Tìm kiếm "Chợ Bông"

  • Con cò bay lả bay la

    Con cò bay lả bay la
    Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
    Suốt mình trắng nõn như bông
    Gió xuân thỉnh thoảng bợp lông trên đầu
    Hỏi cò vội vã đi đâu
    Xung quanh mặt nước một màu bao la
    Cò tôi bay lả bay la
    Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
    Cha sinh mẹ đẻ tay không
    Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

  • Năm thức rau nấu năm nồi

    Năm thức rau nấu năm nồi
    Tôi đơm năm bát đợi người đằng xa
    Năm trống canh tôi ngủ có ba
    Còn hai canh nữa tôi ra trông trời
    Trách ông trời sớm dựng đông
    Chả khuya chút nữa cho lòng thở than
    Thở than chưa kịp hết lời
    Bỗng đâu trống giục ba hồi tan canh

  • Dĩa bàng thang con tôm càng dựng đứng

    Dĩa bàng thang con tôm càng dựng đứng
    Dĩa bàng xứng dựng đứng con tôm he
    Em nghiêng tai dưới gió, anh kể công khó cho em nghe
    Hồi nào em đau ban cua lưỡi trắng
    Cái miệng đắng, cơm cũng hôi
    Công anh đỡ đứng bồng ngồi
    Bây giờ em lành mạnh, phủi rồi công anh!

  • Sáng mai ăn một bụng cơm no

    Sáng mai ăn một bụng cơm no
    Xách cái rổ đi chợ bến đò
    Mua chín cái trách, xách chín cái lò
    Đem về:
    Cái kho canh ngò
    Cái kho canh cải
    Cái nấu nải chuối xanh
    Cái nấu canh rau má
    Cái nấu cá chim chim
    Cái kho rim thịt vịt
    Cái kho thịt con gà
    Cái kho cà, đu đủ
    Cái kho củ môn tây
    Trời chiều bóng xế trăng xây
    Ham chơi lê lựu, bỏ chín cái trách này quên nêm

    Dị bản

    • Tay em cầm mớ trách đặt quách lên lò
      Một cái kho ngò
      Hai cái kho cải
      Ba cái kho nải chuối xanh
      Bốn cái nấu canh rau má
      Năm cái kho cá chim chim
      Sáu cái kho rim trứng vịt
      Bảy cái làm thịt con gà
      Tám cái kho cà, thù đủ
      Chín cái kho củ môn tây
      Em theo anh cho đến đoạn này
      Tay chân đà bải hoải, chín cái trách này quên nêm .

  • Tôi Đà Phật, nàng A men

    Tôi Đà Phật, nàng A men
    Hai ta tôn giáo cách hai miền xa xăm
    Bỗng đâu gió bão mưa dầm
    Để tôi buộc mối đồng tâm với nàng
    Thế là đeo lấy dở dang
    Bỏ nhau chẳng được, sang ngang không thuyền
    Biết rằng duyên lỡ làng duyên
    Trăm năm để lại một thiên hận tình
    Bảo cho những kẻ đầu xanh
    Đến nơi đến tháng cầu kinh thì cầu
    Đừng mơ những việc đâu đâu
    Mà vương phải kiếp cú sầu vạn niên

  • Chàng trẩy đi, trễ đã mấy đông

    Chàng trẩy đi, kể đã mấy đông
    Cho loan đón gió, cho rồng chờ mưa
    Tấm gan vàng dạ sắt thiếp ngẩn ngơ
    Lấy ai gìn giữ con thơ cho chàng
    Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng
    Đồng sinh đồng tửcưu mang đồng lần
    Chàng trẩy đi, vâng lệnh quân thân
    Thiếp xin đôi chữ Tấn Tần hợp duyên
    Nữa mai bóng quế dãi thềm
    Bóng trăng thấp thoáng ngọn đèn mờ xanh
    Chàng trẩy đi, nước mắt thiếp tôi chạy quanh
    Chân đi thất thểu lời anh dặn dò

  • Anh muốn trông

    Anh muốn trông
    Anh lên Ba Dội anh trông
    Một Dội anh trông
    Hai Dội anh trông
    Trống thu không ba hồi điểm chỉ
    Anh ngồi anh nghĩ
    Thở vắn than dài
    Trúc nhớ mai
    Thuyền quyên nhớ khách
    Quan nhớ ngựa bạch
    Bóng lại nhớ cây
    Anh nhớ em đây
    Biết bao giờ cho được
    Đạo vợ chồng chẳng trước thì sau
    Trăm năm xin chớ quên nhau.

  • Trường đồ tri mã lực

    Trường đồ tri mã lực,
    Sự cửu kiến nhân tâm.
    Sen trong đầm lá xanh bông trắng,
    Sen ngoài đầm bông trắng lá xanh.
    Chim khôn lót ổ lựa nhành,
    Gái khôn tìm chỗ trai lành kết duyên.
    Vô dược khả y khanh tướng bệnh,
    Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
    Bạc muôn khó chuộng bạn hiền sánh đôi.
    Ở trên trời có ngôi sao Bắc Đẩu,
    Ở dưới hạ giới có con sông Giang hà,
    Sông Giang hà chảy ra biển rộng
    Bắc đẩu tinh quay ngõng chầu trời,
    Tôi thương mình lắm mình ơi,
    Biết sao kể nỗi khúc nhôi ớ mình!

