mười bốn, đẻ ta hôm rằm.
    Mình đen ta cũng ngăm ngăm
    Mẹ ta thách cưới một trăm quan tiền
    Mình về bán tổ bán tiên
    Bán ruộng tư điền chẳng lấy được ta
    Mình về bán cửa bán nhà
    Bán kèo bán cột bán xà đòn tay
    Mình về bán mẹ đêm nay
    Lấy được quân này đất lở trời long.
    Bao giờ bạc đổ ra nong
    Tiền quây, thóc cót lấy xong quân này
    Quân này quân ăn quân chơi
    Quân đánh trống bỏi, quân bơi thuyền rồng.
    Gái này là gái kén chồng
    Kén từ tỉnh Bắc, tỉnh Đông, tỉnh Đoài
    Kén từ mười tám ông cai
    Mười lăm ông đội, mười hai ông đồn.
    Kén từ con cháu nhà vua
    Bước chân xuống chùa lễ Phật ăn chay

  • Nam Định là chốn quê nhà

    Nam Định là chốn quê nhà
    Có ai về mộ cu li ra làm
    Anh em cơm nắm rời Nam
    Theo ông cai mộ đi làm mỏ than
    Cu li kể có hàng ngàn
    Toàn là rách mặc, đói ăn, vật vờ
    Điểm mặt nhớn bé cũng vừa
    Từ nhớn chí bé không thừa một ai
    Điểm rồi lại phải theo cai
    Những cai đầu dài thúc giục ra đi
    Ra ngay cà rạp tức thì
    Hỏi chủ cà rạp ta đi tàu nào?
    Anh em bàn tán xôn xao
    – “Ta đi tàu nào đấy hả ông cai?”
    – Xô-pha tới bến đây rồi
    Anh em cơm nước, nghỉ ngơi, xuống tàu
    Xuống tàu chờ đợi đã lâu
    Đến giờ tàu tiến chẳng thấy cai ra
    Cai dặn cứ xuống Xô-pha
    Chừng độ sáu rưỡi thì ra tới Phòng
    Hải Phòng hai sở song song
    Bên kia Hạ Lý, Hải Phòng bên đây
    Một ngày tàu đã tới ngay
    Trông lên Cẩm Phả vui thay trăm đường

Chú thích

  1. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  2. Cử nhân
    Học vị cấp cho những người thi đỗ kì thi hương dưới thời phong kiến, trên tú tài. Người có học vị này thường được gọi là ông cử.
  3. Ngọt ngay
    Cũng nói là ngọt ngây, cách nói của Trung và Nam Bộ để mô tả vị ngọt đậm đà.

    Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây
    Ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây

    (Hành trình trên đất phù sa - Thanh Sơn)

  4. Cầu Nước Mặn
    Một cây cầu bắc ngang qua một con suối chảy từ Phụng Du xuống sông Tam Quan, thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Có ý kiến cho rằng tên cầu như vậy vì trước đây sông Tam Quan đáy còn sâu, cửa còn rộng, mỗi khi có triều lớn, nước biển mặn dâng lên tới tận Phụng Du. Theo thời gian, cửa sông hẹp lại và lòng sông bị bồi lấp, đầy dần lên, nước mặn không lên cao được nữa, nhưng tên cầu vẫn giữ nguyên.
  5. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  6. Mặn chằng
    Cũng viết là mặn chằn, cách nói miêu tả vị mặn gắt ở Trung và Nam Bộ.
  7. Đề Gi
    Một làng biển thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm ngay cửa nơi vịnh Nước Ngọt ăn thông ra biển. Đề Gi nổi tiếng với nghề làm muối và nước mắm, và hiện nay cũng đang là một cảng biển tấp nập.

    Cảng cá Đề Gi

    Cảng cá Đề Gi

  8. Nước Ngọt
    Tên chữ là Đạm Thủy, một cái đầm nằm trên ranh giới phía Đông của xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ và xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên mũi đất ở đó. Người ta kể rằng, vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang phải trốn chạy quân Tây Sơn, có lần hết nước uống, phải cho thuyền cập cửa Đề Gi nhưng không dám vào làng gặp dân vì sợ bị lộ. Nước đầm mặn không uống được, ông ngửa mặt lên trời khấn: "Nếu mệnh trời của họ Nguyễn chưa dứt thì xin ban cho nước ngọt," rồi cho đào sâu xuống thì gặp mạch nước ngọt, vì vậy thành tên đầm.

