Sớm mai ra đứng sân sau
Hai tay xụi xuống như tàu chuối te
Tiếc công vun quén cây mè
Mè không ra trái, chim hòe đậu lên
Tiếc công lên xuống, xuống lên
Mòn đàng chết cỏ không nên tự trời
Tưởng rằng kèo cột ở đời
Ai hay cột ngã, kèo rời một phương!
Tìm kiếm "ai dưng"
-
-
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Hai tay rũ xuống như tàu chuối te
Tiếc công vun bón cây me
Me không có trái, chim nhè đậu lên
Tiếc công rày xuống mai lên
Mòn đàng đứt cỏ, không nên tự trời
Tưởng rằng kèo cột ở đời
Ai ngờ kèo rã cột rời tứ phương
Ngày nào em nói em thương
Như trầm mà để trong rương chắc rồi
Bây giờ khóa rớt chìa rơi
Rương long nắp vỡ bay hơi mùi trầm -
Đêm qua ra đứng bờ ao
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá: cá lặn; trông sao: sao mờ.
Buồn trông con nhện chăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai,
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải Ngân Hà,
Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ. -
Đu tiên mới dựng năm nay
-
Xưa kia ai gảy đàn cầm
Xưa kia ai gảy đàn cầm
Cuộc cờ ai đánh dưới trần gian nguy
Ai mà tài đặt thơ ri
Ai mà uống rượu chín mươi bì không say?
Mong anh nói lại em hay
Em lui về lấy nhẫn đeo tay cho liền
– Xưa ông Bá Nha gảy đàn cầm
Cuộc cờ Đế Thích đánh dưới trần gian nguy
Tài Lý Bạch hay đặt thơ ri
Lưu Linh uống rượu chín mươi bì không say
Chàng đà nói đúng, thiếp tính răng đây thiếp hè -
Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương
Chỉ điều ai khéo vấn vương
Mỗi người mỗi xứ mà thương nhau đời.Dị bản
Video
-
Nhơn trung sâu tợ như đào
Dị bản
Nhân trung sâu tựa như đào
Vang danh thế giới, anh hào ai đương
-
Ru con nhớ mấy lời quê
-
Trăm năm lòng gắn dạ ghi
Trăm năm lòng gắn dạ ghi
Nào ai thay nút, đổi khuy cũng đừng -
Vè gái hư
Ai ơi lẳng lặng mà nghe
Người xưa để lại bài vè gái hư
Nấu cơm bữa thiếu bữa dư
Bữa sống bữa khét bữa như cháo bồi
Đụng đâu cũng lết vào ngồi
Lấm lem vạt áo như nùi giẻ lau
Quần thì ống thấp ống cao
Đầu bù tóc rối tào lao suốt ngày
Ngồi lê đôi mách thật tài
Sáng thì đôi chối chiều thì phân bua
Tính tình quạu quọ câu mâu
Gặp trai cọ vế ngoẹo đầu múa may
Người thì lúc lắc lúc lay
Hở hang mất nết nhướng mày vảnh môi … -
Bến em có gốc dừa tơ
Bến em có gốc dừa tơ
Đêm trăng em đứng, em chờ đợi ai -
Anh ở làm sao cho vợ anh thôi
Anh ở làm sao cho vợ anh thôi
Bây giờ khóc đứng, than ngồi với ai? -
Truyện Kiều anh thuộc làu làu
-
Người về một đoạn xa xa
Người về một đoạn xa xa
Ta còn đứng giữa ngã ba chưa về
Nhìn trăng lại nhớ câu thề
Nhìn gương mà tưởng ngồi kề bên ai
Người về có nhớ khóm mai
Người về thoang thoảng hoa nhài còn đây
Gặp nhau không sợi không dây
Mà sao như buộc lòng này người đi!
Người về ta nhớ câu mời
Nhớ giọng người hát, nhớ lời người trao
Người về để vắng giăng sao
Để lòng đằng đẵng khi nào mới nguôi
Người về đường ấy xa xôi
Hãy như dao nọ nước tôi cho già
Đinh ninh nên cột nên xà
Nền kèo nên mái nên ta nên mình
Mai này đỏ nghĩa thắm tình
Cành giao với lại cây quỳnh nào hơn -
Chần ngần gánh nặng trên vai
Chần ngần gánh nặng trên vai
Sao không san sẻ cho ai gánh cùng?
