Tìm kiếm "bên cầu"

Chú thích

  1. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  2. Thủ Thiêm
    Địa danh nay là một phường thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây có bến đò Thủ Thiêm, xuất hiện vào khoảng năm 1912 để vận chuyển người và hàng hóa từ Thủ Thiêm băng qua sông Sài Gòn. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả” (Huyện Nghĩa An nay là quận 2 và quận 9. Sông Bình Giang tức sông Sài Gòn.)

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

  3. Cố nhân
    Người cũ, người xưa.
  4. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  5. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  6. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  7. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  8. Khóa sinh
    Học trò đã đỗ khảo khóa (kỳ thi sát hạch ở địa phương) thời phong kiến.
  9. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  10. Gióng
    Có nơi nói là lóng, là một khoảng giữa hai đốt của thân cây có đốt như tre hay mía.
  11. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  12. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  13. Dan díu
    Có quan hệ yêu đương với nhau.

    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  14. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  15. Môi cắn chỉ
    Môi có quết trầu đóng thành ngấn thanh và dài như sợi chỉ.

    Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
    Những cụ già phơ phơ tóc trắng
    Những em sột soạt quần nâu
    Bây giờ đi đâu về đâu

    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  16. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  17. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  18. Viện cơ mật
    Cơ quan đặc trách tham khảo những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và bí mật, nhất là về quân sự, đứng đầu gồm bốn vị đại thần từ tam phẩm trở lên. Viện được thành lập sau vụ Lê Văn Khôi nổi loạn. Thời vua Duy Tân, viện được đổi tên thành phủ Phụ Chính. Do những biến cố lịch sử, viện bị di dời nhiều lần, cuối cùng chuyển về chùa Giác Hoàng, họp cùng với tòa Giám sát (của Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi chung là Tam tòa.

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

  19. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng

  20. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  21. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  22. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  23. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  24. Cộc
    Ngắn, cụt.
  25. Thuyền chài
    Loại thuyền đánh cá nhỏ của người dân chài.

    Thuyền chài

    Thuyền chài

  26. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  27. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  28. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  29. Trương Nghi
    (? - 309 TCN) Một biện sĩ nổi tiếng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông người nước Ngụy, sau khi học du thuyết với thầy Quỷ Cốc Tử thì đi chu du thiên hạ. Khi ở Sở, có lần vì bị nghi lấy trộm ngọc nên ông bị đánh đập tra khảo. Vợ ông trách ông vì du thuyết mà mang vạ. Ông hỏi vợ "Lưỡi ta còn không?" Vợ trả lời "Còn." Ông cười mà rằng "Vậy là tốt rồi." Sau ông đề xướng chính sách Liên hoành, chống lại việc Hợp tung của Tô Tần và Công Tôn Diễn, làm nên nghiệp lớn.
  30. Tô Tần
    (? – 285 TCN) Tự là Quý Tử, cũng gọi là Tô Tử, một nhà du thuyết nổi danh thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông chủ trương Hợp tung (sáu nước liên kết chống Tần) thành công, và được phong là Lục quốc Tể tướng (tể tướng sáu nước). Sau ông bị đâm chết ở Tề.
  31. Tái thế
    Sống lại (từ Hán Việt).