    Mũi Nước Ngọt

    Mũi Nước Ngọt

  9. Phân
    Nói cho rõ, bày tỏ.
  10. Ôm cầm
    Ôm đàn, trong văn chương thường được dùng để chỉ việc phụ nữ lấy chồng, tái giá, hoặc bỏ chồng cũ lấy chồng mới. Các thành ngữ ôm cầm thuyền ai, ôm đàn qua thuyền được cho là xuất phát từ lời thề nguyền chung thủy của nàng Kiều Oanh trong Thiên Hương Tập, khi nàng nói với chồng rằng: Thiếp đã đem thân theo chàng, dẫu nát ngọc chìm châu, cũng không ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác.
  11. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  12. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Kim Liên
    Một địa danh trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, hiện nay thuộc địa phận quận Liên Chiểu, phía bắc thành phố Đà Nẵng.
  14. Cầu Thủy Tú
    Tên cây cầu bắc ngang qua sông Cu Đê, thuộc làng Thủy Tú (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng ngày nay).
  15. Vĩnh Điện
    Tên một cây cầu bắc ngang qua sông Vĩnh Điện, thuộc thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

    Cầu cũ Vĩnh Điện

    Cầu cũ Vĩnh Điện

  16. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  17. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  18. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  19. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Nhằm
    Đúng, ngay chỗ đó (phương ngữ miền Trung).
  21. Giáp Năm
    Tên một cây cầu ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  22. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  23. Chơi chữ, "Giáp Năm" có nghĩa là vừa tròn một năm.
  24. Tài tử giai nhân
    Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.

    Dập dìu tài tử giai nhân
    Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

    (Truyện Kiều)

  25. Thực vật
    Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
  26. Túc dụng
    Đủ dùng (từ Hán Việt).
  27. Cựu thời
    Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
  28. Bộc
    Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
  29. Nhi thinh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  30. Xuân nhựt
    Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
  31. Ức
    Ham, muốn (từ cũ).
  32. Minh niên
    Năm nay (từ Hán Việt).
  33. Hỉ hạ
    Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
  34. Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
  35. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  36. Điện Quang
    Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.

    Pháo Điện Quang

    Pháo Điện Quang

  37. Lôi đình
    Sấm sét (từ Hán Việt).
  38. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  39. Tiêu xoay
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  40. Ngún hừng
    Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
  41. Hắt
    Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
  42. Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
  43. Thái thể
    Như thể.
  44. Ăn một, ăn ba, ăn sáu
    Cách tính giá trị của đồng tiền trước đây. Tiền ăn một là một đồng tiền kẽm. Tiền ăn ba có pha đồng thau, có giá trị bằng ba đồng kẽm. Tiền ăn sáu to bản hơn, dày nặng, không thông dụng bằng hai đồng kia.

    Xem thêm bài Một quan tiền tốt mang đi.

  45. Thông Bảo
    通寶, hai chữ thường thấy nhất trên các đồng tiền ngày trước, nghĩa là đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ này xuất hiện lần đầu tiên trong tiền Khai Nguyên Thông Bảo do Đường Cao Tổ của Trung Quốc đúc năm 621.
  46. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  47. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  48. Đại hồng
    Một loại sứ có hoa màu đỏ, to. Thân nhánh màu xanh xám, lá thon dài, nhỏ ở cuống, phình to ngoài chót, phiến lá màu xanh pha vàng nhạt, có gân giữa nổi lên rõ rệt. Cây thường được trồng làm cảnh, rất siêng hoa (có hoa quanh năm).