Có được thung dung
Ta san cùng cho khoẻ
Anh có vợ rồi, chẳng lẽ san hai?
Chần chần gánh nặng trên vai -
Cá rô canh cải nấu gừng
Cá rô canh cải nấu gừng
Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai
Khuyên chàng đừng ở đơn sai
Vắng mặt chàng sẽ yêu ai mặc lòngDị bản
Cải canh mà nấu với gừng
Chẳng ăn thì chớ, xin đừng chê bai
-
Đồn Cẩm Phả sơn hà bát ngát
-
Ba mươi súc miệng ăn chay
Ba mươi súc miệng ăn chay
Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài
Lâm râm khấn vái Phật Trời
Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng
Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng
Để cho trai gái dốc lòng đi tu
Chùa này chẳng có Bụt ru
Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen … -
Con cò là con cò vàng
-
Mây giăng trên ngọn non Vồng
Chú thích
-
- Tàu chuối te
- Tàu lá chuối rách.
-
- Vun quén
- Nghĩa đen là vun chưn (chân) đắp đất, dọn cho sạch cỏ (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị - Huình Tịnh Paulus Của). Nghĩa bóng là chăm lo, vun đắp.
-
- Vừng
- Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tự
- Tại, bởi vì (từ cổ).
-
- Kèo
- Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Trầm hương
- Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.
-
- Rương
- Hòm để đựng đồ (sách vở, quần áo...) hoặc tiền vàng, thường làm bằng gỗ, có móc khóa.
-
- Chăng tơ
- Có bản chép: giăng tơ.
-
- Sao Kim
- Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Chuôi
- Có bản chép: bóng.
-
- Bắc Đẩu
- Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.
-
- Tào Khê
- Tức khe Tào, một dòng suối chảy trước chùa Nam Hoa (tên cũ là chùa Bảo Lâm), ngày nay thuộc quận Khúc Giang, thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Tương truyền vào năm 502, một nhà sư người Ấn Độ là Trí Dược Tam Tạng đi thuyền sang Trung Hoa, khi thuyền qua Tào Khê, sư lấy tay vốc nước nếm thử, thấy thơm ngon, liền bảo: "Đầu nguồn suối ắt có nơi đất tốt." Sư liền ngược dòng đi lên nguồn, mở núi dựng chùa gọi là chùa Bảo Lâm. Về sau sư Huệ Năng, tổ đời thứ sáu của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc, đến đây tu hành, thành lập phái Nam Tông. Từ đó, nói đến Tào Khê là nói đến cảnh tu hành. Nước Tào Khê tượng trưng cho dòng nước Thiền có tác dụng thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch bụi trần.
-
- Đu tiên
- Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”
-
- Giỗ Tổ Hùng Vương
- Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
-
- Sông Lô
- Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.
-
- Sông Đà
- Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).
-
- Tam Đảo
- Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.
-
- Ba kỳ
- Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).
-
- Sở cầu như ý
- Được như mong muốn. Cụm từ này thường được dùng khi cầu xin với thần Phật. Cũng đọc là như ý sở cầu.
-
- Đàn nguyệt
- Từ Hán Việt là nguyệt cầm, Nam Bộ gọi là đàn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt." Theo sách xưa thì đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18. Xem thêm nhạc sĩ Huỳnh Khải giải thích về đàn kìm tại đây.
-
- Ri
- Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Đế Thích
- Một nhân vật thần thoại, được lập đền thờ ở một số nơi. Tương truyền Đế Thích đánh cờ tướng rất giỏi, có khi chấp đối phương cả đôi xe mà vẫn thắng.
-
- Lý Bạch
- (701- 762) Nhà thơ lớn trong lịch sử Trung Quốc, được hậu bối sùng bái tôn làm Thi Tiên. Ông thích ngao du sơn thủy và làm thơ rất nhiều, tương truyền tới hơn 20.000 bài, nhưng làm cho vui rồi vứt, thơ ông được truyền tụng đến nay phần lớn nhờ dân gian ghi chép lại. Lý Bạch còn nổi tiếng mê rượu, chuyện kể lúc ông cáo quan về quê, vua Đường Minh Hoàng ban tặng rất nhiều vàng bạc nhưng ông từ chối cả, sau được vua cho quyền uống rượu tại bất kì quán rượu nào đi qua, tiền rượu sẽ được thanh toán vào ngân khố.
