Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  2. Nhà chay
    Còn gọi là trai đường, là khu vực nhà ăn trong chùa, nơi các nhà sư dùng bữa.
  3. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  4. Ăn nồi bảy thì ra, ăn nồi ba thì mất
    Nồi bảy là nồi thổi được bảy suất cơm cho bảy người ăn. Nồi ba là nồi thổi được ba suất cơm cho ba người ăn. "Ăn nồi bảy thì ra" là nhà phải thổi cơm nhiều người ăn, thì làm ra tiền ra thóc. "Ăn nồi ba thì mất" là ít người ăn thì ăn bao nhiêu hết bấy nhiêu, không làm lợi ra chút nào. Câu này nói ý nhà có thợ làm nhiều (như vụ cày vụ gặt), thì lại làm ra tiền của; trái lại nhà nghèo chỉ có vợ chồng con cái, tuy ít tiêu nhưng ăn tiêu đồng nào hết đồng ấy, không làm ra tiền. (Theo Tục ngữ lược giải - Lê Văn Hòe)
  5. Phèn chua
    Một loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Người ta dùng phèn chua để đánh nước cho trong hoặc làm thuốc giữ màu trong quá trình nhuộm vải.

    Phèn chua

    Phèn chua

  6. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  7. Mắt lá răm
    Mắt dài như lá rau răm, được xem là mắt đẹp.
  8. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  9. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  10. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  11. Mậm
    Mầm (thường dùng cho các loại cây lương thực như lúa, ngô). Lúa mọc mậm là lúa đã mọc mầm, rễ từ hạt, thường là do ngâm lâu dưới nước.
  12. Hàng Nồi
    Thời Pháp thuộc tên Rue de Paris, nay là phố Nguyễn Thiện Thuật, một phố cổ ở thành phố Nam Định.
  13. Thi lễ
    Kinh Thi và kinh Lễ, dùng để chỉ sự nền nếp, gia giáo thời phong kiến.
  14. Mĩ mạo
    Mặt đẹp (từ Hán-Việt).
  15. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  16. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  17. Màng
    Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
  18. Kỳ ngộ
    Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
  19. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  20. Tư Mã Tương Như
    Tự là Tràng Khanh, người ở Thành Ðô, đời vua Cảnh Ðế nhà Hán. Ông là một người đa tài, văn hay đàn giỏi, được phong làm quan nhưng sau đó sinh chán nên cáo bệnh từ quan. Khi ông đến nhà Trác Vương Tôn chơi, Trác Vương Tôn yêu cầu ông cho đàn một bài. Biết Trác Vương Tôn có người con gái rất đẹp tên là Văn Quân, còn trẻ mà sớm goá chồng, thích nghe đàn nên Tương Như sinh lòng yêu mến, nhân đó định trêu nàng nên vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng. Trác Văn Quân đứng nép bên trong nghe tiếng đàn thì lòng cảm thấy bồi hồi, sau bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Dập dìu lá gió cành chim,
    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh

    (Truyện Kiều)

  21. Phượng cầu hoàng
    Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:

    Phượng hề phượng hề quy cố hương
    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
    Thời vị ngô hề vô sở tương
    Hữu diện thục nữ tại khuê phường
    Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
    Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
    Tương hiệt ương hề cộng cao tường

    Trong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:

    Cầu hoàng tay lựa nên vần
    Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào

  22. Trác Văn Quân
    Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Như chuyện Tương Như và Trác thị,
    Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
    Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
    Tôi với em Nhi kết vợ chồng

    (Hoa với rượu - Nguyễn Bính)

  23. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  24. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  25. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  26. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau