Tìm kiếm "ông Đùng"

Chú thích

  1. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  2. Chùa Ông Bổn
    Tên của một số ngôi chùa do người Hoa ở Việt Nam lập ra để thờ Bổn đầu công Trịnh Hòa, nhà hàng hải và thám hiểm nổi tiếng của Trung Quốc. Ở Chợ Lớn, chùa này còn có tên là miếu (hoặc hội quán) Nhị Phủ. Ở Hội An, chùa còn có tên là hội quán Triều Châu.

    Chùa Ông Bổn (miếu Nhị Phủ) ở Chợ Lớn

    Chùa Ông Bổn (miếu Nhị Phủ) ở Chợ Lớn

  3. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  4. Cầu Lầu
    Tên một con rạch thuộc thành phố Vĩnh Long. Có nguồn cho rằng khi xưa con rạch có tên là kinh Huỳnh Tá, nhưng từ khi quan trấn thủ cho lập một cây cầu bắc qua con rạch, đồng thời cho lập một "vọng gác" ở trên cầu, thì con rạch được gọi là rạch Cầu Lầu. Trước đây rạch Cầu Lầu là một thủy lộ quan trọng để ra vào thành Vĩnh Long, nhưng nay đã bị cạn và hẹp dần, nên chỉ có các phương tiện tàu ghe vừa và nhỏ lưu thông được.

    Rạch Cầu Lầu

    Rạch Cầu Lầu

  5. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  6. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  7. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  8. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  9. Sông Bàn Thạch
    Phần thuợng lưu của sông Đà Nông, một con sông chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 60 cây số, phát nguyên tại Hòn Dù, một nhánh của Trường Sơn cao 1104m, chảy qua các xã thuộc tổng Hòa Đa và Hòa Đồng rồi ra cửa Đà Nông. Mùa lụt sông chảy xiết vì nước lũ từ các con suối tràn về. Mùa nắng, nước Bàn Thạch chảy lờ đờ, lòng sông cạn nên chỉ lợi cho nông nghiệp.

    Tương truyền sông Bàn Thạch là thánh địa của loài cá sấu. Dưới đời Minh Mạng, quan sở tại Phú Yên tâu rằng cá sấu ở đây hại người hơn cả cọp, xin thưởng cho ai giết cá sấu như giết cọp. Dân hai bên bờ nộp nhiều bộ da cá sấu để lãnh thưởng.

    Cửa sông Bàn Thạch

    Cửa sông Bàn Thạch

  10. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  11. Có bản chép: núi.
  12. Chóp Chài
    Một ngọn núi cao 391 mét, nổi lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, thuộc địa phận xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Chóp Chài có hình dáng khá vuông vức, trông tựa như một kim tự tháp. Đứng trên đỉnh núi sẽ có được tầm nhìn bao quát tới biển và vùng đồng bằng dưới chân núi.

    Núi Chóp Chài

    Núi Chóp Chài

  13. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  14. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  15. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  16. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  18. Thân
    Thân thiết, gần gũi.
  19. Giường Tàu
    Một loại giường theo kiểu Trung Hoa, có thành cao xung quanh.
  20. Hộp trầu
    Hộp đựng trầu cau.

    Hộp trầu.

    Hộp trầu.

  21. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  22. Dầu hồi
    Dầu ép từ quả hồi, dùng bôi tóc để dưỡng tóc.

    Quả hồi.

    Quả hồi.

  23. Nước hoa
    Nước nấu với hoa để gội đầu cho thơm.
  24. Ruộng gò
    Ruộng làm ở chỗ đất gò, đất cao.
  25. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  26. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  27. Xăn
    Xắn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  29. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  30. Từ mẫu
    Mẹ hiền (từ Hán Việt).
  31. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  32. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  33. Tháp Nhạn
    Tên dân gian còn gọi là tháp Dinh hoặc Dinh Ông, một tòa tháp Chăm nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, tỉnh lị của Phú Yên. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 11-12. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của tháp bị hư hỏng nặng, hiện đã được trùng tu lại.

    Tháp Nhạn

    Tháp Nhạn

  34. Dìa
    Về (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
  35. Tuy Hòa
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Tại đây có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những dòng sông uốn lượn quanh dãy Trường Sơn, tạo nên nhiều đầm, phá, vịnh, vũng tuyệt đẹp.

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

  36. Lương Văn Chánh
    Tên một võ quan của chúa Nguyễn thời Lê trung hưng, có công lớn với sự nghiệp chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên. Nhân dân tôn ông làm Thành hoàng và hằng năm tổ chức cúng tế, chăm lo giữ gìn, tôn tạo khu mộ và đền thờ ông.

