Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngõ hầu
    Rồi mới có thể, sao cho đạt được (từ cũ).

    "Thôi thì ai cũng hết sức tự tô lục chuốt hồng, chiều chuộng nịnh hót đức lang quân, ngõ hầu được với luôn thì đã đủ là hân hạnh. Ngày thì họ là những tay quản gia đồn điền của ông chủ. Đêm đến họ là vợ..." (Giông tố - Vũ Trọng Phụng)

  2. Hữu danh vô thực
    Chỉ có tiếng, chứ thực tế chẳng có (tài năng) gì.
  3. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  4. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  5. Đã thèm
    Chán chường (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Còng gió
    Loại còng ở biển, chạy rất nhanh. Nhân dân ta thường bắt còng gió làm mắm hoặc làm món ăn, nhất là trong những ngày biển động.

    Còng gió

    Còng gió

  7. Kén lừa
    Kén chọn.
  8. Bương
    Giống cây bề ngoài giống như tre, thân to, thẳng, mỏng mình. Các dân tộc miền núi thường dùng thân bương (ống bương) làm vật dụng gia đình như đựng giấy tờ, chứa nước, làm điếu cày, đựng thức ăn,...

    Đựng nước bằng ống bương

    Đựng nước bằng ống bương

  9. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  10. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  11. Xí gạt
    Lừa gạt nhưng chỉ để cho vui, không ác ý (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Quản voi
    Còn gọi là quản tượng, người lo việc coi sóc và huấn luyện voi.

    Quản tượng cưỡi voi

    Quản tượng cưỡi voi

  13. Xáu láu xua lua
    Láu táu, lanh chanh (phương ngữ Phú Yên).
  14. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  15. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  16. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  17. Rộc
    Đất trũng ven các cánh đồng, hoặc giữa hai sườn đồi núi. Cũng có nghĩa là ngòi nước nhỏ, hẹp.
  18. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  19. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  20. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  21. Điều
    Cũng gọi là đào lộn hột, một loại cây công nghiệp dài ngày. Quả (thật ra là cuống phình to ra) vị ngọt, nhiều nhựa, ăn được. Hạt (thật ra là quả) hình thận, chứa dầu, rang ăn giòn và bùi.

    Quả đào lộn hột

    Quả đào lộn hột

  22. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bảy Hột.
  24. Năm 1882 có sao chổi mọc, người xưa cho là có điềm xấu hoặc chiến tranh xảy ra.
  25. Ngày 9 tháng 5 năm 1883 (Quý Mùi), tại Cầu Giấy (Hà Nội), quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đã phục kích quân Pháp do Rivière chỉ huy trong cuộc chuyển quân từ Hà Nội về Phủ Hoài. Trận đánh xảy ra trong 3 tiếng đồng hồ với chiến thắng thuộc về quân Cờ Đen. Về phía Pháp, Rivière bị giết chết.

    Trận Cầu Giấy

    Trận Cầu Giấy

  26. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  27. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.