Tìm kiếm "đứng bóng"

Chú thích

  1. Bình tích
    Tên gọi ở một số vùng miền Trung và miền Nam của bình thủy, một đồ vật đựng nước và giữ nhiệt.
  2. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  3. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà

  4. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  5. Hữu nhãn vô châu
    Có mắt không tròng.
  6. Oanh
    Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.

    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

    (Truyện Kiều)

    Chim oanh cổ đỏ

    Chim oanh cổ đỏ

  7. Áo tứ thân
    Một trang phục xưa của phụ nữ Miền Bắc Việt Nam. Áo được sử dụng như trang phục hàng ngày đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay, áo tứ thân chỉ được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

  8. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  9. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  10. Dĩa bàng thang
    Dĩa làm bằng sứ, lớn, thường dùng để đựng đồ thờ cúng.
  11. Tôm càng
    Một loài tôm lớn nước ngọt có càng dài. Tôm càng có thể dài đến 30 cm, là một loại hải sản có giá trị và nhiều dinh dưỡng. Trong lúc còn là ấu trùng, tôm càng sống ở nước lợ, nhưng khi trưởng thành chúng sống hoàn toàn ở nước ngọt. Vì là một loại hải sản quý, tôm càng được chăn nuôi rộng rãi ở nước ta.

    Tôm càng xanh

    Tôm càng xanh

  12. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  13. Ban cua lưỡi trắng
    Bệnh thương hàn, da nổi mẩn đỏ, lưỡi trắng.
  14. Mui, lái, mũi
    Các bộ phận của một con thuyền.
  15. Vinh hiển
    Vẻ vang, rạng rỡ vì làm nên việc lớn, có tiếng tăm.
  16. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  17. Kén lừa
    Kén chọn.
  18. Phân
    Nói cho rõ, bày tỏ.
  19. Phèn
    Dân gian ta gọi chung những tạp chất nhiễm vào nước giếng, nước ruộng... gây mùi hôi tanh, vị chua, hoặc làm cho quần áo bị ố vàng khi giặt... là phèn.
  20. Phỉ dạ
    Thỏa lòng, thỏa mãn.
  21. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  22. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  23. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  24. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  25. Cá bạc đầu
    Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.

    Cá bạc đầu

    Cá bạc đầu

  26. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  27. Cá hoa tức cá cảnh.
  28. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  29. Người Nam Bộ phát âm hai chữ "úc" (cá úc) và "út" (ngón út) gần giống nhau.
  30. Kích
    Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
  31. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  32. Hình dong
    Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
  33. Cá lìm kìm
    Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.

    Cá lìm kìm nước ngọt

    Cá lìm kìm nước ngọt

  34. Cá linh
    Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.

    Cá linh

    Cá linh

  35. Cá cóc
    Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.

    Cá cóc

    Cá cóc

  36. Cá hô
    Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.

    Cá hô

    Cá hô

  37. Cá chai
    Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.

    Cá chai chiên mật ong

    Cá chai chiên mật ong

  38. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  39. Cá lẹp
    Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).

    Cá lẹp

    Cá lẹp

  40. Cá kình
    Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
  41. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  42. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  43. Cá khoai
    Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.

    Canh chua cá khoai

    Canh chua cá khoai

  44. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  45. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  46. Chim sa, cá lụy
    Theo mê tín, chim sa xuống và cá chết là những điềm báo xui xẻo.
  47. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  48. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  49. Hải đường
    Loài cây nhỡ, sống nhiều năm, họ Chè. Lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành; hoa có cuống dài, tràng hoa đỏ tía, nhiều nhị đực. Hoa nở vào dịp Tết Âm lịch, đẹp nhưng không thơm.

    Hoa hải đường

    Hoa hải đường

  50. Dã quỳ
    Còn có tên là cúc quỳ, sơn quỳ hoặc hướng dương dại, một loại cây cho hoa màu vàng mọc nhiều ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở nước ta, dã quỳ được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng, sau dần mọc hoang khắp các tỉnh Tây Nguyên.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  51. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  52. Câu này có lẽ lấy ý từ hai câu thơ của Thôi Hộ thời Đường:

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong

    Dịch:

    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  53. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  54. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  55. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  56. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  57. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  58. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  59. Niềm tây
    Nỗi lòng, tâm sự riêng.

