Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  3. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  4. Công trình
    Công phu khó nhọc.
  5. Đay
    Nói đi nói lại cho bõ tức, với giọng điệu làm người ta khó chịu.
  6. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  7. Cội
    Gốc cây.
  8. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  9. Trang
    Đồ bằng gỗ, được đóng hoặc treo trên tường, chỗ cao ráo, trang trọng để thắp nhang, đặt bình hoa và các vật phẩm khác để thờ cúng ông bà tổ tiên.
  10. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  11. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  12. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).
  14. Thanh xuân bất tái
    Tuổi xanh không quay trở lại (chữ Hán).
  15. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  16. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  17. Càn
    Ẩu, bừa (nói càn, làm càn).
  18. Rồng lấy nước
    Còn gọi là vòi rồng, là hiện tượng một cột gió xoáy có đầu trên tiếp xúc với một đám mây, trong khi đầu dưới lại quét trên mặt đất. Sức gió rất nhanh và mạnh trong vòi rồng hút các vật từ mặt đất lên, đồng thời ngưng tụ hơi nước trong không khí thành những hạt nước nhỏ li ti, nên nhìn từ xa giống như có con rồng trên mây chúi đầu xuống hút nước. Tùy vào màu sắc của đám mây và ánh sáng, vòi rồng có thể có màu trắng, xám, hay đen.

    Vòi rồng

    Vòi rồng

  19. Mằn
    Mân mê, sờ mó (phương ngữ Nam Bộ).
  20. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  21. Ba đào
    Sóng gió, chỉ sự nguy hiểm, bất trắc (từ Hán Việt).
  22. Sông dải non mài
    Nguyên văn chữ Hán: "Lệ sơn đái hà" (ngọn núi nhỏ như hòn đá mài, dòng sông hẹp bằng dải thắt lưng, ý nói sự thay đổi biến chuyển lớn lao trong trời đất) thường dùng khi thề nguyền. Hán Cao Tổ (Trung Quốc) sau khi thống nhất thiên hạ, phân phong đất đai cho các tướng lĩnh, chư hầu, lập lời thề rằng: Dù núi Thái Sơn có mòn đi như hòn đá mài, sông Hoàng Hà có thu lại bằng dải thắt lưng, thì đất phong của các ngươi vẫn mãi mãi yên ổn, truyền đến con cháu.
  23. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  24. Gành Bà
    Một gành đá nằm ở phía bắc vịnh Xuân Đài, dọc theo bán đảo Xuân Thịnh, tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

  25. Gành Ông
    Một ghềnh đá thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách Gành Bà chừng một cây số.

    Gành Ông

    Gành Ông

  26. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  27. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  28. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  30. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  31. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  32. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  33. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  34. Dẫn cưới
    Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
  35. Đượng
    Đơn vị dùng để đo độ dài mặt hàng vải, lụa. Một đượng bằng mười thước may.