Tìm kiếm "ban thờ"

Chú thích

  1. Dẫy na
    Vậy hả? (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  2. Hai thân
    Cha mẹ (từ Hán Việt song thân).
  3. Ghe cá
    Còn gọi là ghe rỗi, dùng để chuyên chở cá đồng từ miền Tây về Sài Gòn. Loại ghe này có điểm đặc biệt là mực nước trong ghe luôn cân bằng với mực nước sông bên ngoài để giữ cá luôn sống và ghe cũng luôn vững.
  4. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  5. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  6. Dập bã trầu
    Cách nói chỉ thời gian ngắn, đủ để nhai dập một miếng trầu.
  7. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  8. Hiếu
    Lòng biết ơn, phụng dưỡng cha mẹ (từ Hán Việt).
  9. Đạo
    Lẽ sống mà con người nên giữ gìn và tuân theo (theo quan niệm cũ).
  10. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  11. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  12. Xuất gia
    Rời khỏi gia đình (từ Hán Việt).
  13. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  14. Từ mẫu
    Mẹ hiền (từ Hán Việt).
  15. Thầy đồ
    Người dạy chữ Nho cho trẻ con ngày xưa.

    Thầy đồ, thầy đạc
    Dạy học, dạy hành
    Vài quyển sách nát
    Dăm thằng trẻ ranh

    (Tú Xương)

    Thầy đồ dạy học trò

    Thầy đồ dạy học trò

  16. Khăn tang
    Cũng gọi là khăn chế, loại khăn trắng quấn đầu khi để tang.
  17. Áo thùng
    Áo rộng mặc ngoài áo trảm thôi (áo bằng vải xô, không viền gấu, không cài khuy, chỉ buộc dải, mặc khi để tang cha mẹ).
  18. Trâm anh
    Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
  19. Bố kình
    Cũng đọc là bố kinh. Bố là vải; kinh là gai, do câu “bố quần kinh thoa” (mặc quần áo bằng vải, cài trâm bằng gai). Thành ngữ xuất phát từ điển tích Lương Hồng đời Ngụy Võ Đế (Trung Quốc), học thức uyên bác và rất trọng khí tiết. Lương Hồng cưới vợ là nàng Mạnh Quang, con nhà giàu có. Lúc mới về nhà chồng, nàng ăn mặc lộng lẫy, trang sức theo con nhà đài các. Lương Hồng lẳng lặng trong bảy ngày không nhìn đến vợ. Mạnh Quang nhận biết, tự thay đổi hàng lụa, mặc quần áo vải, cài trâm bằng gai. Lương Hồng mừng rỡ bảo: “Đây mới chính là vợ của Lương Hồng.” Bố kình vì vậy chỉ người vợ hiền từ, cũng có thể hiểu là người con gái hiền hậu.