Xóm trên có cặp sinh đôi
Lại thương con chị, nhớ đời con em
Phải chi cho phép rõ ràng
Anh cưới hai nàng hạnh phúc biết bao?
Tìm kiếm "bao la"
-
-
Dã tràng xe cát bể Đông
-
Thân chị như cánh hoa sen
-
Tần còn mong Tấn nhiều bề
-
Vè bán chiếu
Ai mua chiếu hông
Chiếu bông chiếu trắng
Chiếu vắn chiếu dài
Chiếu dệt lầu đài
Cổ đồ bát bửu
Chiếu tây hột lựu
Da lợn bông bao
Chiếu rộng màu cau
Con cờ, mặt võng
Dệt bông chong chóng
Ngũ sắc, bá huê
Đẹp hết chỗ chê
Ngôi sao, tùng lộc
Chiếu trải giường hộc
Chiếu trải giường Tàu
Chiếu trải giường trước
Chiếu trải giường sau
Chiếu nào cũng có đủ
Trong gia chủ ai muốn mua thì mua -
Cha mẹ sinh dưỡng ra con
Cha mẹ sinh dưỡng ra con
Cũng như trời đất nước non không cùng
Vẫn là một khí huyết chung
Chia riêng mày mặt trong lòng sinh ra
Bào thai chín tháng mang ta
Kiêng khem bệnh tật ai hòa chịu chung -
Ơ này anh chị em ơi
Ớ này anh chị em ơi
Lúa đồng ta đã đôi nơi phơi màu
Mùa này ta hãy bảo nhau
Tập đoàn ta gặt cho mau mới là
Thằng Tây định phá lúa ta
Về đây du kích không tha lũ mày -
Con cọp mắc cạn dưới sông
Con cọp mắc cạn dưới sông
Con thỏ trông thấy chổng mông lên gào
Giọng thấp rồi lại giọng cao
Gào lâu mỏi miệng thỏ vào nằm queo
Bao giờ chuột đến với mèo
Cóc theo bắt bướm vịt trèo ngọn cau
Thì ta đây mới hết thảm sầu -
Áo anh khô không phải mưa sao ướt
-
Chàng đừng trời tối trông sao
Chàng đừng trời tối trông sao
Cho cực lòng thiếp cho đau lòng chàng
Đêm qua nằm cạnh nhà ngang
Lầu suông gió lọt thương chàng biết bao -
Hò khoan hò uẩy
-
Nhớ lời quan Trạng ngày xưa
Nhớ lời quan Trạng ngày xưa
Sấm ngài để lại tính vừa tới nay
Năm Dậu nó kéo sang đây
Vua về thượng giới thì Tây chiếm thành
Ngả lim ra để làm hoành
Đắp đường phá đá tan tành ruộng nương
Bao nhiêu bờ bụi phát quang
Thuê người gánh đá dọn đường cho yên
Nhật công nó lại phạt tiền
Thế gian ai được nằm yên ở nhà
Đàn ông cho ý đàn bà
Bao nhiêu trai gái trẻ già đều đi
Bởi chưng vua nước đang suy
Mới không vượt dậy mà đi chiếm thành -
Từ ngày Tự Đức lên ngôi
-
Mẹ anh như mẹ người ta
Mẹ anh như mẹ người ta
Thì anh có cửa, có nhà từ lâu
Mẹ chồng đối với nàng dâu
Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ. -
Khăn đào vắt ngọn cành mơ
-
Anh đi anh nhớ non Côi
-
Ra vườn thấy cánh hoa tươi
-
Hòn Sung không thấp không cao
-
Nào ai bị rớt xuống sông
Nào ai bị rớt xuống sông?
Nào ai thất lạc vườn hồng năm canh?
Nào ai phá ngục khai thành?
Nào ai bị trói năm canh bão bùng?
Nào ai giữ trọn hiếu trung?
Trai nam nhi đáp được gái nữ hồng kết duyên.
– Vân Tiên bị rớt dưới sông
Nguyệt Nga thất lạc vườn hồng năm canh
Hớn Minh phá ngục khai thành
Tiểu đồng bị trói năm canh bão bùng
Tử Trực giữ trọn hiếu trung
Trai nam nhi đây đối được gái nữ hồng tính sao? -
Nắm tóc ngôi tóc ngôi dài
Chú thích
-
- Dã tràng
- Còn gọi là dạ tràng, một loài giáp xác nhỏ giống con cáy sống ở bãi cát ven biển, hàng ngày vê cát thành từng viên nhỏ để tìm kiếm thức ăn khi thủy triều xuống, nhưng khi thủy triều lên lại đánh tan hết. Đọc thêm về sự tích con dã tràng.
-
- Sen
- Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Cổ đồ bát bửu
- Bức tranh cổ vẽ tám món đồ quý – xem thêm về Bát bửu.
-
- Ngũ sắc, bá huê
- Năm màu, trăm hoa.
-
- Giường hộc
- Loại giường phía dưới có hộc có thể kéo ra vào, để đựng quần áo, đồ đạc.
-
- Giường Tàu
- Một loại giường theo kiểu Trung Hoa, có thành cao xung quanh.
-
- Gia chủ
- Chủ nhà (từ Hán Việt).
-
- Thầy mẹ
- Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
(Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)
-
- Chợ Phù Ly
- Chợ thuộc thôn Phù Ly, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
-
- Chợ Gồm
- Tên một cái chợ nay thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
-
- Khiếp
- Nhát gan, sợ sệt (từ gốc Hán Việt).
-
- Dũng
- Dũng cảm, mạnh mẽ, gan góc (từ Hán Việt).
-
- Khuất
- Co, cong; khuất phục (từ Hán Việt).
-
- Thân
- Duỗi (từ Hán Việt).
-
- Lưu Bang
- Hiệu là Hán Cao Tổ, hoàng đế đầu triều Hán của Trung Quốc. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lưu Bang có mũi cao, râu dài giống rồng và có 72 nốt ruồi trên chân trái, thích rượu và gái, tính tình phóng khoáng bao dung. Ông khởi binh chống Tần, tranh thiên hạ với Hạng Vũ (đời sau gọi là Hán-Sở phân tranh hoặc Hán-Sở tranh hùng), sau cùng diệt được Sở, lên ngôi đế vào năm 202 trước Công Nguyên. Nhà Hán do ông lập ra kéo dài hơn bốn thế kỉ, được xem là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán," và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự."
-
- Hạng Vũ
- Tên huý là Hạng Tịch, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Hạng Vũ là một anh hùng có sức mạnh "bạt sơn cử đỉnh," yêu thương quân sĩ nhưng lại có lòng nhân "của đàn bà" (cách dùng từ trong Sử Ký), hay nghi ngờ các tướng lĩnh, vì vậy mà cuối cùng thất bại vào tay Lưu Bang.
-
- Mạo
- Tướng mạo, dáng mặt, vẻ mặt (từ gốc Hán Việt).
-
- Nguyễn Bỉnh Khiêm
- (1491–1585) Tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa nước ta trong thế kỷ 16. Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535), làm quan dưới triều Mạc, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công (nên dân gian gọi là trạng Trình). Ông được coi là tác giả của nhiều câu thơ có tính chất tiên tri (sấm kí) lưu hành trong dân gian, gọi chung là sấm Trạng Trình.
-
- Ngày mồng 7 tháng 4 năm Giáp Thân (tức 1 tháng 5 năm 1884), vua Kiến Phúc lâm bệnh qua đời, ở ngôi được hơn 6 tháng. Em ông là Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi, tức là vua Hàm Nghi. Tháng 5 năm 1885 (Ất Dậu), trận Kinh thành Huế nổ ra, quân nhà Nguyễn dưới sự chỉ Huy của Tôn Thất Thuyết thất bại nặng nề. Quân Pháp chiếm được thành; vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phải bỏ thành chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) và phát động phong trào Cần Vương.
-
- Hoành
- Tấm biển, tấm hoành, đồ treo ngang (Đại Nam quấc âm tự vị).
-
- Nhật công
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhật công, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bởi chưng
- Bởi vì (từ cổ).
-
- Tự Đức
- (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.
-
- Chim ri
- Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."
-
- Bình thì
- Cũng gọi là "bình thời," nghĩa là "thời kì bình yên."
-
- Mơ
- Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Sông Vị Hoàng
- Tên một con sông đào chảy qua đất Vị Hoàng, thuộc tỉnh Nam Định. Theo sử cũ, sông Vị Hoàng được đào vào đời Trần, nối sông Đáy với sông Vĩnh Tế (Vĩnh Giang) chảy quanh co quanh phủ Thiên Trường xưa. Năm 1832, vua Minh Mạng cho đào một con sông mới, được gọi là sông Đào, để chia sẻ dòng nước từ kênh Phù Long đến bến đò Lương Xá, tách làng Vị Hoàng thành hai làng: Vị Hoàng và Vị Khê. Từ đây, nước sông Hồng không còn đổ nhiều vào sông Vị Hoàng, sông bị bồi lấp dần, nên gọi là sông Lấp. Ngày nay, hầu như không còn vết tích của sông Vị Hoàng.
Sông Vị Hoàng chính là con sông đã đi vào thơ Tế Xương:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
-
- Đương
- Đang (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Hòn Sung
- Tên chữ là Trưng Sơn, một hòn núi thấp thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi phát tích của anh hùng Mai Xuân Thưởng và anh em nhà Tây Sơn. Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định:
Trông gần thì mập mạp hung hăng như con bò đực sung sức lúc nào cũng sẵn sàng để chiến đấu. Nên người địa phương thường gọi là Hòn Sung. Lưng núi có nhiều chỗ nổi từng vồng từng ụ, như bị đánh sưng. Nên nhiều người gọi là Hòn Sưng thay vì Hòn Sung. Núi còn có tên nữa là Độc Xỉ Sơn và Độc Nhũ Sơn, vì ở xa, nếu đứng xiên một phía mà trông thì giống một chiếc răng nanh dựng ngược, còn đứng dưới mặt mà ngó thì tương tợ một nấm vú vung (theo truyền thuyết thì Độc là một mình; nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí chép chữ Độc là con bò nghé). Do đó núi lại có tên nữa là Bút Sơn.
-
- Tây Sơn
- Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
-
- Mai Xuân Thưởng
- Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.
Do từng đậu cử nhân và là con thứ bảy trong gia đình, ông còn có tục danh là ông Bảy Cử.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Sau khi bị mù, Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Xem chú thích Trịnh Hâm.
-
- Kiều Nguyệt Nga
- Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.
Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.
-
- Hớn Minh
- Một nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Hớn Minh là một người trung nghĩa, trên đường đi thi gặp con quan huyện là Đặng Sinh đang hà hiếp dân lành, liền nổi giận, bẻ gãy giò hắn rồi ra đầu thú:
Đi vừa tới huyện Loan-minh,
Gặp con quan huyện Đặng Sinh là chàng.
Giàu sang ỷ thế nghinh ngang,
Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
Tôi bèn nổi giận một khi,
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.
Mình làm nỡ để ai lo,
Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng.Hớn Minh vượt ngục, gặp gỡ và kết bạn với Lục Vân Tiên, rồi về sau cùng Vân Tiên cầm quân diệt giặc Phiên.
-
- Tiểu đồng
- Người đầy tớ trung thành đi theo hầu Lục Vân Tiên khi chàng lên kinh ứng thí. Khi Vân Tiên bị mù, Trịnh Hâm muốn hãm hại nên lừa tiểu đồng, nói là vào rừng kiếm thuốc, kì thực y trói tiểu đồng vào gốc cây cho cọp ăn thịt. Nhưng đến đêm khuya, tiểu đồng được thần núi hiện ra cởi trói cho.
Tiểu đồng bị trói khôn về,
Kêu la chẳng thấu bốn bề rừng hoang:
"Phận mình đã mắc tai nàn,
"Cảm thương họ Lục suối vàng bơ vơ.
"Xiết bao những nỗi dật dờ,
"Đà giang nào biết, bụi bờ nào hay.
"Vân Tiên hồn có linh rày,
"Đem tôi theo với đỡ tay chưn cùng!"
Vái rồi luỵ nhỏ ròng ròng,
Đêm khuya ngồi dựa cội tòng ngủ quên.
Sơn quân ghé lại một bên,
Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.
-
- Vương Tử Trực
- Tên một nhân vật trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Tử Trực gặp gỡ Vân Tiên tại nhà Võ công, hai người kết nghĩa anh em và cùng lên kinh đi thi. Tử Trực là người trượng nghĩa, khảng khái, khi Võ công ngỏ ý muốn gả người con gái (trước đó đã hứa gả cho Vân Tiên) cho mình, chàng đã nổi giận mắng Võ công.
Trực rằng: "Ai Lữ Phụng Tiên?
Hòng toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi.
Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi,
Lòng nào mà lỡ buông lời nguyệt hoa?
Hổ han vậy cũng người ta,
So loài cầm thú vậy mà khác chi?
Vân Tiên! Anh hỡi cố tri
Suối vàng có biết sự ni chăng là?"
Tay lau nước mắt trở ra,
Về nhà sắm sửa tìm qua Ðông Thành.
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.