Vốn thuốc điên ai kêu là rượu
Hồi khi tề tựu lại có lễ nghi
Gặp rượu li bì hổng kiêng lớn nhỏ
Ỷ mình có võ muốn nói cho hung
Nói chuyện thật lung,
Tới củ chì, roi sắt
Thằng út Hoạt nó bắt
Đóng một trăm đồng
Ăn uống no lòng
Hại con cùng vợ …
Tìm kiếm "Hàng dầu"
-
-
Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
Ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
Xoài chua, cam ngọt Ba Lai
Bắp thì chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa
Mắm, bần ven đất phù sa
Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm
Quýt đường, vú sữa ngổn ngang,
Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri
Xẻo Sâu cau tốt ai bì
Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
Muối khô ở Gảnh mặn nồng
Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng
Bến Tre trai lịch, gái thanh
Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa. -
Cưới nàng anh toan dẫn voi
Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
Dẫn trâu sợ họ máu hàn
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng
Chàng dẫn thế em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lợn thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
Củ to thì để mời làng
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi
Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà
Bao nhiêu củ rím, củ hà
Để cho con lợn, con gà nó ăn… -
Lạy trời mưa xuống
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Lấy nếp nấu xôi
Lấy vôi ăn trầu
Lấy bậu về ôm
Lấy nơm đơm cá
Lấy rá vo gạo
Lấy dao thái thịt
Lấy liếp làm nhà
Lấy hoa về cúng … -
Mời chư vị giai nhân tài tử
Mời chư vị giai nhân tài tử
Tới đây nghe tôi thử pháo tre
Của bán ra không phải nói khoe
Thời thực vật sắm vừa túc dụng
Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
Có pháo mới văn minh xuân nhựt
Dưới con cháu cũng vui cũng ức
Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
Coi như lễ Tết Tây trong dã
Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
Phí của nọ vui tình không tiếc
Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
Luật vui xuân ai cũng nên dùng
Có pháo mới đùng đùng là thú
Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
Đều xúm lại hàng này
Mua pháo nầy về đốt
Vốn tôi không nói tốt
Hay thiệt tình có một mình tôi
Nhiều người bán xảo làm mồi
Đốt đây khá về rồi dại dở
Có kẻ làm kêu cũng đỡ
Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
Của bán ra là biết bao nhiêu
Một mình vấn nên kêu đều đặn
Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
Như đại bác vang gầm trời đất
Hễ đốt thì xác tan bay mất
Không khi nào gió phất ngún hừng
Của tôi làm, tôi đã biết chừng
Xin quý chức mua đừng có ngại
Để đốt thử vài trái
Nghe có phải hay không
Đang buổi chợ mua đông
Tôi cũng trông bán đắt
Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
Xin bà con mua hắt tôi về
Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng… -
Bớ thảm ơi, bớ thiết ơi
Bớ thảm ơi, bớ thiết ơi
Bớ bạn nhân tình ơi
Thân em như cái quả xoài trên cây
Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc
Nó đánh lúc la, lúc lắc trên cành
Một mai vô tình rụng xuống, biết vào tay ai
Kìa khóm trúc, nọ khóm mai
Ông Tơ, bà Nguyệt xe hoài chẳng thương
Một lần chờ, hai lần đợi
Sớm lần nhớ, chớ lần thương
Anh thương em nhưng bác mẹ họ hàng chẳng thương -
Vè Tết
Hạ lợi bước qua
Chánh ngày hăm ba
Lễ đưa ông Táo
Hai là lễ đáo
Tảo mộ ông bà
Cổ tích bày ra
Truyền cho con cháu
Từ ngày hăm sáu
Dĩ chí ba mươi
Cá thịt tốt tươi
Ông bà tiếp rước
Phải dùng cây trước
Lấy nó làm nêu
Thiên hạ cũng đều
Lo chưng đồ đạc … -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Năm cô đứng bên này sông
-
Tội tình chi hệ trọng chi không
-
Hoa thơm trồng dựa cành rào
Dị bản
Hoa thơm trồng dựa hàng rào
Gió nam, gió bắc gió nào cũng thơm.
-
Bến Tre dừa xanh bát ngát
Bến Tre dừa xanh bát ngát
Đường đi Ba Vát gió mát tận xương
Em về Chợ Giữa, Giồng Trôm,
Đừng quên Chợ Lách, Cái Mơn đợi chờDị bản
-
Ai về chợ Nhót mua tranh
Ai về chợ Nhót mua tranh
Gặp người con gái bán hoành sơn son
Nhắn rằng dù cách núi non
Nhân duyên đã hẹn lòng son vẫn chờ.Dị bản
Ai về chợ Nhót mua tranh
Mua hàng quả hộp, mua hoành sơn son
Mua con người lịch đẹp giòn
Múa tay thảo nét trúc vờn, điều bay.
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Mình bằng quả chuối tiêu
-
Chẳng tham vựa lúa anh đầy
Dị bản
-
Chim quyên xuống đất ăn giun
Dị bản
-
Quả cau nho nhỏ
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con một chồng.Dị bản
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Tiền gạo thì của mẹ cha
Cái nghiên, cái bút thật là của em.Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.
Cái Cả đã biết dọn hàng,
Thằng Hai đi học về tràng khoa thi.
Cái Ba buôn bán đủ nghề,
Còn hai đứa nhỏ vẫn thì ăn chơi.
-
Quảng Bình có động Phong Nha
-
Bất kỳ sớm tối chiều trưa
Bất kỳ sớm tối chiều trưa
Mưa khắp Hà Nội mưa ra Hải Phòng
Hạt mưa vừa mát vừa trong
Mưa xuống sông Hồng, mưa khắp mọi nơi
Hạt mưa chính ở trên trời
Mưa xuống Hà Nội là nơi cõi trần
Giêng hai lác đác mưa xuân
Hây hẩy mưa bụi, dần dần mưa sa
Hạt mưa vào giếng Ngọc Hà
Hạt thì vào nhị bông hoa mới trồi
Tháng năm, tháng sáu mưa mòi
Bước sang tháng bẩy sụt sùi mưa Ngâu …
Chú thích
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Lung
- Nhiều, hăng. Nghĩ lung: nghĩ nhiều, gió lung: gió nhiều.
-
- Bến Tre
- Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.
-
- Sầu riêng
- Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.
-
- Măng cụt
- Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.
-
- Cái Mơn
- Một địa danh nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.
Về địa danh Cái Mơn, có ý kiến giảng rằng: Cái, từ cổ nghĩa là con rạch. Mơn là do nói trại từ khmum, tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Ngày xưa, nơi con rạch này có nhiều tổ ong mật.
-
- Cồn Lợi
- Một cái cồn thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nằm ở phía nam cửa Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Khoảng 30 năm về trước cồn còn cách bờ khoảng 3km, nay được bãi bồi nối liền với đất liền, trở thành bán đảo. Đây là một "mỏ nghêu" nổi tiếng của Bến Tre.
-
- Mỏ Cày
- Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
-
- Ba Lai
- Tên một con sông ở tỉnh Bến Tre, dài khoảng 55 km, chảy qua huyện Châu Thành, và là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng Trôm và Ba Tri.
-
- Chợ Giữa
- Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
-
- Mỹ Hòa
- Tên một xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
-
- Mắm
- Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.
-
- Bần
- Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...
-
- Phù sa
- (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.
-
- Bà Hiền
- Tên một con rạch chảy qua địa bàn xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đổ ra cửa sông Hàm Luông.
-
- Tân Thủy
- Tên một xã nằm ven biển thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
-
- Sóc Sãi
- Tên một con rạch dài 9km, hình dáng như một vòng cung, bắt đầu từ xã Tiên Thủy, chảy ngang qua chợ Sóc Sãi rồi đổ ra sông Hàm Luông.
