Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cấm cảu
    Gắt gỏng, cáu kỉnh. Cũng như cắm cảu, cấm cẳn.
  2. Bào hao
    Hùa theo, bắt chước theo mà không biết đến hậu quả.
  3. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  4. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  5. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  6. Cá ve
    Một loại cá trích nhỏ. Xem thêm chú thích Cá trích.
  7. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  8. Bo bo
    Còn có tên là ý dĩ, một loại ngũ cốc thân cao, hay bị nhầm với lúa mạch, hạt có thể ăn như lương thực hoặc dùng làm thuốc. Trong chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975) và cả thời bao cấp (1976 - 1986), dân ta phải ăn cơm độn với bo bo, khoai, sắn, mì...

    Bo bo, tên khoa học là Coix Lacryma-jobi.

    Bo bo

  9. Sương nác
    Gánh nước (phương ngữ một số nơi ở Trung Bộ).
  10. Cù nèo
    Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
  11. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  12. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  13. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  14. Tráng mì Quảng
    Một công đoạn trong quá trình làm mì Quảng. Nồi tráng mì là một nồi nước sôi, miệng căng một lớp vải. Người làm mì quét một lớp dầu mỏng trên lớp vải nồi, sau đó múc dung dịch bột mì đổ lên, dàn đều, và đậy vung lại để hơi nước làm cho mì chín (tạo thành "lá mì").

    Tráng mì Quảng

    Tráng mì Quảng

  15. Khoảng đất cạnh bờ sông, thường để trồng nông sản hoặc dâu tằm.
  16. Được lòng đất mất lòng đò
    Được lòng người ngày thì mất lòng người kia. Ở vào tình thế khó xử, không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
  17. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  19. Mao
    Một cách gọi của hào.
  20. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Cho tinh thần
    Cách nói của người miền Trung, có thể hiểu thành “cho lên tinh thần, cho (có vẻ) mạnh mẽ.”
  22. Trất
    Quách (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  25. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  26. Phú Gia
    Một thôn nay thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Phú Gia nổi danh với nghề làm nón ngựa.
  27. Phú Đa
    Một ngôi chợ thuộc thôn Tân Dân, thuộc tổng Háo Đức thượng, nay thuộc xã An Nhơn, thị xã Nhơn An, tỉnh Bình Định. Theo người xưa thì ông Võ Văn Thành, quê ở Phú Đa làm quan đại thần dưới triều chúa Nguyễn Phúc Trăn (1678 – 1691) và ông tổ họ Trần là những người có công thành lập chợ. Nhờ nằm trên các trục lộ giao thông, xe cộ, thuyền bè qua lại thuận tiện nên thời bấy giờ Phú Đa là một trung tâm thương mại ở phía nam Bình Định. Chợ họp một tháng 6 phiên vào những ngày 4 và 9 (4, 9, 14, 19, 24, 29) mỗi tháng. Ngoài ra, ngày nào cũng có chợ chiều đông đúc phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân cả vùng.
  28. Bụng ỏng
    Bụng to phình, thường được dùng để gọi đùa người có thai.