  • Đồn rằng Văn Điển vui thay

    Đồn rằng Văn Điển vui thay
    Ngoài phố chợ họp năm ngày một phiên
    Tàu qua phố dưới, phố trên
    Đình thì ở giữa hai bên rặng bàng
    Làng Mơ cất rượu khê nồng
    Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui
    Kẻ Giả thì bán bùi nhùi
    Làng Lê bán phấn cho người tốt da
    Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà
    Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang
    Kẻ Lủ thì bán bỏng rang
    Trên Ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay
    Ngâu, Tựu thì bán dao phay
    Dù đem chặt nứa gãy cây lại liền
    Trong kho lắm bạc nhiều tiền
    Để cho giấy lại chạy liền với dây.

  • Ông Liên Xô, bà Trung Quốc

    Ông Liên Xô, bà Trung Quốc
    Ông đi guốc, bà đi giầy
    Ông nhảy dây, bà đá bóng
    Ông đi tắm, bà cài then
    Ông mua kem, bà xin miếng
    Ông không cho, bà đá đít

    Dị bản

    • Ông Liên Xô, bà Trung Quốc
      Ông đi guốc, bà đi giầy
      Ông nhảy dây, bà đá bóng
      Ông đi tắm, bà đứng xem
      Ông ăn kem, bà xin miếng,
      Ông không cho, bà hét to
      Đồ ki bo! Đồ ki bo!

  • Tổ cha con đĩ bên kia sông

    Tổ cha con đĩ bên kia sông
    Cơm mi trắng, thuốc mi đắng, rượu mi nồng
    Mi ôm mi ấp, mi đỡ mi bồng
    Mi dỗ chồng tau
    Mi hun mi hít không còn thỉ hơi
    Tau qua tau nói con mạ đẻ mi vài lời
    Cho con mạ đẻ mi nghe
    Tóc mi tau xắp, tau cạo lông mày
    Quần mi tau xẻ đáy phen này cho mi coi!

  • Nghé ơ nghé

    Nghé ơ nghé
    Nghé bông hay là nghé hoa
    Như cà mới nở
    Mẹ cõng xuống sông
    Xem rồng lấy nước
    Mẹ gọi tiếng trước
    Cất cổ lên trông
    Mẹ gọi tiếng sau
    Cất lồng lên chạy
    Lồng ba lồng bảy
    Lồng về với mẹ
    Nghé ơ
    Mày như ổi chín cây
    Như mây chín chùm
    Như chum đựng nước
    Như lược chải đầu
    Cắn cỏ ăn no
    Kéo cày đỡ mẹ
    Việc nặng phần mẹ
    Việc nhẹ phần con
    Kéo nỉ kéo non
    Kéo đến quanh tròn
    Mẹ con ta nghỉ
    Ông khách hỏi mua
    Nhà ta chả bán
    Ông khách hỏi hoạn
    Nhà ta chẳng cho
    Nghé ơ

  • Tôi lạy vua lạy chúa trước đình

    Tôi lạy vua, lạy chúa trước đình
    Thương làng, thương nước, thương tình cho tôi
    Trời làm thất bát liên hồi
    Lấy gì trả nợ mua ngôi cho chồng
    Tôi nói ra thêm cực tấm lòng
    Được ngôi được cả cái gông, cái cùm
    Thôi thôi tôi lạy ông trùm
    Mai tôi bồng bế lên rừng kiếm ăn

Chú thích

  1. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  2. Nước rươi là mùa nước triều tràn vào đồng, nơi những vùng tiếp giáp nước ngọt và nước lợ vào khoảng tháng chín, tháng mười âm lịch và khi nước rút để lại rất nhiều rươi từ đất chui lên. Mỗi nước rươi kéo dài từ 3 đến 7 ngày, đến khi có mưa lấp lỗ mới hết kì. Cứ gần ngày đó, người dân ven sông lại chuẩn bị dụng cụ đón bắt rươi về ăn. Về thời điểm mùa nước rươi, dân gian có câu Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm.

    Giăng lưới bắt rươi mùa nước rươi

    Giăng lưới bắt rươi mùa nước rươi

  3. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  4. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  5. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  6. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  8. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  9. Gò Duối
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tại đây có món bánh hỏi lòng heo Gò Duối nổi tiếng thơm ngon.
  10. Hòa Đa
    Tên một thôn nay thuộc địa phận xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có món bánh tráng Hòa Đa mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua và ít bị dính khi nhúng nước để cuốn thức ăn, là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Bánh tráng Hòa Đa

    Bánh tráng Hòa Đa

  11. Bông
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  13. Hèm
    Bã còn lại sau khi đã chưng cất rượu bia, màu trắng đục, mùi rất nồng, thường dùng cho lợn ăn. Người nghiện rượu thường được gọi là hũ hèm.

    Nấu rượu

  14. Ruộng gò
    Ruộng làm ở chỗ đất gò, đất cao.
  15. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  16. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Bừa
    Nông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.

