Tìm kiếm "cái cò lặn lội"

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Ông giẳng ông giăng

    Ông giẳng ông giăng
    Xuống chơi với tôi
    Có bầu có bạn
    Có ván cơm xôi
    Có nồi cơm nếp
    Có nẹp bánh chưng
    Có lưng hũ rượu
    Có chiếu bám đu
    Thằng cu xí xóa
    Bắt trai bỏ giỏ
    Cái đỏ ẵm em
    Đi xem đánh cá
    Có rá vo gạo
    Có gáo múc nước
    Có lược chải đầu
    Có trâu cày ruộng
    Có muống thả ao
    Có sao trên trời

  • Con nít con nít

    Con nít con nít
    Cái hình nhỏ xít
    Đội mũ lá mít
    Cỡi ngựa tàu cau
    Đứa trước đứa sau
    Rủ nhau một lũ
    Ăn rồi đi ngủ
    Ngủ dậy đi chơi
    Xuống nước tập bơi
    Lên bờ đánh đá
    Miệng thổi kèn lá
    Tay xách cờ tre
    Rủ nhau hè hè
    Giả đò đánh giặc

  • Hai bên rừng núi rậm rì

    – Hai bên rừng núi rậm rì
    Ở giữa có khe nước chảy (chớ) anh đi đường nào?
    – Hai tay anh nương hai cái cù lao
    Nước chảy mặc nước anh cứ chống sào anh qua

    Dị bản

    • – Hai bên rừng núi rậm rì
      Ở giữa có khe nước chảy hỏi anh đi đường nào?
      – Hai tay anh bu lấy cội đào
      Chính giữa có khe nước chảy anh chống sào anh qua

  • Vè lá lốt

    Ve vẻ vè ve
    Cái vè lá lốt
    Anh A cũng tốt
    Chị B cũng xinh
    Hai bên rập rình
    Gia đình đồng ý
    Đi ra đăng ký
    Ủy ban không cho
    Anh A hét to
    “Không cho cũng lấy!
    Tôi yêu cô ấy
    Đã mấy năm rồi
    Không nói lôi thôi
    Ngày mai cứ cưới
    Làng trên xóm dưới
    Ai thích thì đi
    Đánh chén tì tì
    Sa đì tám tấn.”

    Dị bản

    • Ve vẻ vè ve
      Cái vè lá lốt
      Anh A cũng tốt
      Chị B cũng xinh
      Hai bên rập rình
      Gia đình đồng ý
      Đi ra đăng ký
      Ủy ban không cho
      Anh A hét to
      “Không cho cũng lấy!
      Tôi yêu cô ấy
      Từ mấy năm trời
      Đi qua chợ Giời
      Mua đôi guốc mộc
      Guốc mộc tình yêu
      Tình yêu bọ xít
      Dính đít vào nhau”

  • Con nhạn nó liệng lên mây

    Con nhạn nó liệng lên mây
    Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ
    Cái sự dầu dãi tự bấy đến giờ
    Kiếp phong trần chị Ba rũ đến bao giờ thì thôi
    Tiếc thay sắc nước hương trời
    Cớ làm sao phải lạc loài đến đây
    Ai làm cho nên nỗi nước non này
    Bông hoa sao héo dãi dầu với hoa
    Căm gan này nên giận trăng già
    Tình này ai tỏ cho ta nỗi lòng

  • Bây giờ túng lắm em ơi

    Bây giờ túng lắm em ơi
    Bán hết cái nồi cho chí cái vung
    Còn mười thước ruộng ngoài đồng
    Cửa nhà sạch hết trông mong nỗi gì
    Còn được cái ổ lợn con
    Nuôi chi ngoắt nghéo gầy mòn khốn thân
    Ăn thì chả có mà ăn
    Bán đi trả nợ cho xong, mẹ mày
    Kẻo mà nó kẹp đêm nay
    Đôi chân kẹp phản, đôi tay kẹp giường
    Giá nhà tôi đáng một nghìn
    Cầm bằng mấy chục cho liền đêm nay
    Bảy chục chẳng đủ nợ này
    Hai chân kẹp phản, hai tay kẹp giường
    Lạy ông tha kẹp cho tôi chạy tiền
    Tôi về tôi bán vợ tôi
    Lấy ba chục nữa cho đầy một trăm

  • Hôm qua ta ngồi lưng đèo

    Hôm qua ta ngồi lưng đèo
    Chàng ơi có thấy suối reo quanh mình
    Xin chàng hãy nhìn cho tinh
    Bao người nhộn nhịp sân đình làng kia
    Vì đâu ta phải chia lìa
    Vì đâu ta phải ra đi ngoài rừng
    Chỉ vì chỉ rối đứt tung
    Em phải lấy cái thằng chồng, em đã từng chê

  • Lạ lùng bắt gặp chàng đây

    – Lạ lùng bắt gặp chàng đây
    Có mấy câu này, em đoán chưa ra.
    Nếu mà anh giảng cho ra,
    Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh.
    Cái gì trong trắng ngoài xanh,
    Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng,
    Cái gì xanh đỏ trắng tím vàng,
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư,
    Cái gì năm đợi tháng chờ,
    Cái gì tiện chũm phơi khô để dành,
    Cái gì mà đổ vào xanh,
    Cái gì nó ở trên cành mà lại tốt tươi,
    Cái gì trong héo ngoài tươi,
    Cái gì làm bạn với trời tám trăm năm,
    Cái gì chung chiếu chung chăn,
    Cái gì làm bạn với trăng đêm ngày,
    Cái gì nó bé nó cay,
    Cái gì nó bé nó hay cậy quyền?

