Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  2. Sống lưng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  3. Rạp hát bóng
    Rạp chiếu phim (từ cũ).
  4. Sở đồ hình
    Trại giam (từ cũ).
  5. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  6. Sưa
    Thưa (phương ngữ).
  7. Mành mành
    Đồ dùng được làm từ tre, gỗ hoặc nhựa, thường được treo ở cửa chính hoặc cửa sổ nhà ở để che bớt ánh sáng.

    Mành mành

    Mành mành

  8. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  9. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  10. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Kiếu
    Xin phép để ra về.
  12. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  13. Giường lèo
    Loại giường bằng gỗ quý, chạm trổ công phu, có nguồn gốc từ Lào. Trước đây loại giường này thường được các nhà quyền quý đặt thợ người Lào làm, nên gọi là giường lèo (đọc trại chữ Lào). Sau này thợ của ta cũng làm được loại giường này, nhưng vẫn giữ tên giường lèo.
  14. Trướng
    Màn. Ngày xưa, tấm màn che buồng người con gái gọi là trướng. Ngoài ra, theo Thiều Chửu: Quân đi đến đâu, căng vải lên làm rạp để nghỉ cũng gọi là trướng.

    Êm đềm trướng rủ màn che
    Tường đông ong bướm đi về mặc ai

    (Truyện Kiều)

  15. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  16. Cao lầu
    Món mì được xem là đặc sản của thị xã Hội An. Cao lầu nhìn khá giống mì Quảng với có sợi mì màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống... Khác với mì Quảng, cao lầu có rất ít nước dùng.

    Cao lầu

    Cao lầu

  17. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  18. Thăng Bình
    Tên một huyện ven biển ở phía Đông tỉnh Quảng Nam, huyện lỵ là thị trấn Hà Lam. Thời nhà Nguyễn, Thăng Bình là một phủ thuộc Dinh Quảng Nam. Huyện nổi tiếng với đặc sản khoai lang Trà Đỏa.

    Cảnh đẹp Thăng Bình

    Cảnh đẹp Thăng Bình

  19. Duy Xuyên
    Tên một huyện nằm phía Bắc tỉnh Quảng Nam, có truyền thống hiếu học. Nơi đây có hai thắng tích nổi tiếng là thánh địa Mỹ Sơn và thành cổ Trà Kiệu.

    Thánh địa Mỹ Sơn

    Thánh địa Mỹ Sơn

  20. Bánh đập
    Cũng gọi là bánh dập hay bánh chập tùy theo vùng, một loại bánh phổ biến ở miền Trung. Bánh gồm một miếng bánh ướt ghép với một miếng bánh tráng nướng, xong đập nhẹ để bánh tráng nướng vỡ vụn dính chặt vào bánh ướt. Bánh đập có thể ăn riêng với mắm nêm hoặc ăn kèm với rau sống, thịt nướng...

    Bánh đập

    Bánh đập

  21. Hòa Vang
    Địa danh nay là một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng nhờ các địa điểm du lịch sinh thái như Bà Nà - núi Chúa, Suối Mơ...

    Tượng Phật trên đỉnh Bà Nà

    Tượng Phật trên đỉnh Bà Nà

  22. Điện Bàn
    Tên một thị xã đồng bằng ven biển phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng các làng nghề truyền thống như đúc đồng, gốm, gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, dệt chiếu, mì Quảng Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống, khu du lịch Bồ Bồ, tháp Bằng An...

    Bê thui Cầu Mống

    Bê thui Cầu Mống

  23. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  24. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).