Tìm kiếm "bồng bồng"

Chú thích

  1. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  2. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  3. Bồ đài
    Đồ dùng để múc nước, làm bằng mo cau gập và nẹp lại.
  4. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  5. Động Đình
    Một hồ lớn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa. Theo huyền sử, Kinh Dương Vương lấy con gái của Long Vương hồ Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân là thủy tổ của dân tộc Việt.
  6. Tiền Đường
    Sông Tiền Đường, còn có tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra vịnh Hàng Châu. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa bàn của nước Việt cổ trong lịch sử Trung Hoa, là nơi phát nguyên của văn hóa Việt bên Trung Hoa. Về cơ bản, con sông này chảy theo hướng tây nam-đông bắc.
  7. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  8. Con Rồng cháu Tiên
    Người Việt Nam tự nhận mình là con của rồng (Lạc Long Quân) và tiên (Âu Cơ). Tương truyền, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên núi, cùng sinh con đẻ cái tạo thành nòi giống người Việt.
  9. Choòng
    Dụng cụ cầm tay bằng sắt hoặc thép, dùng để đào, bẩy, đục lỗ trong đất, đá.
  10. Hài nhi
    Trẻ thơ, trẻ sơ sinh (từ Hán Việt).
  11. Goòng
    Xe nhỏ có bốn bánh sắt chuyển trên đường ray để chở than, quặng, đất (từ tiếng Pháp wagon).
  12. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Khoai hà
    Khoai bị bệnh đốm đen, khi luộc không mềm, vị đắng không ăn được, còn gọi là khoai rím.
  14. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  15. Lách
    Cũng gọi là đế, một dạng lau sậy mọc thành bụi hoang, thân nhỏ lá cứng, có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Lách

    Lách

  16. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  17. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  18. Thầy đồ
    Người dạy chữ Nho cho trẻ con ngày xưa.

    Thầy đồ, thầy đạc
    Dạy học, dạy hành
    Vài quyển sách nát
    Dăm thằng trẻ ranh

    (Tú Xương)

    Thầy đồ dạy học trò

    Thầy đồ dạy học trò

  19. Có bản chép: Mực văng vô áo khó chùi.
  20. Bông
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Mực Tàu
    Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  22. Phong
    Dân gian gọi là cùi, phung, đơn phong, một loại bệnh khiến cho da thịt người bệnh phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt, lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể. Sau đó, các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay ngón chân rụng dần. Trong xã hội Việt Nam, người bị nhiễm bệnh phong cùi trước đây thường chịu thành kiến sai lầm, bị hắt hủi, xa lánh, thậm chí ngược đãi (thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt).
  23. Trang
    Còn có tên là mẫu đơn, một loại cây cho hoa có các màu đỏ, trắng, vàng. Trang thường được người dân trong nước trồng trước nhà, dưới chân các bàn thiên (nơi thắp hương) ngoài sân, hoặc mọc tự nhiên ở những vùng đồi núi.

    Hoa trang hồng

    Hoa trang đỏ

  24. Búp
    Nụ (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng gọi là bông búp.
  25. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  26. Nhau
    Nhau thai. Có nơi đọc là rau.
  27. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  28. Dâm bụt
    Phương ngữ Nam bộ gọi là bông bụp, bông lồng đèn, có nơi gọi là râm bụt, là một loại cây bụi thường được trồng ở bờ rào trên khắp các làng quê. Hoa dâm bụt lớn, màu đỏ sậm, nhưng không có mùi hương.

    Hoa dâm bụt

    Hoa dâm bụt

  29. Có bản chép: Mực tàu xứng bút.
  30. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  31. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  32. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  33. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  34. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  35. Họ
    Những người thuộc đàng trai (hoặc đàng gái) trong đám cưới. Cũng gọi là họ nhà trai, họ nhà gái.
  36. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  37. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  38. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  39. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng