Tìm kiếm "Nam Đàn"

  • Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú

    Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú
    Con gà không vú nuôi chín, mười con
    Qua tưởng rằng em má phấn môi son
    Ai ngờ má mỏng, môi mòn hỡi em

    Dị bản

    • Rắn không chân rắn bò khắp rú
      Gà không vú nhưng nuôi đặng chín mười con
    • Con rắn không chân mà bò năm dãy núi
      Con gà không vú mà nuôi đặng chín mười con
      Em đừng lo nhơn nghĩa mất hay còn
      Ráng giữ câu tiết hạnh, lòng son anh đợi chờ

  • Con cá đối nằm trên cối đá

    Con cá đối nằm trên cối đá
    Chim đa đa đậu nhánh đa đa
    Chồng gần không lấy, bậu lấy chồng xa
    Mai sau cha yếu mẹ già
    Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dưng?

    Dị bản

    • Con cá đối nằm trên cối đá
      Con chim đa đa đậu nhánh đa đa
      Anh khuyên em đừng lấy chồng xa
      Lỡ khi cha yếu mẹ già
      Cơm canh ai nấu, mẹ già ai trông?

    • Chim đa đa đậu nhánh cây đa
      Chồng gần sao em không lấy để lấy chồng xa
      Mai sau cha yếu mẹ già
      Gối nghiêng không ai sửa, chén trà không ai dâng

  • Tôi đây khách lạ xa đàng

    Tôi đây khách lạ xa đàng
    Tới đây hát đối biết nàng ở Dùi Chiêng
    Mai ngày tôi trở lại Bình Yên
    Thương mấy cô ở lại có chiêng mà không dùi
    Về nhà lòng những ngậm ngùi
    Nghĩ thương thân phận có dùi mà không chiêng
    Trăm lạy ông trời cho tôi trở lại chốn đào nguyên
    Để có ta, có bạn, có chiêng, có dùi.

    Dị bản

    • Như tôi đây là khách qua đường
      Đến đây ông Bá Doãn bắt tôi hát với mấy nường Dùi Chiêng
      Ngày mai đây tôi trở gót Bình Yên
      Các cô ở lại có chiêng không dùi
      Còn tôi lòng dạ bùi ngùi
      Đêm nằm trơ trọi chỉ có dùi không chiêng
      Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên
      Có ta có bạn có chiêng có dùi.

  • Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ

    Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ
    Mấy lời em to nhỏ, anh bỏ sao đành
    Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
    Núi kia hết đá, anh mới đành xa em.

    Dị bản

    • Quả năm ngăn, trong lòng sơn đỏ
      Mấy lời to nhỏ, bỏ bạn sao đành
      Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
      Tàu Tây kia liệt máy, anh mới đành xa em.

  • Ai về đường ấy hôm mai

    Ai về đường ấy hôm mai
    Gởi dăm điều nhớ, gởi vài điều thương
    Gởi cho từ chiếu đến giường
    Gởi cho đến chốn buồng hương em nằm

    Dị bản

    • Ai về đằng ấy hôm mai
      Gửi dăm cái nhớ, gửi vài cái thương
      Gửi cho đến chiếu, đến giường,
      Gửi cho đến tận quê hương chàng nằm
      Vắng chàng, em vẫn hỏi thăm
      Nơi ăn đã vậy, nơi nằm làm sao?

  • Chát xình xình

    Chát xình xình
    Bố thằng Bình
    Đi Liên Xô
    Quay xổ số
    Được nghìn hai
    Mua cái đài
    Còn nghìn mốt
    Mua xắc-cốt
    Còn năm trăm
    Mua dao găm
    Còn năm chục
    Mua súng lục
    Còn năm hào
    Mua cào cào
    Về nhắm rượu
    Còn năm xu
    Mua cu cu
    Về nấu cháo
    Chát xình xình

    Dị bản

    • Thằng cu Tí
      Đi chăn trâu
      Trâu ở đâu
      Nó không biết
      Bố nó đánh
      Mẹ nó can
      Ông công an
      Đến giải quyết
      Tôi không biết
      Chuyện gia đình
      Chát xình xình
      Bác thằng Bình
      Đi Liên Xô
      Trúng xổ số
      Được năm nghìn
      Mua quả mìn
      Còn năm trăm
      Mua dao găm
      Còn năm chục
      Mua cái đục
      Còn năm xu
      Mua con cu
      Về nhắm rượu
      Mua củ kiệu
      Về ăn cơm
      Mua bó rơm
      Về đốt đít
      Mua dao nhíp
      Về cạo lông
      Mua chăn bông
      Về cưới vợ.

