Tìm kiếm "mười hai"

  • Công anh làm rể chương đài

    Công anh làm rể chương đài
    Ăn hết mười một, mười hai vại cà
    Giếng đâu thì dắt anh ra
    Chẳng thì anh chết với cà đêm nay!

    Dị bản

    • Công anh làm rể có tài
      Một mình ăn hết mười hai vại cà
      Giếng đâu thì dắt anh ra
      Kẻo mà anh chết theo cà nhà em

  • Trách lòng thầy ký thầy cai

    Trách lòng thầy ký thầy cai
    Đồng hồ nhà nước tính sai giờ làm
    Mười hai giờ rưỡi mới tầm
    Anh em bụng đói âm thầm xót xa
    Trên tầng cuốc cuốc xe xe
    Dưới bơm nó chạy như ve kêu sầu
    Bơm nước lên một chầu một cạn
    Để cho phu làm gạn kiếm công
    Một ngày vay được một đồng
    Nhịn ăn mà để cho chồng xuôi Nam.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Con gái lấy thợ câu cua

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh cù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng?
    Mười một em hãy còn son
    Mười hai vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ thai

  • Một thương em nhỏ móng tay

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh phù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
    Mười một thương em hãy còn son
    Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba thương em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
    Mười lăm sinh đặng con trai
    Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
    Mười bảy em còn ở không
    Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
    Mười chín lấy thợ đóng thuyền
    Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
    Hai mốt lấy chàng câu cua
    Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
    Hai ba lấy thợ đóng dù
    Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
    Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
    Trở về em lấy dân làng cho xong.

  • Tháng giêng lúa mới chia vè

    Tháng giêng lúa mới chia vè
    Tháng tư lúa đã đỏ hoe đầy đồng
    Chị em đi sắp gánh gồng
    Đòn càn tay hái ta cùng ra đi
    Khó nghèo cấy mướn gặt thuê
    Lấy công đổi của chớ hề lụy ai
    Tháng hai cho chí tháng mười
    Năm mười hai tháng em ngồi em suy
    Vụ chiêm em cấy lúa đi
    Vụ mùa lúa ré, sớm thì ba giăng
    Thú quê rau cá đã từng
    Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan
    Việc nhà em liệu lo toan
    Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà
    Tháng sáu em cấy anh bừa
    Tháng mười em gặt anh đưa cơm chiều

  • Tháng giêng là gió hây hây

    Tháng giêng là gió hây hây
    Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
    Tháng ba gió đưa nước lên
    Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
    Tháng năm là tiết gió tây
    Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
    Tháng bảy gió lọt song đào
    Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
    Tháng chín là tháng gió ngoài
    Tháng mười là tháng heo may rải đồng
    Tháng một gió về mùa đông
    Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
    Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
    Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe!

  • Vè kể giăng

    Mồng một cho tới mồng năm
    Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
    Mồng sáu, mồng bảy trở đi
    Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
    Mồng chín giăng ánh vườn đào
    Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
    Mười một sáng cả vườn dâu
    Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
    Mười ba giăng gió giữ duyên
    Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
    Gặp giăng em hỏi em chơi
    Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
    Đến rằm giăng đã lên cao
    Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
    Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
    Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
    Mười chín em định em ngồi
    Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
    Kể từ hăm mốt nửa đêm
    Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
    Cuối tháng giăng xuống biển sâu
    Ba mươi mồng một ai cầu được giăng

  • Đất Thần kinh trai hiền gái lịch

    Đất Thần Kinh trai hiền gái lịch
    Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng
    Tháp bảy tầng, miếu Thánh, chùa Ông
    Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Toà
    Cầu Tràng Tiền mười hai nhịp bắc qua
    Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khúc âu ca thái bình

    Dị bản

    • Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua
      Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khúc âu ca thái bình

  • Tháng Giêng xuân tuyết mau mưa

    Tháng giêng xuân tuyết mau mưa
    Nhớ chàng những lúc sớm trưa vui cười
    Tháng hai hoa đã nở rồi
    Nhớ chàng em phải đứng ngồi thở than
    Tháng ba nắng lửa mưa dầu
    Nhớ chàng em những âu sầu chả tươi
    Tháng tư sấm giục mưa rơi
    Nhớ chàng thơ thẩn ra chơi vườn cà
    Tháng năm gặt hái rồi rà
    Nhớ chàng như thể nhớ hoa trên cành

  • Một giờ ra ngõ ngó trông

    Một giờ ra ngõ ngó trông
    Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
    Hai giờ ra đứng đầu làng
    Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
    Ba giờ giả chước đi chơi
    Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
    Bốn giờ gió ủ mây che
    Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
    Năm giờ dời gót về nhà
    Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
    Sáu giờ đèn hạt lưu ly
    Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
    Bảy giờ dọn dẹp trong giường
    Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
    Tám giờ tim lửng, dầu hao
    Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
    Chín giờ nghĩ giận phận mình
    Trách răng căn số của mình mần ri
    Mười giờ còn biết nói chi
    Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
    Mười một giờ mây lạc trăng chênh
    Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
    Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
    Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai.

  • Bạn hẹn với ta mồng bốn tháng giêng

    – Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng giêng
    Trông hoài không thấy bạn hiền vãng lai
    Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng hai
    Tiết xuân con én đưa thoi đã rồi
    Tháng ba, tháng tư ta không thấy bạn thời thôi
    Chim kêu thỏ thẻ trước nơi sân hòe
    Tháng năm, tháng sáu ta chẳng thấy nhắn nhe
    Chim kêu nhỏ nhẻ, mùa hè sang thu
    Chim kêu, vượn hú, cu gù
    Cây khô lá rụng, mịt mù tang thương
    Tháng bảy, tháng tám, tháng chín mưa trường
    Đến khi ta nhắn gửi, hết lời ta lại qua
    Tháng mười, tháng mười một, nước chảy mưa sa
    Đương khi tiết lạnh bạn với ta xa vời
    Còn mình tháng chạp bạn ơi
    Niên tàn nguyệt tận, bạn phải tính cho rồi mưu chi?
    Về nhà ngửa bàn tay tính lại đính đi
    Tháng thời mười hai tháng, mùa y bốn mùa
    Chuỗi sầu ai khéo thêu thùa
    Đớn đau dạ ngọc, xót chua gan vàng!

  • Mẹ mình khéo đẻ mình ra

    Mẹ mình khéo đẻ mình ra
    Đẻ mình mười bốn, đẻ ta hôm rằm.
    Mình đen ta cũng ngăm ngăm
    Mẹ ta thách cưới một trăm quan tiền
    Mình về bán tổ bán tiên
    Bán ruộng tư điền chẳng lấy được ta
    Mình về bán cửa bán nhà
    Bán kèo bán cột bán xà đòn tay
    Mình về bán mẹ đêm nay
    Lấy được quân này đất lở trời long.
    Bao giờ bạc đổ ra nong
    Tiền quây, thóc cót lấy xong quân này
    Quân này quân ăn quân chơi
    Quân đánh trống bỏi, quân bơi thuyền rồng.
    Gái này là gái kén chồng
    Kén từ tỉnh Bắc, tỉnh Đông, tỉnh Đoài
    Kén từ mười tám ông cai
    Mười lăm ông đội, mười hai ông đồn.
    Kén từ con cháu nhà vua
    Bước chân xuống chùa lễ Phật ăn chay

  • Em thấy anh tương tư bệnh chắc

    Em thấy anh tương tư bệnh chắc,
    em rước ông thầy thuốc Bắc,
    em sắc hai chục chén còn lại một phân,
    bỏ thêm một lát gừng sống,
    một đống gừng lùi,
    một nùi chuối hột,
    một hộp đương quy,
    một ky trái táo,
    năm sáu chục trái cà na,
    thần sa một lượng,
    khoai sượng một chục,
    măng cụt một trăm,
    rau răm một đám,
    cám một bao,
    con gái lao rao mười hai đứa,
    sứa lửa vài trăm,
    lại thêm huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm.
    Uống ba thang mà anh không mạnh,
    thì em đào hầm chôn luôn!

     

  • Đạo nào cao bằng đạo can trường

    Đạo nào cao bằng đạo can trường,
    Chồng mà xa vợ đoạn trường trời ơi.
    Bấy lâu nay mình một ngả tui một nơi,
    Ngày nay gặp mặt giải vơi cơn sầu.
    Trống tam canh vội đổ trên lầu,
    Mình có chồng rồi tôi nói cơ cầu làm chi.
    Miệng thế gian ngôn dực trường phi,
    Còn lo phụ mẫu sao bất thành không ai.
    Bữa này mười một mai là mười hai,
    Mình tui ở lại với ai bây giờ?

  • Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời

    Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
    Anh nhìn lên trời thấy sao mấy cái?
    Trâu ngoài đồng đực, cái mấy con?
    Chuối non mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu?
    Đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào?
    Trai anh đối đặng, em mở rào cho anh vô
    – Anh nhìn trời cao thấy sao nhiều cái
    Trâu ngoài đồng đực, cái hai con
    Chuối non sáu bẹ, chuối mẹ mười hai tàu
    Đất Ba Xuyên một mẫu bảy mươi hai sào
    Anh đà đối đặng, em mở rào cho anh vô

  • Vè Ba Đình chống Pháp

    Cơ trời đất vần xoay chính khí,
    Đấng nam nhi phỉ chí tang bồng,
    Làm cho tỏ mặt anh hùng,
    Giang sơn để mất, trong lòng sao nguôi?
    Nước nhà Tây đã chiếm rồi,
    Chư quân chư tướng ắt thời theo ta.
    Kéo quân về đất Thanh Hoa,
    Tìm nơi hiểm yếu để ta lập đồn.
    Quân truyền điểm được hai vàn
    Đinh công Đại tướng có gan chăng là.
    Đánh Tây Nhâm Ngọ tháng Ba
    Năm mươi khẩu súng cùng là lá lê
    Đạn thời cướp được năm xe,
    Tháng một Bính Tuất kéo về huyện Nga
    Thần công khí giới đem ra,
    Khoa sơn đại bác cho ta tức thì

Chú thích

  1. Chương đài
    Chương Đài nguyên là tên một tòa cung điện do nhà Tần dựng lên ở huyện Tràng An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Sau này chương đài dùng làm tên chung, chỉ nơi lầu (đài) cao, sang trọng.
  2. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  3. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  4. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  5. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  6. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  7. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  8. Lý Nhân
    Một huyện thuộc tỉnh Hà Nam, có tên cũ là huyện Nam Xương, biến âm thành Nam Xang. Huyện nằm ở phía đông của tỉnh, bên bờ sông Hồng. Tên Nam Xương được nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng Người con gái Nam Xương, câu chuyện xảy ra từ thời Trần, lưu truyền trong dân gian và được Nguyễn Dư được chép lại vào cuối thế kỷ 16 trong tập Truyền kỳ mạn lục.

    Lý Nhân là nơi giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Trống đồng Ngọc Lũ - chiếc trồng đồng còn nguyên vẹn và có giá trị nhất nước ta - được tìm thấy ở đây.

  9. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  11. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  12. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  13. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  14. Xưa kia Nam Xang (Lý Nhân hiện nay) là một huyện nghèo, thiếu thóc gạo. Mỗi năm cứ vào tháng 7, tháng 8, mùa mưa đến, nhân dân ở đây phải đi vay gạo ở khắp các tỉnh lân cận.
  15. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  17. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  18. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  19. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  20. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  21. Nhánh cây.
  22. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  23. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  24. Lúa ré
    Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
  25. Lúa Ba Trăng
    Một giống lúa cổ ở nước ta, thời xưa được trồng nhiều ở Nghệ An, từ lúc gieo mạ tới lúc lúa chín vừa vặn ba tháng. Lúa Ba Trăng cho gạo trắng, cơm dẻo, nhiều bột. (Theo Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn).
  26. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  27. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  28. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  29. Rết
    Một loài động vật thân đốt, mình dài, có rất nhiều chân. Rết có nọc độc, có thể làm chết người.

