Tìm kiếm "bao giờ"

Chú thích

  1. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  2. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  3. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  4. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  5. Bảo Đại tứ niên
    Bảo Đại năm thứ 4, tức năm 1929.
  6. Sâu keo
    Một loại sâu ăn lúa, phá hoại mùa màng, phát triển mạnh có thể tạo thành nạn dịch.

    Sâu keo

    Sâu keo

  7. Ngũ tỉnh
    Năm tỉnh giáp với Hà Nội: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. Khái niệm này được dùng trong một số giai đoạn lịch sử của nước ta.
  8. Đồn điền
    Trang trại có quy mô lớn, trồng những loại cây công nghiệp như bông gòn, thuốc lá, cà phê, chè, mía, cao su, cây lấy gỗ hoặc cây ăn trái. Vào thời Pháp thuộc, người Pháp mở rất nhiều đồn điền cao su, cà phê... ở các tỉnh Nam Kỳ, mộ dân phu làm lụng vô cùng cực nhọc với mức công rẻ mạt.

    Phu đồn điền cao su

    Phu đồn điền cao su

  9. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  10. Nghĩa Hành
    Địa danh nay là huyện trung du duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
  11. Tam Bảo
    Tên một phiên chợ ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chợ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Đây có lẽ là phiên chợ xuất hiện lâu đời nhất tại Quảng Ngãi và còn tồn tại mãi cho đến sau này. Không rõ đích xác chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào, và nơi họp đầu tiên là ở đâu, nhưng đến đời vua Tự Đức thì chợ chính thức tọa lạc tại Kim Thành Hạ (Nghĩa Hành). Chợ họp ngày mồng hai và mồng bảy âm lịch mỗi tháng, với nhiều mặt hàng, trong đó nổi tiếng có chè bó, chè búp.
  12. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  13. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  14. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  15. Cốt nhục
    Xương (cốt) thịt (nhục). Người xưa quan niệm anh chị em, mẹ con, cha con là cùng chung xương thịt, nên tình anh (chị) em, mẹ con, cha con... được gọi là tình cốt nhục.
  16. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  17. Có bản chép: Vợ chồng là đạo.
  18. Vượn
    Tên gọi chung chỉ các loài giống khỉ, có tầm vóc nhỏ, nhanh nhẹn và uyển chuyển nhất trong số các loài thú sống trên cây cao mà không biết bay. Mỗi loài vượn có tiếng hú riêng. Tùy từng loài và phụ thuộc vào giới tính mà bộ lông của vượn có thể có màu từ nâu sẫm tới nâu nhạt, có khi đốm loang màu đen hay trắng. Vượn toàn trắng rất hiếm. Vượn sinh sống ở Đông Nam Á chủ yếu thuộc chi vượn lùn và vượn mào.

    Vượn tay trắng

    Vượn tay trắng thuộc chi vượn lùn

  19. Cầm canh
    Báo hiệu từng canh (trống cầm canh). Cũng được dùng để tả âm thanh vang lên từng lúc, thường trong đêm tối.
  20. Khôn
    Khó mà, không thể.
  21. Khó
    Nghèo.
  22. Nông Sơn
    Tên một huyện của tỉnh Quảng Nam, trước đây là phía Tây của tỉnh Quế Sơn. Tại đây có mỏ than Nông Sơn, thuộc địa bàn xã Quế Trung.
  23. Bảo An
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bảo An là một làng có nghề nấu đường truyền thống từ thế kỉ 17, nhưng hiện nay đã mai một.

    Xem phóng sự Nghề xưa còn một chút này về nghề nấu đường ở Bảo An.

  24. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  25. Đường cái quan
    Cũng gọi là đường thiên lí, quan báo, quan lộ, tuyến đường bộ quan trọng bậc nhất nước ta, bắt đầu từ địa đầu biên giới phía bắc ở Lạng Sơn cho tới cực nam Tổ quốc ở Cà Mau. Đường cái quan được cho là xây dựng từ thời nhà Lý, theo dòng Nam tiến của dân tộc mà kéo dài dần xuống phương nam. Đường được tu bổ và hoàn thiện dưới triều Nguyễn rồi mở rộng thêm trong thời Pháp thuộc.

    Nghe bản trường ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy.

    Đoạn đường cái quan ở Quảng Nam hồi đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine)

    Đoạn đường cái quan đi qua Quảng Nam đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine).

  26. Chận
    Chặn lại (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  28. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  29. Ba quân
    Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
  30. Có bản chép: Trăm quan.
  31. Huy Quận
    Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, một nhân vật lịch sử thời Lê-Trịnh. Ông nguyên tên là Phúc Bảo, được Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc nhận làm con nuôi, đổi tên thành Hoàng Đăng Bảo, sau đổi thành Hoàng Tố Lý, và cuối cùng lại đổi thành Hoàng Đình Bảo. Ông đỗ Hương Cống (Cử nhân), rồi đỗ tiếp Tạo sỹ (Tiến sỹ võ), được phong tới tước Quận công nên thường được gọi là Quận Huy, được chúa Trịnh Doanh gả con gái cho nên càng chiếm vị trí đáng nể trong triều, về sau có nhiều công lao, càng lúc tiếng tăm càng lừng lẫy.

    Khi xảy ra sự việc tranh chấp ngôi thế tử giữa hai con trai Trịnh Sâm là Trịnh Tông và Trịnh Cán, Quận Huy ngả theo phe Tuyên phi Đặng Thị Huệ là mẹ Trịnh Cán - lúc đó còn rất nhỏ. Sau vụ án năm Canh Tý (1780), Trịnh Tông bị kết án làm loạn, ngôi thế tử thuộc về Trịnh Cán. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán lên ngôi lúc mới 5 tuổi. Lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau âm mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán, phế truất Đặng Thị Huệ và giết chết Quận Huy.

  32. Chính cung
    Cung ở chính giữa, là nơi hoàng hậu ở. Cũng thường dùng để gọi hoàng hậu.
  33. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, câu ca dao này xuất phát từ lời đồn đại về mối quan hệ không minh bạch giữa Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Quận công Hoàng Đình Bảo vào thời điểm liên minh quyền lực của họ ngày càng mạnh trong triều nhà Trịnh.
  34. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng
    Một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám, có nghĩa là: Làm điều thiện hay điều ác thì sớm muộn cũng đều có báo ứng, cao bay xa chạy cũng khó trốn thoát.
  35. Bao vàng
    Bao bằng vải màu vàng của lính thời xưa đeo ngang lưng, để đựng vật tùy thân.
  36. Có bản chép: Ngang lưng thì thắt đai vàng.
  37. Nón dấu
    Cũng gọi là nón sơn hoặc nón dầu sơn, loại nón của lính thời Lê - Nguyễn, gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, thường đan bằng mây, có chóp bằng đồng.

    Nón dấu

    Nón dấu

  38. Súng dài
    Loại súng hỏa mai được các quân đội ở Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19 sử dụng rộng rãi. Khi bắn, người lính nạp thuốc súng và đạn vào nòng súng (nạp tiền), đổ một ít thuốc súng vào cốc mồi, rồi dùng dây mồi đang cháy châm vào cốc mồi cho súng nổ.

    Súng hỏa mai

    Súng hỏa mai thời xưa

  39. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  40. Ngũ liên
    Trống đánh từng hồi năm tiếng một, âm điệu thúc giục.
  41. Núi Nhạn
    Một ngọn núi nhỏ nằm bên bờ sông Đà Rằng. Núi còn có các tên núi Khỉ, Tháp Dinh hoặc núi Bảo Tháp, vì trên đỉnh núi có một ngọn tháp Chăm được xây từ thế kỉ 11.

    Núi Nhạn

    Núi Nhạn

  42. Tuy Hòa
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Tại đây có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những dòng sông uốn lượn quanh dãy Trường Sơn, tạo nên nhiều đầm, phá, vịnh, vũng tuyệt đẹp.

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

  43. Bạo
    Khỏe (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  44. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  45. Trung Lễ
    Tên nôm là Kẻ Ngù, một làng nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xưa kia đời sống của nhân dân ở đây rất cơ cực.
  46. Tóm
    Tóp, gầy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  47. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  48. Chàng Sơn
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chàng Sơn, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  49. Thái thể
    Như thể.
  50. Ăn một, ăn ba, ăn sáu
    Cách tính giá trị của đồng tiền trước đây. Tiền ăn một là một đồng tiền kẽm. Tiền ăn ba có pha đồng thau, có giá trị bằng ba đồng kẽm. Tiền ăn sáu to bản hơn, dày nặng, không thông dụng bằng hai đồng kia.

    Xem thêm bài Một quan tiền tốt mang đi.

  51. Thông Bảo
    通寶, hai chữ thường thấy nhất trên các đồng tiền ngày trước, nghĩa là đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ này xuất hiện lần đầu tiên trong tiền Khai Nguyên Thông Bảo do Đường Cao Tổ của Trung Quốc đúc năm 621.
  52. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  53. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  54. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  55. Diêm Quả Đào
    Sản phẩm của nhà máy diêm Quả Đào, xưa ở phố Cửa Đông, Hà Nội.
  56. Đông Phù
    Tên nôm là làng Nhót, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trước đây Đông Phù là vùng đất trọng yếu ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có đường bộ, đường thuỷ khá thuận tiện cho việc giao thương. Thời 12 sứ quân, tướng Nguyễn Siêu lập đại bản doanh ngay trên đất này, nay còn dấu vết thành luỹ. Cuối năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, đã đặt sở chỉ huy tại đình làng. Hơn 300 năm sau, đại quân Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long cũng có qua Đông Phù.
  57. Vĩnh Bảo
    Tên một huyện chuyên về nông nghiệp thuộc tỉnh Hải Phòng. Vĩnh Bảo có nhiều nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như dệt vải, dệt thảm, chiếu cói, mây tre đan, tạc tượng, sơn mài, điêu khắc gỗ, thêu mỹ nghệ, thuốc lào...

    Trồng cây thuốc lá ở Vĩnh Bảo

    Trồng cây thuốc lá ở Vĩnh Bảo

  58. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  59. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  60. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  61. Bảo phướn
    Một loại phướn dùng trong các nghi lễ tôn giáo, chủ yếu của Phật Giáo, nhưng cũng được nhiều tôn giáo khác sử dụng.

    Bảo phướn

    Bảo phướn

  62. Có bản chép: "bóng phướn".
  63. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  64. Thuyền thúng
    Một loại thuyền làm từ thúng lớn, trét dầu rái để không bị ngấm nước.

    Chèo thuyền thúng.

    Chèo thuyền thúng.

  65. Một loại vải dệt thưa, thường dùng để may màn hoặc may tang phục.