Tìm kiếm "nước mưa"

  • Vè thịt chó

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè thịt chó
    Thằng nào chịu khó
    Bắt nước cạo lông
    Thằng nào ở không
    Rang mè rang đậu
    Thằng nào muốn nhậu
    Thì đặt tiền mua
    Thằng nào muốn vô
    Thì ngồi chính giữa
    Thằng nào ói mửa
    Thì đạp xuống sông
    Đánh lộn la làng
    Cũng vì thịt chó

  • Vè Hà thành đầu độc

    Một cơn gió táp mưa sa
    Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
    Gió mưa nghe vẳng bên lầu
    Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
    Than ôi cũng một kiếp người
    Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
    Non sông Hồng Lạc một nhà
    Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
    Mực hòa máu lệ một chương
    Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
    Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
    Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
    Đòi phen trận mạc tập tành
    Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông

  • Ăn cơm cũng thấy nghẹn

    Ăn cơm cũng thấy nghẹn
    Uống nước cũng thấy nghẹn
    Nghe lời em hẹn ra bãi đứng trông
    Biển xanh bát ngát nhìn không thấy người
    Mênh mông sông nước xa vời
    Biết rằng còn nhớ những lời thề xưa
    Trông ai như cá trông mưa
    Ngày đêm tưởng nhớ, như đò đưa trông nồm
    Bậu ơi! bậu có nhớ không?
    Anh trông ngóng bậu, như rồng ngóng mưa

    Dị bản

    • Ăn cơm cũng nghẹn
      Uống nước cũng nghẹn
      Nghe lời bạn hẹn
      Ra bãi đứng trông
      Bãi không thấy bãi mà người không thấy người.

  • Chợ Sài Gòn bán chó, chợ Thầy Phó bán heo

    Chợ Sài Gòn bán chó, chợ Thầy Phó bán heo
    Thương em anh bơi xuồng xuống, lúc đứng lúc chèo
    Cả ngày đường xa vắng, nhưng em chê phận anh nghèo phải khổ tấm thân.

    Dị bản

    • Chợ Ngã Năm bán chó, chợ Thầy Phó bán heo
      Thương em, anh giang xuồng lên xuống, lúc nghỉ lúc chèo
      Cả ngày đường xa mưa nắng, em chê phận anh nghèo, thiệt khổ tấm thân anh.

  • Em là con gái nạ dòng

    Em là con gái nạ dòng
    Cơm cha áo mẹ dốc lòng đi chơi
    Chơi cho sấm động mưa rơi
    Chơi cho gương vỡ làm đôi lại liền
    Chơi cho nguyệt náo trung thiên
    Chơi cho lá rụng về đền vua Ngô
    Chơi cho nước Tấn sang Hồ
    Cho Tần sang Sở, cho Ngô sang Lào
    Chơi cho bể lọt vào ao
    Chơi cho trái núi lọt vào trôn kim
    Chơi cho bong bóng thì chìm
    Đá hoa thì nổi, gỗ lim lập lờ.

  • Rạng ngày vác cuốc ra đồng

    Rạng ngày vác cuốc ra đồng
    Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
    Ruộng đầm nước cả bùn sâu
    Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
    Việc làm chẳng quản nắng mưa
    Cơm ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày
    Ai ơi bưng bát cơm đầy
    Biết công kẻ cấy người cày mấy nao!

  • Cơ khổ cho đứa giữ trâu

    Cơ khổ cho đứa giữ trâu
    Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
    Hai hàng nước mắt nhỏ sa
    Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
    Tinh sương thức dậy mở trâu
    Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
    Thân tôi đi sớm về trưa
    Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
    Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
    Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm

  • Hôm nay trời nắng chang chang

    Hôm nay trời nắng chang chang
    Ở đây xa nước, xa làng, xa dân
    Chàng cho em mượn cái nón làm ân
    Nhà em xa lắm, có gần ai đâu?
    Trời làm gió trúc mưa mai
    Không mượng chàng nón, mượn ai bây giờ
    Nón này đâu phải tình cờ
    Đã cất lấy nón, lại sờ đến quai
    Nón này đã phải hơi ai
    Mà vuốt chẳng sạch, mà mài chẳng ra
    Nón này của mẹ của cha
    Hay là của khách đường xa chàng cầm
    Hay là của bạn tri âm
    Chàng cho em cầm, che tạm nắng mưa
    Mất một, em sẽ đền ba
    Nhược bằng mất cả, đền ta cho mình

  • Em về Kẻ Chợ em coi

    Em về Kẻ Chợ em coi
    Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
    Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
    Các quan trào áo bậu lưng đai
    Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
    Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
    Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
    Thương anh gối đất nằm sương

    Dị bản

    • Đường ra Kẻ Chợ xem voi
      Kìa bãi tập trận nhà chòi bắn cung
      Bắn con ngựa hồng báo tiền báo hậu
      Các quan võ thần mặc áo nậu thắt lưng xanh
      Khẩu súng vác vai chân anh quỳ đạp
      Anh đánh trận này, anh đuổi trận này giả nợ nhà vua.
      Bõ công dãi nắng dầm mưa.

  • Cái cò lặn lội bờ ao

    Cái cò lặn lội bờ ao
    Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
    Chú tôi hay tửu hay tăm
    Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa
    Ngày thì ước những ngày mưa
    Đêm thì ước những đêm thừa trống canh

    Dị bản

    • Cái cò lặn lội bờ sông
      Hỏi cô má hồng lấy chú tôi chăng
      Chú tôi hay tửu hay tăm
      Hay uống trà đặc, hay nằm ngủ trưa.

  • Từ ngày giấy rã hồ trôi

    Từ ngày giấy rã hồ trôi
    Anh ngồi em khóc, em ngồi em than
    Nhạn xa chen bóng cây tàn
    Dưới khe nước chảy, trên ngàn ve kêu
    Ra đi là sự đã liều
    Mưa mai ai biết, nắng chiều ai hay
    Dám đâu trách mẹ trách thầy
    Trách trời sao nỡ đọa đầy tấm thân

  • Sáu cô đi chợ một xuồng

    Sáu cô đi chợ một xuồng
    Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô
    Phải chi tôi có lúa bồ
    Tôi xin cưới hết sáu cô một lần
    Cô hai mua tảo bán tần
    Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già
    Cô tư nấu nước pha trà
    Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong
    Cô sáu trải chiếu, giăng mùng
    Cô bảy san sẻ tình chung với mình
    Phải chi cả sáu cô thuận tình
    Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui

    Dị bản

    • Lang thang một dãy sáu cô
      Cưới cô chính giữa mích lòng năm cô
      Phải chi tôi có lúa bồ
      Tôi ra tôi cưới sáu cô một lần
      Cô hai mua tảo bán tần
      Cô ba xách nước dưỡng nuôi mẹ già
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm phân nước pha trà uống chung
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Cô bảy là nghĩa tình chung với mình
      Cô bảy phân hết sự tình
      Trai năm thê bảy thiếp vợ của mình rất đông

    • Ai bì anh có tiền bồ
      Anh đi anh lấy sáu cô một lần
      Cô hai buôn tảo bán tần
      Cô ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm sắc thuốc, mẹ già cô trông
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Một mình cô bảy nằm chung với chồng.

  • Vác cày ra ruộng hừng đông

    Vác cày ra ruộng hừng đông
    Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
    Ruộng dầm, nước cả, bùn sâu
    Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
    Việc làm chẳng quản nắng mưa
    Cơm ăn đắp đổi muối dưa qua ngày
    Ai ơi bưng bát cơm đầy
    Biết công kẻ cấy người cày mới nao

  • Quê anh ở phú bên nhà

    Quê anh ở phủ bên nhà
    Nhà anh phú quý vinh hoa nhất miền
    Bấy nay đi kén bạn hiền
    Bây giờ mới gặp thuyền quyên má hồng
    Hỡi cô tát nước gàu sòng
    Hỏi rằng cô đã có chồng hay chưa?
    Không chồng làm cuộc mây mưa
    Ruộng khô mạ héo bao giờ cho tươi
    Âm dương vẫn sẵn tính trời
    Cùng nhau ta tát gàu giai cho đầy

  • Em trải chiếc chiếu ra

    Em trải chiếc chiếu ra
    Em ngồi một góc, anh ngồi một góc
    Thiếp khóc chàng than
    Anh xa em vì bởi thế gian
    Cho nên nước mắt nhỏ tràn năm canh
    Giậm chân kêu thấu trời vàng
    Kêu anh trở lại nhìn nàng thuở xưa
    Mai mưa, trưa nắng, chiều xâm
    Em là thục nữ có tâm đợi chờ
    Khi vui chén rượu con cờ
    Khi buồn hoa nở còn chờ trăng thanh
    Chiều rày em mới xa anh
    Trăm hoa cùng héo, chín mười nhành cùng khô
    Cơm ăn chẳng được chỉ nước hồ dưỡng thân
    Dang tay anh dứt Châu Trần
    Ai xa cho biết, ai gần cho hay

  • Cái cò là cái cò kì

    Cái cò là cái cò kì
    Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
    Đêm nằm thì ngáy o o
    Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
    Hàng bánh hàng bún bày ra
    Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
    Ăn rồi cắp đít ra về
    Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
    Chả này bà bán làm sao?
    Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
    Nói dối rằng mua cho chồng
    Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
    Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
    Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
    Đem tiền đi bói ông thầy
    Bói ra quẻ này những chả cùng nem
    Cô nàng nói dối đã quen
    Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?

