Thành ngữ / Tục ngữ

Chú thích

  1. Sượng mẹ, bở con
    Kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ...). Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon.
  2. Bò giày phải mũi
    Con bò giẫm phải sợi thừng dắt mũi nó. Chỉ việc nói loanh quanh, luẩn quẩn, trao đi đổi lại mãi mà vẫn không nhận thức được vấn đề.
  3. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  4. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  5. Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới bể
    Con dâu ít khi quan tâm đến mẹ chồng. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công: “[nàng dâu] tay thì rẽ tóc nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu; nhìn thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình.”
  6. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  7. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)

  8. Đa đa
    Còn gọi là gà gô, một loài chim rừng, thường sống trên cây hoặc trong các bụi rậm trên núi cao, ăn sâu bọ, đuôi ngắn. Đa đa thường bị săn bắt để lấy thịt.

    Chim đa đa

    Chim đa đa

  9. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  10. Lá bàng tai trâu, sầu đâu chân chó
    Chỉ quãng thời gian mùa xuân từ tháng hai trở đi. Theo Vũ Bằng: Trên các cành bàng, lá non hé mở và cuốn lại, chưa bung ra hết, y như thể tai trâu, còn cây sầu đâu thì từ khoảng này cũng trổ lá non nhưng nhúm lại với nhau thành một hình tròn như vết chân con chó để lại trên mặt đất, sau một đêm mưa tuyết (Thương nhớ mười hai).
  11. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  12. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  13. Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim
    Tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng của tỉnh Quảng Bình ngày xưa: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạn, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại.
  14. Lan, Đính, Chính, Tường
    Lê Mậu Lan, nguyên giám đốc nhà máy xi măng Long Thọ; Nguyễn Hữu Đính, kĩ sư nông lâm; Ngô Thế Chính, phó tiến sĩ sử học, nguyên hiệu trưởng trường Đồng Khánh (giờ là trường Hai Bà Trưng); Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn. Đây là bốn nhân vật ở Huế bị chính quyền cộng sản nghi kị sau 1975.
  15. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  16. Quảng Xương
    Địa danh nay là một huyện duyên hải thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  17. Hoằng Hóa
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, nằm bên cửa Lạch Hới, nơi sông Mã đổ ra biển Đông.
  18. Nhân Mục
    Tên Nôm là Kẻ Mọc, tên gọi chung một số thôn làng cổ nằm trên bờ Nam sông Tô Lịch, phía ngoài lũy thành đất Thăng Long. Theo Quốc sử tạp lục thì vào thế kỷ 10, các làng Mọc đều có rừng, vậy mới có tên là Kẻ Mọc, tên chữ là Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Xã Nhân Mục dân số ngày càng đông, phát triển thành hai xã là: Nhân Mục Cựu (gồm hai thôn Thượng Đình và Hạ Đình) và Nhân Mục (gồm các thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Kẻ Mọc ngày trước có nhiều người đỗ đạt, nhiều di tích lịch sử và văn hóa.
  19. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  20. Pháp Vân
    Tên một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Xưa kia làng có nghề làm và bán bún ốc.
  21. Làng Mọc thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ mình
    Tương truyền khi quan đô sát Từ Vinh (cha của Từ Lộ, tức thiền sư Từ Đạo Hạnh) bị mưu sát, xác ông bị chém thành ba khúc, vứt xuống sông Tô Lịch. Ba làng Mọc, Lủ Cầu và Pháp Vân vớt được ba phần xác của ông, lập đền thờ.
  22. Từ Đạo Hạnh
    (1072-1116) Tục gọi là đức thánh Láng, một thiền sư người Việt Nam thời nhà Lý. Tại Hà Nội có chùa Láng, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông.
  23. Thánh Gióng
    Cũng gọi là Phù Đổng Thiên Vương, một trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử). Theo truyền thuyết, ông sinh ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thời vua Hùng thứ 6. Gióng lên ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết đi. Khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, Gióng bỗng nhiên cất tiếng xin vua đóng cho ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt và nón sắt. Sau đó Gióng ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, vươn vai trở thành một chàng trai cao lớn, lên ngựa đi đánh tan giặc, rồi bay về trời tại chân núi Sóc Sơn.

    Hiện nay tại làng Phù Đổng vẫn còn đền thờ Thánh Gióng. Ở nhiều làng quê Hà Nội cũng có ngày hội Gióng.

  24. Nắng ông Từa, mưa ông Gióng
    Kinh nghiệm dân gian, cứ vào ngày hôị thánh Từa (tức Từ Đạo Hạnh) mồng 7 tháng 3 âm lịch thì thể nào cũng nắng to, còn vào hội Gióng mồng 9 tháng 4 âm lịch thì có mưa giông.
  25. Lưng chữ cụ, vú chữ tâm
    Lưng thẳng, cân đối (trông như chữ “cụ” 具), vú đầy đặn, săn chắc (hình dáng như chữ “tâm” 心) là hai nét hay gặp của người phụ nữ mắn đẻ, khéo nuôi con.
  26. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.