    Con rết

    Con rết

  30. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  31. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  32. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  33. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  34. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  35. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  36. Có bản chép: Đất Thừa Thiên.
  37. Tháp Phước Duyên
    Ngọn tháp nằm trong quần thể thắng tích cố đô Huế, là biểu tượng nổi tiếng gắn với chùa Thiên Mụ, nên còn được gọi là tháp Thiên Mụ hay tháp Linh Mụ. Tháp được xây năm 1844, cao 21m, có bảy tầng, tám mặt, chỉ sử dụng nguồn vật liệu thuần tuý bản địa: đá Thanh, gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men Long Thọ, ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly, cùng một ít sắt, đồng, gỗ.

    Tháp Phước Duyên

    Tháp Phước Duyên

  38. Văn Thánh
    Văn miếu Huế, một công trình được xây dựng vào năm 1808 dưới triều Gia Long. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn miếu còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết và những người có công phát triển Nho giáo.

    Cổng chính vào Văn Thánh

    Cổng chính vào Văn Thánh

  39. Chùa Thuận Hóa
    Xưa tên chùa Ông, thờ Quan Công, nằm bên cạnh chùa Thiên Mụ (thực ra là một công trình phụ của chùa Thiên Mụ). Dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được dời về gần chùa Diệu Đế, sau được đổi tên thành chùa Thuận Hóa và thờ thêm Phật.

    Chùa Ông ngày nay

    Chùa Ông ngày nay

  40. Diệu Đế
    Tên một ngôi chùa nằm bên bờ sông Đông Ba, nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên cảnh quan rất đẹp, vườn tược rộng rãi, cây cối xanh tươi. Năm 1844 triều đình Huế cho tôn tạo và sắc phong làm Quốc tự.

    Chùa Diệu Đế

    Chùa Diệu Đế

  41. Viện cơ mật
    Cơ quan đặc trách tham khảo những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và bí mật, nhất là về quân sự, đứng đầu gồm bốn vị đại thần từ tam phẩm trở lên. Viện được thành lập sau vụ Lê Văn Khôi nổi loạn. Thời vua Duy Tân, viện được đổi tên thành phủ Phụ Chính. Do những biến cố lịch sử, viện bị di dời nhiều lần, cuối cùng chuyển về chùa Giác Hoàng, họp cùng với tòa Giám sát (của Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi chung là Tam tòa.

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

  42. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  43. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  44. Cấu trúc cầu Tràng Tiền thực ra có 12 vài và 6 nhịp. Trong thi ca dân gian, để hợp vần người ta hay nói thành "sáu vài, mười hai nhịp."
  45. Cồn Hến
    Tên chữ là cồn Thanh Long, vùng đất bồi nằm ở giữa sông Hương, phía bên trái Kinh thành Huế, chia sông Hương chảy qua đoạn này thành hai nhánh. Nhánh phía đông chảy qua phường Vĩ Dạ. Nhánh phía Tây chảy qua các phường Phú Cát, Phú Hiệp. Cồn Hến có tên gọi như vậy vì dân trên cồn trước đây chủ yếu làm nghề cào hến.

    Cồn Hến ngày nay

    Cồn Hến ngày nay

  46. Cồn Dã Viên
    Cũng gọi là cồn Giã Viên, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương, nằm phía tây nam kinh thành Huế. Cồn Dã Viên cùng với Cồn Hến ở phía đông nam thành Huế là hai nhân tố địa lý phong thủy tạo nên thế “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” chầu hai bên kinh thành.

    Cồn Dã Viên

    Cồn Dã Viên

  47. Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ
    Đầy đủ là "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ," nghĩa là bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng, phía trước có chim sẻ đỏ (phượng hoàng), phía sau có rùa đen. Đây là một khái niệm về địa thế đẹp trong phong thủy, đồng thời cũng thường gặp trong các công trình điêu khắc có ý nghĩa tâm linh.
  48. Âu ca
    Cùng ca hát vui vẻ (từ chữ Hán: âu 謳  nghĩa là cùng cất tiếng, và ca 歌  là hát, ngâm).
  49. Mưa dầu
    Mưa ít quá, làm cho nóng thêm.
  50. Rồi rà
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rồi rà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  51. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  52. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  53. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  54. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  55. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  56. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  57. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  58. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  59. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  60. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  61. Tiết khí
    Gọi tắt là tiết, một khái niệm về thiên văn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°, khoảng cách kề nhau giữa hai tiết khí là 14-16 ngày. Tiết khí có mối liên quan gần gũi với các yếu tố khí hậu, thời tiết ở các nước nông nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, tiết còn chỉ một khoảng thời gian, thời cuộc.