-
- Ba Tri
- Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.
-
- Xẻo Sâu
- Địa danh nay xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thuộc vùng nước ngọt, xưa trồng nhiều cau.
-
- Thạnh Phong
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nằm bên cửa Cổ Chiên.
-
- Gảnh
- Địa danh có thể là gảnh Bà Hiền, gảnh Mù U ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gảnh là nơi tiếp giáp giữa giồng với đầm lầy, hoặc khu đất trũng do phù sa bồi đắp nên.
-
- Giồng Trôm
- Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
-
- Phong Nẫm
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nằm ở ngã tư sông giữa kênh Giao Hòa và sông Ba Lai.
-
- Quốc cấm
- Bị pháp luật cấm.
-
- Máu hàn
- Cơ thể ở tạng lạnh, với những biểu hiện như: sợ rét, chân tay lạnh...
-
- Phá ngang
- Cố ý làm ảnh hưởng, làm hỏng công việc đang làm của người khác.
-
- Khoai lang
- Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.
-
- Khoai hà
- Khoai bị bệnh đốm đen, khi luộc không mềm, vị đắng không ăn được, còn gọi là khoai rím.
-
- Nếp
- Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Nữ nhi
- Con gái nói chung.
-
- Rá
- Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.
-
- Liếp
- Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.
-
- Tài tử giai nhân
- Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
(Truyện Kiều)
-
- Thực vật
- Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
-
- Túc dụng
- Đủ dùng (từ Hán Việt).
-
- Cựu thời
- Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
-
- Bộc
- Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
-
- Nhi thinh
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Xuân nhựt
- Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
-
- Ức
- Ham, muốn (từ cũ).
-
- Minh niên
- Năm nay (từ Hán Việt).
-
- Hỉ hạ
- Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
-
- Dã
- Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Điện Quang
- Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.
-
- Lôi đình
- Sấm sét (từ Hán Việt).
-
- Tiêu xoay
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Ngún hừng
- Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
-
- Hắt
- Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
-
- Trúc
- Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.
-
- Mai
- Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Bác mẹ
- Cha mẹ (từ cổ).
-
- Hạ lợi
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Chánh
- Chính.
-
- Ông Táo
- Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."
-
- Lễ đáo
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Tảo mộ
- Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
-
- Dĩ chí
- Cho đến (từ Hán Việt).
-
- Nêu
- Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Gió chướng
- Một loại gió ở miền Nam, thổi ngược hướng sông Tiền, sông Hậu nên gọi là gió chướng. Gió thường thổi vào buổi chiều, trong khoảng thời gian bắt đầu từ cuối tháng 10 và kết thúc vào cuối tháng 4 tới trung tuần tháng 5 năm sau.
-
- Ba Vát
- Còn gọi Ba Việt, địa danh gốc Khmer (Pears Watt, nghĩa là là chùa Phật). Vào thế kỷ XVIII, nơi đây là huyện lỵ của huyện Tân An - một trung tâm kinh tế khá phồn thịnh thời bấy giờ. Hiện nay Ba Vát là một thị trấn thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Do cách phát âm của người Nam Bộ, một số tài liệu địa danh này cũng được ghi thành Ba Giác.
-
- Chợ Lách
- Một huyện nằm ở phía tây tỉnh Bến Tre, nằm giữa sông Hàm Luông ở phía Bắc và sông Cổ Chiên ở phía Nam.
-
- Cá ngát
- Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.
-
- Tơ hồng
- Xem chú thích Nguyệt Lão.
