Những bài ca dao - tục ngữ về "chợ búa":

Chú thích

  1. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  2. Chợ Xổm
    Một ngôi chợ nằm về phía đông cuối thôn Phú Thạnh (nên cũng gọi là chợ Phú Thạnh), xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì khi mới bắt đầu hình thành, người dân ngồi xổm để họp chợ. Mỗi tháng chợ họp 6 phiên vào các ngày mùng 1, 11, 21 và mùng 6, 16, 26.

    Chợ Xổm cùng với chợ Ma Liên là hai trong số những chợ nổi tiếng của tỉnh trước năm 1945.

  3. Có bản chép: xôi.
  4. Đất Đỏ
    Tên một con đèo cao gần 700m thuộc cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
  5. La Hai
    Một địa danh nay là thị trấn trung tâm huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 45 km. Thị trấn La Hai nằm bên bờ sông Cái, cảnh vật rất nên thơ, lãng mạn.

    Nghe bài hát La Hai tháng Tư.

  6. Chợ Giang
    Tên ngôi chợ thuộc xã Thổ Tang (nên cũng gọi là chợ Thổ Tang), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ thế kỉ 13, đây đã được coi là một vùng đất buôn bán có tiếng. Ngày nay đây là một chợ lớn của vùng, với mặt hàng tiêu thụ chính là nông sản.

    Dừa Bến Tre được nhập về Thổ Tang để xuất đi Sơn La (ảnh Đỗ Hữu Lực)

    Dừa Bến Tre được nhập về Thổ Tang để xuất đi Sơn La (ảnh Đỗ Hữu Lực)

  7. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  8. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  9. Chợ Rồng
    Một ngôi chợ ở Nam Định, nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Chợ Rồng được xây dựng năm 1922, có một tầng, rộng hơn 7.000 m². Năm 1991 chợ bị cháy lớn, bị hư hỏng nặng và được xây lại vào năm 1992, cao ba tầng và rộng 10.000 m² như hiện nay.

    Chợ Rồng ngày trước

    Chợ Rồng ngày trước

  10. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  11. Tứ thời
    Bốn mùa (từ Hán Việt).
  12. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  13. Bún thang
    Một món ăn cầu kì, được coi là đặc sản của Hà Nội. Để nấu bún thang cần có khoảng 20 nguyên liệu, trong đó có bún, thịt gà xé nhỏ, giò lụa, trứng tráng thái chỉ, ruốc tôm, củ cải khô, hành, rau răm... Nước dùng được nấu từ nước luộc gà, nước ninh xương ống và một con mực khô. Khi ăn người ta trần bún, xếp các nguyên liệu lên và chan nước dùng, có thể thêm một chút tinh dầu cà cuống hay mắm tôm.

    Bún thang

    Bún thang

  14. Bún chả
    Một món ăn phổ biến ở miền Bắc, được coi là đặc sản của Hà Nội. Bún chả gồm có bún tươi ăn kèm với chả viên, chả miếng nướng trên bếp than củi và rau sống. Nước chấm là nước mắm pha loãng, có đầy đủ gia vị chua cay mặn ngọt, cùng với su hào hoặc đu đủ xanh và cà rốt trộn dấm.

    Bún chả

    Bún chả

  15. Kẹo vừng
    Loại kẹo được làm từ đường kính và mạch nha nấu chảy, trộn với vừng đã rang thơm, cán mỏng và cắt thành thanh, bên ngoài phủ một lớp mỏng bột nếp rang. Kẹo vừng ngọt, giòn và bùi ngậy, là đặc sản ở Nam Định.
  16. Đường cái quan
    Cũng gọi là đường thiên lí, quan báo, quan lộ, tuyến đường bộ quan trọng bậc nhất nước ta, bắt đầu từ địa đầu biên giới phía bắc ở Lạng Sơn cho tới cực nam Tổ quốc ở Cà Mau. Đường cái quan được cho là xây dựng từ thời nhà Lý, theo dòng Nam tiến của dân tộc mà kéo dài dần xuống phương nam. Đường được tu bổ và hoàn thiện dưới triều Nguyễn rồi mở rộng thêm trong thời Pháp thuộc.

    Nghe bản trường ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy.

    Đoạn đường cái quan ở Quảng Nam hồi đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine)

    Đoạn đường cái quan đi qua Quảng Nam đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine).

  17. Chận
    Chặn lại (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  19. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  20. Chợ Động
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tên chợ được người dân ở đây phát âm nặng hơn là chợ Đôộng.
  21. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  22. Chợ Chè
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  23. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  24. Chợ Trạm
    Tên một ngôi chợ ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  25. Rạm
    Loài cua nhỏ thân dẹp có nhiều lông, sống ở vùng nước lợ. Rạm giàu chất bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như: rạm rang lá lốt, rạm nướng muối ớt, canh rạm rau đay, canh rạm rau dền mồng tơi...

    Con rạm

    Con rạm

  26. Chợ Thùi
    Tên một ngôi chợ thuộc xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trước thời kỳ chống Pháp, chợ Thùi đóng ở bến đò chợ Thùi (thôn Thạch Bàn), nơi hạ nguồn sông Kiến Giang. Đến những năm 1960, chợ được dời sang Mũi Viết, thuộc thôn Phú Thọ. Quy mô không lớn như nhiều chợ khác nhưng chợ Thùi đã nức tiếng hàng trăm năm nay và có nhiều khác biệt so với những chợ trong vùng. Sách Địa chí Lệ Thủy giải thích: “Thùi theo tiếng Chăm có nghĩa là quán lợp lá, từ đó có thể suy ra chợ Thùi có nghĩa là chợ có những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng”. Chợ là nơi hội tụ những sản vật đồng ruộng, đầm phá.

    Thịt chuột bán ở chợ Thùi

    Thịt chuột bán ở chợ Thùi

  27. Chợ Tréo
    Tên một ngôi chợ nay thuộc địa phận thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nằm ở ngã ba sông Kiến Giang. Chợ rất sầm uất, bán rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng quê chiêm trũng: bánh ướt, bánh tráng, bánh đòn, bánh nếp, chè bột lọc, bún thịt lợn...

    Chợ Tréo

    Chợ Tréo

  28. Chợ Tuy Lộc
    Tên một ngôi chợ ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  29. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  30. Cá ngừ
    Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

    Cá ngừ

    Cá ngừ

  31. Nuốt
    Cũng viết là nuốc, một loại sứa gặp nhiều ở các vùng biển Bắc Trung Bộ. Nuốt được chế biến thành các món bình dân như nuốt chấm ruốc, bún giấm nuốt…

    Nuốt

    Nuốt

  32. Chợ Cưỡi
    Tên một ngôi chợ thuộc thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  33. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  34. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  35. Chợ Mỹ Đức
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  36. Lệ Thủy
    Một địa danh nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống. Tương truyền đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm...

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

  37. Chợ Đồng Lương
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Một số nguồn ghi là chợ Đồng Nương, có lẽ do sai lệch về phát âm.
  38. Bộ hành
    Người đi đường (từ Hán Việt). Cũng gọi là khách bộ hành.
  39. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  40. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  41. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  42. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  43. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  44. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  45. Ở nông thôn thời xưa, người ở làm mùa mướn thường là sáu tháng.
  46. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  47. Bình Lương
    Tên một ấp nay thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên dòng sông Cổ Chiên.
  48. Tân Tạo
    Một con sông chảy ngang qua huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
  49. Chợ Vĩnh Long
    Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

  50. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  51. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  52. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  53. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  54. Rượu Hồng Đào
    Một loại rượu ngon. Có nhiều ý kiến khác nhau về cái tên Hồng Đào, như cho rằng "rượu Hồng Đào được ngâm từ rượu Bàu Đá, ủ với trái đào tiên, có màu hồng tươi rất đẹp" (nguồn), "rượu đế (trắng) thường nấu bằng gạo sau khi lên men, dùng cây tăm hương (chân hương đã đốt còn trong bát nhang) hay lấy cái vỏ bao hương nhúng vào rượu trắng, nhuộm màu hồng của chân hương hay vỏ bao hương cho rượu" (nguồn), hoặc đơn giản chỉ là một cách nói văn vẻ cho loại rượu "được gói trong tờ giấy kiếng màu hồng, được thắt nơ hồng và được đưa vào mâm lễ ở các đám hỏi, đám cưới" (nguồn).
  55. Nhạo
    Bình nhỏ có vòi dùng để đựng rượu (phương ngữ).
  56. Lộn lạo
    Lẫn lộn (phương ngữ).
  57. Mơi
    Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  58. Chợ Lớn
    Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.

    Chợ Bình Tây ngày trước

    Chợ Bình Tây ngày trước

  59. Chợ Bình Đông
    Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).

    Chợ Bình Đông

    Chợ Bình Đông

  60. Chợ Gạo
    Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

    Kênh Chợ Gạo

    Kênh Chợ Gạo

  61. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  62. Chợ Bến Tranh
    Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
  63. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  64. Cầu Quan
    Địa danh nay thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Tại đây vào thời nhà Lê có họp chợ trên bờ sông, và hàng năm đến đầu mùa xuân thì có tục bơi thuyền rồng.
  65. Thuyền rồng
    Loại thuyền có trang trí, chạm khắc hình rồng, ngày xưa là thuyền dành cho vua chúa. Dân tộc ta cũng có truyền thống đua thuyền rồng trong các dịp lễ hội.

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

  66. Có bản chép:
    Chợ trưa, người vãn, còn nài thấp cao.