Con cá bống cát nằm trên bãi cát
Con chim thằng chài đậu chiếc thuyền chài
Anh với em nỏ thành gia thất vì ai?
Xưa kia trúc đã làm bạn với mai một cành
Tìm kiếm "canh năm"
-
-
Gió đưa cành mận, gió lận cành đào
Gió đưa cành mận, gió lận cành đào
Vì em anh phải ra vào tối tăm.
Tối tăm thì mặc tối tăm,
Chờ cho bác mẹ đi nằm sẽ hay.
Cầm tay, anh nắm cổ tay,
Em đừng hô hoán, sự này ra to. -
Đêm nằm lưng không bén chiếu
-
Thân thiếp như cánh hoa đào
Thân thiếp như cánh hoa đào
Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng
Bây giờ nhuỵ rữa hoa tàn
Vườn xuân nó kém, sao chàng lại chê?
Chàng cho đôi chữ thiếp về
Dầu chàng năm thiếp, mười thê, mặc chàng
Lắm quân quan nhộn nhà hàng
Lắm nơi lịch sự hơn chàng, chàng ơi!
Chàng ngồi chàng nghĩ mà coi
Sao chàng chẳng nghĩ những hồi ngày xưa … -
Đêm nằm chép miệng thở than
Đêm nằm chép miệng thở than
Thiếp ơi có nhớ nghĩa chàng hay không?
Dang tay rớt chén rượu nồng
Vái cùng Nguyệt lão tơ hồng xe dây
Xin cho đó hiệp cùng đây
Đừng cho gió tạt mưa bay điều gì
Mỗi ngày mỗi thảm sầu bi
Lê mê thấy cảnh, li bì thấy duyên
Ta đây vốn thật Vân Tiên
Đó phải Nguyệt Nga cất tiếng, ta khuyên vài lời
Xưa rày mỗi đứa mỗi nơi
Đám đông như hội đến chơi cũng buồn -
Canh nông, sớm tối ngoài đồng
Canh nông, sớm tối ngoài đồng
Suốt ngày cặm cụi, chổng mông lên trời
Bữa ăn như bữa vét nồi
Đói cào đói rã, mồ hôi ướt đầm
Sống gì sống tối sống tăm
Khổ ngày khổ tháng khổ năm khổ đời
Bắc thang lên hỏi Phật Trời
Cớ sao lại để kiếp người đắng cay -
Quả gì lắm cạnh nhiều khe?
Quả gì lắm cạnh nhiều khe?
Quả gì nứt nẻ như đe thợ rào?
Quả gì kẻ ước người ao?
Quả gì tốt đẹp như sao trên trời?
Quả gì ăn đủ năm mùi?
Quả gì to lớn có người ở trong?
Quả gì thích chữ chạm rồng?
Quả gì cùi trắng nước trong hỡi nàng?
Quả gì da nó vàng vàng?
Quả gì lăn lóc ở đường cái đi?
Quả gì da nó xù xì?
Quả gì tháng bảy ta thì đem phơi?
Quả gì nhiều ngón nàng ơi?
Quả gì ta để hành ngơi trong nhà?
Quả gì kính mẹ kính cha?