    Dị bản

    • Con cò là con cò kì
      Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
      Về sau lấy cháu ông đồ
      Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
      Một bồ thì để phần làng
      Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.

  • Tháng giêng là gió hây hây

    Tháng giêng là gió hây hây
    Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
    Tháng ba gió đưa nước lên
    Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
    Tháng năm là tiết gió tây
    Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
    Tháng bảy gió lọt song đào
    Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
    Tháng chín là tháng gió ngoài
    Tháng mười là tháng heo may rải đồng
    Tháng một gió về mùa đông
    Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
    Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
    Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe!

  • Nghé ơ nghé

    Nghé ơ nghé
    Nghé bông hay là nghé hoa
    Như cà mới nở
    Mẹ cõng xuống sông
    Xem rồng lấy nước
    Mẹ gọi tiếng trước
    Cất cổ lên trông
    Mẹ gọi tiếng sau
    Cất lồng lên chạy
    Lồng ba lồng bảy
    Lồng về với mẹ
    Nghé ơ
    Mày như ổi chín cây
    Như mây chín chùm
    Như chum đựng nước
    Như lược chải đầu
    Cắn cỏ ăn no
    Kéo cày đỡ mẹ
    Việc nặng phần mẹ
    Việc nhẹ phần con
    Kéo nỉ kéo non
    Kéo đến quanh tròn
    Mẹ con ta nghỉ
    Ông khách hỏi mua
    Nhà ta chả bán
    Ông khách hỏi hoạn
    Nhà ta chẳng cho
    Nghé ơ

Chú thích

  1. Có bản chép: Vẳng tai nghe tiếng đài đầu. "Đài đầu" ở đây có lẽ là đoạn đầu đài.
  2. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  3. Có bản chép: nghĩa liệt.
  4. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  5. Giàng
    Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
  6. Liệt sĩ bốn người
    Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
  7. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  8. Đòi phen
    Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").

    Trông tư bề chân trời mặt đất;
    Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen

    (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)

  9. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  10. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bảy Hột.
  11. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  12. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  14. Chợ Thầy Phó
    Tên mới là chợ Hựu Thành, một cái chợ ở Thầy Phó, tỉnh Vĩnh Long.

    Chợ Thầy Phó hiện nay

    Chợ Thầy Phó hiện nay

    Xem phóng sự về chợ Thầy Phó.

  15. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  16. Nguyệt náo trung thiên
    Trăng rộn giữa trời (thành ngữ Hán Việt).
  17. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  18. Tấn
    Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
  19. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  20. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  21. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  22. Ngô
    Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
  23. Cẩm thạch
    Tên dân gian là đá hoa, tên gọi chung của một số loại đá rất cứng và nặng, có thể mài giũa cho bóng loáng, thường được dùng trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí.

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

  24. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  25. Dòng
    Kéo, dắt một vật gì bằng sợi dây dài.
  26. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).
  27. Mấy nao
    Bao nhiêu.
  28. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  29. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  30. Chúa
    Chủ, vua.
  31. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  32. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  33. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  34. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  35. Trào
    Triều (từ cũ).
  36. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  37. Áo nậu
    Áo vải màu có nẹp, ngày trước phu, lính hoặc những người mang đồ rước mặc trong những dịp long trọng.

    Áo nậu

    Áo nậu

  38. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  39. Hồ giấy
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ giấy, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  40. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  41. Ngàn
    Rừng rậm.
  42. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  43. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  44. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  45. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  46. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  47. Nao
    Có cảm giác chao động nhẹ (về tình cảm).
  48. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  49. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  50. Vinh hoa
    Vẻ vang, được hưởng sung sướng về vật chất (từ Hán Việt).
  51. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  52. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  53. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  54. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  55. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  56. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  57. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  58. Có bản chép:

    Ăn rồi đau quặn đau quăn
    Chạy về cho kịp nằm lăn cả ngày.

  59. Có bản chép: Ông thầy nói dối đã quen.
  60. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  61. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  62. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.