Tìm kiếm "Giờ Tý"

Chú thích

  1. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  2. Rượu cúc
    Tên Hán Việt là hoàng hoa tửu, một loại rượu chưng cất từ hoa cúc, được người xưa xem là rượu quý dành cho người biết hưởng thụ.

    Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
    Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

    (Cảm Tết - Tú Xương)

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

  3. Phu nhân
    Tiếng gọi vợ hoặc đàn bà có chồng (từ Hán Việt).
  4. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  5. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  6. Lục soạn
    Thứ lụa mỏng, trơn, xưa hay dùng.

    Quanh năm phong vận, áo hàng tầu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh
    Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng

    (Phú hỏng khoa Canh Tý - Tú Xương)

  7. Ngày xưa người ta thường cất giữ tiền bạc và đồ đạc quý giá trong hòm (rương).
  8. Mão
    Vật đội đầu (như mũ) trang trọng ngày xưa, được trang trí cầu kì, thường dùng cho vua quan, quý tộc hoặc vào các dịp đặc biệt.

    Mão cánh chuồn

    Mão cánh chuồn

  9. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  10. Châu Thị
    Tức Châu Long. Xem chú thích Lưu Bình - Dương Lễ.
  11. Lưu Bình - Dương Lễ
    Tên một truyện thơ Nôm khuyết danh theo thể lục bát, kể về hai người bạn rất thân. Dương Lễ nhà nghèo nên cố công học hành, trong khi Lưu Bình nhà giàu lại lười biếng ham chơi. Sau Dương Lễ đỗ đạt, ra làm quan, còn Lưu Bình thì nhà cửa khánh kiệt. Khi tìm đến nhà Dương Lễ để nhờ giúp đỡ, Lưu Bình bị bạn bạc đãi, lánh mặt không tiếp, chỉ sai người ở dọn cơm hẩm dưa cà cho ăn. Chàng tủi nhục bỏ về, giữa đường gặp một người con gái tên là Châu Long. Nàng khuyên giải và lo liệu cho chàng ăn học. Sau này Lưu Bình đỗ Trạng nguyên, quay về thì không thấy Châu Long đâu. Khi đến phủ của Dương Lễ để mỉa mai trách móc bạn bạc nghĩa, Lưu Bình mới phát hiện ra Châu Long chính là vợ thứ ba của Dương Lễ, và tất cả là mưu kế của bạn để khích cho mình quyết chí tu tỉnh.

    Truyện thơ Lưu Bình - Dương Lễ đã được dựng thành các vở chèo, tuồng và truyện thơ theo thể lục bát qua nhiều thời kỳ, và trở thành biểu tượng về tình bạn khắng khít, tình vợ chồng chung thủy.

  12. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  13. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  14. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  15. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  16. Làm ghi
    Làm tin, làm dấu, làm quy ước.

    Rằng: "Trăm năm cũng từ đây,
    "Của tin gọi một chút này làm ghi."

    (Truyện Kiều)
  17. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  18. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  19. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  20. Xuyến
    Vòng trang sức bằng vàng, ngọc, thường đeo ở cổ tay.
  21. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  22. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  23. Cầu Mống
    Cây cầu nằm trên quốc lộ 1A bắc qua sông Thu Bồn, nối liền hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam.
  24. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  25. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  26. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  27. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  28. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  29. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  30. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  31. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  32. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  34. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  35. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  36. Đước
    Một loại cây rất thường gặp ở miền Tây Nam Bộ. Cây đước mọc thành rừng ở các vùng bờ biển bùn lầy, có bộ rễ rất lớn gồm một rễ cọc và rất nhiều rễ phụ đâm sâu xuống, giúp cây bám chặt lấy đất. Rừng đước ngập mặn có một vai trò rất lớn trong việc chống xói lở đất, giữ phù sa, cải tạo đất, đồng thời là môi trường sinh thái cho nhiều loài động vật nhỏ khác.

    Rừng đước

    Rừng đước

  37. Năm Căn
    Một địa danh thuộc tỉnh Cà Mau, phía Đông tiếp giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp vịnh Thái Lan. Đây là vùng đất thấp, kênh rạch chằng chịt bao bọc những cánh rừng sú vẹt, đước, bần, mắm... với nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng biển vô cùng phong phú.