    Đi bừa ruộng với chiếc bừa

    Bừa ruộng

  18. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  19. Tấc
    Đơn vị đo chiều dài. Một tấc ngày trước bằng 1/10 thước hoặc bằng 10 phân (tương đương 4 cm bây giờ), nay được chuyển thành 1/10 mét.
  20. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  21. Dĩa bàng thang
    Dĩa làm bằng sứ, lớn, thường dùng để đựng đồ thờ cúng.
  22. Tôm càng
    Một loài tôm lớn nước ngọt có càng dài. Tôm càng có thể dài đến 30 cm, là một loại hải sản có giá trị và nhiều dinh dưỡng. Trong lúc còn là ấu trùng, tôm càng sống ở nước lợ, nhưng khi trưởng thành chúng sống hoàn toàn ở nước ngọt. Vì là một loại hải sản quý, tôm càng được chăn nuôi rộng rãi ở nước ta.

    Tôm càng xanh

    Tôm càng xanh

  23. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  24. Ban cua lưỡi trắng
    Bệnh thương hàn, da nổi mẩn đỏ, lưỡi trắng.
  25. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  26. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  27. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  28. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  29. Môn tây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Môn tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  30. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  31. Một, hai... ở đây là cách đếm thứ tự (cái thứ nhất, cái thứ hai...) chứ không phải là số lượng.
  32. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  33. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  34. A-men
    Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
  35. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  36. Đầu xanh
    Chỉ người tuổi còn trẻ.

    Hay là thuở trước khách hồng nhan?
    Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
    Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
    Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
    (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)

  37. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  38. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  39. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  40. Đồng sinh đồng tử
    Sống chết có nhau.
  41. Đồng lần
    Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
  42. Quân thân
    Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
  43. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  44. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  45. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  46. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  47. Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm
    Đường dài mới biết sức ngựa, việc lâu ngày mới biết lòng người. Câu này là một dị bản của một câu trong Cổ huấn: Lộ diêu tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm.
  48. Vô dược khả y khanh tướng bệnh, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền
    Không có thuốc nào chữa được bệnh ham làm quan (khanh tướng bệnh), có tiền cũng khó mua được con cháu hiền. Câu này thật ra là một dị bản của một câu trong Minh Tâm Bửu Giám: Vô dược khả y khanh tướng thọ, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
  49. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  50. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  51. Giang hà
    Sông nước nói chung (từ Hán Việt).

    Con chim chết dưới cội hoa
    Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

    (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

  52. Ngõng
    Mấu hình trụ để tra cán cối xay, làm điểm tựa, nếu không thì cối xay không quay được.

    Cối xay thóc

    Cối xay thóc

  53. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  54. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  55. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  56. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  57. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  58. Làng Vọng
    Tên một làng nhỏ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Làng Vọng nằm cạnh Kẻ Mơ, là nơi buôn bán sầm uất. Tương truyền, nơi đây có nghề dệt gối rất phát triển. Ngày nay, phố Vọng cũng được coi là thủ phủ của mặt hàng chăn, ga, gối, đệm.
  59. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  60. Kẻ Giả
    Tên gọi chung của các làng Giả Chọ, Giả Cầu, Giả Viềng, Giả Vĩnh, nay là các thôn Lạc Thị (xã Ngọc Hồi), Quỳnh Đô, Ích Vịnh, Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) đều thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  61. Bùi nhùi
    Rơm hoặc giẻ bện chặt để đốt và giữ lửa.
  62. Làng Lê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Lê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  63. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  64. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  65. Làng Ngâu
    Tên nôm của làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Ngâu nổi tiếng trồng lúa. Rượu làng Ngâu cũng là một đặc sản nổi tiếng từ xưa.
  66. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  67. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  68. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  69. Có thể là thuốc rê hoặc thuốc xỉa.
  70. Thỉ
    Một chút, một xíu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  71. Mạ
    Mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  72. Xắp
    Cắt bằng kéo (phương ngữ Trung Bộ).
  73. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  74. Quạt nồng ấp lạnh
    Do chữ Đông ôn hạ sảnh: Quạt khi trời mát, đắp chiếu chăn ấm khi trời rét lạnh, nói đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ. Tích quạt nồng ấp lạnh lấy từ sách Nhị thập tứ hiếu của Quách Cự Nghiệp đời nhà Nguyên, Trung Quốc: Ðời Hậu Hán có đứa trẻ lên chín tên là Hoàng Hương. Mẹ mất sớm, Hoàng Hương ở với cha. Vào muà hạ, thời tiết về đêm nóng nực oi bức, Hoàng Hương thường xuyên quạt màn chiếu, chăn đệm cho thoáng mát trước khi cha ngủ. Muà đông, tiết trời lạnh lẽo, đêm đêm trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương vào giường cha nằm lăn qua trở lại rất lâu, để mền chiếu ấm hơi người cho cha được ngon giấc.

    Xót người tựa cửa hôm mai
    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
    (Truyện Kiều)

  75. Chúa
    Chủ, vua.
  76. Ngôi
    Chức vị, cấp bậc.