Tìm kiếm "tiếng vang"

Chú thích

  1. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  2. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  5. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  6. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  7. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Thốt
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thốt, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  9. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  10. Bút Trận
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  11. Mía mưng
    Một giống mía ngọt, nhiều nước, dễ trồng, chịu được úng ngập.
  12. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  13. Phú Phong
    Một địa danh nay là thị trấn huyện lỵ huyện Tây Sơn, nằm về phía tây của tỉnh Bình Định, từ xưa đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa.
  14. Phú Lạc
    Tên một làng nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Xưa là làng thuộc Kiên Thanh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Đây là quê hương của người anh hùng Mai Xuân Thưởng, một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định.
  15. Mai Xuân Thưởng
    Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.

    Do từng đậu cử nhân và là con thứ bảy trong gia đình, ông còn có tục danh là ông Bảy Cử.

    Lăng Mai Xuân Thưởng

    Lăng Mai Xuân Thưởng

  16. Sơn băng thủy kiệt
    Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
  17. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  19. Loang toàng
    Như luông tuồng. Lung tung, bừa bãi, không biết giữ gìn.
  20. Rìu rịt
    Không rời, giữ rịt.
  21. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.