    Theo truyền miệng trong dân gian thì tên gọi "Năm Căn" đã có từ hơn 200 năm nay. Đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên năm căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy năm căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh "Năm Căn."

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

  38. Ông Trang
    Tên một cửa biển nơi sông Cái Lớn đổ ra biển, nay thuộc địa phận thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Cồn cát ở đây cũng có tên là cồn Ông Trang, nơi hội tụ của nhiều loài thủy hải sản, đồng thời là nơi các đàn chim di trú dừng chân kiếm ăn mỗi khi bay về phương Nam. Hiện nay cồn Ông Trang là điểm du lịch hấp dẫn của Cà Mau.

    Đàn chim trên cồn Ông Trang

    Đàn chim trên cồn Ông Trang

  39. Viên An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Địa hình Viên An chủ yếu là kênh rạch chằng chịt, nhiều rừng tràm, đướcsú vẹt.
  40. Khai Long
    Tên một bãi cát giồng uốn lượn dọc bờ biển thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là một vùng đất trù phú, có nhiều loài thủy hải sản sinh sống như tôm, cua, các loại cá, nghêu, sò huyết, vọp, ốc len… Hiện nay Khai Long đang được khai thác thành một bãi biển du lịch.

    Phong cảnh Khai Long

    Phong cảnh Khai Long

  41. Cá đường
    Một loại cá đặc sản của tỉnh Cà Mau, ngoài ra còn được tìm thấy ở vịnh Bắc Bộ nước ta. Cá đường có màu vàng, có thể dài tới 1 mét 6, vảy tròn nhỏ cỡ đồng xu, mỏng như lá lúa. Trước đây, hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại huyện Ngọc Hiển diễn ra hội cá đường, người dân đánh bắt được rất nhiều cá. Ngày nay, cá đường ngày càng trở nên hiếm đi giảm do ô nhiễm môi trường và đánh bắt quá mức. Thịt cá đường có thể làm khô mặn, nhưng phần giá trị nhất là bong bóng cá đường vì có thể được chế tạo thành chỉ khâu dùng trong phẫu thuật.

    Đánh bắt cá đường

    Đánh bắt cá đường

  42. Ngày xưa vào ngày hội cá đường, vì số lượng cá đánh bắt được quá nhiều, người dân làm cá chỉ giữ lại bong bóng cá (có giá trị cao), còn xác cá thì bỏ đi.
  43. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  44. Hòn Khoai
    Một hòn đảo nằm trong cụm đảo cùng tên, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tên gọi này được giải thích theo hai cách: trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai. Đây là một hòn đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã. Hiện nay cụm đảo Hòn Khoai là một điểm đến du lịch có tiếng của tỉnh Cà Mau.

    Phong cảnh Hòn Khoai

    Phong cảnh Hòn Khoai

  45. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  46. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  47. Kháp
    Khớp, ăn khít vào nhau. Cũng dùng với nghĩa là "gặp mặt."
  48. Xe lửa
    Tàu hỏa (phương ngữ miền Trung và Nam Bộ).
  49. Trung Lương
    Một địa danh ở cửa ngõ phía bắc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tại đây có một ngã ba, là nơi giao nhau của hai con đường lớn. Quốc lộ 1A từ thành phố Hồ Chí Minh xuống tới Trung Lương rồi rẽ trái, đi ngang qua tỉnh Tiền Giang và hướng về phía An Giang. Con đường còn lại là quốc lộ 60 bắt đầu từ Trung Lương, hướng về phía Cần Thơ. Loại trái cây nổi tiếng ở Trung Lương là mận hồng đào.

    Hoa mận Trung Lương

    Hoa mận Trung Lương

  50. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  51. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  52. Sông Đồng Nai
    Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.

    Một nhánh sông Đồng Nai

    Một nhánh sông Đồng Nai

  53. Đồng Tháp Mười
    Một vùng đất ngập nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Vùng này có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim.

    Vườn quốc gia Tràm Chim

    Vườn quốc gia Tràm Chim