-
- Lưu Linh
- Tự là Bá Luân, người đất Bái, đời Tấn (Trung Quốc) trong nhóm Trúc lâm thất hiền (bảy người hiền trong rừng trúc). Ông dung mạo xấu xí, tính tình phóng khoáng, thích uống rượu và uống không biết say. Ta hay gọi những người nghiện rượu là "đệ tử của Lưu Linh" là vì vậy.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Hè
- Nhỉ (phương ngữ Trung Bộ). Như lạ hè (lạ nhỉ), hay hè (hay nhỉ)...
-
- Nam đáo nữ phòng
- (Chữ Hán) Con trai đến phòng của con gái. Nguyên văn:
Nam đáo nữ phòng nam tất đãng
Nữ đáo nam phòng nữ tất dâm
(Con trai đến phòng của con gái thì là người phóng đãng, không đứng đắn
Con gái đến phòng của con trai thì là người dâm dật).Đây là một trong những lễ giáo khắc nghiệt thời phong kiến.
-
- Chỉ điều
- Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
-
- Đát được thì đươn
- Đươn (đan) và đát là hai công đoạn bắt buộc người làm nghề đan phải biết. Nghĩa rộng của câu này nhằm nói: Cần phải nắm chắc các công đoạn cần thiết của một việc gì rồi mới bắt tay vào làm, nếu không thì việc sẽ thành dang dở.
-
- Gầy
- Gây ra (nghĩa tích cực), tạo dựng, vun vén để đạt được một thành quả nào đó.
-
- Nhân trung
- Phần lõm từ dưới mũi xuống đến giữa môi trên.
-
- Tợ
- Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Cháo bồi
- Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...
-
- Câu mâu
- Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
-
- Truyện Kiều
- Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.
Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...
-
- Nhài
- Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.
-
- Tôi
- Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ rắn và bền.
-
- Già
- Trên mức trung bình, mức vừa dùng, mức hợp lí (thóc phơi già nắng, nước sôi già...).
-
- Quỳnh, giao
- Hai thứ ngọc quí, hay dùng để ví với những gì quí giá.
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao
(Truyện Kiều)
-
- Cá rô
- Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...
Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.
-
- Đơn sai
- Thiếu trung thực (từ cũ).
Cửa hàng buôn bán châu Thai
Thực thà có một, đơn sai chẳng hề
(Truyện Kiều)
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
-
- Sơn hà
- Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)Dịch thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
-
- Hoành Bồ
- Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hoành Bồ là một huyện miền núi, khá biệt lập với bên ngoài, cuộc sống người dân lam lũ, vất vả.
-
- Hồng quần
- Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
(Truyện Kiều)
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Ru
- Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
-
- Khánh
- Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.
-
- Chùa Hồ Sen
- Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
-
- Xẩm
- Một loại hình dân ca từng phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận, nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu...
"Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị (mù) đi hát rong kiếm sống.
Thưởng thức một bài hát xẩm do nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày.
-
- Xoan
- Một loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với nhiều yếu tố kết hợp: nhạc, hát, múa. Hát xoan thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở Phú Thọ.
Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 70 nghệ nhân hát xoan, nhưng chỉ có khoảng 10 người có khả năng truyền dạy; toàn tỉnh có khoảng gần 100 người tham gia các phường xoan, nhưng chỉ khoảng 50 người biết hát. Các di tích như đình, miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt hát xoan từ xa xưa nay chỉ còn khoảng hơn 10 di tích.
-
- Núi Vồng
- Tên một ngọn núi cao nằm ở phía Bắc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hiện nay.
-
- Sông Châu Giang
- Một con sông thuộc hệ thống sông Hồng- sông Thái Bình của miền Bắc, nằm trọn trong địa phận tỉnh Hà Nam. Đây là một con sông có vị trí quan trọng nằm trong lưu vực sông Nhuệ- Đáy. Một đầu của sông được nối với sông Đáy tại Phủ Lý nên sông còn gọi là sông Phủ Lý. Đoạn sông chảy qua xã Yên Lệnh, huyện Duy Tiên gọi là sông Lệnh.
Châu Giang là phân lưu cũ của sông Hồng, nối với sông Hồng bằng hai cửa: cửa Yên Lệnh-Mạc (Duy Tiên- Lý Nhân) và cửa Hữu Bị, xã Nhân Hậu (Lý Nhân).