  • Kéo cưa lừa xẻ

    Kéo cưa lừa xẻ
    Ông thợ nào khỏe
    Về ăn cơm vua
    Ông thợ nào thua
    Về bú tí mẹ

    Kéo cưa lừa kít
    Làm ít ăn nhiều
    Nằm đâu ngủ đấy
    Nó lấy mất cưa
    Lấy gì mà kéo

    Dị bản

    • Kéo cưa lừa xẻ
      Thợ khỏe cơm vua
      Thợ thua cơm làng
      Thợ nào dẻo dang
      Về nhà bú tí

    Video

  • Mẹ dài mà đẻ con tròn

    Mẹ dài mà đẻ con tròn
    Có lửa mẹ đẻ, không lửa mẹ úm con mẹ nằm.
    Đẻ ra có tiếng có tăm
    Mẹ đẻ mẹ nằm con bỏ đi đâu ?
    Con ơi lỗi đạo vô nghì
    Mẹ còn nằm đó con đi phương nào ?

    Mẹ và con là những vật gì ?

    Mẹ: súng thần công (đại bác thời xưa)
    Con: đạn súng thần công, hình cầu .

  • Người sao kiệu bạc, ngai vàng

    Người sao kiệu bạc ngai vàng
    Người sao cuối chợ đầu làng kêu ca
    Người sao đệm thắm chiếu hoa
    Người sao ngồi đất lê la suốt ngày
    Người sao chăn đắp, màn quây
    Người sao trần trụi thân thây bẽ bàng
    Người sao võng giá nghênh ngang
    Người sao đầu đội vai mang nặng nề
    Người sao năm thiếp bảy thê
    Người sao côi cút sớm khuya chịu sầu
    Người sao kẻ quạt người hầu
    Người sao nắng dãi mưa dầu long đong
    Trời ơi! Trời ở bất công!

    Dị bản

    • Người thì kiệu bạc đai vàng
      Người sao đầu chợ cuối đàng kêu ca
      Người thì đệm gắm chiếu hoa
      Người sao ngồi đất lê la tối ngày
      Người thì chăn đắp, màn quây
      Người sao trần trụi khố dây bẽ bàng
      Người thì võng giá nghênh ngang
      Người sao đầu đội vai mang nặng nề
      Người thì ăn mặc phủ phê
      Người sao đói rách, ê chề tấm thân.

  • Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng

    Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng
    Công anh dan díu với nàng đã lâu.
    Bây giờ nàng lấy chồng đâu,
    Ðể anh giúp đỡ trăm cau ngàn vàng.
    Trăm cau để thết họ hàng,
    Ngàn vàng anh đốt giải oan lời thề.

    Dị bản

    • Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
      Anh tiếc công anh gắn bó với cô nàng bấy lâu.
      Bây giờ cô lấy chồng đâu,
      Ðể anh giúp đỡ trăm cau, nghìn vàng.
      Năm trăm anh đốt cho nàng,
      Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
      Xưa kia nói nói, thề thề,
      Bây giờ bẻ khóa, trao chìa cho ai?
      Bây giờ nàng đã nghe ai?
      Gặp anh ghé nón, chạm vai chẳng chào?

  • Vè con cút

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè con cút
    Trâu ăn mấy chút
    Bắt mẹ tôi đền
    Nắm chóp tôi lên
    Đau đầu cha chả
    Chạy mời Trùm Xã,
    Lại có Trưởng Đông
    Trâu ăn ngoài đồng
    Bắt vô mà cột
    Mâm trầu cho tốt
    Hũ rượu cho ngon
    Phải trâu của con
    Thì con bắt lấy

  • Em về Kẻ Chợ em coi

    Em về Kẻ Chợ em coi
    Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
    Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
    Các quan trào áo bậu lưng đai
    Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
    Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
    Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
    Thương anh gối đất nằm sương

    Dị bản

    • Đường ra Kẻ Chợ xem voi
      Kìa bãi tập trận nhà chòi bắn cung
      Bắn con ngựa hồng báo tiền báo hậu
      Các quan võ thần mặc áo nậu thắt lưng xanh
      Khẩu súng vác vai chân anh quỳ đạp
      Anh đánh trận này, anh đuổi trận này giả nợ nhà vua.
      Bõ công dãi nắng dầm mưa.

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

Chú thích

  1. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  3. Nhái bầu
    Tên chung của một số loài nhái có bụng to, lưng thường có màu nâu tối, đôi khi có hoa văn.

    Nhái bầu trơn

    Nhái bầu trơn

  4. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  5. Đa đa
    Còn gọi là gà gô, một loài chim rừng, thường sống trên cây hoặc trong các bụi rậm trên núi cao, ăn sâu bọ, đuôi ngắn. Đa đa thường bị săn bắt để lấy thịt.

    Chim đa đa

    Chim đa đa

  6. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  7. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Kỷ trà
    Bàn nhỏ bằng gỗ, thấp, thường được chạm trổ tinh vi. Người xưa khi uống trà thường đặt tách và ấm trà lên trên kỷ.

    Bộ kỷ trà

    Bộ kỷ trà

  9. Dưng
    Dâng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Dùi Chiêng
    Tên một làng nay là thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm dọc ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước mặt là sông, sau lưng là núi, có hình thể giống như cái dùi của cái chiêng, nên có tên gọi như vậy.
  12. Có bản chép: đảo dốc.
  13. Bình Yên
    Tên một ngôi làng nằm ở phía Tây huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Thu Bồn.
  14. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  15. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  16. Tương truyền đây là một bài thơ của ông Tú Quỳ, một danh nhân đất Quảng Nam.
  17. Phạm Bá Doãn
    Một người dân sống ở làng Dùi Chiêng vào đầu thế kỉ 20, tương truyền là người nghĩ ra một thứ bẫy để bắt cọp mà người địa phương quen gọi là cái chòi. Các bô lão làng Dùi Chiêng cho biết về hình dáng, chòi không to, ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, làm hoàn toàn bằng cây săn, chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy thì không thể vùng ra nổi. Trong chòi nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp xuống. Người ta chỉ việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.

    Chòi bắt cọp

    Chòi bắt cọp

  18. Nường
    Nàng (từ cũ).
  19. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  20. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  21. Vạn
    Làng chài.
  22. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  23. Tháp Cánh Tiên
    Còn có tên gọi là tháp Đồng, một ngôi tháp nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, thuộc phong cách Bình Định và có một phần ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer do thời kì này có sự giao lưu thường xuyên giữa vương quốc Khmer và Chăm Pa.

    Tháp Cánh Tiên

    Tháp Cánh Tiên

  24. Võ Tánh
    Danh tướng triều Nguyễn dưới thời Nguyễn Ánh. Ông có công giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và mất trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.

    Năm 1800, ông và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ thành Bình Định. Thành bị hai đại tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây suốt 18 tháng liền. Đến ngày 7/7/1801, nhắm không cầm cự được nữa, ông cho người trao Trần Quang Diệu bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành, rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn.

    Đương thời, ông được xếp cùng với Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp là "Gia Định tam hùng" (ba người hùng đất Gia Định). Ông giữ chức Hậu quân nên nhân dân yêu mến gọi ông là quan Hậu, hoặc ông Hậu.

    Lăng Võ Tánh

    Lăng Võ Tánh

  25. Thiềng
    Thành (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
  26. Long An
    Một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáp với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang và Campuchia. Vùng đất Long An nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp như gạo tài nguyên, gạo nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen... Tỉnh có nhiều di tích lịch sử, trong đó nổi bật là văn hóa Óc Eo tại Đức Hòa, đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức tại Tân An, Chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc và Nhà trăm cột tại Cần Đước.

    Một vùng quê Long An

    Một vùng quê Long An

  27. Vàm Cỏ
    Một dòng sông ở Nam Bộ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, dài khoảng 35 km, là hợp lưu của 10 chi lưu, trong đó hai chi lưu chính trực tiếp là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Sông chảy chủ yếu qua tỉnh Long An và làm ranh giới giữa Long An và Tiền Giang, rồi cuối cùng đổ vào sông Soài Rạp.

    Về tên gọi sông Vàm Cỏ, có hai cách giải thích:

    - Theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, "Vàm: ngã ba sông rạch, nơi một con rạch giáp với sông hay một con sông nhỏ giáp với sông lớn”. Ở đây, ý nói sông Vàm Cỏ là sông nhỏ, giáp sông Soài Rạp. Do hai bên bờ mọc nhiều cỏ, gọi là Vàm Cỏ.
    - Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco” bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là "vàm lùa bò". Người Việt đọc chệch thành Vàm Cỏ.