-
- Kho Bạc
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kho Bạc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Đông Phù
- Tên nôm là làng Nhót, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trước đây Đông Phù là vùng đất trọng yếu ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có đường bộ, đường thuỷ khá thuận tiện cho việc giao thương. Thời 12 sứ quân, tướng Nguyễn Siêu lập đại bản doanh ngay trên đất này, nay còn dấu vết thành luỹ. Cuối năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, đã đặt sở chỉ huy tại đình làng. Hơn 300 năm sau, đại quân Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long cũng có qua Đông Phù.
-
- Hoành phi
- Nguyên nghĩa là bảng nằm ngang, một dạng thư hoạ (tranh chữ), được dùng rộng rãi trong dân gian (đình, đền, nhà thờ họ, nhà ở...). Hoành phi có nhiều loại, có loại sơn son chữ vàng, có loại sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ, đẹp mắt. Hoành phi được treo ở những nơi thờ cúng như đình, đền, nhà thờ họ, phía trên bàn thờ gia tiên, nơi lăng mộ... Vị trí của hoành phi thường treo ngay ngắn nơi chính giữa hoặc những vị trí trang trọng khác của đền, đình hoặc ngôi nhà. Có gia đình chỉ treo tại bàn thờ tổ tiên một bức hoành phi, nhưng cũng có gia đình treo đến hai ba bức, thường là gia đình khá giả. Xưa, những nhà nghèo không có hoành phi bằng gỗ thường dùng những tấm cót, nẹp vào rồi dán những tấm giấy đỏ có viết đại tự lên.
Chữ viết trên bức hoành phi thường có ý nghĩa bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên hoặc những người có công với đất nước.
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Bồ
- Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.
-
- Đỗ quyên
- Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.
-
- Vận
- Sự may rủi lớn xảy ra trong đời một con người, vốn đã được định sẵn từ trước theo quan điểm của Phật giáo (chữ Hán).
-
- Câu ca dao được cho là nói về Trần Khánh Dư. Ông nguyên con nhà dòng dõi, có công đánh giặc được phong tước Nhân Huệ Vương, lại được Thượng hoàng Trần Thánh Tông nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua). Sau vì phạm trọng tội với gia đình Trần Hưng Đạo nên phải cách hết chức tước, tịch thu gia sản, ông lui về quê nhà ở Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Dương) làm nghề bán than. Sau ông được Trần Nhân Tông phục chức, góp công rất lớn trong cuộc chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba.
-
- Sàng
- Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.
-
- Còng
- Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Quảng Bình
- Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.
Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...
-
- Phong Nha
- Còn gọi Động Thầy Tiên, Núi Thầy, Động Troóc, Hang Chùa, một hệ thống hang động nổi tiếng thế giới và là danh thắng tiêu biểu nhất của vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
-
- Mụ Giạ
- Còn gọi là Mụ Gia hay Mụ Già, một đèo trên quốc lộ 12A giáp biên giới Việt Nam-Lào, thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
-
- Sông Gianh
- Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Hải Phòng
- Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.
-
- Sông Hồng
- Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.
Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.
-
- Mưa bụi
- Mưa hạt nhỏ li ti như hạt bụi.
-
- Ngọc Hà
- Một trong mười ba làng nghề (thập tam trại) của Thăng Long-Hà Nội, tương truyền là được lập nên từ thời vua Lý Nhân Tông. Làng Ngọc Hà nổi tiếng từ xưa với nghề trồng hoa, nên cũng gọi là trại Hàng Hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng. Hiện nay nghề này đã mai một.
-
- Mưa mòi
- Mưa hạt nhỏ, có vào tháng 6, tháng 7, vào buổi sáng, thường báo hiệu một ngày nắng. Mưa mòi chủ yếu xảy ra ở đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Ca dao có câu "Sáng mưa mòi, trưa nắng lòi mắt ra", dân đánh cá dựa vào kinh nghiệm này để đoán thời tiết đi đánh cá mòi (giống cá biển hằng năm vào đẻ ở vùng nước ngọt), do đó có tên gọi "mưa mòi".
-
- Mưa ngâu
- Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.