Tìm kiếm "chết"

  • Hồi nhỏ tôi ở với cậu mợ

    Hồi nhỏ tôi ở với cậu mợ
    Mợ cho ăn cơm nguội
    Uống nước lạnh, ngủ nhà ngoài
    Đêm khuya đau bụmg tôi lần tôi vô
    Mợ nghe sục sạc, mợ hỏi: đứa mô
    Thưa rằng đau bụng con vô kiếm gừng
    Tay dang mợ rút múi dây lưng
    Độc thì ta giải độc chớ kiếm gừng làm chi

    Dị bản

    • Hồi nhỏ tôi ở với cậu với mợ
      Cậu ăn rồi cậu bỏ cậu đi
      Mợ ở nhà mợ ngủ như Địch Nghi
      Quần áo tuột hết giống chi cũng không còn
      Đầy tớ lâu ngày thái thể bà con
      Chết thì con chịu chết, thấy đồ ngon con không từ

  • Hỡi thằng cu bé, hỡi thằng cu lớn

    Hỡi thằng cu bé, hỡi thằng cu lớn
    Cu tí, cu tì, cu tị ơi
    Con dậy con ăn con ở với ông
    Để mẹ đi lấy chồng kiếm lấy em con

    Dị bản

    • Hỡi thằng cu bé, hỡi thằng cu lớn
      Cu tí, cu tì, cu tị ơi
      Con dậy con ăn con ở với bà
      Để mẹ đi kiếm một và con thêm
      Bố con chết đi, trong bụng mẹ đây nó hãy còn thèm
      Mẹ xem quẻ bói, vẫn còn đàn em trong bụng này
      Con ra gọi chú vào đây
      Để mẹ giao trả cái cơ nghiệp này mẹ bước đi

  • Cá biển, cá đồng

    Cá biển, cá đồng
    Cá sông, cá ruộng
    Dân yêu dân chuộng
    Là cá tràu ổ
    Ăn nói hàm hồ
    Là con cá sứ
    Đưa đẩy chốn xa
    Là con cá đày
    Hay gặp mặt nhau
    Là con cá ngộ
    Trong nhà nghèo khổ
    Là con cá cầy
    Chẳng dám múc đầy
    Là con cá thiểu
    Mỗi người mỗi thiếu
    Là con cá phèn
    Ăn nói vô duyên
    Là con cá lạc
    Trong nhà rầy rạc
    Là con cá kình
    Trai gái rập rình
    Là cá trích ve
    Dỗ mãi không nghe
    Là con cá ngạnh
    Đi đàng phải tránh
    Là con cá mương
    Mập béo không xương
    Là con cá nục
    Được nhiều diễm phúc
    Là con cá hanh
    Phản hại cha anh
    Là con cá giếc
    Suốt ngày ăn miết
    Là con cá cơm
    Chẳng kịp dọn đơm
    Là con cá hấp
    Rủ nhau lên dốc
    Là con cá leo
    Hay thở phì phèo
    Là con cá đuối
    Vừa đi vừa cúi
    Là con cá còm
    Hay nói tầm xàm
    Là con cá gáy
    Vừa trốn vừa chạy
    Là con cá chuồn
    Cứ viết lách luôn
    Là con cá chép

    Dị bản

    • Cá biển cá bầy
      Ăn ngày hai bữa
      Là con cá cơm
      Ăn chẳng kịp đơm
      Là con cá hấp
      Rủ nhau lên dốc
      Là con cá leo
      Miệng thở phèo phèo
      Là con cá đuối
      Nhọn mồm nhọn mũi
      Là con chào rao
      Nhận hủ nhận vò
      Là con cá nhét
      Nở ra đỏ chẹt
      Là con cá khoai
      Đi ăn trộm hoài
      Là con cá nhám
      Khệnh khệnh khạng khạng
      Là con cá căng
      Già rụng hết răng
      Là con cá móm
      Bò đi lọm khọm
      Là con cá bò
      Ăn chẳng biết no
      Là con cá hốc

  • Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn

    Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn
    Núi lở non mòn, ngỡi bạn không quên
    Ðường còn đi xuống đi lên,
    Tình qua nghĩa bậu quyết nên vợ chồng.

    Dị bản

    • Sông cạn, biển cạn lòng ta không cạn
      Núi lở non mòn, nghĩa bạn không quên
      Đường còn đi xuống đi lên
      Ơn bạn bằng biển, ta đền bằng non
      Đường mòn duyên nợ không mòn
      Chết thì mới hết, sống còn gặp nhau
      Lời nguyền trước cũng như sau
      Em không phụ khó, ham giàu ở đâu

  • Thấy em đẹp nói đẹp cười

    Thấy em đẹp nói đẹp cười,
    Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng.
    Vậy nên anh gửi thư sang,
    Bởi lòng anh quyết lấy nàng mà thôi.

    Dị bản

    • Thấy em đẹp nói đẹp cười,
      Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng.
      Chân em đi dép quai ngang,
      Mặt vuông chữ điền liền vành cá trôi.
      Ta thương mình lắm mình ôi,
      Cá chết về mồi khốn nạn đôi ta.

  • Vè uống rượu

    Một chén giải cơn sầu
    Hai chén còn nhơn đạo
    Ba chén còn gượng gạo
    Bốn chén nổi sân si
    Năm chén sập thần vì
    Sáu chén ngồi ghì xuống đó
    Bảy chén thì đuổi chẳng đi
    Tám chén lóc trộn lộn ra
    Chín chén lóc trộn lộn vô
    Mười chén ai xô tôi ngã
    Mười một chén chửi cha ai xô

    Dị bản

    • Uống một ly nhâm nhi tình bạn
      Uống hai ly giải cạn cơn sầu
      Uống ba ly mũi chảy đầy râu
      Uống bốn ly ngồi đâu nói đó
      Uống năm ly cho chó ăn chè
      Uống sáu ly ai nói nấy nghe
      Uống bảy ly làm xe lội nước
      Uống tám ly chân bước chân quỳ
      Uống chín ly còn gì mà kể
      Uống mười ly khiêng để xuống xuồng

    • Một xị giải phá cơn sầu
      Hai xị mũi chảy đầy râu
      Ba xị nằm đâu ngủ đó
      Bốn xị cho chó ăn chè
      Năm xị làm xe lội nước
      Sáu xị vợ rước về nhà
      Bảy xị ông bà chửi nát
      Tám xị ra đống rác nằm
      Chín xị lên băng ca
      Mười xị ra nghĩa địa

    • Nhất xị mở mang trí hoá,
      Nhị xị giải phá thành sầu,
      Tam xị mũi chảy đầy râu,
      Tứ xị ngồi đâu “đứa” đó,
      Ngũ xị cho chó ăn chè,
      Lục xị vợ đè cạo gió,
      Thất xị mua hòm để đó,
      Bát xị … cho nó chết luôn!

Chú thích

  1. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  2. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  3. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  4. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  5. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Địch Nghi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Địch Nghi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  7. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Thái thể
    Như thể.
  9. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  10. Cá sứ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá sứ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Cá đày
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá đày, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  12. Cá ngộ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá ngộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Cá cầy
    Một loài cá nước ngọt, xuất hiện nhiều ở hạ lưu sông Mekong, nhất là vào mùa mưa lũ. Cá cầy ăn tạp, có thân hình thon dài, màu trắng sáng, trên lưng màu đen than.

    Cá cầy

  14. Cá thiểu
    Một loài cá nước ngọt, xuất hiện nhiều vào mùa lũ. Cá có thân dẹp, lớn cỡ 2 ngón tay người lớn, vảy li ti óng ánh màu trắng bạc. Thịt cá béo, thơm ngon, được chế biến được các món ăn như: muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa, kho quẹt…

    Cá thiểu

  15. Cá phèn
    Một số địa phương gọi là cá thèn, một loại cái biển nhỏ chừng hai, ba ngón tay, da lưng có màu hơi hồng, có nhiều vảy. Cá phèn thường được kho tiêu.

    Cá phèn kho

    Cá phèn kho

  16. Cá lạt
    Một số nguồn viết là cá lạc, một loại cá biển có thân hình ống dài, nhìn giống cá chình. Cá lạt thường được chế biến thành các món canh cần tây cá lạt, cá lạt rim trứng muối, cá lạt um khế…

    Cá lạt

  17. Rầy rạc
    Gây lộn, gấu ó, quấy rối, làm phiền (từ cũ). Có chỗ nói rầy rật.
  18. Cá kình
    Có nơi gọi là cá rò hay cá giò, một loại cá nước lợ sống ở cửa biển. Cá kình hơi giống cá cơm, có xương mềm, vẩy óng ánh. Thịt cá kình rất thơm ngọt, thường được dùng làm mắm gọi là mắm kình hoặc mắm rò.

    Mắm rò (mắm cá kình)

    Mắm rò (mắm cá kình)

  19. Cá trích
    Một loại cá biển, mình thon dài, ít tanh, ăn rất lành, thịt trắng, ít mỡ, rất béo, và là một trong các loại cá dễ đánh bắt nhất. Có hai loại cá trích là cá trích ve và cá trích lầm. Cá trích ve lép mình, nhiều vảy trắng xanh, thịt trắng, thơm, béo nhưng nhiều xương. Cá trích lầm mình tròn, ít vảy, nhiều thịt hơn nhưng thịt cá đỏ và không thơm ngon như trích ve.

    Cá trích

    Cá trích

  20. Cá ngạnh
    Một loại cá da trơn nước ngọt có hình dáng tương tự cá trê nhưng nhỏ hơn, thịt ăn rất ngon. Hai bên mang cá có hai cái ngạnh, nếu ai vô tình bị ngạnh cá đâm trúng thì rất đau nhức. Loài cá ngạnh của Huế thường thích sống ở các khe suối nước chảy nên dân địa phương gọi là cá ngạnh nguồn.

    Cá ngạnh nấu măng chua

    Cá ngạnh nấu măng chua

  21. Cá mương
    Một loại cá sông, thân dài khoảng 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, thường được đánh bắt để làm các món nướng, canh chua...

    Cá mương nướng

    Cá mương nướng

  22. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  23. Cá hanh
    Một loài cá nước lợ giống cá chép, sống ở các cửa sông, đầm phá. Thịt cá trắng, ngọt và mềm, chế biến được thành nhiều món ăn.

    Cá hanh

    Cá hanh

  24. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  25. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  26. Đơm
    Lấy, xới cơm hay xôi từ nồi vào vật đựng khác (đơm xôi, đơm cơm).
  27. Cá hấp
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá hấp, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Cá nheo
    Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.

    Cá nheo

    Cá nheo

  29. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  30. Cá còm
    Một loại cá nhỏ bằng ngón tay, thường thấy nhiều ở các sông suối miền tây Nghệ An với đặc tính chỉ sinh sống ở vùng nước nông, chảy xiết. Cá còm thịt chắc, xương mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu canh chua, cá còm rán, kho tộ, kho nghệ, v.v.

    Cá còm

  31. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  32. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  33. Chào rao
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chào rao, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  34. Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.

    Cái vò

    Cái vò

  35. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  36. Cá khoai
    Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.

    Canh chua cá khoai

    Canh chua cá khoai

  37. Cá nhám
    Còn gọi cá mập con, cá mập sữa, cá mập cáo hay cá chèo bẻo, là một loài cá biển thường xuất hiện vào mùa biển động. Thịt cá nhám giàu dinh dưỡng, có giá cao, được chế biến thành nhiều món ngon như kho nghệ, canh chua, gỏi, nhúng giấm... Cá nhám còn được dùng làm vị thuốc Đông y.

    Cá nhám

  38. Cá căng
    Cũng gọi là cá ong căng, tên chung của một số loài cá biển cỡ nhỏ, sống thành đàn, có thân bầu dục dài, dẹt hai bên, với các dải hoặc vết màu sẫm trên nền vàng hay xanh lục. Thịt cá căng có màu trắng ngà, chắc và ngon, đặc biệt lòng rất béo. Một số loài cá căng có màu sắc đẹp, được nuôi làm cá cảnh.

    Cá căng

    Cá căng

  39. Cá móm
    Một loại cá sông thân hơi tròn, vảy bạc, thịt nhiều, ăn ngọt, béo và ngon. Cá có tên như vậy có lẽ vì mồm hơi vêu lên trên.

    Cá móm

    Cá móm

  40. Cá bò
    Tên chung của một số loài cá biển như cá bò hòm, cá bò giáp, cá bò gai, cá bò da đá... Những loại cá này đều có thân hình to bản, da dày cứng, nhưng thịt rất thơm ngon.

    Cá bò hòm

    Cá bò hòm

  41. Cá hốc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá hốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  42. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  43. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  44. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  45. Có bản chép "Tình cờ."
  46. Chữ điền
    Chữ 田 (ruộng). Mặt chữ điền tức là mặt cương nghị (nam) hoặc phúc hậu (nữ).
  47. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  48. Sân si
    Sân: nóng giận, thù hận; Si: si mê, ngu tối. Theo quan niệm Phật giáo, tham, sân, si là tam độc, những nguyên nhân gây nên nỗi khổ của con người.
  49. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  50. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  51. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  52. Băng ca
    Cáng y tế dành khiêng người bị thương hoặc đau ốm, lấy từ từ brancard trong tiếng Pháp.