    Cách giải thích thứ 2 được nhiều người tán đồng, vì hai chi lưu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Campuchia. Hơn nữa, một số tài liệu xưa ghi nhận rằng vùng này ngày trước có nhiều trâu bò đi thành từng đàn, theo đường cố định, lâu ngày trở thành cái láng, con rạch, thậm chí con sông.

  28. Xáng
    Tàu, thuyền lớn (phương ngữ Nam Bộ). Từ này cũng như từ xà lan có gốc từ tiếng Pháp chaland, một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc...
  29. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  30. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  31. Xắc cốt
    Cái túi đeo, đọc theo từ "Sacoche" tiếng Pháp, thường làm bằng da, có khóa bấm. Cán bộ miền Bắc trước đây thường mang loại túi này.

    Xắc cốt

    Xắc cốt

  32. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  33. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  34. Hai câu này có dị bản là:

    Ăn quả dâu
    Về đau bụng

  35. Củ kiệu
    Còn được gọi là hành tàu, hẹ tàu, một loài cây thuộc họ Hành, củ màu trắng, lá bọng. Củ kiệu muối là món ăn quen thuộc của dân ta, nhất là vào những ngày Tết (còn gọi là dưa kiệu). Củ kiệu cũng là vị thuốc Đông y giúp làm ấm bụng, bổ thận khí, lợi tiểu...

    Củ kiệu muối

    Củ kiệu muối

  36. Bài đồng dao này thường được hát khi chơi trò chơi "kéo cưa lừa xẻ." Hai người chơi (ví dụ hai mẹ con) ngồi đối diện, nắm chặt tay nhau, sau đó vừa hát vừa kéo tay qua lại như đang cưa gỗ. Mỗi lần hát một từ thì lại đẩy hoặc kéo về một lần theo nhịp bài hát.
  37. Úm
    Ôm ấp, che chở.
  38. Có tiếng có tăm
    Cách nói nhấn mạnh của từ "tiếng tăm."
  39. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
  40. Súng thần công tại Đại Nội, cố đô Huế

    Súng thần công tại Đại Nội, cố đô Huế

  41. Đạn súng thần công tìm thấy Huế

    Đạn súng thần công tìm thấy ở Huế

  42. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  43. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  44. Vợ lẽ
    Vợ hai, vợ thứ.
  45. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  46. Võng giá
    Vua quan ngày xưa thường đi bằng võng và xe (giá) do lính khiêng.

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

  47. Đồng tiền Vạn Lịch
    Một loại tiền đúc thời Vạn Lịch nhà Minh. Vạn Lịch là niên hiệu duy nhất của vua Minh Thần Tông, trị vì Trung Quốc từ năm 1572 đến năm 1620.

    Minh Thần Tông

    Minh Thần Tông

  48. Bốn chữ "Vạn Lịch thông bảo" 萬曆通寶 (đồng tiền lưu hành thời Vạn Lịch) đúc trên đồng tiền.

    Đồng tiền Vạn Lịch

    Đồng tiền Vạn Lịch

  49. Có bản chép: Anh tiếc công anh dan díu với nàng bấy lâu.
  50. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  51. Trùm
    Người đứng đầu một phường hội thời xưa.

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

  52. Có bản chép: Tôi lại cửa công.
  53. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  54. Trào
    Triều (từ cũ).
  55. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  56. Áo nậu
    Áo vải màu có nẹp, ngày trước phu, lính hoặc những người mang đồ rước mặc trong những dịp long trọng.

    Áo nậu

    Áo nậu

  57. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  58. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  59. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  60. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  61. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  62. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  63. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  64. Cần Giờ
    Một địa danh nằm ở vùng Đông Nam Bộ, nay là một huyện ven biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh (thường được xem là một huyện đảo vì địa thế gần như tách biệt với đất liền, bao quanh bởi sông và biển). Cần Giờ nổi tiếng với khu rừng ngập mặn (rừng Sác), một địa điểm du lịch sinh thái, và biển Cần Giờ, nguồn cung cấp hải sản phong phú.

    Tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

    Tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

    Cào nghêu tại biển Cần Giờ

    Cào nghêu tại biển Cần Giờ

  65. Trương
    Giương (nghĩa cũ).