Tìm kiếm "cưới"

Chú thích

  1. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  2. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  3. Bành
    Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.

    Bành voi

    Bành voi

  4. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  5. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  6. Quản tượng
    Người trông nom và điều khiển voi (từ Hán Việt).
  7. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  8. Rị
    Dị (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  9. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  10. Tiểu thiếp
    Vợ lẽ (từ Hán Việt).
  11. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  12. Bạc hai mươi
    Lối cho vay bạc ngày xưa, cứ một trăm đồng thì con nợ phải trả hai mươi đồng lời trong một tháng. Cũng gọi là "xanh xích đít đuôi" (theo âm tiếng Pháp cinq six dix douze, nghĩa là năm-sáu, mười-mười hai: Năm đồng vốn thì cả vốn lẫn lời là sáu; mười đồng vốn thì cả vốn lẫn lời là mười hai đồng).
  13. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  14. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  15. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  16. Tàu seo
    Một dụng cụ làm giấy dó, chỉ chỗ đựng nước có pha chất keo thật loãng. Người thợ thủ công dùng một cái liềm - một thứ lưới nhỏ mắt đan bằng nứa đặt vào một khuôn gỗ - đem khuôn láng nước bột dó rồi nhúng vào tàu seo, chao đi chao lại cho thành hình tờ giấy.

    Làm giấy dó

    Làm giấy dó

  17. Vần cơm
    Xoay nồi cơm trong bếp cho chín đều.
  18. Vãi
    Ném vung ra.
  19. Nhút
    Còn gọi là rau rút, quyết, quyết thái, một loại cây thân xốp, mọc bò trên mặt nước, có mùi thơm đặc trưng. Thân và lá nhút thường được dùng để ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món luộc, xào, lẩu, v.v. Nhút còn là vị thuốc Đông y có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng, an thần.

    Canh cua rau nhút

    Canh cua rau nhút

  20. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  21. Ninh Diêm
    Một làng muối thuộc khu vực bán đảo Hòn Khói, tỉnh Khánh Hòa.

    Đồng muối Ninh Diêm

    Đồng muối Ninh Diêm

  22. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  23. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  25. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  26. Cá đao
    Loại cá biển rất dữ tợn thuộc họ cá đuối, trên mõm có một mũi sụn kéo dài, hai bên có nhiều răng nhọn, nhìn như thanh đao.

    Cá đao

    Cá đao

  27. Sông Vàm Nao trước đây từng mệnh danh là ổ cá mập, cá đao. Có người nói do Vàm Nao có lòng chảo sâu ăn thông với biển nên lâu lâu có cá mập, cá đao bơi lạc vào. Theo sách Tân Châu xưa (tác giả Huỳnh Minh và Nguyễn Văn Kiềm), năm 1819, Thoại Ngọc Hầu cho đào kinh Vĩnh Tế, dân phu ngán rừng thiêng nước độc đã bỏ trốn, chạy tới Vàm Nao, gặp sông nên đốn cây chuối ôm bơi qua, nhưng tới giữa dòng thì bị nước xoáy cuốn chìm, cá mập lao tới xâu xé, ăn thịt.
  28. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  29. Ba Thắc
    Tên của một địa danh ở miền Nam, xuất phát từ chữ Bassac trong tiếng Khmer. Hiện có ba cách giải thích về địa danh này:

    1. Vùng đất ngày xưa thuộc địa phận của Campuchia, người Khmer gọi là Srok Bassac. Vùng đất này kéo dài từ Châu Đốc xuống Cà Mau hiện nay.
    2. Tên gọi khác của sông Hậu (người Khmer gọi là Tonlé Bassac).
    3. Tên gọi một trong ba cửa biển của sông Hậu, bao gồm Tranh Đề, Định An và Ba Thắc. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.

  30. Giễu
    Nói ra, đưa ra để đùa bỡn, châm chọc hoặc đả kích.
  31. Thanh Lâm
    Tên gọi của một huyện đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam kể từ thời thuộc Minh (1407-1427), hiện nay là huyện Nam Sách và một phần thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
  32. Đồng Khê
    Tên nôm là Đồng Sớm, nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
  33. Rái
    Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
  34. Súng
    Loài cây sống lâu năm, mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng... Bông súng có lá tròn giống lá sen, phía trên màu xanh, phía dưới mầu hồng nhạt, gắn liền cọng với cuống. Hoa to, màu xanh nhạt, trắng hay hồng, có bốn lá đài. Củ súng nằm bồng bềnh trên mặt nước, ăn được.

    Hoa súng

    Hoa súng

  35. Củ co
    Loại cây sống dưới nước thường mọc nơi bưng biền vào mùa mưa, nhiều nhất là vùng Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng… Cây có hình dáng giống như bông súng. Dây nhỏ hơn đầu mút đũa, lá bằng cỡ miệng chén, tròn, màu xanh nhạt ửng hồng, nổi trên mặt nước. Củ co nhỏ cỡ hột mít, củ lớn cỡ hột sầu riêng, da đen, xù xì. Củ co nấu chín, lột vỏ, lộ ra lớp thịt màu vàng sậm, ăn có vị bùi, hơi ngậy. Củ co có nhiều nhất từ tháng giêng đến tháng tư, còn mùa nước nổi rất ít.