    Đại hồng

    Đại hồng

  49. Sêu
    (Nhà trai) đưa lễ vật đến biếu nhà gái trong những dịp lễ tết.
  50. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  51. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  52. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  53. Bõ công
    Đáng công.
  54. Nghi vệ
    Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

  55. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  56. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  57. Ngả
    Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
  58. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  59. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  60. Dùng đũa cả (đũa bếp) xới cơm đang nấu trong nồi cho mau khô, chín cơm.
  61. Xà bần
    Đồ phế thải như gạch ngói, vôi vữa... từ các công trình xây dựng, cũng có thể hiểu rộng là rác rến. Từ này có gốc từ tiếng Trung Quốc thập bình 什平, nghĩa là "nhiều món trộn lẫn với nhau," dùng chỉ đồ ăn vụn, đồ thừa.
  62. Nhưn
    Nhân (cách phát âm của người Nam Bộ).
  63. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  64. Có bản chép: Nhà nào nhà nấy, còn đèn còn lửa.
  65. Rồng ấp
    Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

  66. Rồng chầu
    Một loại họa tiết cổ thường có hình cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu), cặp rồng chầu mặt nguyệt.

    Bệ chạm cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu) thời Lý

    Bệ chạm cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu) thời Lý

  67. Có bản chép: Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ.
  68. Có bản chép: những con như rối.
  69. Ngày xưa, vào những ngày gần Tết, trẻ con trong làng thường họp thành đoàn, rủ nhau đi chúc Tết xin tiền, vừa đi vừa lúc lắc cái ống tre đựng tiền, đến từng nhà hát bài đồng dao này.
  70. Kinh thành, tức Huế, nhưng còn có ngụ ý khác.
  71. Câu hát này nói bóng gió đến chu kì kinh nguyệt của phụ nữ.
  72. Tam Kỳ
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
  73. Đại Lộc
    Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
  74. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  75. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  76. Nhạc gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (từ Hán Việt).
  77. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  78. Nhạc mẫu
    Mẹ vợ (từ Hán Việt).
  79. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  80. Khổn
    Một biến thể ngữ âm của chữ "khốn" [困] (khốn khổ) trong phương ngữ Nam Bộ.
  81. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  82. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  83. Tức 30/8/1917 dương lịch, ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do đội Cấn chỉ huy.
  84. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  85. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  86. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  87. Có bản chép: Rủ nhau.
  88. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  89. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  90. Theo lệnh của Đội Cấn, Đội Trường đã tiêu diệt Giám binh Noen, Ba Chén giết tên Phó quản Lạp và 7-8 binh sĩ chống đối.
  91. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  92. Thị thường
    Xem thường.
  93. Tài bồi
    Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
  94. Nam bang
    Bờ cõi nước Nam.
  95. Nghĩa quân sử dụng quân kì màu vàng đề bốn chữ "Nam binh phục quốc."
  96. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  97. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  98. Tân
    Mới (từ Hán Việt).
  99. Bần
    Nghèo (từ Hán Việt).
  100. Phú
    Giàu (từ Hán Việt).
  101. Câu này và câu dưới có bản chép:
    Chiều vào khám lớn
    Như thái tử vào lầu
  102. Bâu
    Cổ áo.
  103. Trong bài này có nghĩa là "áo giáp sắt."
  104. Trường An
    Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

    Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.

  105. Giáp trụ
    Từ chữ giáp 甲 áo dày, áo giáp, và trụ 冑 mũ đội ra trận để phòng tên đạn.
  106. Có bản chép: Như Kim Tòng kết tụi.
  107. Câu này và câu dưới có bản chép:

    Đi làm ngoài bụi
    Như thái tử đi săn

    Ngoài ra còn thêm hai câu:

    Cuốc vá lăng xăng
    Như Trương Phi thử võ
    Ngồi mà lượm cỏ
    Như Thái Thượng điểm binh

  108. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  109. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  110. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  111. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  112. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  113. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  114. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  115. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  116. Chùa Hồ Sen
    Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
  117. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  118. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  119. Trung lương
    Trung chính và lương thiện.
  120. Xã tắc
    Đất nước ( là đất, tắc là một loại lúa).
  121. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  122. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  123. Cá mú
    Tên chung một họ cá biển cho thịt trắng, dai, ngọt. Có ba loại cá mú chính là cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp, trong đó cá mú đỏ là loài cá quý hiếm nhất, hai loại còn lại thì hiện nay đang được nuôi khá nhiều. Tùy theo từng địa phương mà cá mú còn được gọi là cá song, cá gàu (gầu), cá mao…

    Cá mú đỏ

    Cá mú đỏ

  124. Thờn bơn
    Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.

    Cá thờn bơn

    Cá thờn bơn

  125. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  126. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  127. Ghẹ
    Vùng Bắc Trung Bộ gọi là con vọ vọ, một loại cua biển, vỏ có hoa, càng dài, thịt nhiều và ngọt hơn cua đồng.