Quả gì làm lễ cưới ta với nàng? … -
Lĩnh lương còn được năm hào
Lĩnh lương còn được năm hào
Ba hào đong gạo, thuốc lào vài xu
Một xu thìa mắm tôm khô
Một hào cá ót, một xu tỏi hành
Hai xu rau diếp rau răm
Ba xu mua chén muối vừng về rang
Thế là được bữa cơm sang
Có canh rau muống, vừng rang đủ mùi
Còn con được một xu xôi
Vợ trầu với thuốc, ngày mai đi mần
Nói ra chẳng bõ tủi thân
Một tháng một lần được một bữa no
Đem ngủ lán dột nằm co
Ngày ngày chui rúc trong lò tối tăm
Bỏ về thì chẳng có ăn
Vợ con đói khổ biết lần vào đâu… -
Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
Kiếp khổ nghèo ai chả như ai
Còi tầm chiều, tối, ban mai
Búa rìu, đèn đất khoác vai vào lò
Tìm cái sống hơn lo cái chết
Sập hầm lò hết kiếp ngựa trâu
Chui vào lò giếng sâu sâu
Chui sang lò chợ trông nhau dặn dò
Đã đeo cái thẻ phu lò
Khéo chui thì thoát, khéo bò thì lên
Khói cửa lò người đen như cháy
Mình đầu trần nhễ nhại mồ hôi
Đời người đến thế thì thôi
Bát cơm mấy bát mồ hôi cho vừa
Mong đất nước bao giờ đổi mới
Dân Nam mình thoát khỏi cùm gông
Hai mươi nhăm triệu tiên rồng
Chen vai gánh vác non sông mới là. -
Sáng trăng sáng cả cánh đồng
Sáng trăng sáng cả cánh đồng
Em đi tát nuớc gàu sòng gàu dai
Phần em chẳng đặng làm trai
Em đành tát nước gàu dai, gàu sòng
Hai hàng nước mắt rưng rưng
Đẹp đôi xấu tuổi, xin anh đừng nhắc trông
Lượt này dứt nghĩa đạo đồng
Anh có vợ xứ khác, em có chồng nơi xa.
Tại mẹ với cha nên hai ta gàn trở
Cha mẹ thuận hoà không ai nỡ bỏ ai
Hai hàng nước mắt láng lai
Tui có xa nghĩa bạn lâm cảnh ai cũng buồn.
– Một khúc sông năm bảy ngả nguồn
Không nơi này chốn khác tội gì buồn hư thân
Đói no tôi cũng muốn ở gần
Hai bên phụ mẫu đạp cần dứt dây
Đôi ta luống chịu sầu tây
Roi tre vót nhọn lâu nay vẫn còn
Đắng cay như trái bồ hòn
Bầm gan tím ruột vẫn còn nhớ thương -
Ai về qua huyện Đông Anh
-
Kiến bất thủ như tầm thiên lí
-
Cô kia cột tóc đuôi gà
-
Dưới trăng em viết thư này
-
Hang sâu cây lá rậm rì
-
Thái Bình Dương gió thổi
-
Một thương em nhỏ móng tay
Một thương em nhỏ móng tay
Hai thương em bậu khéo may yếm đào
Ba thương cám cảnh phù lao
Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
Năm thương má lúm đồng tiền
Sáu thương em bậu như tiên chăng là
Bảy thương em có nguyệt hoa
Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
Chín thương nước mắt ròng ròng
Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
Mười một thương em hãy còn son
Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
Mười ba thương em đã có chồng
Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
Mười lăm sinh đặng con trai
Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
Mười bảy em còn ở không
Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
Mười chín lấy thợ đóng thuyền
Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
Hai mốt lấy chàng câu cua
Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
Hai ba lấy thợ đóng dù
Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
Trở về em lấy dân làng cho xong. -
Con gái lấy thợ câu cua
Một thương em nhỏ móng tay
Hai thương em bậu khéo may yếm đào
Ba thương cám cảnh cù lao
Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
Năm thương má lúm đồng tiền
Sáu thương em bậu như tiên chăng là
Bảy thương em có nguyệt hoa
Tám thương em bậu làm qua phải lòng
Chín thương nước mắt ròng ròng
Mười thương em bậu phải lòng qua chăng?
Mười một em hãy còn son
Mười hai vú dậy đã tròn như vung
Mười ba em đã có chồng
Bước qua mười bốn trong lòng thọ thai … -
Chiều tà bóng ngả nương dâu
Chiều tà bóng ngả nương dâu,
Vin cành bẻ lá em sầu duyên tơ.
Tiếc công tháng đợi năm chờ,
Tưởng chàng có nghĩa, ai ngờ theo Tây.
Vùi thân trong đám bùn lầy,
Nước nào rửa sạch nhục này chàng ơi! -
Thương thay thân phận con tằm
Chú thích
-
- Cá bống
- Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.
-
- Bói cá
- Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...
-
- Nỏ
- Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Gia thất
- Vợ chồng. Theo Thiều Chửu: Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. Vợ chồng lấy nhau vì thế gọi là “thành gia thất.”
-
- Trúc mai
- Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông
(Truyện Kiều)
-
- Sáo
- Nhạc cụ thổi hơi, có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ở ta sáo thường làm bằng ống trúc, được thổi trong những lúc hội hè.
-
- Thê thiếp
- Thê là vợ cả, thiếp là vợ lẽ. Thê thiếp chỉ vợ nói chung.
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Hiệp
- Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Kiều Nguyệt Nga
- Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.
Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.
-
- Đe
- Khối sắt hoặc thép dùng làm bệ để đặt kim loại lên trên mà đập bằng búa.
-
- Thợ rào
- Thợ rèn.
-
- Thích
- Dùng mũi nhọn châm vào vật gì để khắc, rồi bôi mực cho nổi hình lên.
-
- Chạm
- Khắc, đục lên bề mặt vật rắn (gỗ, đá, kim loại, v.v...) để tạo những đường nét, hình khối mang tính nghệ thuật.
-
- Rồng
- Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.
-
- Hành ngơi
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hành ngơi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Hào
- Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.
-
- Thuốc lào
- Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.
Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.
-
- Cá liệt
- Còn gọi là cá ót, một loại cá biển có thân có hình thoi, dẹt bên, to khoảng ba, bốn ngón tay, nhiều xương. Cá thường được kho khô ăn kèm với cơm, nấu canh chua hay nấu riêu, hoặc để làm bột cá.
-
- Xà lách
- Còn gọi là rau diếp, một loại rau ăn kèm hay dùng để trang trí món ăn. Tên xà lách nguyên từ chữ Pháp salade, nghĩa là món rau củ trộn.
-
- Rau răm
- Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.
-
- Vừng
- Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Mông Dương
- Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Đèn đất
- Loại đèn của thợ mỏ ngày trước, được thắp sáng bằng phản ứng hóa học giữa đất đèn (acétylen) và nước.
-
- Lò giếng
- Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
-
- Lò chợ
- Nơi nhiều thợ mỏ cùng trực tiếp khai thác than trong mỏ.
-
- Gàu sòng
- Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.
-
- Gàu giai
- Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Sầu tây
- Sầu riêng, nỗi niềm riêng.
-
- Bồ hòn
- Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.
-
- Đông Anh
- Tên một huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội. Di tích thành Cổ Loa nằm ở xã Cổ Loa thuộc huyện này. Hằng năm huyện tổ chức nhiều lễ hội: hội Cổ Loa, hội làng Cổ Dương, hội làng Quan Âm...
-
- Cổ Loa
- Kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa được xây theo hình trôn ốc (loa từ Hán Việt nghĩa là ốc, nên còn gọi là Loa Thành), tương truyền có chín vòng, nhưng căn cứ theo dấu tích thì có ba vòng. Theo truyền thuyết, thành Cổ Loa được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy.
-
- An Dương Vương
- Tên thật là Thục Phán (nên cũng gọi là Thục Vương), vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc trong lịch sử nước ta. Ông đã cho xây dựng thành Cổ Loa để giữ nước, song lại mắc kế thông gia khi gả con gái mình là Mỵ Châu cho con trai của Triệu Đà, cuối cùng để mất nước và tự sát. Hiện tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội còn đền thờ ông.
-
- Kiến bất thủ nhi tầm thiên lí
- Ở ngay trước mắt mà không giữ lấy, cứ mải đi tìm ở chốn xa xôi.
-
- Nhạn
- Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥 chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
-
- Đáo xứ lai
- Bay về nơi nao.
-
- Tưởng
- Nghĩ, cho rằng.
-
- Trổ cờ
- Ra hoa.
-
- Sao Kim
- Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
-
- Chỉ điều
- Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
-
- Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Rậm.
-
- Khác thể
- Chẳng khác nào, giống như.
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Yếm
- Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chín chữ cù lao
- Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- Son
- Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Hạc
- Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.
Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng
(Nhị thập tứ hiếu)