Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  2. Hang Dơi
    Tên một cái hang ở chân núi phía Đông khu vực đèo Hải Vân, nằm sát biển. Tương truyền ngày xưa ở đây hay có sóng thần, gió to, rất nguy hiểm cho thuyền bè đi lại.
  3. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  4. Tiền ngắn mặt dài
    Tiền ngày xưa được xâu thành chuỗi. Tiền ngắn nghĩa là xâu tiền ngắn, số tiền nhỏ. Tiền nhỏ thì mặt dài, nghĩa là mặt mày khó chịu.
  5. Con giáp
    Tên người Việt Nam thường dùng để gọi mười hai con vật tượng trưng cho mười hai chi trong âm lịch, gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
  6. Bánh phồng
    Tên chung của các loại bánh được làm từ bột ngũ cốc kết hợp gia vị, phụ gia, sau đó được chiên phồng trong mỡ nước hay dầu ăn. Bánh phồng có nhiều loại, trong đó phổ biến là bánh phồng mì, bánh phồng nếp, bánh phồng tôm, bánh phồng vẽ...

    Bánh phồng tôm

    Bánh phồng tôm

  7. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  8. Mỹ Lồng
    Còn gọi là Mỹ Luông, một cái chợ có từ lâu đời, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sách Gia Định thành thông chí chép: "Nơi bờ phía bắc (sông Bến Tre) là chợ Mỹ Luông (tên cũ của chợ Mỹ Lồng) phố xá liền lạc, người buôn bán tụ hội đông đảo." Nơi đây nổi tiếng với đặc sản bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, được chia làm nhiều loại: bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh ngang chỉ có dừa không sữa; bánh sữa không dừa...

    Bánh tráng Mỹ Lồng

    Bánh tráng Mỹ Lồng

  9. Sơn Đốc
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nổi tiếng với đặc sản bánh phồng.

    Bánh phồng Sơn Đốc

    Bánh phồng Sơn Đốc

  10. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  11. Hàm Luông
    Một trong các nhánh của sông Tiền, là ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70 km, chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre. Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi... Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

  12. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  14. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  15. Bóng đi trên trời: Rươi thường xuất hiện vào những ngày trời âm u, nhiều mây, gọi là mây bóng rươi.
  16. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  17. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  18. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  19. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  20. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  21. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  22. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  23. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  24. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  25. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  26. Nhởi
    Chơi (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Kiến bất thủ nhi tầm thiên lí
    Ở ngay trước mắt mà không giữ lấy, cứ mải đi tìm ở chốn xa xôi.
  28. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  29. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  30. Đáo xứ lai
    Bay về nơi nao.
  31. Tưởng
    Nghĩ, cho rằng.
  32. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  33. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  34. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  35. Từ bi
    Một khái niệm bắt nguồn từ Phật giáo, dịch của chữ karunâ trong kinh sách tiếng Phạn. Từ nghĩa là lành, hiền ; bi là thương xót, thương hại. Từ bi chỉ lòng thương xót trước sự đau khổ của người khác.
  36. Có bản chép: thích oản.
  37. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Cửu Chùa.
  38. Bảo An
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bảo An là một làng có nghề nấu đường truyền thống từ thế kỉ 17, nhưng hiện nay đã mai một.

    Xem phóng sự Nghề xưa còn một chút này về nghề nấu đường ở Bảo An.

  39. Trong quá trình nấu đường, khi nước mía sôi, thợ đường phải bỏ vôi vào. Vôi là những vỏ sò được nung chín, đem giã nhỏ. Nếu bỏ nhiều vôi (già vôi) đường bị cứng và biến chất; nếu bỏ ít vôi (non vôi) đường sẽ không đông cứng được. Bỏ vôi vừa phải (vừa vôi) sẽ cho ra bát đường sáng, đẹp, có vị ngọt thanh rất đặc biệt và bảo quản được lâu. Bỏ vôi là công đoạn khá quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề.
  40. Thắng đường
    Một công đoạn trong quá trình nấu đường từ mía. Nước mía được đun sôi cho bốc hơi, dần dần đặc quánh, dẻo, sau đó được đổ ra bát, đông lại trở thành đường bát.

    Nấu đường bằng chảo

    Nấu đường bằng chảo

  41. Có bản chép: thén. Đây là cách phát âm chữ "thắng" của người Quảng Nam.
  42. Hòn Khói
    Một bán đảo nằm cách thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà chừng 10km về hướng Đông Bắc. Có tài liệu chép rằng xưa kia tại đây là cửa biển quan trọng, triều đình nhà Nguyễn cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi có chất củi khô, khi nào có giặc bể vào cướp bóc thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi quân tiếp viện. Vì vậy nơi này có tên là Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang.

    Ngày nay, Hòn Khói là một bán đảo đẹp, cảnh quan hấp dẫn, nơi có nhiều chim yến làm tổ của tỉnh Khánh Hoà, đồng thời cũng là vựa muối của cả nước.

    Ruộng muối ở Hòn Khói

    Ruộng muối ở Hòn Khói

  43. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  44. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  45. Xâu kim
    Động tác luồn chỉ vào lỗ kim khi may vá.