Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lung Tràm
    Địa danh nay là một ấp thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây chính là quê hương ông Nguyễn Long Phi, nguyên mẫu của nhân vật Bác Ba Phi rất nổi tiếng trong các chuyện kể dân gian Nam Bộ.

    Mộ bác Ba Phi cùng hai người vợ ở Lung Tràm

    Mộ bác Ba Phi cùng hai người vợ ở Lung Tràm

  2. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  3. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  5. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  6. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  7. Sự thế
    Việc (sự 事) ở trên đời (thế 世).

    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
    Ai bày trò bãi bể nương dâu

    (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

  8. Đá Tượng
    Tên một hòn núi cao 127m thuộc dãy Trường Sơn, nằm ở phía Tây vịnh Xuân Đài, thuộc địa phận thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
  9. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  10. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  11. Hà Ra
    Một cửa biển thuộc xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Dưới triều Minh Mạng, đây là một cửa biển quan trọng, có đặt đồn biên phòng. Ngày nay cửa đã bị bồi lấp.
  12. Nhà lẫm thượng
    Nhà có lẫm (đồ quây kín có mái che, dùng để chứa thóc hoặc ngũ cốc) ghép bằng ván, kê cao.
  13. Dĩa bàng thang
    Dĩa làm bằng sứ, lớn, thường dùng để đựng đồ thờ cúng.
  14. Tôm càng
    Một loài tôm lớn nước ngọt có càng dài. Tôm càng có thể dài đến 30 cm, là một loại hải sản có giá trị và nhiều dinh dưỡng. Trong lúc còn là ấu trùng, tôm càng sống ở nước lợ, nhưng khi trưởng thành chúng sống hoàn toàn ở nước ngọt. Vì là một loại hải sản quý, tôm càng được chăn nuôi rộng rãi ở nước ta.

    Tôm càng xanh

    Tôm càng xanh

  15. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  16. Ban cua lưỡi trắng
    Bệnh thương hàn, da nổi mẩn đỏ, lưỡi trắng.
  17. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  18. Đèo Le
    Một cái đèo nằm giữa hai xã Quế Long và Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía Tây Nam. Đèo này vốn do người Pháp khai phá thành con đường lên Nông Sơn và đặt tên là Đờ - Le. Vì đèo cao và dài, đường sá gập ghềnh khó đi, muốn vượt qua thì phải mất nhiều công sức, hết cả hơi thở nên dân gian mới gọi là đèo Le (le với hàm ý là le lưỡi). Hiện nay đây là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, với món đặc sản là gà tre Đèo Le.

    Điểm du lịch Đèo Le

    Điểm du lịch Đèo Le

  19. Sãi
    Người đàn ông làm nghề giữ chùa.
  20. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  21. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  22. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  23. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  24. Đàn cò
    Còn gọi là đàn nhị, một loại đàn có hai dây, chơi bằng cách kéo vĩ. Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải thêm về đàn cò tại đây.

    Kéo đàn nhị

    Kéo đàn nhị

  25. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Nhơn ngãi
    Nhân nghĩa (phương ngữ Nam Bộ).
  27. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  28. Thượng lộ hồi hương
    Lên đường về quê.
  29. Dươn
    Duyên (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  31. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  32. Cầu Quan
    Địa danh nay thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Tại đây vào thời nhà Lê có họp chợ trên bờ sông, và hàng năm đến đầu mùa xuân thì có tục bơi thuyền rồng.
  33. Thuyền rồng
    Loại thuyền có trang trí, chạm khắc hình rồng, ngày xưa là thuyền dành cho vua chúa. Dân tộc ta cũng có truyền thống đua thuyền rồng trong các dịp lễ hội.

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng