Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  2. Hàng Bột
    Một phố của thành Thăng Long ngày trước, nay là phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội.
  3. Hàng Đường
    Một phố trong khu phố cổ Hà Nội, dài 180m, chạy theo hướng bắc - nam, phía nam nối vào phố Hàng Ngang, phía bắc nối phố Đồng Xuân, cắt ngang bởi phố Hàng Cá và Ngõ Gạch. Tên phố từ xưa đến nay không bị thay đổi. Đây là nơi từ xưa chuyên bán các loại đường, mứt, bánh, kẹo. Từ khoảng những năm 1940 đến nay, phố này bắt đầu trở thành nơi nổi tiếng với các sản phẩm ô mai.
  4. Hàng Muối
    Một phố cổ của Hà Nội. Xưa kia phố này nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều thuyền chở muối lên đem bán ở đây.
  5. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  6. Phạm Công
    Tức Phạm Huyên, hiệu là Minh Dực, thân phụ của bà Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế.

    Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch, bấy giờ còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Quyết không để rơi vào tay giặc, bà đã nhảy xuống sông tự vẫn. Xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục) thì được nhân dân lén vớt lên chôn cất, rồi lập đền thờ. Đó chính là đền Dục Anh, nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa.

    Tượng thờ hoàng hậu Phạm  Thị Uyển trong đền Dục Anh

    Tượng thờ hoàng hậu Phạm Thị Uyển trong đền Dục Anh

  7. Phò
    Phù trợ, phù hộ (từ Hán Việt).
  8. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  9. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  10. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  11. Tùa
    Lớn (cách phát âm chữ 大 đại của người Triều Châu).
  12. Nguyệt Viên
    Tên một ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Mã, thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nguyệt Viên từ xưa nổi tiếng là đất hiếu học, được gọi là "làng khoa bảng," "làng đại khoa." Nhiều trò chơi dân gian như kéo hẹ, múa tú huần, ném vòng đầu vịt... vẫn được lưu giữ và biểu diễn ở các hội làng mỗi dịp đầu xuân.
  13. Có bản chép: Lại có sông liền tắm mát nghỉ ngơi.
  14. Đãy
    Cũng gọi là tay nải, cái túi to làm bằng vải, có quai để quàng lên vai, dùng để mang đi đường. Đây là vật dụng thường thấy ở những nhà sư khất thực.

    Mang đãy

    Mang đãy

  15. Hoài
    Uổng phí, mất đi một cách hoàn toàn vô ích do đem dùng vào việc không đáng hoặc không mang lại một kết quả nào cả.
  16. Gần nhà xa ngõ
    Nhà thì ở gần nhau nhưng ít tới thăm viếng nhau.
  17. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  18. Siết cạnh
    Nghiêm khắc.
  19. Roi song
    Roi làm bằng cây song, một loại cây họ gỗ, giống cây mây nhưng to và dài hơn. Đánh bằng roi song rất đau. Thời xưa khi tra tấn người ta còn đánh bằng roi song ngâm muối.

    Cây song

    Cây song

  20. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  21. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  22. Điếu cày
    Một loại điếu để hút thuốc lào, phổ biến trong giới bình dân. Điếu cày làm bằng một khúc ống tre hoặc nứa dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm.

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

  23. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  24. Câu thành ngữ này là kinh nghiệm gieo trồng của nhân dân ta. Theo đó, trồng khoai trên ruộng mới (ruộng trước đó trồng giống cây khác) thì khoai sẽ tốt hơn. Ngược lại, khi gieo mạ nên gieo trên thửa ruộng mùa trước đã trồng lúa (ruộng quen).
  25. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  26. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  27. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  28. Phu phụ
    Vợ chồng (từ Hán Việt: phu là chồng, phụ là vợ).
  29. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  30. Nọc
    Cọc cắm xuống đất để dây trầu quấn mà mọc lên.

    Nọc ở vườn trầu

    Nọc ở vườn trầu

  31. Áo chẹt
    Áo bó sát người (chẹt có nghĩa là chỗ hẹp).
  32. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  33. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).