Tìm kiếm "củ hành"

Chú thích

  1. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  2. Ông già Khốt-ta-bít
    Một nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng Ông già Khottabych của nhà văn Liên Xô Lazar Lagin. Ông là một vị thần hùng mạnh trong Nghìn lẻ một đêm, bị nhốt trong một cái bình gốm dưới đáy sông Matx-cơ-va, được cậu bé Volka giải thoát nên nguyện đi theo làm mọi điều cậu yêu cầu. Tuy nhiên, do sự khác biệt quá lớn giữa xã hội Xô Viết hiện đại và thế giới cổ tích Ba Tư ông từng sống, những suy nghĩ và việc làm của ông đều có vẻ ngớ ngẩn, lẩm cẩm và bảo thủ.

    Ở nước ta, tác phẩm Ông già Khottabych đã được dịch, xuất bản và tái bản nhiều lần. Nhân vật Ông già Khốt-ta-bít trở thành quen thuộc, đến độ người miền Bắc thường gọi những người già lẩm cẩm và bảo thủ là "cụ Khốt."

  3. Hòn Tàu
    Một dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam, có diện tích gần 100 km², gồm nhiều núi hiểm trở như Nhà Muỗi, Cù Hang, Mặt Rạng...
  4. Hòn Kẽm Đá Dừng
    Một nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước đây thuộc về hai xã Quế Phước và Quế Lâm, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; nay là ranh giới huyện Quế Sơn và Hiệp Đức. Có ý kiến cho rằng chỉ có tên ngọn núi là Hòn Kẽm, còn "đá dừng" là để mô tả vách đá dựng đứng, hiểm trở của ngọn núi này.

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

  5. Hòn Vung
    Tên một hòn núi ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kề với núi Chúa, hòn Róng, hòn Tàu.

    Hòn Vung, núi Chúa

    Hòn Vung, núi Chúa

  6. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  7. Sông Chợ Củi
    Sông thuộc đoạn hạ lưu của dòng Thu Bồn, từ xã Điện Phong, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ở về phía cuối Gò Nổi, băng qua cầu Mống (cầu Câu Lâu) ngang qua dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay là xã Điện Phương (huyện Điện Bàn). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi được đổi tên thành Sài Thị giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ.

    Sông Chợ Củi

    Sông Chợ Củi

  8. Cù lao Chàm
    Một cụm đảo thuộc Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 cây số. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông, Hòn Lá, và Hòn Khô chia làm hai: Hòn Khô Mẹ (Hòn Khô Lớn) và Hòn Khô Con (Hòn Khô Nhỏ), trong đó năm đảo lớn nhất là thuộc cụm đảo chính là Hòn Lao (đảo lớn nhất), Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ và Hòn Tai. Đảo Hòn Ông còn gọi là Hòn Nồm nằm tách biệt khỏi cụm này khoảng hai mươi cây số về hướng Đông Nam.

    Hiện nay Cù lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là một điểm du lịch nổi tiếng.

    Phong cảnh cù lao Chàm

    Phong cảnh cù lao Chàm

  9. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  10. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  11. Dưỡng dục
    Nuôi nấng (từ chữ Hán 養育).
  12. Nón cụ
    Loại nón quai thao dùng cho cô dâu đội ngày trước.
  13. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  14. Câu đối
    Một thể loại sáng tác văn chương có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm hai vế đối nhau - nếu từ một người sáng tác gọi là vế trênvế dưới, nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra (vế xuất)vế đối. Câu đối thường biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nhân dân ta có phong tục viết hoặc xin câu đối trong các dịp lễ tết để cầu hạnh phúc, may mắn.

    Câu đối

    Câu đối

    Một đôi câu đối chữ Hán:

    Bảo kiếm phong tùng ma lệ xuất
    Mai hoa hương tự khổ hàn lai

    nghĩa là:

    Hương hoa mai đến từ giá lạnh
    Kiếm sắc quý là bởi giũa mài.

  15. Sông Cái
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

  16. Phải gió
    Trúng gió. "Phải gió" còn là từ dùng để nguyền rủa, thường mang sắc thái đùa cợt.
  17. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  18. Bố lái xe lu, mẹ duy tu, để thằng cu đứng đường
    Cảnh tiêu biểu của ngành giao thông thời bao cấp: Một nam lái xe lu, 2-3 nữ công nhân đang tưới nhựa đường, một thằng cu cởi truồng đứng nhìn.
  19. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  20. Phải
    Gặp phải, đụng phải (những việc xấu, xui xẻo).
  21. Năn
    Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.

    Củ năn (năng)

    Củ năn (năng)

  22. Cỏ năn mọc rất nhiều và nhanh ở các môi trường ngập nước. Khi trồng lúa, người ta phải để ý nhổ cỏ, nếu không cỏ sẽ lấn lúa, làm lúa không phát triển được.
  23. Lộc
    Chồi lá non của cây. Vì chữ này đồng âm với "lộc" trong "phước lộc," "tài lộc," nghĩa là những điều tốt lành do trời ban cho, nên ở nước ta có phong tục hái lộc đầu năm để cầu may mắn, hạnh phúc cả năm.
  24. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  25. Si
    Một loại cây gỗ lớn, tán rộng, cành lá xanh tốt, có rất nhiều rễ phụ. Lá cây si có thể dùng làm thuốc, quả ăn được nhưng rất chát. Cũng có những loại si nhỏ được trồng làm cây cảnh.

    Cây si

    Cây si

  26. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  27. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  28. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  29. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  30. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  31. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  32. Vô song
    Không bì kịp (từ Hán Việt).
  33. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  34. Vừa ưa
    Đúng lúc (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  35. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  36. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  37. Ba chỉ
    Cũng gọi là ba rọi, phần thịt bụng của lợn.

    Thịt ba chỉ

    Thịt ba chỉ

  38. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  39. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  40. Con bóng
    Một cách gọi dân gian của mặt trời và thời khắc trong ngày.
  41. Thẹo
    Sẹo (phương ngữ Nam Bộ).
  42. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  43. Cừ
    Cọc bằng gỗ được đóng xuống để củng cố đất, dùng trong các công trình xây dựng trên nền đất yếu, đất bùn (nhà cửa gần sông rạch, đê điều chắn sóng...).
  44. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  45. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  46. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  47. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  48. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  49. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  50. Giường cữ
    Giường dành cho người mới sinh ở cữ.
  51. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng