Tìm kiếm "Đông Tây"

Chú thích

  1. Ông già Khốt-ta-bít
    Một nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng Ông già Khottabych của nhà văn Liên Xô Lazar Lagin. Ông là một vị thần hùng mạnh trong Nghìn lẻ một đêm, bị nhốt trong một cái bình gốm dưới đáy sông Matx-cơ-va, được cậu bé Volka giải thoát nên nguyện đi theo làm mọi điều cậu yêu cầu. Tuy nhiên, do sự khác biệt quá lớn giữa xã hội Xô Viết hiện đại và thế giới cổ tích Ba Tư ông từng sống, những suy nghĩ và việc làm của ông đều có vẻ ngớ ngẩn, lẩm cẩm và bảo thủ.

    Ở nước ta, tác phẩm Ông già Khottabych đã được dịch, xuất bản và tái bản nhiều lần. Nhân vật Ông già Khốt-ta-bít trở thành quen thuộc, đến độ người miền Bắc thường gọi những người già lẩm cẩm và bảo thủ là "cụ Khốt."

  2. Công giáo
    Còn được gọi là Thiên Chúa giáo, Kitô giáo hoặc đạo Giatô, một tôn giáo có niềm tin và tôn thờ đức Chúa Trời, Giêsu, các thánh thần. Chữ công có nghĩa là chung, phổ quát, đón nhận mọi người chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Xuất hiện ở nước ta từ khoảng thế kỉ 16, Công giáo phát triển khá mạnh cho đến ngày nay.

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

  3. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  4. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Câu liêm
    Dụng cụ gồm một lưỡi quắm hình lưỡi liềm lắp vào cán dài, dùng để móc vào mà giật, cắt những vật ở trên cao. Ngày xưa câu liêm còn được dùng làm vũ khí.

    Câu liêm

    Câu liêm

  6. Liềm
    Một nông cụ cầm tay có lưỡi cong khác nhau tùy từng loại, phía lưỡi thường có răng cưa nhỏ (gọi là chấu), dùng để gặt lúa hoặc cắt cỏ. Liềm có thể được xem là biểu tượng của nông nghiệp.

    Cái liềm

    Cái liềm

  7. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  8. Mác
    Một loại vũ khí cổ, có lưỡi dài và sắc, cán dài, có thể dùng để chém xa.
  9. Dao bầu
    Loại dao to, mũi nhọn, phần giữa phình ra, thường dùng để chọc tiết lợn, trâu bò.

    Dao bầu

    Dao bầu

  10. Mắm tôm
    Một loại mắm ở miền Bắc, được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi (một loại tôm nhỏ) và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc rất đặc trưng. Mắm tôm thường có ba dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng. Trước khi sử dụng, mắm tôm thường được pha với chanh và ớt.

    Mắm tôm đã pha

    Mắm tôm đã pha

  11. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  12. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  13. Đây là trò chơi dân gian tương tự trò Nu na nu nống.
  14. Ba Tri
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

  15. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  16. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  17. Duối
    Loại cây mộc, cỡ trung bình, thân khúc khuỷu, nhiều cành chằng chịt, có mủ trắng. Lá duối ráp dùng làm giấy nhám làm nhẵn mặt gỗ. Duối được dùng làm vị thuốc và trồng trong chậu nhỏ làm cây cảnh.

    Hàng duối ở làng Đường Lâm

    Hàng duối ở làng Đường Lâm

  18. Xì po
    Phát âm từ tiếng Anh "sport" (thể thao).
  19. Nài
    Người trông nom và điều khiển voi, ngựa.

    Nài ngựa chở khách du lịch ở Đà Lạt

    Nài ngựa chở khách du lịch ở Đà Lạt

  20. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  21. Trai
    Tên chung chỉ các loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ. Ở các vùng Khánh Hòa, Phan Thiết, Hoàng Sa... người ta thường nuôi loài trai ngọc để lấy ngọc trai.

    Trai ngọc

    Trai ngọc