    Sứ trời sớm giục đường mây,
    Phép công là trọng, niềm tây sá nào
    (Chinh Phụ Ngâm)

  60. Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:

    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)

    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    (câu 99 đến câu 104)

  61. Phận nữ hài
    Phận đàn bà con gái.

    Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
    Đem thân giúp nước há nhường trai.

    (Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)

  62. Đây là câu sáu đầu tiên và câu bát cuối cùng (câu thứ 3254) của Truyện Kiều:

    1. Trăm năm trong cõi người ta
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    ...
    3253. Lời quê chắp nhặt dông dài
    3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

  63. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  64. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  65. Dớn
    Một loài rau dại có hình dáng gần giống cây dương xỉ, chỉ có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi nuôi trồng được. Rau dớn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.

    Rau dớn (Nguồn)

    Rau dớn

  66. Cóc kèn
    Tên một loài dây leo mọc phổ biến trong những khu rừng ngập mặn, hay xung quanh những sông ngòi, ao hồ nhiễm mặn ở nước ta. Dây cóc kèn có thể dài từ 8 đến 15 mét, đôi khi mọc thành bụi um tùm. Lá xanh mướt, bóng láng, một cành mang từ 3 đến 5 lá. Quả cây cóc kèn như quả đậu, khi chín màu nâu vàng, mang 1-2 hạt. Cây cóc kèn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng với các loại cây đặc trưng khác như đước, mắm, vẹt. Thân rễ cây cóc kèn là những vị thuốc Nam trị nhiễm trùng, sưng, bong gân. Lá cóc kèn có độc tính, nhân dân ta thường dùng lá có kèn phơi khô đặt trong các chum vại và mảng trữ thóc để trừ mọt.

    Hoa của cây cóc kèn.

    Hoa của cây cóc kèn

    Lá và quả của cây cóc kèn.

    Lá và quả của cây cóc kèn

  67. Rắn nước
    Tên chung của một số giống rắn không có nọc độc, sống dưới nước, thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cá nhỏ...

    Rắn nước

    Rắn nước

  68. Rắn râu
    Một loài rắn độc, nhưng lượng nọc và độc tố không đủ để gây nguy hiểm cho con người. Rắn râu sống ở vùng nước của nhiều địa phương thuộc miền Nam. Đặc điểm nổi bật của rắn râu là từ đầu mũi mọc ra hai xúc tu trông như hai sợi râu. Cặp "râu" này có tác dụng như một loại mồi nhử thu hút các loài cá đến gần.

    Rắn râu

    Rắn râu

  69. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  70. Rắn lục
    Loại rắn cực độc, trọng lượng chỉ trên dưới 300gam và dài 30cm đối với con trưởng thành. Thường gặp là rắn lục xanh có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Lưng có màu xanh lá cây, bụng nhạt hơn lưng. Có nhiều loại rắn lục như: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục núi...

    Rắn lục xanh

    Rắn lục xanh

  71. Rắn mái gầm
    Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...

    Rắn mái gầm

    Rắn mái gầm

  72. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  73. Vạn thọ
    Một loài cây họ cúc, hoa thường có màu vàng hoặc cam, có rất nhiều cánh. Vì "vạn thọ" có thể dịch thoát ý là "sống thọ một vạn năm," nên hoa vạn thọ thường được nhân dân ta dùng trong các dịp Tết hoặc lễ cúng.

    Hoa vạn thọ

    Hoa vạn thọ

  74. Nở ngày
    Một loài cây thân cỏ lâu năm, cho hoa màu tím. Cây nở ngày thường được trồng làm cây cảnh, ngoài ra còn có thể dùng làm thuốc trị hen và các chứng ho.

    nở_ngày

  75. Trang
    Còn có tên là mẫu đơn, một loại cây cho hoa có các màu đỏ, trắng, vàng. Trang thường được người dân trong nước trồng trước nhà, dưới chân các bàn thiên (nơi thắp hương) ngoài sân, hoặc mọc tự nhiên ở những vùng đồi núi.

    Hoa trang hồng

    Hoa trang đỏ

  76. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).