  • Kể chuyện đờn bà hư

    Ngồi buồn tâm sự chép ra
    Có những đờn bà dạo xóm nói dai
    Xóm trong chí những xóm ngoài
    Nách con nói điệu thài lai tối ngày
    Nói thời vo miệng nhướng mày
    Vỗ vai vỗ vế múa tay ngoẻo đầu
    Miệng thời nhóc nhách nhai trầu
    Người trên ý cũng lầu bầu quạu đeo
    Lại còn cái tật nói leo
    Cái tật nói dóc nói trèo người ta

  • Vè bài cào

    Đêm nằm ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
    Ngồi buồn tôi đặt cái thơ bài cào
    Anh em quí vị đồng bào
    Già trẻ, lớn nhỏ, nghèo giàu đều hay
    Cờ bạc nhiều nỗi khổ gay,
    Kề vai, cọ vế: anh Hai, anh Mười…
    Tới đây chẳng thiếu chi người,
    Thuở giò chọn lựa, chần chừ chờ anh
    Dòm lên mấy cái trách trên giàn
    Té nghiêng, té ngửa thấy càng éo le

  • Vè đội Cấn

    Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
    Nước Nam mình phút dậy can qua
    Thái Nguyên nay có một tòa
    Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
    Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
    Ông Đội ra đi trước cầm binh
    Rủ nhau lập tiểu triều đình
    Những là cai đội khố xanh bằng lòng
    Duy phó quản bất tòng quân lệnh
    Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
    Sai người mở cửa nhà pha
    Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
    Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
    Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
    Rồi ra làm lễ tế trời
    Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang

Chú thích

  1. Nhà thờ Lớn Hà Nội
    Tên chính thức là Nhà thờ Chính tòa thánh Giuse, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, được xây dựng từ năm 1884, nay thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

    Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

  2. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  3. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Đầu mọc hai sừng, chỉ trâu bò, hàm ý ngu dại.
  5. Chun
    Chui (phương ngữ).
  6. Mần chi
    Làm gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Thượng thư
    Chức quan đứng đầu một Bộ thời phong kiến.
  8. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  9. Lụy
    Chịu khốn khổ lây vì việc của người khác.
  10. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  11. Chàm
    Màu xanh gần với xanh lam và tím. Có một loại cây tên là cây chàm, được dùng để chế thuốc nhuộm màu chàm, được sử dụng để nhuộm vải. Thuốc nhuộm màu chàm cũng gọi là chàm. Việc nhuộm vải màu chàm cũng gọi là nhuộm chàm.

    Nhuộm chàm

    Nhuộm chàm

  12. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  13. Áo tứ thân
    Một trang phục xưa của phụ nữ Miền Bắc Việt Nam. Áo được sử dụng như trang phục hàng ngày đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay, áo tứ thân chỉ được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

  14. Đậu
    Đủ, đúng.
  15. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Tây tà
    Có ý riêng tư (tây) và không ngay thẳng (tà).
  17. Bài này thường được hát khi mẹ và con chơi đố ngón tay.
  18. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  19. Kèn lá
    Một loại nhạc cụ đơn giản của một số dân tộc miền núi, chỉ gồm một chiếc lá cây được cắt phần cuống, gấp đôi theo sống lá. Thường người ta chọn những lá có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa.

    Thổi kèn lá

    Thổi kèn lá

  20. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Có bản chép: bưng.
  22. Có bản chép: trái.
  23. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  24. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  25. Bu
    Đeo bám (phương ngữ miền Trung).
  26. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  27. Khi hát bài này, trẻ em thay "A" và "B" thành tên của hai người mình muốn chọc ghẹo, ghép đôi.
  28. Có nơi hát: Hai bên đồng tình.
  29. Sa đì
    Tên gọi dân gian của bệnh trĩ.
  30. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  31. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  32. Sắc nước hương trời
    Chỉ người phụ nữ đẹp.
  33. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  34. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  35. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  36. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  37. Chim khách
    Còn gọi là yến nhung hoặc chim chèo bẻo, có bộ lông màu đen than, đuôi dài tẽ làm đôi. Tiếng kêu của chim nghe như "khách... khách" nên nó có tên như vậy. Theo dân gian, chim kêu tức là điềm báo có khách đến chơi nhà.

    Chim khách

    Chim khách

  38. Đách
    Từ thông tục, vốn nghĩa chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, thường được dùng để phủ định (cũng như đếch).
  39. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  40. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  41. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  42. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  43. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  44. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  45. Tức 30/8/1917 dương lịch, ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do đội Cấn chỉ huy.
  46. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  47. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  48. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  49. Có bản chép: Rủ nhau.
  50. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  51. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  52. Theo lệnh của Đội Cấn, Đội Trường đã tiêu diệt Giám binh Noen, Ba Chén giết tên Phó quản Lạp và 7-8 binh sĩ chống đối.
  53. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  54. Thị thường
    Xem thường.
  55. Tài bồi
    Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
  56. Nam bang
    Bờ cõi nước Nam.
  57. Nghĩa quân sử dụng quân kì màu vàng đề bốn chữ "Nam binh phục quốc."