    Một góc khu mộ Lương Văn Chánh tại huyện Phú Hòa

    Một góc khu mộ Lương Văn Chánh tại huyện Phú Hòa

  37. Hời
    Biến âm từ chữ H'roi hay Hờ Roi, cách người Kinh trước đây gọi một bộ lạc người Chăm sinh sống trên vùng rừng núi phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, sau mở rộng ra chỉ dân tộc Chăm. Do người H'roi đã nhiều lần tiến công vào các làng xã người Kinh cướp bóc lương thực, nên tên gọi Hời mang ý nghĩa khinh miệt.
  38. Ông Cúm bà Co
    Hình tượng dân gian của bệnh cúm.
  39. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  40. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  41. Đây là một tín ngưỡng dân gian, theo đó để chữa bệnh cúm, người ta mua đồ lễ về cúng, vừa cúng vừa đọc bài này. Cúng xong, cho người bệnh ăn đồ lễ (bánh đúc mắm tôm) thì khỏi cúm.
  42. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  43. Tín chủ
    Người tin tưởng Phật thần, là người tổ chức những cuộc cúng lễ, lên đồng...
  44. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  45. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  46. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  47. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  48. Cần chánh điện Đại học sĩ
    Một trong bốn chức quan Đại học sĩ cao cấp thời phong kiến ở nước ta, hay được dân gian nói tắt là "Cần chánh" hay "ông Cần."
  49. Quảng Nam vô chánh nhất
    Quảng Nam không có người nào làm tới Cần chánh điện Đại học sĩ. Có nguồn giải thích do tính cách bộc trực, "hay cãi" của người Quảng Nam, ít được lòng người khác nên khó thăng tiến.
  50. Có bản chép: chuyện.
  51. Lãnh nợ
    Trả nợ hoặc vay mượn giúp người khác. Có bản chép: gánh nợ, giải nợ.
  52. Gác cu
    Bẫy chim cu bằng lồng bẫy có sử dụng chim mồi.

    Bẫy cu bằng lồng có chim mồi

    Bẫy cu bằng lồng có chim mồi

  53. Cầm chầu
    Trong các buổi hát ả đào, hát ca trù, hát bội thời xưa, có một người chuyên đánh tiếng trống khen hoặc chê sau mỗi câu hát, gọi là người cầm chầu. Người cầm chầu phải là người rất am hiểu về nghệ thuật hát.

    Quan viên cầm chầu trong một canh hát

    Quan viên cầm chầu trong một canh hát

  54. Gọi làm mai là ngu vì khi cuộc hôn nhân không được hạnh phúc, người mai mối thường bị "đổ thừa."
    Gọi lãnh nợ là ngu vì nếu người vay quỵt nợ thì người lãnh nợ phải trả nợ thay.
    Gọi gác cu là ngu vì đây là một công việc vất vả cực nhọc, tốn rất nhiều thời gian, lại nguy hiểm, dễ bị côn trùng và rắn độc cắn.
    Gọi cầm chầu là ngu vì việc hay dở là tùy vào cảm thụ của mỗi người, rất khó làm vừa lòng tất cả.
  55. Lóng
    Đốt (lóng tay: đốt tay, lóng mía: đốt mía, lóng tre: đốt tre...) (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  56. Manh manh
    Loại chim nhỏ, đẹp, hiện nay thường được nuôi làm cảnh. Có nhiều loại manh manh khác nhau. Manh manh trắng toàn thân lông màu trắng toát, trừ hai bên má có đốm lông vàng, mỏ đỏ, chân vàng, chim trống mỏ đỏ sậm, con mái mỏ đỏ lợt. Manh manh bông có mỏ đỏ, má vàng, hai bên mỏ có sọc trắng dọc theo mép tai, cổ vằn màu xám, ức đen, bụng trắng, lông dọc theo hai bên hông màu gạch có nổi bông trắng. Đuôi tuy nhỏ, ngắn nhưng lại cầu kỳ, khúc trắng khúc đen như chim trĩ. Manh manh nâu (sô-cô-la) ở má và cánh có đốm màu vàng anh.

    Một con chim manh manh

    Một con chim manh manh

  57. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  58. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  59. Gò Cát
    Một địa danh nay là xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tại đây có gạo Gò Cát nổi tiếng thơm, dẻo, là nguyên liệu làm nên đặc sản hủ tiếu Mỹ Tho.

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  60. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý