Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kỳ lân
    Một trong tứ linh, trong văn hóa của một số nước Đông Á. Lân có thể đi trên cỏ mà không làm hư hại cỏ, không làm tổn hại các sinh vật nhỏ bé sống trên đó. Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, và sừng là biểu hiện của từ tâm vì không húc ai bao giờ.

    Tượng kỳ lân

    Tượng kỳ lân

  2. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  3. Phàn xì
    Âm Quảng Đông của hai tiếng phiên thự 番薯, nghĩa là khoai lang.
  4. Có bản chép: Đến khi.
  5. Da mồi tóc sương
    Da lốm đốm những chấm màu nâu nhạt như mai con đồi mồi, tóc bạc như sương tuyết; đây là hình ảnh để tả người già (cũng có cách nói da mồi tóc bạc, tóc bạc da mồi).

    Da đồi mồi

    Da đồi mồi

  6. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  7. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Hốt me
    Còn có tên là đánh me hoặc đánh lú, một trò cờ bạc ngày trước, ban đầu chơi bằng hạt me, về sau thay bằng nút áo. Người ta dồn hạt me thành đống khoảng vài trăm hạt. Chiếu chơi me là vải bố dày phủ lên lớp sơn trắng, trên vạch hai đường chéo đen thành một dấu nhân ( x ) chia mặt vải thành bốn ô là Tam, Túc, Yêu, Lượng, lần lượt tương ứng với 1, 2, 3, và 4 hạt. Trước khi cược tiền, chủ cái dùng một cái que gạt bằng tre gạt từ đống hạt me ra phía trước một số lượng hạt ngẫu nhiên. Khi các con bạc cược tiền vào ô mình chọn xong, chủ cái dùng que gạt để đếm hạt me. Cứ mỗi lần gạt 4 hạt rồi lùa vào trong cho đến lượt cuối cùng chỉ còn lại 4 hạt trở xuống. Nếu thừa 1 hạt là Tam, 2 hột là Túc, 3 hạt là Yêu, 4 hạt là Lượng, rồi căn cứ vào đó mà chung tiền.
  9. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  10. Gẫm
    Ngẫm, suy nghĩ.
  11. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  12. Nỏ mần chi
    Chẳng làm gì (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  14. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  15. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  16. Định Tường
    Tên một tỉnh cũ của vùng Tây Nam Bộ dưới thời Nguyễn, trước đây thuộc nước Chân Lạp, nay thuộc địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp. Trong hòa ước Nhâm Tuất (1862), ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường bị triều đình Huế nhường cho Pháp.
  17. Sở mộ
    Yêu mến, yêu thích. Từ ngày bắt nguồn từ chữ Hán mộ 慕 nghĩa là mến, quyến luyến không rời (theo từ điển Thiều Chửu).
  18. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

  19. Mặt nạc đóm dày
    Mặt nạc là mặt có phần thịt hai má, trán, cằm nhô ra quá nhiều. Đóm dày là đóm (củi) chẻ dày bản, khó cháy. Cả câu chỉ người ngu độn.
  20. Mặt mo
    Mặt dày như cái mo, thường có nghĩa chê bai.
  21. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  22. Thợ rào
    Thợ rèn.
  23. An Khê
    Tên một cái đèo giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, đồng thời cũng là tên một trong hai thị xã của tỉnh Gia Lai. Khu vực An Khê đồi núi trập trùng, hiểm trở, nên được nghĩa quân Tây Sơn chọn làm căn cứ địa trong những ngày đầu kháng chiến.

    Đèo An Khê

    Đèo An Khê

  24. Hòn Ông Bình
    Một ngọn núi nhỏ ở chân đèo An Khê, tỉnh Bình Định. Theo Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, 1967, tr.53:

    Hòn Ông Bình nằm phía tây thôn Thượng Giang. Tuy cao chỉ có 793 thước, song trông rất kì vĩ và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng sự thật thì có nhiều đường lối ra vào. Nơi triền phía Bắc, có đường đèo đi từ Đồng Hào ở ngả Đông, lên Trạm Gò. Cửu An ở ngả Tây. Đèo này gọi là Đèo Vạn Tuế, tuy ngắn song dốc và đá mọc lởm chởm nên rất khó đi. Ở triên phía Nam có con đường mòn chạy theo hướng Đông Nam để đến đèo An Khê.

  25. Quang Trung Nguyễn Huệ
    (1753 – 1792) Người anh hùng áo vải của dân tộc ta, người lãnh đạo phong trào Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai vương triều chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông là một trong những nhà chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử, với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.

    Tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

    Tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