Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  2. Lồn lá tre, buồi xe điếu
    Sự tương xứng về kích cỡ (nhỏ) của bộ phận sinh dục nam và nữ.
  3. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Thuyền mành
    Thuyền có buồm trông giống cái mành.

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của JB Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của J.B. Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

  5. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  6. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  7. Nêu cao nhưng bóng chẳng ngay
    Cây nêu tuy cao nhưng thân không thẳng, thân không thẳng thì bóng chẳng ngay. Ý chỉ những người có quyền cao chức trọng nhưng phẩm cách không ra gì.
  8. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  9. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  10. Họa
    Vẽ (từ Hán Việt).
  11. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  12. Nàng Bân
    Nhân vật chính trong sự tích rét Nàng Bân. Theo đó, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng. Thấy mùa rét đến, nàng muốn đan cho chồng một cái áo ấm. Nhưng vì bản tính vụng về chậm chạp, đến khi nàng đan xong áo thì trời cũng hết rét. Thấy nàng buồn bã, Ngọc Hoàng cho trời rét thêm vài hôm nữa để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba, tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân.
  13. Có bản chép: cổ tay.
  14. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  15. Xàu
    Trạng thái héo, rũ, thể hiện nét sầu, buồn bã (Phương ngữ Nam Bộ).
  16. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  17. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  18. Núi Vồng
    Tên một ngọn núi cao nằm ở phía Bắc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hiện nay.
  19. Sông Châu Giang
    Một con sông thuộc hệ thống sông Hồng- sông Thái Bình của miền Bắc, nằm trọn trong địa phận tỉnh Hà Nam. Đây là một con sông có vị trí quan trọng nằm trong lưu vực sông Nhuệ- Đáy. Một đầu của sông được nối với sông Đáy tại Phủ Lý nên sông còn gọi là sông Phủ Lý. Đoạn sông chảy qua xã Yên Lệnh, huyện Duy Tiên gọi là sông Lệnh.

    Châu Giang là phân lưu cũ của sông Hồng, nối với sông Hồng bằng hai cửa: cửa Yên Lệnh-Mạc (Duy Tiên- Lý Nhân) và cửa Hữu Bị, xã Nhân Hậu (Lý Nhân).

  20. Núi Xách Quần
    Tên một hòn núi trong dãy Vĩnh Thạnh, Bình Định. Theo Nước non Bình Định của Quách Tấn thì: "Núi đứng nghiêng nghiêng về hướng Tây Nam, hình giống người đàn bà vừa làm "chuyện gì đó" xong đứng dậy, tay còn xách quần. Nên người địa phương thường gọi là Núi Xách Quần."
  21. Lanh chanh
    Hấp tấp, nhanh nhảu đoảng dễ dẫn đến làm lỡ việc.
  22. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  24. Mao
    Một cách gọi của hào.
  25. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Cho tinh thần
    Cách nói của người miền Trung, có thể hiểu thành “cho lên tinh thần, cho (có vẻ) mạnh mẽ.”
  27. Trất
    Quách (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Khăn tang
    Cũng gọi là khăn chế, loại khăn trắng quấn đầu khi để tang.
  30. Áo thùng
    Áo rộng mặc ngoài áo trảm thôi (áo bằng vải xô, không viền gấu, không cài khuy, chỉ buộc dải, mặc khi để tang cha mẹ).
  31. Đương thì
    Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
  32. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  33. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  34. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  35. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  36. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  37. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  38. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  39. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  40. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  41. Ruộng cả ao liền
    Ruộng lớn rộng bát ngát và ao liền bờ, ý nói cơ ngơi đồ sộ, giàu có.
  42. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  43. Sinh đồ
    Một học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, được xác định trong kỳ thi Hương (là kỳ thi sơ khởi nhất để triều đình tuyển chọn người tài; người nào đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự kỳ thi cao hơn là thi Hội, thi Đình).
  44. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  45. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.