Tìm kiếm "chín tháng"

Chú thích

  1. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  2. Tam niên nhũ bộ
    Ba năm đầu đời của đứa trẻ được mẹ cho bú sữa (nhũ), mớm cơm (bộ).
  3. Chu
    Châu (phương ngữ).
  4. Chín châu
    Một khái niệm phân chia thiên hạ của Trung Quốc. Người Trung Quốc cho rằng sau khi vua Vũ trị thủy (làm công tác thủy lợi chống nạn lụt Hoàng Hà) thành công, đã chia Trung Quốc ra làm chín châu (cửu châu). Có ít nhất ba cách giải thích:

    - Theo Vũ Cống, chín châu gồm có: Ký (nay thuộc Hà Nam), Duyện (nay thuộc Sơn Đông), Thanh (nay thuộc Sơn Đông, Liêu Dương), Từ (nay thuộc phía nam Sơn Đông), Dương (?), Kinh (nay thuộc Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, Quảng tây), Dự (nay thuộc Hà Nam), Lương (?), Ung (nay thuộc Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải).

    - Theo Nhĩ nhã, chín châu gồm có: Ký, U, Duyện, Dinh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Ung.

    - Theo Chu lễ, chín châu gồm có: Ký, U (nay thuộc Trực Lệ, Phụng Thiên), Tình, Duyện, Thanh, Dương, Kinh, Dự, Ung.

  5. Chuột chù
    Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.

    Chuột chù

    Chuột chù

  6. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  7. Chín suối
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ Hán cửu tuyền. Theo Thế thuyết, sau khi Ân Trọng Kham chết, Hoàn Huyền hỏi Trọng Văn: "Cha ngươi là Trọng Kham là người như thế nào?" Trọng Văn nói: "Tuy không thể làm sáng tỏ một đời, cũng đủ để soi rọi khắp cửu tuyền."

    Trên tam đảo, dưới cửu tuyền
    Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng
    (Truyện Kiều)

  8. Kim ô
    Mặt trời. Người xưa cho rằng trong mặt trời có con quạ vàng (kim ô) ở trong, nên cũng gọi mặt trời là kim ô.

    Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô.
    (Trăng là cung, sao là tên, chiều tối bắn rụng mặt trời).

    (Vế đối của Mạc Đĩnh Chi)

  9. Đoài
    Phía Tây.
  10. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Chỉn
    Chỉ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  13. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  14. Chín háp
    (Trái cây) chín khi chưa thật già vì bị thiếu nước hoặc sâu đục.
  15. Trần Thương
    Một ngôi làng nay thuộc xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Tại đây có đền Trần Thương (gọi tắt là đền Trần) thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hằng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.

    Đền Trần Thương

    Đền Trần Thương

    Đọc thêm: Đền Trần Thương di tích và lễ hội.

  16. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  17. Chín xã Sông Con
    Chín xã thuộc huyện Đại Lộc, quanh lưu vực sông Con. Nơi đây từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần Vương. Vùng này cũng gọi là Tân tỉnh (tỉnh mới, đối lập với Hội An là tỉnh lị cũ do Pháp chiếm đóng).
  18. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  19. Trần Đỉnh
    Tục gọi là Tú Đỉnh (vì đỗ Tú tài), người làng Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là thành viên Nghĩa Hội Quảng Nam, cũng vừa là Tán Tương Quân Vụ vùng chín xã Sông Con thuộc miền nguồn tây Đại Lộc. Trước ngày Pháp tấn công vào Bộ chỉ huy ở Trung Lộc, ông nghe lời chiêu hồi của vua Đồng Khánh, đến chiến khu Trung Lộc thuyết phục Nguyễn Duy Hiệu cùng ra đầu hàng. Ông Hiệu đã ra lệnh chặt đầu Trần Đỉnh bêu ở chợ Trung Lộc để răn đe.
  20. Đây cũng là câu 585-586 trong truyện Lục Vân Tiên:

    Thương thay chín chữ cù lao
    Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình

  21. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  23. Cửu trùng
    Nghĩa đen là chín tầng, chỉ chín cõi trời theo quan niệm Phật giáo, gồm có: Vô vân, Phước sinh, Quảng quả, Vô tưởng, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện kiến, Thiện hiện, và Sắc cứu cánh.
  24. Có bản chép: Vẳng nghe.
  25. Chim vịt
    Một loại chim thường gặp ở các vùng đồng quê nước ta. Chim trống trưởng thành dài khoảng một gang tay, có màu xám nâu ở phần trên và màu cam ở dưới bụng, đầu có màu xám kéo xuống đến phần trên của ngực. Lông đuôi của chúng có những khuyên màu trắng trên nền đen hay nâu sẫm. Chân và bàn chân có màu vàng, mắt đỏ, mỏ thường có màu nâu sẫm, gốc mỏ màu vàng nhạt, mép mỏ hơi hồng. Chim mái trông tương tự như chim trống nhưng thiên về tông màu nâu.

    Tiếng gù của chim vịt trống gồm một chuỗi âm vực tăng dần từ thấp đến cao rồi lại giảm dần xuống thấp với khoảng 11-12 âm vực khác nhau, nghe rất thê lương, buồn bã.

    Chim vịt

    Chim vịt

  26. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  27. Dưỡng dục
    Nuôi nấng (từ chữ Hán 養育).
  28. Ba hồn chín vía
    Quan niệm dân gian cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía ở lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con.
  29. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  30. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  31. Chùa Hương
    Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.

    Trẩy hội chùa Hương

    Trẩy hội chùa Hương

  32. Rau sắng
    Còn gọi là cây mì chính, cây rau ngót rừng, thuộc loại cây thân gỗ lớn, mọc tự nhiên trên những vách đá, ưa ánh sáng. Lá rau sắng có mầu xanh thẫm óng ả, dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Rau sắng là loại rau quý, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh. Loại rau này được xem là đặc sản ở chùa Hương.

    Muốn ăn rau sắng chùa Hương
    Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
    Mình đi ta ở lại nhà
    Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.

    (Tản Đà)

    Rau sắng

    Rau sắng

  33. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  34. Côn Bằng
    Cũng gọi là Bằng Sơn, dân gian gọi là rú (núi) Bờng, một ngọn núi cao 230m thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh . Trên núi có mộ tổ Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh.
  35. Quỳnh Viên
    Tên chữ là Nam Giới, cũng gọi là rú (núi) Bể hoặc rú Sót, một dãy núi thuộc địa bàn xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh . Trên núi có đền Chiêu Trưng thờ danh tướng Lê Khôi, khai quốc công thần nhà Lê sơ.

    Đền Chiêu Trưng trên núi Quỳnh Viên

    Đền Chiêu Trưng trên núi Quỳnh Viên

  36. Rú Bin
    Một ngọn núi (rú) đá phấn nhỏ thuộc địa phận xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
  37. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Gin
    Gần (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  39. Rú Mã
    Cũng nói và viết là rú Mả, một ngọn núi nhỏ hình yên ngựa (mã) thuộc địa phận xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, trên trồng nhiều chè.
  40. Chin
    Chân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  41. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc