Tìm kiếm "đồng rau"

Chú thích

  1. Trai tân
    Con trai chưa vợ.
  2. Cha dòng
    Linh mục trong đạo Thiên Chúa.
  3. Lương
    Người không theo Công giáo. Thời cấm đạo, vua quan chia dân chúng thành hai thành phần. Những người theo Đạo Khổng, Đạo Phật, Đạo Lão hay những người theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà, được gọi là lương dân (người dân tốt). Những người Công giáo bị gọi là dửu dân (dân cỏ dại) hay tả đạo.
  4. Hà Đông
    Tên một tỉnh cũ ở miền Bắc nước ta. Tỉnh nguyên có tên là tỉnh Hà Nội, sau khi triều đình Huế cắt phần tỉnh Hà Nội nhượng cho Pháp thì tỉnh lị chuyển về Cầu Đơ và tỉnh cũng đổi tên thành Cầu Đơ. Đến năm 1904, tỉnh Cầu Đơ đổi thành tỉnh Hà Đông. Qua một số lần sáp nhập và chia tách, tỉnh Hà Đông cũ hiện nay thuộc địa phận Hà Tây.

    Tỉnh Hà Đông đã đi vào thi ca và âm nhạc với bài thơ Áo lụa Hà Đông của thi sĩ Nguyên Sa, được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc (xem trên YouTube).

  5. Quán Mọc
    Một địa danh nay thuộc huyện Đống Đa, Hà Nội.
  6. Ngồi ở cầu Đơ, nói chuyện quán Mọc
    Nói những chuyện phù phiếm vô nghĩa, hoặc chuyện không thuộc phạm vi hiểu biết của mình.

    [N]gười nước Nam mà bàn việc Nguyên, Minh, chuyện Đường, Tống, ngồi xó nhà mà tả những cảnh Hoàng Hà, Thái Sơn thực là ngồi cầu Đơ mà nói quán Mọc. (Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính).

  7. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  8. Dong
    Một loại cây thân thảo có lá rộng, được dùng chủ yếu để gói bánh chưng, bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ. Bánh gói lá dong sau khi luộc có mùi thơm đặc biệt và dễ chịu. Lá dong còn được dùng để cất giấm bằng cách ngâm lá với rượu hoặc nước đường.

    Gói bánh bằng lá dong

    Gói bánh bằng lá dong

  9. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  10. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  11. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  12. Đồng Quan, đồng Chùa
    Hai cánh đồng thuộc địa phận xã Hà Lâm, nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  13. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  14. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  15. Xuân Mỹ
    Địa danh nay thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  16. Cửa Đầm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cửa Đầm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  18. Ba
    Tiếng đọc chữ "hoa" dưới triều Nguyễn, để kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là vua Thiệu Trị).
  19. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  20. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  21. Này (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Con người méo mó mới có đồng tiền
    Kiếm được đồng tiền phải trả giá về nhân cách, hình hài.
  23. Đồng đen
    Hợp kim đồng và thiếc, màu đen bóng, thường dùng để đúc tượng.
  24. Phèn chua
    Một loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Người ta dùng phèn chua để đánh nước cho trong hoặc làm thuốc giữ màu trong quá trình nhuộm vải.

    Phèn chua

    Phèn chua

  25. Rẫy
    Đất trồng trọt ở miền rừng núi, có được bằng cách phá rừng, đốt cây rồi trồng tỉa.
  26. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  27. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  28. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  29. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  30. Năng
    Hay, thường, nhiều lần.
  31. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  32. Đồng bấc
    Tiền để mua bấc thắp đèn.
  33. Đồng quà
    Tiền để mua quà bánh.
  34. Đồng bấc thì qua, đồng quà thì nhớ
    Việc cần làm thì không nhớ, chỉ nhớ chuyện quà bánh; không quan tâm việc quan trọng, lại để ý việc nhỏ nhặt.
  35. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Lung
    Nhiều, hăng. Nghĩ lung: nghĩ nhiều, gió lung: gió nhiều.
  37. Biên Hòa
    Địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai, nổi tiếng với đặc sản bưởi Biên Hòa. Trong thời kì Pháp thuộc, người Pháp mở nhiều đồn điền cao su tại đây, đồng thời xây dựng ga xe lửa Biên Hòa thuộc tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho phục vụ cho nhu cầu vận chuyển nhân công và thành phẩm.

    Bưởi Biên Hòa

    Bưởi Biên Hòa

  38. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  39. Chõng
    Đồ dùng để nằm, ngồi, làm bằng tre nứa, giống như chiếc giường nhưng nhỏ, hẹp hơn. Ngày xưa, những nhà buôn bán nhỏ thường xếp hàng hóa lên một chiếc chõng, gọi là chõng hàng.

    Hàng bún riêu bày trên chõng

    Hàng bún riêu bày trên chõng

  40. Đồng kẽm
    Đồng tiền làm bằng kẽm. Thời phong kiến, tiền tệ lưu thông gồm bốn loại: vàng, bạc, tiền đồng, tiền kẽm. Vàng bạc là quý nhất. Tiền kẽm có giá trị thấp nhất. Một đồng tiền đúc bằng đồng (gọi là tiền tốt) có giá trị gấp sáu lần một đồng tiền kẽm.

    Đồng tiền kẽm cổ

    Đồng tiền kẽm cổ