    Tiết khí

    Tiết khí

  62. Én đưa thoi
    Én bay lượn trên bầu trời như thoi trong khung cửi. Thường dùng để chỉ hoặc miêu tả mùa xuân.

    Ngày xuân con én đưa thoi
    Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

    (Truyện Kiều)

  63. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  64. Sân hòe
    Từ chữ Hán hòe đình, nghĩa là sân có trồng cây hòe. Đời nhà Tống, Vương Hựu tự tay trồng ba cây hòe trong sân nhà và nói rằng "Con cháu ta sau này sẽ có đứa làm đến Tam công." Về sau, con của Vương Hựu là Vương Đán làm đến Tam công thật. Sân hòe vì vậy chỉ nhà có con cái đỗ đạt, song cũng dùng để chỉ nhà cha mẹ.

    Sân hòe đôi chút thơ ngây,
    Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình

    (Truyện Kiều)

  65. Niên tàn nguyệt tận
    Hết năm hết tháng (chữ Hán). Cũng nói là niên cùng nguyệt tận.
  66. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  67. Tư điền
    Ruộng của riêng.
  68. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  69. Đòn tay
    Đoạn tre hay gỗ nằm trên kèo, dùng để đỡ rui của mái nhà.
  70. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  71. Trống bỏi
    Trống bằng giấy cho trẻ con chơi, hai bên có hai sợi dây, đầu buộc một hạt nặng, đập vào mặt giấy thành tiếng khi xoay nhanh.

    Trống bỏi

    Trống bỏi

  72. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  73. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  74. Lùi
    Nướng bằng cách ủ (khoai, mía, bắp...) vào tro nóng cho chín.
  75. Chuối hột
    Một loại chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á, quả có nhiều hạt, là một trong những tổ tiên của các loại chuối hiện đại. Ở ta, chuối hột non (chuối chát) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngoài ra chuối hột còn được dùng làm vị thuốc.

    Chuối chát (Chuối hột non)

    Chuối chát (Chuối hột non)

  76. Đương quy
    Tên một loại cây thân thảo, cho rễ sấy khô là một vị thuốc Bắc có tác dụng chữa các chứng đau đầu, đau lưng do thiếu máu.

    Đương quy

    Đương quy

  77. Ki
    Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
  78. Trám
    Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.

    Trái cà na

    Trái trám

  79. Chu sa
    Thể bột được gọi là chu sa, thể cục gọi là thần sa, một loại khoáng thạch có màu đỏ (chu sa có nghĩa là cát đỏ) được dùng trong Đông y, có tác dụng an thần.

    Thần sa

    Thần sa

  80. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  81. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  82. Sứa lửa
    Một loại sứa có màu hồng nhạt, trong xúc tu có nhiều tế bào gai chứa chất độc có thể gây nguy hiểm cho người nếu chạm phải.
  83. Huỳnh liên
    Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.

    Huỳnh liên

    Huỳnh liên

  84. Gáo vàng
    Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.

    Gáo vàng

    Gáo vàng

  85. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  86. Thang thuốc
    Một gói gồm các vị thuốc có một tác dụng chung nào đó (trị bệnh, bồi bổ cơ thể...). Một thang thuốc thường chia sắc uống làm hai lần hoặc ba lần, tùy đơn kê của thầy thuốc.
  87. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  88. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  89. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  90. Ăn nói cơ cầu
    Ăn nói rắc rối, phức tạp (phương ngữ Nam Bộ).
  91. Ngôn dực trường phi
    Lời nói có cánh, có thể bay xa.
  92. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  93. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  94. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  95. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  96. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  97. Cơ trời đất
    Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
  98. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  99. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  100. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  101. Ý nhắc đến trận đánh năm Nhâm Ngọ (1882) của nghĩa quân của Đinh Công Tráng, trong đó nghĩa quân cướp được tới 50 khẩu súng.
  102. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  103. Thần công
    Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.

    Súng thần công

    Súng thần công