    Con ghẹ

    Con ghẹ

  128. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  129. Cá ngần
    Còn gọi là cá ngân, cá cơm ngần, cá sữa, cá thủy tinh, hay cá bún, một loại cá không xương, nhỏ như con tép, màu trắng hoặc trong suốt, sống trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Từ cá ngần có thể chế biến ra nhiều món ngon như canh chua, cá chiên trứng, chả cá ngần…

    Cá ngần

    Cá ngần

  130. Cá Ông
    Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

  131. Lưỡng long chầu nguyệt
    Hai con rồng chầu mặt trăng (cũng gọi là "rồng chầu mặt nguyệt"). Đây là chi tiết phù điêu thường gặp trên các mái đình đền, chùa chiền ở nước ta, mang ý nghĩa tâm linh thuần phục thánh thần.

    Lưỡng long chầu nguyệt

    Lưỡng long chầu nguyệt

  132. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  133. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  134. Cá nhụ
    Cũng gọi là cá chét, một loại cá biển thân dài, dẹt bên, đầu ngắn, mắt to. Thịt cá dai, ngọt và nhiều chất dinh dưỡng, xương mềm. Cá thường được chiên lên chấm với nước mắm tỏi, ớt ăn kèm rau sống hoặc nấu canh ngót hoặc sốt cà chua, kho cà chua, kho tiêu, kho tộ…

    Cá nhụ

    Cá nhụ

  135. Cá đé
    Cũng gọi là cá lặc, một loài cá biển thân dài, đầu ngắn, thân màu trắng bạc. Cá đé có thịt thơm ngon hảo hạng, hiếm có khó tìm, được xếp vào “tứ quý ngư” (chim, thu, nhụ, đé), bốn loài cá quý của Việt Nam.

    Cá đé

    Cá đé

  136. Cá vược
    Một loại cá sinh trưởng ở nước ngọt, nước lợ và di cư ra vùng nước mặn để đẻ. Ở nước ta, cá vược phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam và được đánh giá có giá trị kinh tế cao, đã được thuần hóa để nuôi cả trong điều kiện nước mặn và nước ngọt.

    Cá vược nuôi

    Cá vược nuôi

  137. Cá he
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở miền Tây Nam Bộ, họ hàng với cá mè. Cá he có đuôi và vây màu đỏ, vẩy bạc. Thịt cá he ngon, béo nhưng có nhiều xương. Xem thêm: Câu cá he.

    Cá he

    Cá he

  138. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  139. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  140. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  141. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  142. Lợn biển
    Động vật có vú thuộc bộ bò biển, sống ở biển hoặc cá vùng cửa sông, có thân hình to lớn (cá thể trưởng thành nặng khoảng nửa tấn), chuyên ăn các loại thực vật dưới biển.

    Lợn biển

    Lợn biển

  143. Cá mó
    Cũng gọi là cá lưỡi mèo hoặc cá vẹt, một loài cá biển có thân hình dẹt, khá mềm, rất nhiều thịt. Thịt của cá mó có hương vị đậm đà, dễ chế biến thành các món kho, chiên hay canh.

    Cá mó

    Cá mó

  144. Nhưng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhưng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  145. Cá nhung
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá nhung, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  146. Cá cúng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá cúng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  147. Cá hồng
    Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.

    Cá hồng biển

    Cá hồng biển

  148. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  149. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  150. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  151. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  152. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  153. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  154. Tư điền
    Ruộng của riêng.
  155. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  156. Đòn tay
    Đoạn tre hay gỗ nằm trên kèo, dùng để đỡ rui của mái nhà.
  157. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  158. Trống bỏi
    Trống bằng giấy cho trẻ con chơi, hai bên có hai sợi dây, đầu buộc một hạt nặng, đập vào mặt giấy thành tiếng khi xoay nhanh.

    Trống bỏi

    Trống bỏi

  159. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  160. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  161. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  162. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  163. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  164. Cai mộ
    Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
  165. Cà rạp
    Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
  166. Sauvage
    Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
  167. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  168. Hạ Lý
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
  169. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm