Tìm kiếm "cổ tích"

Chú thích

  1. Trì Trì
    Tên một giống lúa nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Có ý kiến cho rằng, giống lúa này là do tướng Chăm là Bồ Trì Trì để lại trước khi bị quân nhà Lê truy đuổi phải chạy vào đến Phan Rang vào cuối thế kỉ 15. Lúa Trì Trì có hạt gạo đỏ, khi nấu chín nở nhiều và ngon cơm.
  2. Lúa Co
    Tên một giống lúa trước đây thường được trồng ở vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi. Có ý kiến cho rằng tên Co là do đây là giống lúa chính mà người Co (còn gọi là người Cua, người Trầu), một dân tộc ít người cư trú lâu đời ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam canh tác. Gạo Co hạt đỏ, được người lao động ưa thích vì khi nấu chín nở nhiều và ngon cơm.
  3. Kẻ Nủa
    Một địa danh thuộc tỉnh Sơn Tây cũ. Thời Pháp thuộc, Kẻ Nủa thuộc tổng Thạch Xá. Hiện nay, Kẻ Nủa gồm 5 xã: Chàng Sơn, Thạch Xá, Hữu Bằng, Bình Phú và Phùng Xá.
    Đây là vùng có nhiều đình, đền, chùa, quán... Tất cả có 12 chùa, 15 đình, đền, quán, miếu. Trong đó có những công trình rất có giá trị về văn hóa và nghệ thuật, như: Chùa Tây Phương ở Thạch Xá, đình Hữu Bằng, đình làng Gia, đền thờ và lăng mộ Phùng Khắc Khoan ở Phùng Xá... Kẻ Nủa còn là cái nôi của 3 phường rối nước có từ lâu đời, nay vẫn còn hoạt động: Rối nước làng Gia, rối nước làng Yên và rối nước làng Chàng.
  4. Cổ Nhuế
    Tên Nôm là kẻ Noi, một làng thuộc Thăng Long xưa, nay là xã thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Cổ Nhuế ngày xưa có truyền thống thâm canh lúa và hoa màu giỏi, đồng thời có nghề may từ đầu thế kỉ 20. Làng cũng có nghề hót phân rất độc đáo, tới mức trong đền thờ Thành Hoàng, người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay (những công cụ hót phân).

    Đọc thêm "Nghề hót phân trên đời là nhất!".

    Người lấy phân

    Người lấy phân

  5. Ý nói người kẻ Nủa và kẻ Noi lanh lẹ, giỏi bắt chước nghề nghiệp.
  6. Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi
    Vốn xấu xa, hèn kém (chó ghẻ) nhưng lại tưởng mình có danh có giá (có mỡ đằng đuôi) nên sinh ra kiêu căng, hợm hĩnh.
  7. Một xanh cỏ, hai đỏ ngực
    Hoặc là chết ở chiến trường (xanh cỏ), hoặc là trở thành anh hùng sống sót trở về (ngực đỏ huân chương).
  8. Rau chành
    Rau vặt vãnh (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  9. Mâm gành cỗ gơ
    Mâm gỗ, cỗ được xếp thành nhiều tầng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  11. Sóng
    Cái chạn đựng chén bát (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Bát trong sóng còn có khi động
    Bán chén nằm yên trong sóng (chạn) còn có khi nghe khua lách cách. Ý nói bà con ở cùng một nhà khó tránh khỏi sự mất lòng nhau.
  13. Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà
    "Trâu đỏ" tức chiếc máy cày (thường được sơn đỏ). Thời lao động hợp tác xã, nhiều kẻ lái máy cày hay vòi vĩnh ăn hối lộ.
  14. Được cãi cùng, thua cãi cố
    Tâm lí chung trong các cuộc tranh luận: Bên nắm được lí lẽ, phần thắng thì muốn làm cho tới nơi; phía đuối lí, ở vào thế thua, biết mình sai, mình thua nhưng vẫn bảo thủ, cố cãi cho bằng được (theo Hoàng Tuấn Công).
  15. Đi xe cố vấn, mặc áo chuyên gia, ăn uống qua loa, ấy là cán bộ
    Mô tả hài hước cán bộ cấp thấp ("cán bộ quèn") thời bao cấp. "Xe cố vấn" tức là xe đạp vỡ, gãy, phải vấn (quấn) lại. Áo "chuyên gia" nghĩa là áo rách hở cả da thịt.
  16. Rậm người hơn rậm cỏ
    Thà có đông người ở còn hơn bỏ hoang.
  17. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  18. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  19. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  20. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  21. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  22. Tày
    Bằng (từ cổ).
  23. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  24. Có bản chép: Giường không chiếu lạnh.
  25. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  26. Niên
    Năm (từ Hán Việt)
  27. Cơ đoạn
    Có thể hiểu là lúc khó khăn, đói kém.
  28. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  29. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  30. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  31. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  32. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  33. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).